12 tháng 6, 2016

VEPR: Ngân sách chi 14.000 tỷ đồng mỗi năm ‘nuôi’ các tổ chức đoàn thể

Tác giả: Thanh Thanh Lan 
KD: Không biết các tổ chức đoàn thể này đã đóng góp được những gì cho XH? 
——————— 
Tổng chi phí xã hội cho các tổ chức quần chúng công ước tính khoảng 1,7% GDP, trong đó riêng ngân sách Nhà nước phải bỏ khoảng 14.000 tỷ – gấp đôi dự toán cho Bộ Giáo dục, Y tế và gấp 5 cho Khoa học Công nghệ. 
Báo cáo ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công được nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy các đơn vị này được phân bổ lượng ngân sách lớn, hưởng nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả hoạt động vẫn còn bỏ ngỏ. Theo đó, VEPR đã nghiên cứu, hệ thống hóa toàn cảnh sử dụng ngân sách của 6 tổ chức quần chúng công gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và Công đoàn. 
Mỗi năm ngân sách dành hơn 14.000 tỷ đồng để bao cấp, hộ trợ cho các tổ chức quần chúng công, cao hơn nhiều so với chi tiêu cho giáo dục. Ảnh: Lê Hoàng. 
Các tổ chức trên được nhà nước bao cấp hoặc hỗ trợ bằng ngân sách, và hưởng nhiều đặc quyền từ vị trí của mình trong xã hội. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, toàn bộ chi phí xã hội cho các tổ chức này tương đương 1-1,7% GDP của cả nước. Cụ thể, chi phí kinh tế của xã hội cho hệ thống các tổ chức quần chúng công hằng năm dao động từ 45.600 tỷ đến 68.100 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách Nhà nước ước khoảng 14.023 tỷ đồng. 
Như vậy, nếu so với dự toán chi tiêu năm 2016, số tiền ngân sách “nuôi” các tổ chức này thậm chí còn nhiều hơn hẳn con số 11.366 tỷ đồng cho Bộ Nông nghiệp và gấp đôi số chi dự tính cho Bộ Y tế, Bộ Giáo dục. Thậm chí, nếu so với các ngành như Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Khoa học Công nghệ, số tiền này còn lớn gấp 5 lần. 
Tuy vậy, theo đánh giá của VEPR, cơ chế phân bổ ngân sách cho hệ thống này vẫn chưa cụ thể, đặc biệt là ở hệ thống hội đặc thù. “Việc quyết định hội nào được nhận hỗ trợ từ nhà nước chưa có nguyên tắc rõ ràng, chưa có tiêu chí thống nhất, dễ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, công bằng trong việc phân bổ ngân sách”, các chuyên gia của VEPR nói. 
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế càng lớn, chi cho các tổ chức quần chúng công càng nhiều. Điều này có thể xuất phát từ thực tế rằng khoản chi này phụ thuộc vào mức thu, phân bổ ngân sách từ trung ương của địa phương đó. Quan sát cho thấy Hà Nội và TP. HCM là vùng có số lượng chi cho các tổ chức quần chúng công lớn nhất. 
Không chỉ vậy, VEPR cũng nhìn nhận, các tổ chức này đang rơi vào một quá trình Nhà nước hóa, hành chính hóa khá mạnh, thể hiện ở bộ máy biên chế cồng kềnh, thiếu linh hoạt, chồng chéo trong hoạt động. Thêm vào đó, mô hình tổ chức hoạt động còn chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội, 
Do đó, nhóm nghiên cứu của VEPR đề xuất, cần xây dựng một Luật riêng về các tổ chức quần chúng công, hoặc một phần quan trọng trong Luật về hội nói chung. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần các tổ chức này công khai, minh bạch chi tiêu trong báo cáo tài chính trước ban giám sát và công chúng. “Cần phải có cơ chế giám sát, chất vấn hoạt động tài chính. Mặt trận tổ quốc Việt Nam, với tư cách là liên minh chính trị của các tổ chức trên, nên đảm trách nhiệm vụ này”, các tác giả của báo cáo đề xuất.

Không có nhận xét nào:

Trang