Hai chiếc máy bay SU-30MK2 và CASA 212. Nguồn: Soha
Tôi e rằng vụ hai chiếc máy bay bị tai nạn rớt xuống biển vài hôm trước rồi cũng sẽ từ từ “chìm xuống biển” như vụ cá chết.
Trong vụ cá chết ở vùng biển Hà Tĩnh, Mỹ (và LHQ) đã ngỏ lời sẽ giúp cho VN để tìm nguyên nhân, nếu VN lên tiếng yêu cầu. Lãnh đạo VN đã im lặng trước những đề nghị đầy thiện chí này. Thậm chí, hôm kia, nhiều nghị sĩ của Quốc hội Đài loan đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Đài Loan điều tra Formosa, (có thể là tác nhân gây ô nhiễm vùng biển VN), đồng thời đề nghị giúp cho VN điều tra vụ cá chết. VN cũng đã im lặng.
Vụ chiếc CASA 212 của hải quân VN, máy bay (do thám) cũng là máy bay cứu hộ, bị rớt ở vùng biển Bạch Long Vĩ, viên Đại sứ Mỹ tốt bụng cũng đã lên tiếng, “với mọi phương cách có thể”, Mỹ sẽ giúp cho VN trong công tác cứu nạn chiếc CASA 212. Thái độ của VN là quay lưng với đề nghị này. Trong lúc ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ QP, lên tiếng “năn nỉ” phía TQ xin được giúp đỡ. TQ cho chiếc tàu “hải cứu” hạng nặng của mình để “giúp” VN đồng thời “cho phép” VN cho người và tàu bè vào vùng biển của TQ để làm công tác cứu hộ.
Thái độ của ông Vịnh có thể thông cảm, chiếc CASA 212 của VN rớt trong vùng biển của TQ. Không xin phép họ là không được.
Sẵn tiện cũng nhắc lại status hôm qua. Tôi có đưa giả thuyết rằng chiếc CASA 212 của VN đã xâm phạm vùng trời của TQ, do đó có thể đã bị phòng không của TQ bắn hạ. Nhiều người phản biện, cho rằng vùng không gian (thuộc hải phận kinh tế độc quyền), tàu bè cũng như phi cơ, có quyền tự do qua lại.
Tôi xin nhắc đến các trường hợp “chạm trán” giữa không quân TQ và Hoa Kỳ, thí dụ chiếc EP-3 đã bay cách đảo Hải Nam 70km năm 2001. Chiếc máy bay này rõ ràng bay trong vùng không gian phía trên vùng “kinh tế độc quyền” của TQ, tương tự chiếc CASA 212 của VN hôm kia. Vậy mà chiếc máy bay EP-3 đã bị không quân TQ áp chế phải đáp xuống phi trường Hải Nam. Một chiếc J-8 của TQ bị rớt do va chạm. Ta cũng có thể nhắc vụ chiếc tàu USSN Impeccable năm 2009, nguyên nhân chiếc tàu này “nghiên cứu” trong vùng kinh tế độc quyền của TQ.
Trong các vụ này ta thấy hai quan điểm đối lập về cách diễn giải “luật quốc tế”. Phía Hoa Kỳ, (chưa thông qua Luật Biển 1982), chủ trương vùng biển kinh tế độc quyền (cũng như vùng không gian bên trên) thuộc “không phận và hải phận quốc tế”. Trong khi quan điểm của TQ (đã ký và thông qua Luật Biển 1982) cho rằng vùng biển và không gian ở bên trên vùng kinh tế độc quyền không thuộc phạm vi “quốc tế”.
VN cũng có cùng quan điểm của TQ. Luật biển của TQ (và VN, điều 3 khoản 2) cho rằng “biển quốc tế nằm phía ngoài vùng kinh tế độc quyền”. Vì vậy TQ qui định rằng các loại tàu chiến, các loại máy bay quân sự (gồm cả máy bay do thám) không được hoạt động trong hải phận (hay không phận) thuộc vùng kinh tế độc quyền của TQ.
Ta thấy chiếc CASA 212 của VN nguyên thủy là máy bay “do thám”. VN dùng nó “nhứt cử tam tứ tiện”, vào việc “cứu hộ” (và nhiều việc khác như kiểm soát biển). Nếu không xin phép trước, chiếc CASA 212 khi xâm phạm không phận của TQ, phía này có thể xem là máy bay quân sự (do thám), không quân nước này có thể áp chế (trường hợp chiếc EP-3 của Mỹ), hay có thể bắn hạ.
Thái độ của lãnh đạo CSVN dĩ nhiên là muốn ém nhẹm tất cả mọi sự thật. Mà đằng sau thái độ ém nhẹm sự thật luôn là những điều bê bối.
Trên phương diện quốc gia, ta có thể xếp một số điều bê bối này vào tội trạng “phản bội tổ quốc”.
Status hôm qua tôi cũng có nhắc đến biến cố Gạc ma 1988, 76 chiến sĩ VN đã bị hải quân TQ thảm sát. Đã nhiều lần tôi nói về biến cố này. Nhưng sự thật lịch sử vẫn chưa được lãnh đạo CSVN nhìn nhận.
Tháng 3-2015 tôi có viết như sau:
“Biến cố Gạc Ma 14-3-1988, 64 người lính công binh VN bị thảm sát.
Luật quốc tế về chiến tranh có qui định không được bắn vào một người khi tay họ không cầm vũ khí. Đây là một hành vi cố sát, bị qui vào tội ác diệt chủng. Những người ra lệnh việc thảm sát là tội phạm. Hành vi của họ lý ra phải truy tố trước Tòa án hình sự quốc tế.
Bất kỳ người chiến sĩ nào, ước mơ của họ là được chết với cây súng trên tay.
Quyết định của lãnh đạo của VN đưa những chiến sĩ này ra đảo làm công tác xây dựng đảo mà không gởi kèm đoàn quân bảo vệ, hoặc ít ra, vũ trang để họ tự bảo vệ, trong khi đã biết tình hình đang căng thẳng. Đó là một quyết định ngu xuẩn trên quan điểm quân sự. Trước quân pháp những lãnh đạo này có tội “thí quân”. Trước luật hình sự họ phạm các tội “không bảo vệ lãnh thổ” và “thông đồng với kẻ địch”… Những người này đáng bị ghép vào tội tử hình.
Sự im lặng dài lâu của lãnh đạo VN trước biến cố này, trước hết thể hiện sự vô ơn đối với những người đã hy sinh, sau đó là thông đồng với kẻ địch xâm lăng.”…
Bây giờ là thái độ im lặng của lãnh đạo CSVN trước thảm trạng cá chết trắng biển, từ hơn hai tháng nay. Người dân phân vân không biết vì sao cá chết ?
Điều mà người dân cần biết là ăn cá các vùng biển này có nguy hiểm đến sức khỏe hay không ? Ta thấy thái độ bất nhất của cán bộ VN về vụ 50 tấn cá nục nhiễm “phenol” hôm rồi. Lúc thì nhiễm độc, cấm bán. Lúc thì “nồng độ phenol” còn nằm trong “vùng an toàn”, được bán. Vấn đề là người bán cá chết đứng chết ngồi. Chờ giải quyết, 50 tấn cá nục chỉ còn cách đem đổ bỏ.
Không có quyết định nào của nhà nước có tính “khoa học”, mặc dầu có hàng chục ngàn tiến sĩ đã được đào tạo. Trong khi người dân cứ nghĩ rằng, cá nấu chín lên thì ô kê thôi, chất độc nào “cũng tiên tán” hết. Còn không thì làm mắm. Chất độc nào chịu đựng được muối ? Lại còn có lập luận nước nhiễm độc, lọc nước cho kỹ, nấu sôi là ô kê.
Những lầm lẫn chết người mà không thấy ai cảnh báo cho dân quê. Những chất ô nhiễm hóa học thì có lọc, có nấu sôi, có ngâm muối… thì hóa chất (kim loại nặng) đó vẫn còn nguyên. Đôi khi do nhiệt độ, hay kết nối với những phân tử khác, chất độc lại càng độc địa hơn.
Các hoạt động du lịch các tỉnh miền Trung cũng đang đi vào khủng hoảng. Không ai dám ăn cá, không ai dám tắm biển. Cả một vùng cát trắng, nhà hàng, khách sạn vắng teo.
Nhà nước VN rõ ràng đã từ nhiệm. Vấn đề là đâu phải là không có giải pháp. Chết người là với bộ sậu bất tài, tham nhũng… như giàn lãnh đạo hiện nay, ngoài việc vơ vét cho đầy túi tham và ngụy biện để an dân, thì họ không có khả năng nào khác.
Nguyên nhân chiếc SU 30 vì sao bị rớt, lý ra đã được báo chí trình làng. Phi công thoát hiểm Nguyễn Hữu Cường không có lý do nào để từ chối một cuộc “họp báo”. Người ta muốn biết là vì sao chiếc SU 30 “em mờ ca hai”, Việt Nam mới mua của Nga chạy chưa hết “rô đai”, bị rớt xuống biển.
Những chiếc SU 30 “em mờ ca hai” của VN chỉ mới nhận từ năm 2014. Nếu tai nạn đến từ trục trặc kỹ thuật, VN có thể từ chối với Nga những hợp đồng mua sắm vũ khí trong tương lai, thay thế nó bằng một nhà sản xuất chắc chắn hơn, thí dụ Lockheed Martin hay Boeing của Mỹ.
Tất cả ngân sách bộ quốc phòng, tiền mua SU 30 “em mờ ca hai”… đều đến từ tiền túi của nhân dân. Tức dân là người “chủ”. Nhà nước (đầy tớ) vì vậy phải có bổn phận báo cáo cho nhân dân (chủ) biết nguyên nhân nào “tài sản” của nhân dân đã bị phá hủy.
Còn chiếc CASA 212 cũng vậy. Nhân dân (chủ) muốn biết vì đâu chiếc này rớt xuống biển? Vì đâu chiếc này rớt trong vùng biển thuộc TQ?
Hôm qua có phi công Nguyễn Thành Trung lên BBC nói rằng chiếc máy bay này “chắc chắn đã bị một va đập rất mạnh” và loại trừ nguyên nhân bị bắn vì “tên lửa”.
Thì cũng là một ý kiến cần được lắng nghe. Vấn đề là chiếc CASA 212 “va chạm đập rất mạnh” vào cái gì ? Chắc là va vào nước biển, phải không? Tông vào với tốc độ trên 300km/giờ, nước biển trở thành bức tường bê tông. Thấy hình dạng bẹp dúm của một mảnh vỡ của chiếc CASA 212, ai cũng có thể đoán như vậy được.
Vấn đề là vì sao có “va chạm mạnh”, tức là vì sao nó lại rớt xuống biển? Nếu không phải do “tên lửa” thì do cái gì? Nếu nói do thời tiết thì cần phải đưa bản tin thời tiết trong khu vực để chứng minh.
Rốt cục ông phi công đại diện nhà nước cũng nói những điều rất ư là “chim chóc”.
Sự thật cần được phơi bày. Những yếu kém kỹ thuật phải được thay thế. Những sơ suất của con người phải được rút kinh nghiệm.
Chiến tranh bây giờ, nếu có diễn ra, hơn thua là do con người mẫn tuệ với khí tài tiên tiến, phù hợp…
Lãnh đạo CSVN xuất thân từ du kích, chuyên khủng bố, đánh rừng núi… không tuân theo bất kỳ “qui ước” nào. Họ thắng Mỹ, đánh sập VNCH, tương tự như lực lượng Hồi giáo IS bây giờ đã từng thắng các nơi Irak, Syrie, Afghanistan… Những người này lên lãnh đạo với “tâm tư du kích” như vậy, mọi người đã thấy “tài năng” kinh bang tế thế của họ.
Với tâm thế như vậy họ sẽ thắng trong chiến trường mới hay sao?
____
Nhân vụ hai chiếc SU 30 và CASA 212 bị tai nạn
17-6-2016
Việc tưởng niệm các chiến sĩ Gạc ma bị thảm sát năm 1998 lý ra đã không thể xảy ra ở những năm gần đây nếu không có những người, như cá nhân tôi, đặt lại vấn đề từ những năm 2000. Thật vậy, vụ Gạc Ma 1988, (cũng như cuộc chiến biên giới tháng hai 1979), hoàn toàn bị xóa trắng, không chỉ trong lịch sử VN mà còn ở những trang thời sự của báo chí, sau khi Hội nghị Thành Đô được diễn ra.
Cá nhân tôi là người đầu tiên đưa ra trước dư luận báo chí việc những chiến sĩ bị hy sinh trận Gạc ma 1988 đã không được nhà nước CSVN ghi nhận như là những người đã hy sinh cho tổ quốc. Chính tôi đã tố cáo hành vi bạc hạnh của nhà nước CSVN khi ghi trên bia của những người lính đã hy sinh này dòng chữ ” hy sinh để bảo vệ hòa bình cho khu vực”.
Thật là ngu xuẩn, hỗn xược, vô ơn và bạc nghĩa, những người lãnh đạo CSVN, phải không ? Những người lính này khi ra trận là tuyên thệ bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quyền lợi của quốc gia, dân tộc hay tuyên thệ “bảo vệ hòa bình cho khu vực”?. Và khi ghi những dòng chữ như vậy phía VN mặc nhiên đã từ bỏ chủ quyền của VN tại Gạc ma (cũng như các bãi đá khác đã bị TQ chiếm cùng thời điểm).
Ngay cả việc hy sinh bảo vệ lãnh thổ mà không dám ghi, thì bây giờ lý lẽ nào lên tiếng đòi Gạc ma và các bãi đá này với TQ ?
Nhờ sự lên tiếng này mà báo chí trong nước (nếu không lầm là tờ Thanh niên) mới đăng những bài báo nói về vụ Gạc ma. Một số sĩ quan QĐNDVN cũng lên tiếng về cuộc chiến Gạc ma, tố cáo một số nhân vật lãnh đạo đã đưa tới thảm trạng Gạc ma cũng như việc xóa bỏ lịch sử. Tính ra thì cũng chỉ vài ba năm trở lại thôi. Tuy nhiên, dầu trễ, rất trễ, nhưng sự thật cũng được thiết lập, những chiến sĩ đã hy sinh chắc cũng không còn ngậm hờn nơi chín suối.
Vụ chiếc CASA 212 cứu hộ của VN bị rớt, 9 người mất tích trong khu vực biển thuộc hải phận kinh tế độc quyền của TQ, trong lúc những người này đi làm công tác cứu hộ chiếc SU 30 của VN bị tai nạn rớt xuống biển trước đó.
Bất kỳ một mất mát nhân sự nào cũng đem lại điều thương tâm, trước hết cho gia đình. Những người hy sinh vì lý do công vụ còn để lại sự tiếc thương cho bạn bè. Cũng như gây ra những thiệt hại, mất mát lớn cho đất nước.
Để tưởng nhớ và tri ân họ, đều tiên quyết là ta phải thiết lập lại sự thật.
Chiếc SU 30 bị rớt vì lý do gì ? Ở khu vực nào ? Nếu vì kỹ thuật, những người có thẩm quyền phải có nhiệm vụ điều tra nguyên nhân đến từ đâu, sau đó phải công bố trước báo chí để dư luận an tâm. Nếu vì khuyết điểm nhân sự, những người lãnh đạo phải có chỉ thị phù hợp để khắc phục những tình huống tương tự có thể xảy ra.
Minh bạch ở các việc này cũng là phương cách bảo vệ đất nước.
Thử tưởng tượng, khi lâm trận mà máy bay “hết xăng”, hay phi công ú ớ, không biết phải làm gì, thì việc bảo vệ bản thân và tài sản quốc gia đã khó, huống chi đến việc đánh địch, bảo vệ đất nước.
Chiếc CASA 212 bị rớt vì lý do gì ? Vì lý do kỹ thuật ? Tại sao phi công lại bay lấn qua không phận của TQ ?
Những điều này cần phải được minh bạch. Hành vi xâm phạm không phận “nước bạn” là việc tế nhị, nhưng (nếu) chiếc CASA 212 bị phòng không của “bạn” bắn hạ thì rõ ràng là hành vi chiến tranh. Tập quán quốc tế chưa từng thấy phi cơ cứu hộ bị bắn hạ bao giờ.
Ngoài ra còn một số vấn đề tâm lý xã hội.
Trong vu hai chiếc máy bay bị rớt, ta nhận thấy có thái độ cách biệt của một số người VN. Nhưng không bất kỳ ai có thể lên tiếng phê bình thái độ của những người này.
Bởi vì nguyên nhân của vấn đề là lãnh đạo CSVN. Những người này đã gây ra vô số những thảm trạng trong xã hội. Chính sách cai trị của họ đã gây ra và đào sâu những mối thù, đến từ những việc ức hiếp trong xã hội như truất hữu ruộng đất, triệt mọi đường sinh sống… hay những án tù oan ức do khác chính kiến…
Lãnh đạo CSVN đã thành công làm những điều mà trong lịch sử VN không ai có thể làm được: làm cho người dân VN quay lưng, thậm chí thù nghịch, với đất nước và dân tộc của mình.
Sai lầm của những người này là lầm lẫn tập đoàn cai trị CSVN với quê hương và dân tộc.
Chính sách cai trị hà khắc càng kéo dài, đến một lúc nào đó, dân tộc này sẽ rã đàn. Hiện tượng tâm lý xã hội ở vụ “tai nạn” này là dấu hiệu. Khi có chiến tranh thì nhà nước CSVN sẽ chiến đấu một mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét