25 tháng 2, 2016

Cái DŨNG của người viết Sử

Tác giả: theo Blog Đỗ Phương Khanh
KD: Câu chuyện viết Sử nổi tiếng trong lịch sử thời Xuân Thu, nhưng xem ra, thời Kim Tiền không học nổi. Nên chỉ xin đăng lên như một sự hồi tưởng ngậm ngùi. Vì Sử gia và Sử nô, chỉ khác nhau có đúng một chữ, mà nghìn trùng xa cách, hệt thời Xuân Thu và thời …Kim Tiền vậy! . 
* Thưa bạn đọc, ngay sau khi đưa bài này lên FB, bạn Vinhhuy Le, một còm sĩ có comment như sau: . Chị Kim Dung ơi, tác giả Đỗ Phương Khanh chỉ là lượm lặt đâu đó đầu cua tai nheo rồi đề cao tiết tháo sử quan Tàu đời xưa thôi ạ. Chuyện Thôi Trữ giết vua là được chép trong “Tả truyện” của Tả Khâu Minh, khoảng 380trCn, chứ không phải trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên ra đời khoảng hơn 250 năm sau đó. Và chuyện Thôi Trữ giết vua, cũng như mấy anh em nhà chép sử kia thi nhau chịu chết chỉ là chuyện bịa đặt, em sẽ sớm có stt về vụ này. . Đây có thể coi là những thông tin phản biện, và khi nào Vinhhuy Le có bài viết phản biên về bài này, chủ Blog KD/KD xin đăng lên, để rộng đường dư luận. . Trong thế giới phẳng, sự thật và chỉ có sự thật mà thôi, cần được tôn trọng . Cảm ơn Vinhhuy Le!
 ————— 
Sử Thánh Tư Mã Thiên. Nguồn: Petrotimes
Vào thời Xuân Thu, sau khi tướng quốc nước Tề là Thôi Trữ giết vua Tề là Trang Công để thâu tóm quyền lực, bèn gọi quan Thái sử Bá đến ra lệnh: 
– “Ông phải viết rằng Tiên Vương chết vì bị bệnh nặng. 
Thái sử Bá nói: 
– Lịch sử không thể ghi chép hồ đồ. Viết theo sự thật là bổn phận của Thái sử. 
Thôi Trữ không ngờ Thái sử Bá dám chống lệnh, nổi giận: 
– Ông định viết thế nào? 
Thái sử Bá đáp: 
– Tôi viết xong rồi, ông sẽ biết ngay thôi. 
Thôi Trữ cầm lên đọc thấy rõ: 
– Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân (nghĩa là vào tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua). 
Thôi Trữ nói: 
– Ông phải viết khác đi, nếu không ta giết ông. 
Thái sử Bá lắc đầu: 
– Giết thì giết, tôi không thể viết khác. 
Thôi Trữ liền chém đầu Thái sử Bá. 
Thái sử Trọng là em trai Thái sử Bá, nghe tin anh bị giết liền đến thay chức vụ của anh. Thôi Trữ kinh ngạc vì thấy Trọng vẫn viết đúng như anh trai mình, liền rít lên: 
– Ông không biết Thái sử Bá đã bị chém hay sao? 
Trọng đáp: 
– Thái sử chỉ sợ viết không trung thực chứ không sợ chết. 
Thôi Trữ lại chém Thái sử Trọng. 
Thái sử Thúc, em trai Thái sử Bá và Thái sử Trọng được vào thay. Ông cũng chép đúng như hai anh của mình và lại bị chém. Thái sử Quý, em út của ba Thái sử trên vào thay, vẫn viết: “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân”. Viết xong ông nói với Thôi Trữ: 
– Ông càng giết người thì càng chứng tỏ sự tàn bạo. Nếu tôi không viết thì người khác sẽ viết và thiên hạ cũng biết. Ông có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật. 
Thôi Trữ nghe xong lắc đầu, thở dài, không dám giết tiếp. 
Được Thôi Trữ tha mạng, Thái sử Quý cầm cái thẻ trên viết việc Thôi Trữ giết vua đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị. Thái sử Quý hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói: 
– Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa Hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép . 
Quý đưa cái thẻ của mình đã chép cho Nam Sử Thị xem . Nam Sử Thị mới cáo từ mà về . 
——————————– 
Lời bàn: 
Ngày nay nếu có thể bịa đặt, xuyên tạc sự thật để làm vừa lòng bề trên hoặc chụp mũ, vu cáo cho hấp dẫn để lôi cuốn độc giả ngu dốt trên báo lá cải kiếm chút lợi thì cũng chẳng thiếu gì người sẵn sàng bán lương tâm. 
Ôi, “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?” (Thơ Vũ Đình Liên) 
(Theo Sử Ký Tư Mã Thiên)

Không có nhận xét nào:

Trang