5 tháng 6, 2016

Học thức không thể khiến con người thành tử tế…

Xưa người ta dùng chiến thuật “chiến tranh nhân dân”. Những bà mẹ ngồi trên hầm, bên dưới có Việt Cộng ẩn nấp, nếu có chết thì bà mẹ chết đầu tiên. Việt Cộng núp trong hầm cùng phụ nữ, trẻ em nên mới có những chuyện thương tâm khi chính bà mẹ phải bóp mũi con mình để bảo vệ cho những người cùng hầm, chiến sỹ Việt Cộng trà trộn trong nông dân, người buôn bán, những chú bé làm liên lạc, tham gia cầm súng khi còn bé…
Giờ đây, người ta có từ cho việc đấy: “lá chắn sống”. Nói rộng ra thì người dân luôn là “lá chắn sống” kể cả bây giờ. Khi biển bị nhiễm độc, ngư dân là người chịu thiệt thòi đầu tiên, khi đất nứt nẻ bị hạn hán cũng người dân chịu đói đầu tiên, nhưng buồn thay chính người dân bị coi thường nhất, ho he mở miệng để nói lên sự bất công, nỗi lo lắng của mình là bị quy chụp là phản động, là bị xúi giục bởi kẻ xấu, rồi bị bắt bớ, đánh đập. Xưa những bà mẹ làm “lá chắn sống’ được yêu quý lắm nhưng khi hoà bình thì các bà mẹ hoàn toàn có thể một thành viên trong đội ngũ dân oan, mất nhà, mất đất.
Và, điều đáng nói ở đây là tầng lớp “trí thức” điếm đàng. Không ít người quen của tôi nhận xét công an đã “quá hiền” đối với người biểu tình. Chắc hẳn những người này cùng quan điểm với bà Tôn Nữ Thị Ninh khi bà nói trong tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”
Bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh DW
Hãy nhớ là bà Ninh dùng từ “trừng trị” khi dạy bảo con, cháu. Tôi rùng mình trước câu nói này. Cứ theo cái lối suy nghĩ quan chức là cha, mẹ, dân là con và dân láo, hỗn thì ‘trừng trị” thì những người cầm quyền rất có thể sẽ không thương tiếc mà đàn áp người biểu tình một cách dã man. Chẳng phải lãnh đạo Trung Quốc đã mang cái lối suy nghĩ đáng sợ này vào trong việc tàn sát 10,000 sinh viên vào năm 1989 hay sao?
Tôi rất muốn một lúc nào đấy có cơ hội để phỏng vấn bà Ninh để có thể hiểu rõ con người này. Dân không bao giờ là những đứa con, cháu và các ông bà không bao giờ là cha, là mẹ dân. Quan chức nếu sống có lý tưởng thì phải cảm thấy vinh dự mình được phục vụ, cống hiến cho người dân, cho đất nước. Vinh dự vì mình được dân tín nhiệm mà trao trọng trách, nhưng đấy là trong một chế độ dân chủ khi người dân được bầu ra người lãnh đạo của mình. Bà Ninh được đảng tin yêu mà trao trọng trách nên mới có suy nghĩ quái dị như vậy.
Chúng ta đừng bao giờ quý trọng ai bởi địa vị, sự lịch lãm bóng bẩy của họ. Hãy lắng nghe xem họ nói gì, họ đứng ở đâu trong cả tâm thế xã hội, họ coi dân đối tượng phục vụ hay là đối tượng cai trị? Ngày xưa khi mới biết qua loa về bà Ninh, tôi nhìn thấy một chân dung nữ chính khách đẹp, lịch lãm và sang trọng, giờ đây tôi chỉ nhìn thấy một kẻ đáng sợ và tôi hy vọng là mình sai.
Trong chiến tranh, những người lãnh đạo dùng chiến thuật “chiến tranh nhân dân”, họ gắn sự thành bại vào trong những cạp váy của những bà mẹ, mẹ mẹ con con thân thiết như những bà mẹ ấy là mẹ của họ thật, chị chị em em như thể những phụ nữ và trẻ em đưa cơm cho họ là chị gái, em gái em trai thật, hoà bình thì họ xa lánh, coi bà mẹ, hay con cái của những bà mẹ ấy là con, cháu hư hỗn và cần phải trừng trị. Giá như không có con mắt canh chừng của xã hội dân chủ văn minh thì bà Ninh và các đồng chí của bà “trừng trị” khắc nghiệt “những đứa con cháu hư” còn khắc nghiệt đến đâu.
Vậy ra, học thức không khiến con người thành tử tế, mà nó chỉ phủ lên chân dung con người một lớp lụa là bóng mượt. Nhưng chính mạng xã hội, sự chia sẻ thông tin, quan điểm chính là kính chiếu yêu hữu hiệu, lột tả vứt đi cái bộ nhung lụa mượt mà ma mị.
Lại nhớ tới vụ xử tử người đàn bà đẹp Nguyễn Thị Năm, ân nhân của biết bao cán bộ Việt Minh, người hiến tặng bao tiền, vàng mà bị bắn chết đầu tiên.
Ai là kẻ bất nhân, ai là kẻ ăn cháo đá bát ở đây? Nghĩ mà buồn muốn khóc được.

Không có nhận xét nào:

Trang