Cùng các ban bệ của Bộ GTVT và Sở GTVT rà soát một loạt dự án trọng điểm "dính" giữa T.Ư và TP.HCM, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh thông điệp phải đạt 1 trong 7 đột phá. Đó là phải giảm ùn tắc, không gây bức xúc mệt mỏi cho dân.
Trong cả vai trò chưa miễn nhiệm là Bộ trưởng GTVT, ông Đinh La Thăng chủ trì hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT chiều nay.
Ông rà lại tất cả dự án hạ tầng giao thông xương sống, đặc biệt những dự án tháo nút thực trạng ùn tắc căn cơ như tuyến metro, hay điểm nghẽn lớn sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường báo cáo vướng mắc về điều chỉnh lại mức vốn đầu tư một tuyến dự án metro do phần vốn tăng trội, vượt mức 10.000 tỷ đồng phải báo cáo ra QH, ảnh hưởng tổ chức mời thầu, giải phóng mặt bằng (GPMB), có thể kéo dài 1-2 năm thì ông Thăng tỏ ra sốt ruột.
Liên tục hỏi về tổng mức tiền tăng phải chốt, ông Thăng lo ngại sẽ không thể đẩy nhanh được tiến độ dự án, kể cả vướng mắc pháp lý.
Điểm danh khu vực điểm nóng về ùn tắc khác là sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thăng muốn biết những việc cụ thể triển khai ngay từ nay đến lúc dự án sân bay Long Thành khởi công chính thức.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật báo cáo kết quả làm việc với Bộ Quốc phòng trước mắt nhường lại 30ha cho sân bay Tân Sơn Nhất để tăng bãi đậu, đường lăn đi lại. Còn bên ngoài sân bay đã họp cùng Sở GTVT khảo sát để có chiến lược mở các đường bên ngoài. Nếu không làm, kể cả cầu vượt thì sẽ còn khó khăn về điểm nóng tắc nghẽn này.
Khi Bí thư muốn tiên lượng hiệu quả giải pháp này sẽ giúp Tân Sân Nhất giải quyết được bao nhiêu lượng khách, ông Nhật cho biết có thể đạt 30 triệu hành khách/năm. Nghe vậy, ông Thăng sốt ruột chỉ ra năm nay con số đó có thể đạt được rồi. Ông cho rằng, phải tính giải pháp đồng bộ, trong đó tính tới việc nhanh chóng chuyển căn cứ của các hàng không về Cam Ranh - Nha Trang, còn nếu tất cả các hãng chuyến đều xuất phát về Tân Sơn Nhất thì thực trạng ùn tắc còn kéo dài...
"Đầu tàu" phải có cơ chế đặc biệt
Sau 4 giờ đồng hồ lắng nghe các vướng mắc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăngnhấn mạnh, TP.HCM là đầu mối giao thông của cả nước, khu vực, do đó các dự án của TP cũng là dự án của cả nước. 1 trong 7 điểm đột phá lớn theo nghị quyết đại hội đảng bộ TP là giảm ùn tắc giao thông, đột phá về hạ tầng.
Ông đề nghị UBND TP sớm có chương trình kế hoạch hành động triển khai điểm đột phá này. Gợi ý cho ngành giao thông TP, Bí thư Thăng lưu ý nhiều tồn tại mà như trong cuộc giao lưu với thiếu nhi TP sáng nay, ông thấy các vấn đề phản ánh toàn việc "trong tầm tay" của chính quyền.
"Ngay như hệ thống biển báo, đèn tốc độ... xác định luôn bao nhiêu biển báo không phù hợp, trước hết nhổ bớt đi, rồi khắc phục phục hồi sau, đừng gây bức xúc, người tham gia giao thông quá mệt mỏi rồi. Rồi thủ tục đầu tư, tôi làm ở ngoài kia tôi nói các anh TP, cái gì thuộc quyền Bộ trưởng, TP đề nghị ủy quyền, Bộ ủy quyền tất. TP ra xin mất thời gian, tốn kém...", ông nói.
Bí thư Thành ủy tin tưởng nguồn lực tại chỗ của TP sẽ quản lý tốt hơn, vấn đề là các bộ ngành TƯ giúp TP xây dựng cơ chế đột phá, TP là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế trọng điểm mà áp dụng cơ chế bình thường thì đầu tàu không đủ sức kéo.
"Muốn đầu tàu khỏe thì phải có cơ chế cho đầu tàu kéo, phải chủ động, cái gì thuộc thẩm quyền phải chủ động...", ông nói
Trong kết luận, Bí thư Thành ủy TP gợi ý các nhóm giải pháp, trước mắt cập nhật lại các quy hoạch GTVT trên địa bàn, phù hợp chiến lược giao thông miền Nam, phù hợp chiến lược phát triển TP, vùng trọng điểm kinh tế, giao thông phải đi trước, những quy hoạch phải mang tính dài hạn, trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, sắt, thủy, nội địa....
Thứ hai, hoàn thiện thể chế chính sách về GTVT, xác định TP là vùng kinh tế năng động, mọi cơ chế chính sách phát huy được ở TP này có thể giúp xây dựng hình thành chính sách áp dụng cho cả nước.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch, tiêu chuẩn về các công trình giao thông , nhất thiết phải phù hợp đặc thù miền Nam, nếu không không thì cực kỳ lãng phí, tốn tiền.
"Như tính toán tần suất lũ không nên tính xa đến 1.000 năm, không nhất thiết đầu tư quá tốn tiền như vậy, rồi cuối cùng dân khổ, dân không thể theo được, hai bên đường dân vẫn phải chịu ngập lụt hết", ông nhấn mạnh.
Thứ tư, ông đề nghị xây dựng cơ chế đột phá về quản lý nhà nước, phải kiên trì làm việc với TƯ để xây dựng cơ chế cho đô thị đặc biệt. "Quyết tâm đặc biệt, giải pháp đặc biệt, cơ chế đặc biệt, nếu đô thị đặc biệt mà chỉ có cơ chế bình thường thì không thể hiệu quả".
Thứ năm, ông đề nghị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ban ngành đốc thúc dự án đường sắt đô thị triển khai khẩn trương, sớm có phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Thứ sáu, khẩn trương xây dựng cầu vượt để giải quyết ùn tắc, chỉ đạo xử lý xe dù, báo cáo việc cho thuê lòng đường vỉa hè ở quận huyện để trả lại lòng lề đường cho người tham gia giao thông.
"Cho thuê lề đường, đương nhiên người dân đi bộ xuống lòng đường, dùng lòng đường buôn bán rồi sao dân đi? Đồng chí Chủ tịch chỉ đạo sớm việc này", ông nói.
Xuân Linh - Đinh Tuấn/VnN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét