* XUÂN DƯƠNG
Phải chăng, quan làm đến “thối móng tay”, quan phải đổ “mồ hôi, nước mắt” còn dân thì chắc là “nhởn nhơ” nên nước mới nghèo, mới nợ?
Nghe nói xe công thừa chỉ có 7.000 cái, nhưng nói thừa thì vô lý bởi các cơ quan vẫn đang đề nghị mua thêm vài trăm chiếc nữa.
Nghe nói xe công thừa chỉ có 7.000 cái, nhưng nói thừa thì vô lý bởi các cơ quan vẫn đang đề nghị mua thêm vài trăm chiếc nữa.
Nói vượt định mức theo quy định của Nhà nước thì chắc là vượt từ lâu lắm rồi, sao bây giờ mới phát hiện, sao bây giờ mới lên tiếng?
Chỉ cần chúng ta sửa định mức một cái là xong, chỉ cần yêu cầu Bộ Tài chính ngừng cung cấp thông tin thì ai biết được, Nhà nước là chúng ta, chúng ta là Nhà nước, chẳng có gì phải ngại.
Nuôi chừng ấy cái xe thừa, mỗi năm chỉ vài ngàn tỷ, cũng chỉ như một vụ thất thoát “nho nhỏ” chừng 2.500 tỷ ở chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Nam Hà Nội.
Lại nghe nói ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: “Cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Ước tính mỗi năm, chi phí nuôi xe công tốn khoảng 12.800 tỷ đồng”.
Xe công tất nhiên không phải để phục vụ dân thường, công chức, viên chức không phải ai cũng có quyền điều động, sử dụng xe công.
Vậy nên nói xe công là đặc quyền của lãnh đạo tuy chưa chính xác song không phải là không có lý.
Mười hai nghìn tám trăm tỷ là gần 600 triệu đô la Mỹ, là gần một phần năm khoản vay 3 tỷ đô la Mỹ để đảo nợ nước ngoài.
Thuế thì dân và doanh nghiệp góp, xe biển xanh chỉ dành cho quan. Khi quan xếp ô về ổ thì bác ở Bộ Văn đã thay mặt mấy “Bộ” trả lời hết sức rõ ràng, minh bạch, công khai, không dấu giếm, không vòng vo tam quốc, rằng cục nợ của các bác ấy “xin dành cho nhiệm kỳ sau giải quyết”.
Dĩ nhiên chẳng có “Bộ” nào đủ tầm giải quyết “cục nợ quốc gia” ngoài mấy bác công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, tiểu thương… tóm lại là lớp “kiến thợ” mà ta quen gọi là Dân.
Nếu Dân không muốn “giải quyết” chỉ còn cách … ngừng đẻ, bởi đứa bé vừa sinh đã là con nợ rồi.
Điều này khác hoàn toàn so với một nước bên châu Âu vì họ định “phát tiền miễn phí” cho tất cả công dân.
Chuyện “cái xe” nhiều vô kể, nào là biển xanh-biển trắng, biển tứ quý, nào là dàn xe “ăn giỗ giả - mừng quan thật”… thế nên chỉ kể chút xíu để bạn đọc còn thòm thèm!
Xin chuyển sang chuyện về “cái miệng”, trong vô số chức năng trời gắn cho cái miệng như “ăn; nói; uống; thở; thơm…” xin tập trung vào chủ đề “nói” dù có lúc phải “đá gà đá vịt” sang chủ đề “ăn”.
Vốn là thợ dạy nên chỉ tiếp xúc được với cỡ “quan xoàng”, những điều viết ra xin cam đoan không có “nửa tí” nào sai sự thật.
Cũng xin nói trước, rằng chuyên môn của người viết không phải là Chính trị và các lớp đã dạy cũng không phải là lớp Chính trị.
Một lần về dạy ở Trung tâm Chính trị huyện BQ, tỉnh miền núi HG, ra một quán nhỏ ăn sáng, thấy những thực khách mỗi người đều mang theo một chai “nước trắng”, phần lớn họ là cán bộ các phòng, ban của huyện.
Việc đầu tiên là yêu cầu chủ quán pha vào chai một ít mật lợn, sau đó là đi vòng quanh “chào buổi sáng” các chiến hữu kể cả người không quen biết, chưa chào hết “chai nước” chưa về cơ quan.
Theo quy định của trường, giáo viên khi kết thúc môn học sẽ gửi đề thi lại Trung tâm, lãnh đạo Trung tâm chịu trách nhiệm bảo quản. Giáo viên dạy môn tiếp theo sẽ cho sinh viên thi trước khi dạy môn học mới.
Bữa nọ, một giáo viên phát hiện phong bì đề thi đã bị bóc nên kiên quyết không cho thi, Giám đốc gặp riêng đề nghị: “Cô Th… Phó Giám đốc bảo quản đề thi “không cẩn thận”, xin thầy “quân sư” giúp phương hướng giải quyết kẻo ảnh hưởng đến uy tín vì chúng em là trường Chính trị”.
Đành phải “vẽ đường cho hươu”, rằng hãy điện về cho thầy giáo môn học, nói đề thi để trong văn phòng chẳng may bị “chuột cắn nát” xin thầy gửi “đề mới không trùng nội dung với đề cũ” để cho sinh viên thi.
Một lần khác dạy tại Trung tâm Chính trị huyện MH, tỉnh đồng bằng HY, một hôm Giám đốc Trung tâm nói: “Lớp bồi dưỡng cán bộ trẻ các xã trong huyện tổ chức đi thực tế, nhân tiện thầy đang ở trung tâm mời thầy đi cùng các em cho vui, nơi đến là Đồ Sơn, cũng có một số muốn đi Nam Định nhưng em bảo tùy học viên lựa chọn, Trung tâm không can thiệp”?
Đành phải cảm ơn và từ chối vì còn bận chấm bài.
Ông Giám đốc Trung tâm tên là Th… thổ lộ: “Em có mấy thằng con trai, lo xong cho mỗi đứa mảnh đất rồi, bây giờ chuẩn bị nghỉ hưu, em có bằng lý luận cao cấp, thầy thấy chỗ nào cần giáo viên giới thiệu giúp để em tham gia giảng dạy”!
Về dạy tại Trung tâm Chính trị thị xã Móng Cái (nay là thành phố), cô Giám đốc khoe“em được cấp trên gợi ý về làm trưởng phòng của thị xã nhưng em từ chối rồi”.
Hỏi vì sao thì nhận được câu trả lời: “Trung tâm em chỉ có 4 người, Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán và bảo vệ. Kinh phí hoạt động từ ngân sách đủ tiêu mà chẳng bao giờ bị chậm, lại thêm các khoản học viên “tự nguyện” đóng góp, không phải lo chạy ăn từng bữa, chả tội gì em về phòng”.
Gần chục lần về dạy tại trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, có lần xe đón là chiếc Toyota LandCruiser, chú lái xe tên là Tốn tâm sự: “Chiếc xe này là “của bác” Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng, giá mua mới khoảng 800 triệu đồng. Đường miền núi, đi xuống các huyện toàn ổ gà phải dùng xe này mới không lo gầm thấp”.
Đó là chuyện cách đây hơn 20 năm, bây giờ dòng xe này nghe nói giá bán khoảng hơn 2 tỷ đến gần 5 tỷ tùy loại.
Câu nói có tính bao quát nhất có lẽ là: "Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN như thế này".
Đất nước đứng chót trong khi cán bộ phải làm việc “quá sức” có phải là nghịch lý?
Một cựu lãnh đạo thanh tra Chính phủ tâm sự, ông phải lao động đến “thối cả móng tay”, còn một cán bộ cấp sở, con trai ông nguyên Bí thư Tỉnh ủy H.D thì bảo tiền của mình là “tiền mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai, vào mối quan hệ nào”.
Thế là đã rõ, quan làm đến “thối móng tay”, quan phải đổ “mồ hôi, nước mắt” còn dân thì chắc là “nhởn nhơ” nên nước mới nghèo, mới nợ?
Còn một vị tiến sĩ - dân biểu, Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội phát biểu:
“Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam . Nếu chúng ta tiết kiệm hơn, tập trung cho vấn đề sức khỏe cũng sẽ không phải lo cuống cuồng chữa bệnh khi cần”.
Bữa nhậu bình dân, mèng ra cũng 200 – 300 nghìn đồng, tươi một tí thì tiền triệu, không biết ông tiến sĩ nọ định nói “bữa nhậu của người Việt” là của “người Việt” nào?
Ngoài chuyện “nói” của hai ông Đại tá đã đề cập trong bài ““Quản” và không “quản” – ai chịu trách nhiệm?”, một ông khác đã nói rằng nên in toàn tiền 20.000 đồng để chống nạn phong bì.
Phát biểu của ông khiến người ta ngỡ ngàng vì sự “độc đáo” nhưng cũng thích thú vì câu thành ngữ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nay có phiên bản mới: “Một ông “Đại” nói đã kỳ, ba ông “Đại” nói, củ mì … mọc tai”.
Về chuyện “cái thằng” thì không thể tùy tiện, chỉ xin giới hạn trong phạm vi bạn bè quen biết chứ tuyệt không dám ám chỉ người khác.
Trong bài viết đăng trên Dân trí sáu năm trước (6/10/2011) có đoạn như sau: “Tôi có hai người bạn học cùng lớp ở đại học, ra trường hai anh về công tác ở Lạng Sơn. Nghe tin tôi lên thành phố dạy học các bạn đón về nhà ăn cơm. Quen như thời sinh viên chúng tôi xưng hô mày tao. Tôi bảo“tao phấn đấu mãi mà chưa có được cái nhà bằng một nửa của chúng mày”.
Bạn tôi cười bảo: “Cái gì cũng có cái giá của nó, mày về hưu người ta vẫn gọi mày là thầy, chúng tao về hưu người ta gọi là thằng”.
Tôi giật mình vì hai bạn tôi đều là người học giỏi và thành đạt, một là phó Ban Kinh tế tỉnh ủy, một là giám đốc sở Công nghiệp”.
Cũng xin kể thêm là khi lên Lạng Sơn, tôi ngại nên không thông báo cho “hai thằng” bạn, không hiểu sao chúng biết.
Hóa ra trong lớp tôi dạy có một Bí thư tỉnh Đoàn, mấy lãnh đạo huyện và một phu nhân chủ tịch huyện.
Chồng của vị “phu nhân” này vốn là trò cũ học hệ chính quy nên thông tin tôi lên dạy đã được điều tra, cung cấp rất “chính xác, kịp thời” cho hai “thằng bạn”!
Hầu bạn đọc vài câu chuyện có thật như thế, chứ lượm lặt “những lời có cánh” của các “công bộc” có lẽ suốt đời người không hết, xin được ngừng bút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét