4 tháng 6, 2016

Tội phạm Vũng Áng là ai?

* BÙI QUANG VƠM 
Cho dù đến tận bây giờ, nguyên nhân cá chết xuất phát từ vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, vẫn chưa được nhà nước Việt Nam công bố, thậm chí có ý định không bao giờ công bố qua việc mượn lời chuyên gia Nhật Bản lấp lửng rằng, “có thể phải cần một năm”. 
Nhưng trước áp lực của xã hội, ngày hôm qua, 02/06/2016, trong cuộc họp báo của Chính phủ, bộ trưởng Truyền Thông Trương Minh Tuấn nói “Về nguyên nhân cá chết chưa thể công bố, các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác định nguyên nhân. 
Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực”. 
Theo cách trả lời có phần ỡm ờ này, thì người ta “mười phần đã đoán ra được chín”. Chẳng có gì là khó hiểu. Vì kết luận khoa học xác định nguyên nhân cá chết đã có ngay từ ngày 20/04/2016, theo Giáo sư Tiến Sĩ Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang “Ở Vũng Áng sau khi xảy ra sự cố như thế thì (các) nhà khoa học đã ra rất nhiều phương án để tiến hành và những phương án đều thu được những kết quả. 
Theo tôi nghĩ có cái gì đó mà người ta không muốn nói. Chứ tìm cả năm cũng vậy vì người ta đã biết nguyên nhân rồi. Như thế thôi, không được ai phát biểu hết: chỉ Tổng Cục Môi Trường và Bộ Tài nguyên – Môi trường mới được phát biểu, ai muốn phát biểu cũng không được. Người ta đã nói như vậy rồi thì thôi!” 
Dư luận của cả xã hội, cả tập thể các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế không thể nói ra, nhưng thừa biết không ai khác ngoài nhà máy thép Formosa. Dẫu Chính phủ kết luận là ai, thì người ta vẫn tin rằng chỉ có nhà máy thép. Nếu thủ phạm Chính phủ nói không phải là Formosa thì dứt khoát có chuyện khuất tất được che đậy phía sau. 
Chỉ có những kẻ ngớ ngẩn mới che đậy một sự thật hiển nhiên như vậy. 
Bất chấp thủ đọan nhả tin từ từ của chính phủ Việt Nam, bất chấp phía sau chứa đựng âm mưu hay mục đích gì, bất chấp kết quả công bố thế nào, thủ phạm là ai, điều mà tất cả chúng ta, tất cả dân chúng, tất cả những người làm khoa học hay không làm khoa học, cả trong nước và cả trên thế giới đều nhất trí một điều là cần phải đóng cửa nhà máy thép Formosa. Vì nó còn nằm đấy thì còn xả thải và nguy cơ cá chết, dân chết và nguy cơ huỷ hoại môi trường sống của con cháu muôn đời vẫn còn nguyên đấy. 
Nguyên nhân gây ra nạn cá chết không cần phải có các nhà khoa học nghiên cứu để kết luận. Truy ra nguyên nhân, để truy ra thủ phạm. Đó là việc của công lý, xử đúng người đúng tội. Nhưng vấn đề không chỉ đơn thuần nằm ở việc xử ai. Mục đích chính là bảo vệ môi trường và đời sống của con người. 
Không cần biết có phải chính do nhà máy thép Vũng Áng xả thải không qua xử lý hay không, điều chúng ta đã không còn tranh cãi là sản xuất thép là một loại sản xuất gây ra độc hại, huỷ hoại môi trường. Và đặt nhà máý thép tại vị trí nhạy cảm này là hoàn toàn sai. 
Vậy giải pháp cho nó rõ ràng là: 
1- Bắt buộc nhà máy thép phải xử ký triệt để đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường. 
2- Sửa lại luật về quy trình và chế độ giám sát xử lý trước xả thải ra biển. 
3- Đóng cửa từng bước và tiến tới đóng cửa hoàn toàn nhà máy thép tại Vũng Áng. 
4- Xác minh thông tin tàu đánh cá Trung quốc thả những thùng chứa hoá chất độc, được đục thủng trước cho thoát ra từ từ, tại vùng biển ngoài khơi Vũng Áng, tiến hành trục vớt và nạo rửa đáy biển nếu có. 
5- Xử lý tẩy rửa vùng biển khu vực xả thải của nhà máy thép Formosa ngay. Thủ phạm là Trung Quốc phía sau người Đài Loan, không có gì phải che giấu. 
Vậy tại sao có sự ra đời và tồn tại của nhà máy này? 
– Theo tất cả các phân tích khoa học, cả về mặt kinh tế, thảm họa môi trường lẫn an ninh quốc phòng, việc tồn tại một nhà máy thép tại thời điểm chính “Bắc Kinh hiện đã ra lệnh cấm các dự án mới trong lĩnh vực sản xuất thép, ximăng, nhôm điện phân, kính và đóng tàu cho tới năm 2017”. Sản lượng thép từ lâu đã vượt qua nhu cầu thị trường.“Đường Sơn, được xem như là “kinh đô” của ngành luyện thép, nay chỉ còn là cái bóng của chính họ với những nhà kho bị bỏ trống và bàn ghế bỏ không”. 
“Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu tất cả các dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó, riêng ngành thép sẽ “giáng” lên đầu mỗi người dân Việt Nam thêm 1,5 tấn khí CO2”. 
Và chính Formosa “Năm 2009, Formosa “vinh dự” nhận giải “Hành tinh đen” – do Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường”. 
Vậy ai là người ký duyệt cho Formosa thực hiện đầu tư? 
Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà, ngày 01/05/2016, Tiến sĩ Tô Văn Trường cũng nêu ra câu hỏi vì sao lại phải kêu gọi đầu tư nhà máy thép. Ông nhắc lại chi tiết vào “ngày 15 tháng giêng năm 2008, Formosa mới có thư trình thủ tướng về dự án thép thì ngay ngày hôm sau 16 tháng giêng, vị quan chức đứng đầu của Hà Tĩnh lúc bấy giờ là ông Võ Kim Cự bí thư kiêm chủ tịch HĐND Hà Tĩnh có thư trình xin Thủ tướng ‘cho phép’, mặc dù Formosa không hề gửi thư đó cho ông Cự”. 
Tại sao ngày 15/01/2008, Formosa có thư trình thủ tướng xin đầu tư dự án, thì ngày 16/01/2008 đích thân bí thư chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự làm tờ trình xin Thủ tướng cho phép Formosa đầu tư. Võ Kim Cự tiên tri trước ý định đầu tư của Formosa? 
“Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Văn bản số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 với nội dung: đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa (Đài Loan) lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Dự án cảng nước sâu Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh”. 
Ngay trong ngày 4/03/2008, Hoàng Trung Hải ký công văn 323/Ttg đồng ý cho tập đoàn Formosa lập Dự án Nhà máy thép Vũng Áng. 
Ba tháng sau, ngày 6/06/2088, Hoàng Trung Hải ký tiếp công văn 869/Ttg thực hiện Dự án đầu tư khu liên hợp Gang thép và cảng sâu Sơn Dương tại Vũng Áng. Trên cơ sở công văn này, ngày 21/5/2008, Công ty Formosa có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; ngày 12/6/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 282023000001 cho Công ty với thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm. 
Chưa bao giờ một Dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ đôla, chiếm dụng 3,300ha đất, di dời hàng nghìn hộ dân, mà từ ngày trình tờ xin tới ngày lập luận chứng Dự án, trình duyệt Dự án tổng thể, lập và trình duyệt Dự án chi tiết, cấp giấy phép đầu tư, chỉ có thời gian 4 tháng, trong khi thông thường không thể dưới ba năm. 
Tháng 1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định cấp cho Formosa 300 tỷ đồng từ ngân sách, xây nhà ở cho công nhân người Trung quốc. 
Thủ tướng Dũng dự lễ động thổ nhà máy thép Vũng Áng, ngày 02/12/2012, 17/09/2015 khánh thành tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. 
Như vậy, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự có mặt của công ty thép Formosa tại Vũng Áng. 
Tại sao. Vì không đủ trình độ. Vì tiền. Hay vì một thế lực nào khác. 
Ông Nguyễn Gia Kiểng, chủ tịch Tập Hợp dân chủ đa nguyên nhận định “đã có sự câu kết bất chính giữa chế độ cộng sản và các thế lực tài phiệt nước ngoài, ở đây là công ty Formosa”. 
Chế độ cộng sản mà ông Kiểng đề cập là bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cũng lưu ý một điều rằng, ban đầu, dự án được phê duyệt trên danh nghĩa là cho tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư, nhưng hiện nay, cổ phần của tập đoàn Formosa đã được nhượng lại tới 25% cho tổng công ty thép Trung Quốc, Chine Steel, và lao động của công ty thép Vũng Áng hiện tại gồm10.000/16.000 là người Trung Quốc lục địa. 
Phải truy tìm cho ra ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Kim Cự đã nhận của Formosa bao nhiêu tìền, trong số tiền đó có bao nhiêu xuất phát từ Trung Quốc cộng sản. Số tiền này tuồn sang Quỹ đầu tư của cô Nguyễn Thanh Phượng bằng con đường nào. Phải truy tố bằng được ông Dũng ra Toà. Trước một thảm hoạ cho quốc gia như vậy, trước một nguy cơ tiêu diệt nguồn sống của hàng triệu người, có hàng nghìn bà con đang đói và nguy cơ chết vì nhiễm độc, không thể để cho Dũng có quyền thoát tội. Hãy xem, trong khi dân đói, cá chết, ông Dũng đi thăm chùa Thiên Hưng tại Bình Định và nghe Đàm Vĩnh Hưng hát “Thành phố buồn” tại Sài Gòn. Phải là loại người như thế nào mới có thể nhẫn tâm như vậy. 
Có liên hệ gì giữa Trung Nam Hải và cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng không? Chắc chắn an ninh chính trị của đảng đã có câu trả lời. Ông Võ Kim Cự đã buộc phải thôi chức bí thư Hà Tĩnh trước khi có đại hội đảng, tháng 10/2015. Ông Dũng bị buộc phải bàn giao cho ông Phúc trước tháng tư năm 2016. 
Có gì liên hệ gì giữa vụ cá chết tại Vũng Áng với chuyến thăm của Tổng thống OBAMA không. 
Cẩn tắc vô áy náy, tốt nhất là nên rà soát lại tất cả những dự án do ông Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, và tiến hành kiểm tra, loại bỏ các yếu tố Trung Quốc ra khỏi các dự án đó.

Không có nhận xét nào:

Trang