Tác giả: Theo Nhà văn Sương Nguyệt Minh (TT&ĐS)
KD: Câu chuyện trong bài này, mình đọc và nghe từ rất lâu ở đâu đó. Những “hội chứng”- thực ra là rất khắc nghiệt, một thứ bệnh nghề nghiệp khiến con người khi mắc phải đã không còn là mình, và cả những niềm tin tâm linh khi lên đênh giữa biển khơi. Nay đọc được bài viết này, khá nhiều thông tin và kiến thức. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ.
.
Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam
Lúc tôi đang làm việc với Lữ đoàn trưởng tàu ngầm 189 thì có đoàn văn nghệ sĩ đến thăm quan. Các nữ sĩ xin được xuống tàu ngầm xem cái giường ngủ, cái ghế ngồi của thuyền trưởng thế nào, cái kính tiềm vọng nhìn xuyên qua nước ra sao, nhưng đại tá, Lữ đoàn trưởng rất nhã nhặn… từ chối: Phụ nữ không được phép… xuống tàu ngầm.
Hội chứng không gian kín
Mỗi lần tàu ngầm đi vào lòng biển ít nhất cũng 10 ngày, dài hơn là 45 ngày, thậm chí dài hơn nữa. Một trong những thử thách nghiệt ngã đối với thủy thủ là họ phải đối diện với “Hội chứng không gian kín” bịt bùng, tù túng, nhỏ hẹp; không có bình minh, cũng chẳng có hoàng hôn, không có ngày và càng không có đêm.
Nếu bạn đọc chịu khó để ý sẽ thấy ở các khu nhà cao tầng, có những người không bao giờ đi thang máy, chỉ đi bộ lên xuống ở cầu thang thoát hiểm, vì họ bị bệnh “Hội chứng không gian kín”. Trong tàu ngầm cũng là một không gian kín. Thủy thủ trong tàu ngầm đi biển chỉ có ánh điện phát quang ở các khoang suốt ngày này qua ngày khác, ở trong một không gian chật hẹp bủa vây khiến thủy thủ rất dễ bị bệnh “Hội chứng không gian kín”. Thủy thủ sẽ xuất hiện cảm giác ngột ngạt khó thở, lo lắng, run rẩy, cảm thấy bị cầm tù giam hãm không có lối thoát, rồi xuất hiện cơn hoảng loạn, sợ bị nhốt, sợ ngạt thở, rồi tăng nhịp tim, buồn nôn… khi bị không gian tàu ngầm chật hẹp vây hãm.
Khi học ở bên Nga, đại tá, Lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm đi biển 10 chuyến, mỗi chuyến 10 ngày, về nước, anh đi hàng chục chuyến cùng anh em. Anh nói với tôi rằng, chính anh và một số ít thủy thủ cũng vài lần bị buồn ngủ, đau đầu, chân tay lờ vờ trong chuyến đầu ra khơi ở biển Baltic.
Trên thế giới hiện nay có 17 quốc gia có vũ khí tàu ngầm,
nhưng chưa có quốc gia nào cho nữ thủy thủ xuống làm việc ở tàu ngầm
Dù loại tàu ngầm nào khi đi biển thì thủy thủ cũng phải sống và làm việc trong không gian kín, chật hẹp, cách li với xã hội loài người. Môi trường điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lòng biển, không ánh sáng tự nhiên, ăn thiếu rau xanh, uống nước lọc từ biển, nếu đi biển dài ngày sẽ quá tải nghề nghiệp, căng thẳng thần kinh tâm lý… rất dễ stress. Hải quân Nga đã thống kê: Có tới 70% vụ tai nạn tàu ngầm là do con người. Thích nghi và cân bằng cuộc sống trong tàu ngầm là điều vô cùng quan trọng. Thủy thủ phải rèn luyện để có kỹ năng sống trong tàu ngầm.
Đại tá Trần Thanh Nghiêm kể: “Ở Hải quân Nga có ông thuyền trưởng tàu ngầm đi biển 30 ngày, lên bờ nghỉ ngơi mới được 5 ngày, có việc đột xuất, ông ta lại xung phong đi 40 ngày nữa. Hết đợt 2 về, ông ấy phát điên luôn, phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị”. Giới hạn chịu đựng của con người không phải là vô cùng. Mấy chục đàn ông ở trong một không gian kín dài ngày, chỉ thấy sắt thép và dây nhợ nhằng nhịt, đi còn phải lách, né, không trầm uất, không stress mới là chuyện lạ. Rất mừng, hiện nay các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam về nước qua nhiều lần đi biển mà không ai bị “Hội chứng không gian kín”. Lý giải chuyện này, đại tá Trần Thanh Nghiêm khẳng định: Thứ nhất, bởi khâu tuyển chọn thủy thủ rất kỹ. Thứ hai, được rèn luyện thường xuyên, liên tục. Thứ ba, sống trong tàu ngầm, các thủy thủ thực sự là anh em, đồng đội, tình cảm ấm áp, gắn bó nên không có sự hãi hùng “không gian kín”.
Con gái… không được xuống tàu ngầm
Cùng đoàn nhà văn đi thực tế, trong khi tôi được chui xuống tàu ngầm, được thuyền trưởng dẫn đi len lỏi từ khoang này qua khoang khác, thì các nữ văn sĩ Thụy Anh, Phong Điệp, Kiều Bích Hậu, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp… cũng phải chịu “thận phận” đứng trên bờ. Các nàng nì nèo mãi, mới được các thủy thủ cho bước qua cầu thang sang đứng trên boong tàu ngầm, chụp bức ảnh kỉ niệm là… hết. Vì sao lại có chuyện “trọng nam khinh nữ” ấy?
Có rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra ở Hải quân Mỹ trong những tàu sân bay, chiến hạm hoạt động dài ngày ở biển. Có trường hợp thủy thủ nam bị đồng đội cưỡng hiếp qua đường hậu môn vẫn phải âm thầm chịu đựng cho đến khi bị lộ và báo chí khui ra thì tòa án binh mới vào cuộc. Điều kiện làm việc xa nhà, cây xanh bóng mát không, toàn sắt thép, nắng gió biển và đàn ông với đàn ông, trên mỗi con tàu mỗi chiến hạm đều xảy ra mất cân bằng sinh thái và giới tính. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi một bóng hồng xuất hiện giữa trùng điệp thủy thủ thiếu vắng đàn bà con gái nhiều ngày. Vì thế, ngay cả tàu mặt nước cũng rất hạn chế nữ thủy thủ làm việc.
Tàu ngầm rất chật hẹp, chủ yếu không gian dành cho lắp đặt máy móc, trang bị, vũ khí, khoảng trống rất ít. Ra chạm vào đụng. Trong ruột tàu ngầm lại cấu trúc các khoang khác nhau, mỗi khoang có một nhóm cầu thủ hoạt động theo chuyên ngành. Khoang nọ cách li với khoang kia bằng các nắp khoang, và dùng thông thoại để liên lạc. Áp lực “Hội chứng không gian kín” và bao nhiêu áp lực mất an toàn khác rất nặng nề đè lên người thủy thủ. Chuyện gì sẽ xảy ra khi có một nữ thủy thủ ở chung đụng, làm việc vai sát vai với nhóm thủy thủ đàn ông hàng chục ngày dưới mặt biển?
Con gái bao giờ cũng yếu ớt hơn cọn trai về thể lực. Những ngày phụ nữ “đến tháng” là thời kì họ bấy bớt như con cua lột do bị tác động của từ trường mặt trăng, bị bức xạ của mặt trời. Họ sẽ ra sao khi phải chịu đựng sự thử thách nghiệt ngã trong không gian kín tàu ngầm và hô hấp bằng khí cao áp? Thử thách của con người với phát minh tàu ngầm trước hết là cuộc chiến với áp suất, sau đó mới là đối phương.
Khí động học ở máy bay, còn khí thủy động học ở tàu ngầm. Con gái làm phi công tiêm kích đã khó khăn, đã hiếm hoi nên con gái làm thủy thủ tàu ngầm đến bây giờ vẫn là con số 0. Trên thế giới hiện nay có 17 quốc gia có vũ khí tàu ngầm, nhưng chưa có quốc gia nào cho nữ thủy thủ xuống làm việc ở tàu ngầm. Đến như nước Mỹ mà “hiện tại, chưa có quân nhân nữ nào được phân công phục vụ trên tàu ngầm”.
Theo các nhà tàu ngầm học, “do môi trường này có các điều kiện sống rất khắc nghiệt và tính riêng tư rất giới hạn”, nên không cho phụ nữ làm việc ở tàu ngầm. Nhưng chỉ thăm quan tàu ngầm lúc đang nổi đậu ở cảng mà phụ nữ cũng không được xuống là cớ làm sao?
Tôi đọc tiểu thuyết “Mùa Tôm” của nhà văn Pillai ở Ấn Độ, vô cùng ám ảnh bởi câu chuyện người vợ ở nhà ngoại tình thì người chồng đi biển sẽ bị đắm tàu thuyền.
Cho đến lúc này, vẫn nguyên niềm tin về lý do dẫn đến con tàu Titanic (trong phim Titanic do James Cameron làm đạo diễn) va vào tảng băng khổng lồ, chìm xuống Đại Tây Dương giá lạnh cùng với hàng ngàn hành khách là do đôi tình nhân Jack va Rose quan hệ trên chiếc ô tô nằm dưới khoang để hàng của con tàu… Có vô vàn nguyên nhân kiêng kị khi con tàu ra khơi.
Đại tá Trần Thanh Nghiêm – Lữ đoàn trưởng tàu ngầm 189 không giải thích bất cứ một nguyên nhân cụ thể không cho phụ nữ xuống tàu ngầm. Anh chỉ nói: Hải quân Nga cũng không cho phụ nữ xuống tàu ngầm. Mình mua tàu họ, họ huấn luyện mình, khi tàu ngầm đi biển thủy thủ được uống mỗi bữa một ly rượu vang, hoặc tặng con heo quay khi đón tàu ngầm đi biển về mình cũng làm theo Nga. Sau này, xây dựng được nội dung văn hóa tàu ngầm sẽ tính sau. Còn trước mắt mình cứ làm theo họ… Phụ nữ không được xuống tàu ngầm.
Chất thải tống ra biển bằng cách nào?
Xử lý rác trong tàu ngầm là một quy trình kỳ công, tinh tế, nếu không chính rác trong môi trường kín của khoang tàu sẽ đầu độc thủy thủ và rác tố cáo sự có mặt của tàu ngầm với đối phương. Tôi cứ hình dung khi đồ ăn thức uống thừa, hoặc sau chế biến thì chất thải rắn sẽ được gom lại đóng vào thùng, khi tàu ngầm trở về đất liền cập bến thì cẩu lên bờ rồi chuyển đến nhà máy xử lý rác, như tàu ngầm Mỹ thường làm.
Nhưng, tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam thì không. Đại tá Trần Thanh Nghiêm kể: Các loại rác sinh học có khả năng phân hủy đều được tống vào máy xay nhuyễn thành bột nước, sau đó được máy cao áp đẩy ra ngoài tàu ngầm. Tất nhiên, để bảo đảm vệ sinh môi trường thì tàu ngầm phải lặn ở độ sâu cho phép mới xả ra ngoài biển để hòa tan với nước mặn chứ tàu ngầm nổi trên mặt biển không được phép làm như thế.
Còn rác thải thể rắn không thể phân hủy sinh học sẽ được thủy thủ cho vào máy ép thành khuôn như viên gạch, rồi bọc giấy bóng, hút hết chân không và bỏ vào máy cao áp, điều chỉnh áp suất máy cao hơn áp suất độ sâu ngoài biển, nhấn nút là… tự động bắn ra ngoài. Tất nhiên, tống những viên chất thải rắn này ra khỏi tàu ngầm phải chọn vùng biển sâu và chúng sẽ chìm xuống tận đáy, mà không tàu ngầm nào phát hiện ra thì mới giữ được bí mật.
Thế mới biết tàu ngầm Việt Nam hiện đại, kì công và cũng lắm chuyện lạ biết bao nhiêu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét