6 tháng 6, 2015

Dân trí có hạn hay quan trí có vấn đề?

Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
KD: Xã hội nào dân trí đó. Dân trí nào, quan trí đó. Quan trí nào, phát ngôn đó. Phát ngôn nào, ấn tượng đó :
Thú vị nhất là GS Nguyễn Văn Tuấn phát hiện một điều: “Khi nói về thành tựu giáo dục thì các quan chức thích nói rằng nền giáo dục ưu việt đã thành công xoá mù chữ, rằng dân ta thông minh và sáng tạo. Nhưng khi có ai đề nghị cải cách thể chế, phục hồi các quyền căn bản của công dân (như tự do báo chí, tự do ngôn luận, trưng cầu dân ý) thì chính những cán bộ này lại nói rằng trình độ dân trí còn thấp, chưa thể cải cách được”.
Cha ông ta từ xưa có câu tổng kết thâm thúy: Lưỡi không xương lắm đường lắt léo :
————
Cứ mỗi lần Quốc hội nhóm họp là người dân có dịp nghe những lời hay ý đẹp của các đại biểu, và năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Chẳng hạn như trong cuộc thảo luận về trưng cầu dân ý một ông dân biểu Hà Nội nói rằng cần phải xem “lòng đảng” ra sao. Tôi đọc đi đọc lại mà không hiểu cái “lòng đảng” là cái gì mà cần phải xem xét.
Mượn ý cụ Nguyễn Du, có ai lấy thước mà đo … lòng đảng được? Một ông khác thì nói “dân trí thấp, không thể tuỳ tiện trưng cầu” . Hi vọng là báo chí tường thuật đúng những gì ông nói. Ông là một quan chức trong Hội nhà báo, tức là thuộc nhóm có học, mà nói như thế thì quả là đáng ngạc nhiên.
Vì ngạc nhiên, nên tôi tò mò kiểm tra xem tình hình dân trí của ta như thế nào, và kết quả có lẽ sẽ làm bạn ngạc nhiên. Sau đây là vài số liệu chính dựa vào điều tra dân số năm 2009 (tức là hiện nay đã khá hơn) 
Gần 94% người dân biết đọc, biết viết;
Khoảng 1/4 người Việt xong trung học hay cao hơn;
Ở người trên 15 tuổi, 4.2% có bằng cử nhân và 0.2% có bằng sau đại học;
Việt Nam có hơn 100 ngàn thạc sĩ, 24 ngàn tiến sĩ, 10 ngàn giáo sư và phó giáo sư . Ngoài ra, chúng ta còn biết rằng Việt Nam có nhiều tướng lãnh có bằng tiến sĩ và học hàm giáo sư.
Niên học 2011-2012, Việt Nam có 215 trường cao đẳng, 204 trường đại học, với 756 ngàn học sinh cao đẳng và 1.4 triệu sinh viên đại học.
Nói chung, nhìn qua những con số trên, rất khó nói rằng dân trí Việt Nam còn thấp. Nếu nhìn vào con số giáo sư và tiến sĩ, Việt Nam còn cao hơn cả Thái Lan (vốn chỉ có 5414 phó giáo sư và 708 giáo sư).
Ở VN có một nghịch lí rất đáng chú ý. Khi nói về thành tựu giáo dục thì các quan chức thích nói rằng nền giáo dục ưu việt đã thành công xoá mù chữ, rằng dân ta thông minh và sáng tạo. Nhưng khi có ai đề nghị cải cách thể chế, phục hồi các quyền căn bản của công dân (như tự do báo chí, tự do ngôn luận, trưng cầu dân ý) thì chính những cán bộ này lại nói rằng trình độ dân trí còn thấp, chưa thể cải cách được. Hiếm thấy các quan chức Việt Nam khinh thường dân như thế. Ấy thế mà họ lúc nào cũng oang oang nói là đầy tớ của nhân dân!
Nhưng những dữ liệu tôi vừa trình bày trên đây cho thấy dân trí Việt Nam khá tốt. Tuy nhiên, hãy giả dụ rằng người dân thiếu thông tin, thì nhiệm vụ của Nhà nước là phải cung cấp cho họ thông tin đa chiều để nâng cao nhận thức và “dân trí”. Nhưng rất tiếc là các cán bộ trong chính quyền chưa làm (hay chưa dám làm) việc nâng cao dân trí bằng cách cung cấp thông tin cho người dân.
Thật ra, những người mở miệng nói dân trí thấp chính là “suy bụng ta ra bụng người” — chính cái quan trí của họ mới thật sự thấp.

Không có nhận xét nào:

Trang