Ngọc Quang
(GDVN) - Đất nước này là của dân. Cán bộ được bầu ra để làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn. Vậy thì tại sao dân phải bức xúc?
Chính phủ đã tuyên bố sẽ làm rõ những bất cập trong toàn bộ các dự án BOT nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.
Tại một hội nghị diễn ra ngay đầu tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu lên hàng loạt bất cập của các dự án BOT như: Đầu tư theo phong trào, có những nhà đầu tư năng lực hạn chế nên tính chi phí đầu tư cao so với thực tế, từ đó làm tăng phí cho phương tiện đi lại, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều trạm thu phí BOT chưa hợp lý gây bức xúc cho người dân, thiếu quy hoạch tổng thể cho phát triển giao thông, chưa có danh mục đường nào đầu tư từ ngân sách, đường nào kêu gọi BOT.
Việc phối hợp chủ đầu tư để thu phí chưa tốt nên đặt quá nhiều trạm thu phí, trong khi đó cơ quan quản lý chưa có cơ chế phối hợp giữa nhà đầu tư và Nhà nước, chưa kiểm soát lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng khảo sát thiết kế chưa phù hợp thực tế.
Đáng tiếc là khi mà quyết tâm của Chính phủ còn chưa được thể hiện bằng kết quả cụ thể thì vào tối 17/6 vừa qua, rất nhiều người dân đã chặn trạm thu phí Hạc Trì (Phú Thọ) để phản đối việc đặt trụ bê tông không cho xe đi qua cầu Việt Trì cũ.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2016, người dân ở khu vực này phản đối việc chặn cầu Việt Trì cũ, để ép xe ô tô phải đi qua cầu Hạc Trì (Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì quản lý).
Đi qua cầu Hạc Trì, người dân sẽ phải trả phí 35.000/1 lần với xe 12 chỗ ngồi trở xuống, và mức phí sẽ tăng dần đều, cao nhất là 180.000 đồng/1 lượt.
Họ không tin vào giải thích cầu Việt Trì không đảm bảo an toàn, buộc phải đi bằng cầu Hạc Trì (trả phí).
Người dân tập trung phản đối chặn đường không cho xe đi qua cầu Việt Trì, trong khi mức phí qua cầu Hạc Trì được cho là khá cao.
Vào cuối năm 2015, những người dân ở thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) cũng đã hai lần bao vây trạm thu phí BOT Quốc lộ 6 (Xuân Mai - Hòa Bình, thuộc quản lý của Công ty TNHH BOT QL6), phản đối mức thu phí cao và vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý, dẫn tới việc dân địa phương đi vài km cũng mất tiền.
Lần thứ nhất, dân đã chặn xe của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đề nghị phản ánh sự việc lên các cơ quan có thẩm quyền.
Lần thứ hai, chờ đợi nhưng không được giải quyết dứt điểm, người dân lại chặn xe khiến cho đoạn đường ùn tắc tới 10km.
Đối với rất nhiều người dân sống quanh khu vực này, đây là con đường duy nhất để họ đi lại trong nhiều năm nay, nay bỗng dưng phải trả phí, cho nên họ phản ứng cũng là chuyện dễ hiểu.
Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 , trạm thu phí B.O.T Quán Hàu, thuộc Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh cũng hai lần bị người dân bao vây, phản đối tăng giá cước, khiến đoạn qua trạm thu phí tắc hàng km trong 2 tiếng đồng hồ.
Người dân bức xúc vì trạm thu phí Quán Hàu được lập ra để thu phí hoàn vốn cho dự án B.O.T đường tránh TP Đồng Hới và đường tránh lũ quốc lộ 1, nhưng lại được đặt trên quốc lộ 1, khiến cho những người không lưu thông qua đường B.O.T vẫn phải mất phí.
Họ bức xúc vì những năm qua dù đến cơ quan hay thăm người thân, chỉ đi trên tuyến quốc lộ 1 được đầu tư bằng vốn ngân sách, không hề đi qua đường B.O.T thì vẫn phải chịu cước 70.000 đồng cho 2 lượt đi và về (hơn 1 triệu đồng nếu mua theo tháng).
Người dân cũng từng 2 lần tập trung phản đối thu phí bất hợp lý tại trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình). ảnh: tuoitre.
Ở ba trạm thu phí BOT nêu trên, người dân đều đã hai lần phản ứng, và lần sau tỏ rõ thái độ gay gắt hơn lần trước, cho thấy cách giải quyết của các chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước đều... qua loa đại khái cho xong chuyện.
Nếu họ thực sự quan tâm tới bức xúc của dân, thực sự vì dân thì đâu đến nông nỗi ấy.
Công bằng mà nói BOT là một hình thức đầu tư cần thiết khi mà ngân sách nhà nước còn khó khăn và phải san sẻ cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhưng cho dù đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào thì nhà nước vẫn phải giữ được vai trò quản lý, bởi mục tiêu cuối cùng hướng tới cũng là vì lợi ích của người dân.
Vậy nên phải trả lời cho được câu hỏi: Tại sao những trạm thu phí BOT lại không thực sự nhận được sự ủng hộ của người dân?
Những phản ánh về sự mập mờ trong các dự án BOT, dẫn tới mức phí cũng được cho là không phù hợp với đời sống của người dân và sức chịu đựng của doanh nghiệp đã được đề cập liên tục trong 3 năm gần đây.
Và chỉ cần 0,31 giây tìm kiếm trên google với cụm từ “phí BOT” sẽ thấy 503.000 kết quả, trong đó có quá nhiều thông tin về bức xúc của người dân, của doanh nghiệp về mức phí BOT, hoặc các trạm thu phí BOT quá dày đặc.
Người dân không chỉ bức xúc vì mức thu phí cao và tăng đều đặn lại được giải thích “đúng luật”, mà còn vì cơ quan quản lý bật đèn xanh cho doanh nghiệp làm BOT và tăng phí trắng trợn trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Điều này từng được ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chỉ ra: “Đây là con đường được đầu tư bằng vốn ngân sách nay anh dải một lớp thảm rồi tính phí đường bằng với đường cao tốc, cách làm như vậy không chuẩn”.
Ở quốc lộ 5 cũ mức phí đã được tăng từ 30.000 lên 45.000đ đối với xe 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng.
Mức phí cao nhất được áp dụng cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit tăng từ 160 ngàn đồng lên 200 ngàn đồng/lượt.
Phí tăng vùn vụt, nhưng khi đưa xe đi đăng kiểm hàng năm thì các chủ phương tiện vẫn bị thu hàng triệu đồng “phí bảo trì đường bộ”. Ai cũng nhìn thấy sự phi lý ấy, nhưng vẫn đang phải chấp nhận.
Người dân có quyền đặt ra câu hỏi: Có lợi ích nhóm ở các dự án BOT không? ảnh minh họa: Năng lượng mới.
Phí chồng lên phí như vậy, cho nên khi ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giải thích mức phí ở Việt Nam rẻ nhất Đông Nam Á lại càng khiến người dân bức xúc và coi đó là một phát ngôn phản cảm.
Người dân có quyền đặt ra câu hỏi:
Trong câu chuyện đầu tư các dự án BOT có gì bất minh hay không?
Mức phí và lộ trình thu phí có phải vì dân, vì sự phát triển của đất nước không?
GS.TS Võ Đại Lược – Chuyên gia kinh tế từng nói rất thẳng rằng “không thấy chỗ nào cũng trạm thu phí BOT như ở Việt Nam” và “chính phí BOT đang dồn gánh nặng lên vai doanh nghiệp và kìm hãm nhiều ngành nghề phát triển”.
Nhìn lại lịch sử đất nước từ thời kỳ phong kiến tới thuộc địa thực dân, dân ta vì phải chịu đựng quá nhiều thứ thuế, phí vô lý và thế là bất ổn chính trị bắt đầu nhen nhóm.
Đảng ta ra đời với một mục tiêu duy nhất, tất cả vì quyền lợi của nhân dân.
Trong khi chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn muốn đời sống của người dân tốt đẹp hơn thì có lẽ nhiều cán bộ có quyền hành đã không hành động dựa trên mục tiêu cao cả ấy.
Và nguy cơ không chỉ đơn thuần là câu chuyện lên xuống của giá vé qua trạm, mà xa hơn là bất ổn về đời sống tất sẽ dẫn tới những bất ổn trong đời sống chính trị.
Đó là cơ hội của những kẻ phá hoại.
Đó cũng là hiểm họa của dân tộc.
Vậy ai đang gây ra bức xúc, làm loạn lòng dân?
Rõ ràng, phải có người chịu trách nhiệm cho một loạt các vấn đề bất cập đang tồn tại ở các dự án BOT, bởi chủ trương là do cơ quan quản lý nhà nước, phương pháp và quy trình kiểm soát cũng thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
Và trên tất cả, người dân cần sự minh bạch, để sẵn sàng thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với đất nước mà không lo sẽ bị rơi vào túi của một nhóm lợi ích nào đó. Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính): “Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét