Lê Mai
Báo chí cho hay, đến nay ở VN và trên thế giới đã có tới 120
cuốn sách, không kể vô số những bài báo, bài nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp. Có
một nghịch lý, hình như những sự kiện lịch sử, những yếu nhân lịch sử của VN
lại được các tác giả nước ngoài nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn, đầy đủ hơn là
các tác giả trong nước. Vì sao vậy? Ta mà chưa hiểu hết ta. Và ta thường hay tự
ca ngợi mình: “Ôi ta là ta mà ta vẫn cứ mê ta” (Chế Lan Viên).
Nhưng nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp thì rõ ràng chưa đủ, càng
không thể đầy đủ nếu chỉ căn cứ vào sách báo trong nước. Như nhiều người khác,
tôi cũng có một số cuốn sách về Võ Nguyên Giáp, tỷ như Võ Nguyên Giáp của Geogres Boudarel, nhà sử học Pháp; Chiến thắng bằng mọi giá của Celcil B.Currey, một sử gia quân
sự Hoa Kỳ; Võ Nguyên Giáp – một sự đánh giácủa Peter MacDonald,
sử gia quân sự người Anh và tất nhiên – còn nhiều cuốn sách khác của các tác
giả trong nước.Sách của các tác giả nước ngoài nhìn chung khách quan, có những
phân tích, đánh giá rất sâu sắc con người, tài năng và sự nghiệp của tướng
Giáp. Họ lưu ý đến nhiều vấn đề, nhiều chi tiết có khi rất nhỏ nhưng lại có ý
nghĩa lớn. Họ quan tâm đủ mọi thứ. Tuy nhiên, chưa thể coi các cuốn sách ấy đã
là đầy đủ, hoàn hảo về Võ Nguyên Giáp. Chắc rằng thời gian tới sẽ có rất nhiều
công trình nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp – nhất là khi ông đã về cõi vĩnh hằng.Mong ước nghiên cứu đầy đủ, khách quan về Võ Nguyên Giáp là mong
ước cháy bỏng của tướng Trần Văn Trà. Ông là một danh tướng cùng thời với Võ
Nguyên Giáp, là cấp dưới của ông Giáp. Trần Văn Trà là Tư lệnh B2, địa bàn
chiến lược quan trọng nhất trong cuộc chiến với người Mỹ. Sau khi Hiệp định
Pari được ký kết, Trần Văn Trà được cử làm Trưởng đoàn quân sự của Chính phủ
Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Ban Liêp hiệp quân sự bốn bên, Sài Gòn.
Sau ngày 30.4.1975, có một thời gian ông là Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố
Sài Gòn – Gia Định. Ba ông “họ Trần”: Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà, Trần Bạch
Đằng là ba nhân vật lừng danh một thời vang bóng tại Sài Gòn cũng như miền đất
Nam Bộ.Tác phẩm nổi tiếng của Trần Văn Trà: Những chặng đường lịch sử của B2
thành đồng, mới xuất bản được Tập 1: Hòa
hay chiến tranh và Tập 5: Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm.
Nghe nói, Lê Đức Thọ phán, cuốn sách ấy sai từ đầu đến cuối, sách bị thu hồi
nhưng nay đã được in lại.Tháng 3.1992, tướng Trà đồng ý trả lời phỏng vấn của Nhật Hoa
Khanh – tác giả Gặp Tố Hữu tại
biệt thự 76 Phan Đình Phùng, về
nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp. Nhật Hoa Khanh – nhà nghiên cứu lịch sử VN
hiện đại rất đặc sắc, đã công bố nhiều bài nghiên cứu rất có giá trị, hấp dẫn.Bài trả lời phỏng vấn của Trần Văn Trà về Võ Nguyên Giáp có
nhiều luận điểm cực kỳ sâu sắc, gợi lên cho giới nghiên cứu nhiều suy nghĩ.
Võ
Nguyên Giáp hiện lên trong mắt Trần Văn Trà đầy tài năng và nhân cách.Nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà cho rằng “phải thật
công khai, thật công phu, thật công bằng và thật công tâm” – bốn chữ “thật” rất
đắt giá trong cách diễn đạt. Đã nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp là phải “thật công
khai”: công khai tư liệu, công khai quan điểm, công khai sự kiện; công khai
trong nước, ngoài nước. “Thật công phu” vì với một trí tuệ bậc thầy, siêu việt
như Võ Nguyên Giáp, nếu nghiên cứu một cách hời hợt, bề ngoài, không đi sâu vào
bản chất, vào quy luật, không hiểu được những nước cờ quân sự thiên tài của ông,
không rút ra được các bài học thì làm sao thuyết phục?“Thật công bằng” nghe qua tưởng đơn giản nhưng khó làm sao! Ông
Trần Bạch Đằng từng phát biểu: “Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau: Kỷ
niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên
Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ ảnh hưởng đến đạo lý”. Rằng
Điện Biên Phủ thắng lợi là nhờ cố vấn TQ. “Họ” không biết rằng, nếu nghe lời cố
vấn TQ tấn công theo kiểu “biển người”, thất bại là chắc chắn và cuộc kháng chiến
đã phải lùi lại mười năm. “Họ” còn nói, tổng tấn công năm 1975, đồng chí (…) là
Bí thư Quân ủy Trung ương chứ không phải ông Giáp. Rồi cuốn Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng nghe nói bị độc giả
phản ứng, phải sửa tới 30 chỗ. Lịch sử rất công bằng. Cho nên, “thật công bằng”
đi liền với “thật công tâm”.Trần Văn Trà nhận định:
“Suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề
thầy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc một sai lầm
nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy Anh Văn đi những nước cờ
bậc thầy để vây hãm và tiến công quân địch”. Đó phải chăng là sự tổng kết rất
sâu sắc của một danh tướng đối với Võ Nguyên Giáp.Trần Văn Trà chỉ rõ, Võ Nguyên Giáp “là một Tổng tư lệnh biết
đau với từng viết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu mỗi chiến
binh”.Đó cũng là quan điểm cốt tử trong tư tưởng quân sự Võ Nguyên
Giáp: giành thắng lợi cao nhất đi đôi với tổn thất thấp nhất. Ông nói, phải sử
dụng cái đầu của người lính chứ không phải thân thể họ. Nếu ông Giáp không ra
lệnh hoãn cuộc tấn công, hàng loạt tướng lĩnh, chỉ huy ưu tú và bộ đội đã hy
sinh ở Điện Biên. Cho nên, những tướng lĩnh và người lính coi ơn ấy là ơn cứu
mạng vậy.
Nếu để ông toàn quyền trong các chiến dịch Mậu Thân 68, Xuân hè 72
thì tình hình chắc đã khác. Trần Văn Trà nêu rõ: “nếu thực hiện cách đánh thận
trọng hơn theo quan điểm của Anh Văn thì chắc chắn số lượng thương binh và tử
sĩ sẽ ít hơn, số lượng chiến sĩ còn sống và còn khỏe sẽ nhiều hơn, chẳng những
thế, chiến thắng sẽ lớn hơn nữa”.Trần Văn Trà cũng nhận xét rất chính xác, rằng Võ Nguyên Giáp là
con người bao dung, độ lượng. Đối với những người hiểu lầm hoặc cố tình hiểu
lầm, ghen ghét, đố kỵ tài năng…Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục cư xử một cách nhã
nhặn và bình thản. Ông chỉ nói về cái tốt, cái đúng của đồng đội, chưa bao giờ
thanh minh cho bản thân mình một vấn đề gì.Một vấn đề rất lý thú nữa mà Trần Văn Trà nêu lên, đó là cách
gọi Võ Nguyên Giáp như thế nào cho đúng nhất. Gọi “Đại tướng” không có gì sai nhưng không biểu hiện
được vai trò đứng đầu toàn quân của Võ Nguyên Giáp và mối quan hệ rất khăng
khít của ông đối với toàn quân. Nên gọi “Tổng tư lệnh” hoặc “Anh Văn”.
Gọi “Tổng tư lệnh” là
cách gọi một cách trang trọng. Võ Nguyên Giáp là tư lệnh của các tư lệnh, chính
ủy của các chính ủy. Ông đứng vững trên vị trí Tổng tư lệnh liên tục 30 năm, hạ
đo ván 7 tướng lĩnh đứng đầu của Pháp và 3 tướng lĩnh đứng đầu của Hoa Kỳ, tài
năng ấy thật phi thường, khó ai có thể so sánh. Cho nên, muốn gọi Võ Nguyên
Giáp theo chức vị một cách trang trọng, “tôi cho rằng gọi Tổng tư lệnh đúng hơn cả” – tướng Trà kết luận.Điều này hoàn toàn đúng. Càng đúng hơn vì bây giờ chúng ta thấy,
VN có không ít Đại tướng, lại có cả Đại tướng chưa qua quân đội một ngày nào,
nói chi đến chiến công. Ngày trước, ngay như Trần Văn Trà được phong Trung
tướng năm 1959 và tới 15 năm sau ông mới được phong Thượng tướng.Còn gọi Anh Văn là gọi một cách thân mật. Tất nhiên,
không phải ai cũng có thể gọi Anh
Văn, vì điều đó còn phụ thuộc vào tuổi tác, mối quan hệ công tác, quan hệ
thân thuộc nữa. Gọi Anh Văn vừa nói lên vai trò Anh Cảcủa Võ Nguyên Giáp trong
quân đội, vừa nói lên quan hệ vô cùng mật thiết của ông đối với toàn quân. Và
chúng ta biết, Hồ Chí Minh thường gọi Võ Nguyên Giáp một cách trìu mến mà thâm
thúy: chú Văn.
Chính vì tất cả những điều đó mà trong mắt Trần
Văn Trà, Võ Nguyên Giáp giành được sự yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân,
toàn dân. Đây là điều mà hẳn chúng ta ai cũng đồng ý và lấy làm tự hào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét