22 tháng 2, 2016

Việt Nam có thực sự quan trọng với Hoa Kỳ?

BBC

Bà Thảo Griffiths cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam 'muộn còn hơn không'. Ảnh: BBC screen shot
Bà Thảo Griffiths cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam ‘muộn còn hơn không’. Ảnh: BBC screen shot
Một ý kiến trong thảo luận Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt đặt ra câu hỏi rằng liệu Việt Nam có thực sự quan trọng đối với Hoa Kỳ khi Tổng thống Obama đã nhiều lần tới châu Á nhưng chưa từng đến Việt Nam.
“Chuyến thăm gần đây nhất của một Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam là năm 2006. Trong khi đó Tổng thống Hoa Kỳ đã đến khu vực Asean rất nhiều lần.
“Vì vậy mà chúng ta đặt ra câu hỏi, liệu Việt Nam có quan trọng đến mức như thế đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực hay không,” bà Thảo Griffiths, đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam phát biểu với tư cách cá nhân hôm 18/02.
“Nhưng muộn còn hơn không,” bà Thảo Griffiths nói thêm.
Xem video thảo luận giữa các khách mời tại: http://bbc.in/249MlHD
Chia sẻ ý kiến trên, nhà báo Trần Nhật Phong từ California nhận xét thêm, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam “còn có nhiều điều bất đồng trong hồ sơ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là về nhân quyền”.
Nhà báo, đạo diễn Trần Nhật Phong cũng dự đoán rằng, có khả năng ông Obama sẽ phải hủy chuyến thăm Việt Nam vào tháng Năm “do đây là thời điểm bầu cử quan trọng ở Hoa Kỳ. Và nếu có bất kỳ điều gì xảy ra trên trường quốc tế mà tác động trực tiếp tới Hoa Kỳ”.
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng viện Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế cho biết, lựa chọn thời điểm tháng Năm là quyết định của phía Hoa Kỳ.
“Nhưng dù tháng nào đi nữa, thì tổng thống Mỹ sang Việt Nam và đặt chân đến Việt Nam là điều đáng mừng,” ông Thái nói.
Ai tiếp đón?
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt nếu Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm vào thời điểm Việt Nam dự tính có đợt bầu cử quan trọng, thì sẽ là thủ tướng mới hay thủ tướng cũ tiếp đón ông Obama, Tiến sỹ Trần Việt Thái cho rằng, nhiều khả năng là giàn lãnh đạo mới, tuy ông chưa rõ chuyến thăm của Hoa Kỳ dự định vào ngày nào.
“Ngày 20/05 sẽ có bầu cử Quốc hội. Hiện nay chưa biết chuyến đi diễn ra vào thời điểm nào của tháng Năm. Nhưng nếu là sau bầu cử, thì có lẽ là ban lãnh đạo mới sẽ tiếp đón.
“Còn hiện nay tôi chưa biết chính xác thời điểm khi nào ông ấy sẽ sang nên không trả lời chính xác được,” ông Thái bổ sung thêm với BBC sau chương trình, rằng dù là “mới hay cũ”, thì Việt Nam cũng sẽ tiếp đón Hoa Kỳ một cách long trọng.
Tiến sỹ Jonathan London nhận xét ông rất ấn tượng với hình ảnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị thượng đỉnh ở Sunnylands vừa qua.
“Nhìn vào quan hệ Việt Nam và Mỹ mà cụ thể hơn là giữa ông Obama và Nguyễn Tấn Dũng rất thân thiện, mà là một nhà quan sát tôi thấy rất ấn tượng.”
Hoa Kỳ – Asean – Trung Quốc
Trái với quan điểm của Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ – Asean ở Sunnylands không tạo được bước đột phá, đa số khách mời trong chương trình của BBC nhận xét đây là hoạt động ngoại giao quan trọng.
Học giả từ Học viện Quốc tế, ông Trần Việt Thái nói, từ năm 1977 đến nay, “chưa bao giờ quan hệ Mỹ – Asean bước nhanh như trong khoảng thời gian trở lại đây dưới thời của ông Obama”.
“Nếu so sánh như vậy, có chiều sâu lịch sử một chút thì ta thấy rằng quan hệ Mỹ – Asean đã có bước tiến rất dài. Nếu nhìn vào bản Tuyên bố chung gồm 17 điểm thì bản thân tôi đếm được 10 chữ Commitment [cam kết], 9 chữ Share [chia sẻ].
“Có thể nói là hiếm có tuyên bố nào mà mức độ cam kết sâu rộng như vậy,” ông Thái nói.
Bà Thảo Griffiths chỉ ra ba điểm thành công của hội nghị tại Sunnylands, mà đặc biệt đối với Việt Nam là quyết định thăm Việt Nam vào tháng Năm và thăm Lào vào tháng Chín.
Bên cạnh đó, “các bên đã đưa ra được thống nhất 17 nguyên tắc để xây dựng quan hệ chiến lược như vậy là đã có bước tiến rất rõ rệt, đưa ra được nguyên tắc cụ thể.
“Và điều này gãi đúng chỗ ngứa của các nước Asean vì không chỉ Việt Nam lo sợ rằng Hoa Kỳ trở lại rồi lại có thể ra đi.”
“…Sunnylands là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra với tự thân của nó chứ không phải bên lề bất kỳ một hội nghị nào khác,” bà Thảo nói.
Bình luận về bản Tuyên bố chung không nhắc tới Trung Quốc và cụ thể biển Đông, ông Jonathan London cho rằng điều này không quan trọng.
“Ai cũng biết con voi trong phòng là ai, ai có hành động bành trướng, ai có động thái quá đáng. Quan trọng là nội dung của những gì mà họ đã tuyên bố rõ ở hội nghị.”
Hôm 17/02 có thông tin cho biết Trung Quốc đã phát triển hệ thống hỏa tiễn trên đảo nhân tạo ở vùng đảo Hoàng Sa. Việt Nam cũng đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo ngày 18/02 rằng Trung Quốc sẽ họp với khối Asean vào tháng 9/2016.
Tiến sỹ Trần Việt Thái cho rằng Asean đang ở vào thế ‘rất đẹp’, nhưng vấn đề là khối này “sẽ cư xử như thế nào khi cuộc chơi đang ngày càng mở ra và sự can dự của các nước lớn vào cuộc chơi ở biển Đông ngày một thú vị.”
Hồ sơ nhân quyền
Các khách mời trong chương trình có ý kiến khá khác nhau về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Nhà quan sát Việt Nam, tiến sỹ xã hội học Jonathan London cho rằng vấn đề này cần được tiếp cận theo cách khác, và “hy vọng những lãnh đạo mới được chọn ra có thể cho thế giới biết rằng họ thực sự quan tâm vấn đề nhân quyền”.
“Tôi rất muốn biết trường hợp của anh Nguyễn Hữu Vinh – anh Ba Sàm – sẽ được đề cập như thế trong vài tháng trước chuyến đi của Obama sang Việt Nam,” Tiến sỹ London nói.
Trong phỏng vấn thực hiện tại Việt Nam, phóng viên Nguyễn Hoàng cũng đưa ra câu hỏi về vấn đề với Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Vụ trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao Việt Nam.
Ông Trường cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có những tiêu chuẩn khác biệt, “không thể mang những khuôn mẫu của Hoa Kỳ áp đặt cho Việt Nam”.
“Nêu thì cứ nêu, còn chúng ta cứ để những vấn đề này cho cuộc sống nó tự giải quyết,” Tiến sỹ Trường hiện cũng là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) trả lời.
Tuy nhiên nhà báo Trần Nhật Phong từ California cho rằng, trả lời của Tiến sỹ Trường cho thấy, “đối với họ [Việt Nam], nhân quyền là chuyện để trao đổi, không phải là quyền của con người được tôn trọng.
“Văn hóa có thể khác biệt nhưng quyền con người không thể khác biệt.”
Ông nói thêm, trái với hy vọng về tương lai của Tiến sỹ Jonathan London, ông không hy vọng nhiều vào tình trạng nhân quyền của Việt Nam.
Bà Thảo Griffiths cũng nhận xét, vấn đề không thể ‘tự nó giải quyết’, mà tuy Hoa Kỳ và Việt Nam còn nhiều khác biệt, nhưng trong ‘hành trình mới’ – theo như cách gọi của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thì hai bên cùng tập trung vào những điểm tương đồng.
“Đồng thời hai bên cùng phải nỗ lực để quan điểm về những khác biệt này được gần nhau hơn nữa, chứ tự nó không thể tự giải quyết được.”

Không có nhận xét nào:

Trang