Thông tin này được ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư xây dựng tháp THVN cho biết.
Theo đó dự án có tổng mức đầu tư hơn 600 triệu USD, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.
Lý giải về ý nghĩa của dự án, ông Lương cho biết tháp truyền hình hay các công trình cao tầng đa năng được rất nhiều thành phố và quốc gia trong khu vực và trên thế giới chọn làm biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa và du lịch vì tính hiện đại, công năng đa dạng, mang lại nhiều tiện tích cho xã hội.
Như vậy, tổ hợp dự án tháp THVN sẽ là biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch và các dịch vụ khác, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng…
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu của tư vấn, dự án sẽ gồm hạng mục tháp truyền hình và các hạng mục khác phục vụ kinh doanh thương mại, du lịch, giải trí... Tháp THVN dự kiến cao 636m.
Dự kiến, tháp THVN sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.
Khẳng định về hiệu quả đầu tư, ông Lương cho biết thời gian thu hồi vốn có tính khả thi cao đối với loại hình công trình tương tự trên thế giới.
"Xác định đây là dự án có quy mô tầm cỡ quốc tế, có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nên trong quá trình triển khai dự án, VTV sẽ tuân thủ chặt chẽ trình tự quy định của pháp luật, tiếp thu ý kiến đóng góp của giới chuyên môn và nhân dân", ông Lương khẳng định.
Tháp truyền hình Việt Nam sẽ cao hơn tháp huyền hình Tokyo Skytree cao nhất thế giới hiện nay (634m) là 2m.
Liên quan đến dự án này, trước đó ông Trần Đăng Tuấn - nguyên phó tổng giám đốc VTV, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng đây chưa phải là thời điểm ưu tiên cho dự án.
Theo ông Tuấn, điều quan trọng là liệu có đủ luận chứng tin cậy để chứng minh trong nghiên cứu khả thi là xây tháp truyền hình ở Hà Nội thì kéo theo phát triển những cái gì, và “những cái gì” ấy định lượng ra sao, con số tương đối thế nào.
Du lịch ước tính lợi ích gì, bao nhiêu. Thương mại, giải trí cũng thế. Phát triển đô thị cũng vậy. Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình và tín hiệu khác cũng thế.
"Có thể các anh ấy đã có luận chứng như thế thì nên công khai hóa để mọi người có cơ sở bàn luận, phản biện", ông Tuấn nói.
TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Việt Nam thì cho rằng: về nguyên tắc thì không ai cấm Việt Nam vượt với thế giới nhưng nên vượt cái gì mới là quan trọng. Ví dụ vượt về sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học hay dạng kinh doanh mới mẻ nào đó…
"Còn vươn lên theo kiểu chiều cao của tháp truyền hình thì cũng nên cân nhắc với mức trình độ phát triển của nền kinh tế nước nhà, không nên thoát ly quá và phải xuất phát từ thực tế. Nên có giải Nobel hay có nhiều nhân tài như Ngô Bảo Châu chứ giải về cao nhất thì cũng nên cân nhắc", TS Phạm Sĩ Liêm nói.
Trong khi đó ta không đủ sức thiết kế nên chắc chắn phải có thiết kế nước ngoài cũng như hướng dẫn điều kiện thi công thì chúng ta mới có thể làm được.
"Kỹ thuật này Việt Nam chưa có khả năng làm. Không đơn giản chỉ là tháp, mà ở đây sẽ có khách sạn, đài ngắm, điện nước, thang máy lên, đưa chất thải xuống… rất phức tạp mà chúng ta chưa có kinh nghiệm. Phải thuê nước ngoài làm toàn bộ là đương nhiên vì thế phải xem có hiệu quả hay không mới có thể quyết định đầu tư", TS Phạm Sĩ Liêm nêu quan điểm.
Phương Nguyên (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét