23 tháng 2, 2016

Cần có ‘Luật về đảng’

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An: Cần có luật để Đảng tránh bao biện, làm thay
Chỉ xin phép ngồi với ông chừng 30 phút, nhưng câu chuyện về “trị quốc, an dân” đã kéo dài tới 3 giờ đồng hồ. Ông là người đứng đầu Quốc hội có nhiều cải cách làm cho hoạt động lập pháp đi vào thực chất hơn, nay biết thêm Nguyễn Văn An còn là một nhà hiền triết.
Nghiêm khắc tự phê, thừa nhận sai lầm
Khi người bảo vệ đưa chúng tôi vào phòng khách thì nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ngồi đợi sẵn. Bộ ấm chén Bát Tràng, phích nước nóng đã được chuẩn bị. Ông đứng lên cho nước sôi vào ấm, rồi rót mỗi người một chén trà mắt trâu. 
Ông bảo dạo này ông luyện tập nhiều nên giảm được tới 7 cân. “Định giảm chừng 2- 3 cân nữa cho còn 62-63 cân. Mình cao 1m62. Cân nặng như thế là chuẩn, nhưng bà vợ mình bảo, giảm nữa thì xấu”- ông cười to hào sảng. Ông bảo mỗi tuần ông lên sân golf hai ngày, 3 lần đi bơi. Trông ông trẻ hơn cái tuổi 79 của mình. Vẫn một tư duy uyên bác, mạch lạc. Một trí nhớ tuyệt vời. 
Qua câu chuyện của ông chúng tôi hiểu rằng kể từ khi nghỉ hưu ông đọc nhiều, nghiên cứu sâu Phật học, đạo Lão, đạo Khổng và nhiều tôn giáo, triết thuyết khác. Ông nói về phép trị quốc, an dân bằng những câu chuyện nhẹ nhàng dí dỏm, lúc thì mang tính logic triết học, lúc thì tầm chương, trích cú, dẫn chứng các điển tích; lúc thì nhìn dưới góc độ Lão Tử, Mạnh Tử, Khổng Tử, Osho… 
Đưa ly trà lên nhấp một ngụm, ông cho biết đã viết “Bản tự kiểm” nghiêm túc tự phê bình “những khuyết điểm mà tôi đã mắc phải” khi còn đương nhiệm. “Tại sao cuộc vận động chỉnh đốn Đảng TƯ 6 (lần 2) Khóa VIII và Nghị quyết TU 4 khóa XI về xây dựng và chỉnh đốn Đảng lại không thành công?”- ông đặt câu hỏi. Rồi ông trả lời: “Cả hai nghị quyết đều đưa ra nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức, có quyền là xa rời chủ nghĩa Mác- Lenin. Phải chăng chúng ta đã xác định không đúng nguyên nhân về thoái hóa biến chất của của một bộ phận không nhỏ trong Đảng cầm quyền?”. 
Trầm tư một lúc ông nói về kinh tế. “Cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lenin là kinh tế tập thể, tập trung. Vậy Đại hội Đảng VI (quyết định “chuyển từ kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN”) là thoái hóa biến chất à?”, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cật vấn. 
Rồi ông bảo, trong thời kỳ ông làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (1996-2001) ông chủ trì xây dựng hai nghị quyết về công tác cán bộ. Đó là Nghị quyết 03, ngày 18/6/1997 (TƯ 3, khóa VIII) “Chiến lược cán bộ thời kỳ CNH- HĐH đất nước” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khoá VIII) ngày 16/8/1999 “Về một số vấn đề về tổ chức, bộ máy và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước”. 
“Trong các nghị quyết này tôi mắc sai lầm là khi nền kinh tế đã chuyển từ tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường rồi mà bộ máy cán bộ vẫn quy hoạch, làm theo tư duy và phương pháp kiểu tập trung, bao cấp cho nên mới sinh nhiều chuyện. Ấy vậy mà cho đến nay, hai nghị quyết này vẫn có hiệu lực, chưa được sửa đổi, bổ sung. Thế cho nên tôi mới làm kiểm điểm nhận sai lầm”, ông trầm ngâm nói. 
Quyền lực ở nơi dân 
Ông bảo, ta hay nói tới câu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ”, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nội hàm câu nói này. Hỏi ông cụ thể hơn, ông bảo cái này ông đã nói trên báo rồi. Về lần tìm lại báo mấy năm trước đó, thấy ông viết: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai. Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời Cộng hòa XHCN. Trong một gia đình cũng vậy, người chủ của gia đình mà không có quyền quyết định công việc của gia đình mình mà lại do người khác quyết, thì người chủ gia đình đó chỉ là bù nhìn, không phải chủ đích thực. Nếu vậy thì còn gì là dân chủ nữa mà là “Đảng chủ”, là Đảng bao biện, làm thay. Và như vậy là mất dân chủ. Dân chủ thì quyền lực nhà nước phải thống nhất ở nơi dân”. 
Nhấp một ngụm trà ông An bảo, Lão Tử cho rằng, trị nước nhỏ như nấu nướng cá nhỏ. Nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nói nhiều quá thì nó sẽ nát; trị nước lớn mà can thiệp vào việc của dân nhiều quá, dân sẽ trá ngụy, chống đối. Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quý và khen, thấp hơn nữa thì dân sợ, thấp nhất thì bị dân khinh lờn...Vua thành công, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: “Tự nhiên mà mình được vậy”. Đó mới thực là tuyệt đỉnh của vô vi. 
Lão Tử khuyên người lãnh đạo phải sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền. Biển sở dĩ làm vua trăm sông, ngàn vạn khe lạch là vì khéo ở dưới thấp, trăm sông, ngàn vạn khe lạch đều đổ nước về. “Vì vậy thánh nhân muốn ở trên dân thì lời nói phải khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau. Sở dĩ biển lớn vì nó chịu ở thấp hơn và dung nạp được tất cả”- ông nhấn mạnh. 
Cuối cùng rồi cũng quay về câu chuyện “lỗi hệ thống”. Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Vì vậy cần phải chỉnh sửa cái lỗi này. Trong bài trên VietNamNet đăng trước đó, ông chỉ rõ: “Đảng đã chính thức cầm quyền hơn 80 năm, song cho đến giờ vẫn chưa có Luật về Đảng. Giai đoạn Đảng cầm quyền phải khác với giai đoạn Đảng còn đang đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp để giành chính quyền về tay nhân dân, vì khi đó chính quyền thực dân, phong kiến không cho phép Đảng ta hoạt động hợp pháp, đặt Đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Ngày nay, Đảng cầm quyền hợp hiến (trong Hiến pháp điều 4 đã ghi), càng cần phải có Luật để tránh bao biện, làm thay hay buông lỏng lãnh đạo; và cũng để dân có cơ sở giám sát, xây dựng Đảng; để nhà nước có cơ sở kiểm soát các tổ chức và đảng viên, cán bộ của Đảng làm theo Hiến pháp và pháp luật. 
Biết đủ là dừng 
Năm 1996, ở tuổi 59, ông Nguyễn Văn An xin nghỉ hưu. Mặc dù Ban Tổ chức Trung ương, rồi Bộ Chính trị đã đồng ý, nhưng khi ra Ban Chấp hành Trung ương vẫn bầu ông vào Bộ Chính trị và trở thành Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Lần thứ hai, năm 2006, ở tuổi 69, trước khi thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để nghỉ hưu, nhiều cán bộ cấp cao có uy tín trong Đảng đề nghị ông ở lại. Ông kiên quyết về, vì “nhiều nhưng chưa đủ đông để giữ tôi lại”. 
Ông bộc bạch người đời thường bảo, biết người là trí, Lão Tử lại bảo, biết mình là sáng. Người đời thường bảo, thắng người là có sức, Lão Tử lại bảo, thắng mình là sức mạnh. Biết người, thắng người là Hữu vi, biết mình và thắng mình đó là Vô vi. Nhưng ông cũng lưu ý Lão Tử khuyên: “Vô vi nhi vô bất vi” nghĩa là không làm nhưng không gì không làm, chỗ vi diệu của Lão Tử chính là ở đó. 
Là người đọc nhiều, biết nhiều, lại nghiên cứu sâu về đạo Lão, chắc ông thấu hiểu học thuyết của Lão Tử lấy Vô vi làm gốc. Đó là, Vô dục: bớt, đến tiêu diệt tham lam, ham muốn. Vô tranh: không tranh giành với ai thì cũng không ai tranh giành với mình. Thủ thế: biết lùi để tiến. Tri túc: biết thế nào là đủ để dừng. Nghĩ được vậy, làm được vậy lòng sẽ luôn thanh thản. Xưa nay chỉ những bậc đại nhân, đại trí mới nhìn ra điều ấy và chủ động rút khỏi quyền lực đúng lúc. 
Ở góc phòng khách có bày bức tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời, chúng tôi hỏi ông sao lại bày bức tượng này, ông bảo sở dĩ Thánh Gióng vĩ đại và được phong Thánh là bởi lập kỳ công rồi không tham ở lại. Nhấp ngụm trà, nguyên Chủ tịch Quốc hội cười thư thái, bảo: “Lão Tử khuyên rằng: Công thành nhi phất cư. Phù duy phất cư. Thị dĩ bất khứ”. Nghĩa là làm mà không cậy công. Thành công mà không ở lại. Vì không ở lại nên không bị bỏ đi. Tôi thấy nhiều người có chức vụ do không biết được triết lý uyên thâm này nên mới tự mình làm khổ mình đấy chứ”. 
Đặng Vương Hạnh - Lê Thọ Bình/ VietTimes

Không có nhận xét nào:

Trang