Ngày 04/02/2016, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự ở Hà Nội, đã kêu gọi người dân ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bản thân ông cũng tuyên bố tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa này.
Tại Điều 27, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã thể hiện sự dân chủ và bình đẳng khi nêu rõ mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có quyền bầu cử và công dân trên 21 tuổi có quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật, khi đạt đủ các tiêu chuẩn.
Vậy nhưng, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC rằng quyền chính trị cơ bản - bầu cử và ứng cử của công dân- vẫn còn là “quyền hão” và không được xem trọng trên thực tế.
‘Tác động để thay đổi từ từ’
Trả lời BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Nguyễn Quang A chia sẻ mục đích chính của việc tự ứng cử của mình là cổ động những người cảm thấy mình có đủ năng lực ra ứng cử.
Ông mong muốn tạo ra một “đợt học tập”, để “mọi người biết rằng bầu cử là thế nào, dân chủ là ra sao”.
“Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sâu các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.”
Có nhiều cơ hội thành công?
Trước tiến sỹ Nguyễn Quang A, đã từng có một số người tự ứng cử vào Đại biểu Quốc hội nhưng không trúng cử.
Khi được hỏi hy vọng thành công của việc làm lần này, ông Quang A cho rằng: “Tôi không đánh giá thành công của những người ứng cử trước bằng việc trúng hay không trúng cử”.
“Tôi đánh giá thành công bằng những việc làm trong quá trình ứng cử thông qua qua những luật định rối rắm, phức tạp hiện hành, và sự giám sát của người dân theo sát các quá trình ấy”.
“Chính phủ vẫn hay nói với người dân rằng ‘họ có rất nhiều quyền’, và tôi tin nếu họ làm hết những quyền của mình thì sẽ có rất nhiều thay đổi xảy ra. Tất nhiên, những thay đổi sẽ diễn ra một cách từ từ, và kết quả không thể đến trong một sớm một chiều”.
“Nhưng nếu ngại nó không thành công, mọi người chỉ làm một cách đơn lẻ, không có sự phối hợp để nâng cao nhận thức của người dân, cũng như quan chức, thì thật khó để có sự thay đổi.”
“Tôi xem đây là một ‘cuộc học tập lớn’ và muốn mọi người tham gia vào tất cả các khâu, xem thành quả là sự thức tỉnh của dân chúng, sự học hỏi của cử tri."
Ông Quang A nhấn mạnh ông muốn “mọi sự diễn ra thật đường hoàng, đúng quy định hiện hành của nhà nước Việt Nam."
Tôi xem đây là một ‘cuộc học tập lớn’ và muốn mọi người tham gia vào tất cả các khâu, xem thành quả là sự thức tỉnh của dân chúng, sự học hỏi của cử tri.Tiến sĩ Nguyễn Quang A
“Dẫu biết luật định còn nhiều khiếm khuyết, chúng ta phải yêu cầu sửa đổi dần dần trên tinh thân xây dựng và tôn trọng luật.”
“Trong khuôn khổ đó, chúng ta sẽ tìm mọi cơ hội hợp pháp để nói lên tiếng nói của mình, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.”
Nhà vận động cho rằng “nếu thuyết phục được thêm chỉ một người hiểu hơn về chuyện này”, ông nghĩ “cũng bõ công”.
“Tôi không ảo vọng. Trong bụi rậm, không có người đi thì chẳng bao giờ thành con đường cả. Tôi tin dẫu có một người, năm người, mười hay trăm người đi thì tôi cũng thỏa mãn”, ông Quang A nói.
Bầu cử Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra vào ngày 22/05/2016.
Dự kiến vị trí Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia là Chủ tịch Quốc hội khóa 13 - Ông Nguyễn Sinh Hùng.
Các công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội động Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng đang được triển khai.
Đây được xem là sự kiện chính trị quan trọng nhất sau khi Đại hội 12 của Đảng Cộng sản kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét