22 tháng 2, 2016

“Chất cộng sản” Bắc Trung Nam khác nhau

Kông Kông

Đinh La Thăng - Cộng sản miền Bắc vào Nam cai trị. Nguồn: internet
Đinh La Thăng – Ông cộng sản miền Bắc vào Nam cai trị. Nguồn: internet
Nhân vụ Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người khởi xướng phong trào Tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14, kêu gọi những người tranh đấu chống chế độ nên tham dự với hy vọng sẽ thức tỉnh được, hoặc vì vô cảm, hoặc vì sợ hãi nên người dân không dám bày tỏ quan điểm chính trị cá nhân đang ngự trị trong xã hội Việt Nam. Qua sự kiện nầy bỗng hé lộ được đôi điều mà trước đây ít ai biết.
Đó là đã có một số người tự ứng cử vào Quốc hội và bản thân họ đã nhận chịu nhiều sách nhiễu nghiêm trọng mà trong thời buổi hiện tại không một ai có thể chấp nhận. Đây vừa là kinh nghiệm cho những người đang tự ứng cử với những thách thức trước mắt, vừa nhắc người tự ứng cử ghi nhận từng sự kiện một để nhanh chóng đưa ra ánh sáng công luận. Vì cũng cùng một giuộc cộng sản nhưng mức độ thể hiện bản chất man rợ khác nhau, hành động bẩn thỉu khác nhau, tùy theo vùng/miền.
Những kinh nghiệm nầy rất bổ ích để người Việt Nam thấy rõ và sớm tỉnh được cơn mê đã quá dài.
Tại miền Bắc, cái khốc liệt nhất là người tự ứng cử bị đem ra tổ dân phố làm cái gọi là “hiệp thương”! Vì khi tự ứng cử thì người đó phải biết chắc chắn là họ được sự quý mến, tin tưởng của bà con trong khu vực, nếu không muốn nói là được cổ vũ! Vì thế thay vì tổ chức “hiệp thương” tại phường, xã, khu phố nơi họ sinh sống thì bị dời qua địa phương khác, dùng người lạ đứng ra tố cáo mà người tự ứng cử không hề biết những người đó là ai. Và, dĩ nhiên chỉ là sự vu cáo trắng trợn, đã được hướng dẫn trước! Còn hơn thế nữa, có trường hợp không những đã dời qua khu phố khác, nhưng để chắc chắn không gặp trở ngại, họ cho tổ chức trên lầu 2, dành lầu 1 để thanh lọc người có cảm tình với người tự ứng cử, không cho họ tham dự!
Như vậy “hiệp thương” là cô lập người tự ứng cử để đấu tố kiểu Cải cách Ruộng đất!
Tại miền Trung, màn “hiệp thương” có vẻ êm xuôi hơn. Mặc dù người tự ứng cử được 100% đồng nghiệp cũng như người địa phương ủng hộ, chỉ khi lên đến cấp Tỉnh mới bị chặn lại. Tại đây người tự ứng cử không còn được tham dự “hiệp thương” mà chỉ nghe kể lại là bị loại vì những lý do a, b, c, d… nào đó.
So với miền Bắc, thì người tự ứng cử ở miền Trung có vẻ dễ thở hơn chút đỉnh.
Còn ở miền Nam thì khác. Khác khá nhiều. Khác hơn về thái độ của người tự ứng cử cũng như cách hành xử của người chịu trách nhiệm. Ứng viên nầy ở vùng tận cùng của đất nước, nổi tiếng nhờ tố cáo tham nhũng đưa cả bọn bị tố cáo vô tù, nên được bà con quý mến. Trong một tiệc nhậu, khi có hơi men “đủ để bốc” và được bạn nhậu vỗ tay ủng hộ ra tự ứng cử, ứng viên nầy cao hứng lấy phone gọi ngay cho Quan đầu Tỉnh, vì cũng là chỗ thân tình, để thông báo. Không có gì ngạc nhiên khi nhận được cái gật đầu rất nhanh và hẹn gặp mặt ngay hôm sau để bàn chi tiết. Sáng ra, dã rượu, biết việc đêm qua chỉ là bốc đồng vì hơi men, nên phân vân, muốn rút lời. Đến lúc đó, bị bạn bè “gài độ” thêm “đây là chuyện không phải có thể đùa giỡn được”! Cuối cùng thì… đàng nào cũng đã lỡ rồi! Tên người tự ứng cử nằm chung với 2 người, cấp Trung ương đảng, được đề cử. Đến lúc “vận động”, đi đến đâu thì người tự ứng cử cũng được bà con hoan hô, còn 2 vị kia coi như không có mặt tại chỗ! Vì thế Quan đầu Tỉnh lo sốt vó (!) cứ tưởng chỉ dùng tên người tự ứng cử làm trái đệm cho 2 vị kia, ai ngờ! Cuối cùng thì Quan đầu Tỉnh đành phải ra chỉ thị mật: “Địa phương nào để người tự ứng cử thắng thì sẽ bị kỷ luật”!
Khi đã “tai qua nạn khỏi” và sự thật vỡ lỡ Quan đầu Tỉnh mời người tự ứng cử một chầu nhậu. Cuộc nhậu nầy chỉ riêng giữa 2 người, để “xuề xòa”!
Như vậy thì từ quyết định tự ứng cử đến cách bị loại bỏ khác hẳn với miền Bắc, miền Trung. Vì tự ứng cử cũng chỉ là chuyện bốc đồng và cách loại bỏ cũng như giải hòa sau đó đều “lè phè”, vẫn đậm chất “nước nổi” Nam kỳ!
3 trường hợp trên chỉ là chuyện nhỏ! Nhưng từ cái nhỏ đó cho thấy cái lớn. Cái lớn là mức độ hung hiểm trong não trạng của cán bộ cộng sản vùng miền khác nhau. Nơi nào bị cộng sản thống trị lâu dài nơi đó mức độ nham hiểm cao hơn.
Vì thế cộng sản miền Bắc giống rặc cộng sản Tàu. Cộng sản miền Trung vẫn cố gắng giữ chút chút tính nguyên tắc. Còn cộng sản miền Nam thì “lè phè”, cố hữu (?)
Có thể đây là nguyên nhân ông Đinh La Thăng, một Bắc kỳ rặc, được chọn làm Bí thư Tp Hồ Chí Minh, là “đầu tàu” về kinh tế cả nước và cũng là “đầu tàu” về tính bộc trực Nam kỳ nên dễ có nguy cơ bùng nổ Cách Mạng nhất.
Vừa nhận nhiệm vụ, ông Đinh La Thăng được báo chí nhà nước theo dõi đến từng bước chân để quảng cáo. Từ việc ra chỉ thị làm đường, sửa nhà cho “mẹ anh hùng”, tìm thị trường tiêu thụ sữa cho người nuôi bò ở Củ Chi, đến tuyên bố phải giảm ngay tệ nạn xã hội trong vòng 3 tháng, rồi thực hiện ngay đường dây điện thoại “nóng” để ông trực tiếp nghe ngóng phản ứng… dĩ nhiên tất cả đều với mục đích cố gắng xoa dịu cho bằng được sự căm phẫn của người dân trước khi nổ ra biến cố. Giữa những quảng cáo ầm ĩ đó thì, hôm 17/2, người dân tự động đứng ra tổ chức lễ Tưởng niệm 30 ngàn người Việt đã hy sinh để bảo vệ biên giới ở phía Bắc, chống quân xâm lăng Tàu cộng, đã bị công an giả dạng côn đồ phá bĩnh!
Tệ nạn xã hội đầy dẫy là hậu quả đương nhiên của một chế độ thối nát, phải giải quyết là đúng. Nhưng tại sao một lễ bày tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh vì đất nước, mang đậm tính chất truyền thống tốt đẹp như vậy lại bị phá hoại trong lúc ở Hà Nội thì tạm yên?
Câu trả lời là vì cách người dân phản đối chế độ giữa 2 miền Nam Bắc khác nhau. Người miền Bắc thường dùng lý luận kiểu thâm Nho, như Thư ngỏ, Kiến nghị, Thỉnh nguyên thư… để “đạo đạt” ý kiến nên ít nguy hiểm trực tiếp. Còn người miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn Gia Định, thì thẳng thừng bằng hành động, như đã xảy ra trước năm 1975. Và mới nhất là vụ công nhân “nổi loạn” tại Bình Dương! Chính tính bộc trực nầy làm chế độ sợ hãi hơn là thâm Nho. Do đó phải chọn lãnh đạo có đầy đủ tố chất cộng sản hung hiểm để làm Tân Bí thư thành Hồ.
Nhưng với đặc tính hung hiểm đó liệu có thể khuất phục được người miền Nam hay không thì Đại hội đảng 12 vừa rồi tự nó đã phô ra rõ ràng. Sự chia rẽ cộng sản Bắc và cộng sản Nam là có thực. Đúng như câu nói nổi tiếng của ông Võ Văn Kiệt: “Có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”! Vì thế áp dụng “Bắc kỳ trị” tại miền Nam có thể có kết quả nhất thời nhưng tương lai sẽ đầy bất trắc. Bất trắc vì khi bản tính thẳng thắn bộc trực bị đè nén tối đa sẽ biến thành những quả bom được giấu kín trong lòng mà ngòi nổ đôi khi chỉ là những sự kiện rất tình cờ, nên khó lường.
Ngày trước người miền Bắc bị tuyên truyền đầu độc nên cầm súng vô Nam bắn giết anh em một nhà, đã phải “sinh Bắc tử Nam”. Hàng triệu cái chết đó được đảng ban cho 4 chữ “Tổ Quốc Ghi Công”(!) Còn 30 ngàn người hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc khi giặc Tàu cộng xâm lăng thì sao? Bia, thì bị đục bỏ chữ. Mồ mả, thì không cho hương khói. Sách sử giáo khoa không một dòng nhắc đến. Thế thì nói làm gì đến việc tổ chức được một Lễ Tưởng niệm cấp Quốc gia?
Tại sao? Tại sao vậy? Đây là câu hỏi mà sẽ có một ngày đảng CSVN phải trả lời cho đồng bào cả nước và lịch sử!
Vì thế cho dù có rình rang cố gắng giải quyết tệ nạn xã hội thì đảng CSVN cũng chỉ giải quyết được mặt nổi của vấn đề, còn mặt chìm chính là xương máu đồng bào và tội bán nước cầu vinh thì vẫn đang sờ sờ trước mắt!

Không có nhận xét nào:

Trang