Tác giả: Trần Văn Tuấn
‘Lâu lắm nữa, xã hội ta mới sống đúng theo những gì mình có. Khi đó sẽ có nhiều người ngẩng cao đầu cùng câu nói: Xin lỗi, tôi không phải là tiến sĩ!
————
Mất gì cũng được, không thể mất mặt
Trong truyện ngắn “cụ Chánh Bá mất giầy” của Nguyễn Công Hoan, có một chi tiết khá thú vị, đó là khi xong chầu tổ tôm, cụ Chánh thấy bỡ ngỡ đôi chút khi phát hiện ra đôi giày mà mình đang xỏ nó quá mới so với đôi mà cụ vẫn đi, nhưng cụ vẫn thản nhiên xỏ tiếp và ra về trước cái thở phào nhẹ nhõm của chủ nhà.
Ngày nay, con cháu vẫn có nhiều người tiếp tục biết nhầm mà không thắc mắc như cụ, nhưng không phải nhầm một đôi giày Nam Định, mà là nhầm về chức danh hay học vị theo xu thế cao hơn những gì họ thực có.
Trong các cuộc hội thảo hay các diễn đàn quan trọng, nơi phần lớn người tham gia là những lãnh đạo lớn hoặc học vị cao, đôi lúc ban tổ chức cảm thấy bất tiện khi giới thiệu một người nào đó không có chức danh cao hay học vị Tiến sĩ (TS) lên ngồi ghế nóng.
Chính vì vậy họ thường chủ động gắn cho người đó cái học vị TS cho nó trang trọng. Cũng thực lạ là hình như có rất ít người chủ động đính chính chuyện họ không phải là TS. Thay vào đó, cũng giống như cụ Chánh Bá, họ lờ đi vì sự nhầm lẫn có lợi này.
Tại các hội thảo BTC thường chủ động gắn học vị TS cho khách mời cho nó “trang trọng”. Ảnh minh họa
Không rõ tính háo danh của dân Việt ta có từ bao giờ nhưng có một nguyên nhân (được nhiều nhà nghiên cứu xã hội đồng tình) làm cho người Việt chúng ta thích “danh” hơn các dân tộc khác. Đó là do xã hội Việt Nam xưa kia đơn điệu và nghèo nàn quá nên có quá ít sự lựa chọn cho mỗi cá nhân trong việc tìm lấy cho mình một hướng đi phù hợp. Thay vào đó, mọi người đều có xu thế tranh giành nhau những thứ hữu hạn và ai cũng muốn mình có được phần nhiều hơn để có thể vươn lên và đứng trên người khác.
Có lẽ ít có dân tộc nào coi trọng chữ “danh” hơn người Việt. Nhu cầu được chứng tỏ bản thân, mặc dù chỉ là trong một cộng đồng nhỏ, hẹp khiến nhiều người sẵn sàng làm mọi thứ để được biết tới hay “nở mày, nở mặt” với thiên hạ.
Đặc biệt không có nơi đâu người ta bảo vệ “bộ mặt” cẩn thận như tại nước ta, nơi phần đông dân chúng luôn giữ vững nguyên tắc “mất gì cũng được chứ nhất quyết không chịu mất mặt”- một thứ vốn dĩ rất khó hình dung được một cách cụ thể và khó có thể lượng hóa!
Trong vụ việc om sòm giữa Bộ GTVT và ông Trần Đình Bá, ông Bá hẳn biết và hiểu rõ mình không phải là TS và chắc ông này cũng không đến mức ngây ngô để không hiểu được là Bộ GTVT không có chức năng cấp cho ông cái bằng TS. Tuy nhiên ông vẫn tìm mọi cách chứng minh mình là TS rồi nhưng chỉ là chưa cấp bằng mà thôi.
Có không ít người trong xã hội ta khoái được gọi nhầm hoặc đánh máy nhầm cái học vị như ông Bá bởi vì người ta không dễ gì từ bỏ cái danh mà mình đang có kể cả khi biết rất rõ nó ảo đến mức nào!
Với phần đông dân chúng ngày trước, con đường để một ai đó có thể đổi đời và thành danh hầu như chỉ có một, đó là dùi mài kinh sử để thi đỗ làm quan. Cũng bởi vì trong danh có lợi nên công cuộc lều chõng ngày xưa đó không đơn thuần chỉ là ý chí của mỗi cá nhân, mà nhiều lúc nó gánh trên mình sự kỳ vọng của cả dòng tộc, làng xã hay thậm chí là cả châu, phủ.
Nếu chẳng may, người được cả cộng đồng kỳ vọng đó không làm nên chuyện để được vinh danh trở về, thì rất có thể đang là một đứa con yêu, kẻ thất bại này nhanh chóng trở thành tội đồ, vì không thể làm rạng danh quê cha đất tổ.
Do không có nhiều lựa chọn để phân định cao thấp về kiến thức, tài năng, người Việt thời trước thường dùng thước đo thứ bậc trong các kỳ thi ở mỗi cấp (Hương, Hội, Đình) như là tham chiếu cho việc so sánh người này với người kia. Mặc dù những gì họ thể hiện chỉ phản ánh một mảng năng lực của mỗi người mà thôi.
Ông có bằng cấp chuyên môn không?
Cách tiếp cận này đã dẫn đến một hệ quả xã hội đó là “bạn cứ nói thế nào kệ bạn, còn tôi vẫn sẽ không tin nếu bạn không chìa ra cho tôi xem bạn có bằng cấp gì và tốt nghiệp ở đâu”! Đây có thể được xem là điển hình của việc chuộng bằng cấp ở nước ta và vẫn còn diễn ra đến tận ngày nay.
Một khi bằng cấp được sử dụng như là một thước đo của kiến thức, năng lực và kể cả độ tin cậy của một cá nhân, sẽ rất khó cho ai đó có thể thuyết minh, phản biện hay thực hiện những ý tưởng hoặc đề án khoa học mà không có bằng cấp chuyên môn phù hợp.
Như vậy từ sự háo danh, người Việt đã dần dần coi bằng cấp như một chỉ số quan trọng và tất yếu để đảm bảo sự thành công. Với những ai có đam mê tìm tòi, sáng tạo và tâm huyết thử nghiệm những cái mới, cửa ải đầu tiên mà họ phải vượt qua để có thể biến những ý tưởng thành hiện thực đó là câu hỏi của cơ quan quản lý “ông/bà có bằng cấp chuyên môn không”?
Những gì xảy ra với ông Hòa ở Thái Bình hay “Đại tướng Hai lúa” ở Tây Ninh và nhiều người dân đam mê khoa học trên khắp đất nước trong những năm qua đã phần nào chứng minh nhận định trên.
Tính háo danh cũng góp phần tạo nên nhiều nghịch lý trong xã hội Việt Nam và khiến cho “nhân sinh quan của” nhiều người đôi lúc bị lệch chuẩn. Ít có nơi nào người ta hay sử dụng cụm từ “trọc phú” – chỉ những người giàu nhưng học hành ít, như trong các làng, xã Việt Nam.
Tính háo danh lớn đến nỗi, mặc dù giàu có hơn nhiều ngươi khác, nhưng nhiều người bị coi là trọc phú này vẫn bị chi phối bởi tâm lý “mình tuy có giàu mà chưa có sàng” vì chưa có được một cái “danh” cho nó tương xứng. Trong tầng lớp khá giả đó, những ai không có khả năng học tập để có được tấm bằng, họ sẽ chọn con đường dễ dàng nhưng tốn kém hơn – mua danh.
Cũng chỉ vì háo danh nên nhiều người cứ hay cười trừ mỗi khi có ai gọi họ là TS nhưng cũng không sẵn sàng lên tiếng để nói với mọi người rằng: Xin lỗi, tôi không phải là Tiến sĩ!
Trở lại câu chuyện ông Trần Đình Bá, khi quyết định xác minh tấm bằng TS của ông Bá, Bộ GTVT đã tự đưa mình vào hoàn cảnh khó khi sử dụng hình thức vốn bị coi là “chơi xấu” (sai nguyên tắc) trong các cuộc tranh biện – hạ thấp danh dự của đối thủ.
Cho dù một lãnh đạo của bộ này đã lên tiếng chính thức xin lỗi, nhưng việc này cho thấy họ quá “nóng vội” trong xử lý khủng khoảng truyền thông.
Nhìn cảnh các cháu học sinh vừa “tốt nghiệp đại học chữ to” cùng ước muốn (từ cha mẹ) cùng chụp ảnh khoe thành tích học tập với các anh chị cấp 3 ở Quốc Tử Giám, mới thấy tâm lý “sính” khoe sự học hành của dân ta thế nào.
Có thể thấy rất lâu, lâu lắm nữa, xã hội chúng ta mới sống đúng theo những gì mình có. Khi đó, mỗi công dân sẽ tự hào vì những gì mình làm được và cống hiến, thay vì các giá trị ảo do bằng cấp tạo nên.
Khi đó sẽ có nhiều người ngẩng cao đầu cùng câu nói: Xin lỗi, tôi không phải là tiến sĩ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét