Lê Chân Nhân
(Dân trí) - Chân dung của nhóm lợi ích tuy không rõ nét, “trong nó có ta và trong ta có nó”, thật giả lẫn lộn, tà chính bất minh nhưng cho dù ma quái cỡ nào, cũng rất dễ nhận diện.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Trong bài viết “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu – cảnh báo nguy cơ” đăng trên báo Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng,Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói về chân dung của nhóm lợi ích: “Chống “lợi ích nhóm” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó”.
Trước hết, thử đặt ra câu hỏi ai tạo ra được nhóm lợi ích?
Dân thường không tạo ra được, cán bộ công chức quèn không tạo ra được, chỉ có những cán bộ có chức quyền thì mới tạo ra được nhóm lợi ích để khai thác lợi ích nhóm. Cán bộ có chức quyền, cán bộ lãnh đạo ở vị trí càng cao thì nhóm mà họ tạo ra càng cao, lợi ích thu lại càng lớn, thế và lực càng mạnh. Tiền và quyền tuy hai nhưng tồn tại song hành, nó như là một mục tiêu, có cái này thì sẽ có cái kia, TS Vũ Ngọc Hoàng chỉ rõ: “Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền”.
Cán bộ lãnh đạo, quan chức tất nhiên là “ta”. Cũng những cán bộ đó, lên tiếng chống tham nhũng, nhưng có người lại đứng đầu các nhóm lợi ích, vậy thì ông ta lại là “nó”. Rõ ràng, “nó“ không phải sau lưng, không phải đâu xa, mà ngay trong nhà, ngay trong lực lượng quản lý điều hành bộ máy nhà nước và quản lý xã hội.
Lý luận về lợi ích nhóm rất sâu xa, nhưng tạm lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Người ta dùng quyền, không phải của một người, mà phối hợp từ nhiều cá nhân trong một nhóm để triển khai một dự án, công trình. Sau đó, cũng bằng quyền lực đó, giao lại cho các đối tác thực hiện, các đối tác đó là sân sau của các nhóm lợi ích. Như vậy, dự án gần như thuộc quyền định đoạt của một số người, một phần số tiền đầu tư cho dự án chảy vào túi của họ mà không có tổ chức, cá nhân nào có thể kiểm soát được, bởi vì họ đã kiểm soát tất cả. Những vụ án tham nhũng từng bị phanh phui, đã cho thấy có sự hiện diện của lợi ích nhóm. Còn nhiều hình thức khác của lợi ích nhóm, không thể kể ra hết.
Lý luận về sự nguy hiểm của lợi ích nhóm cũng rất sâu xa, nhưng dễ hiểu nhất là quyền lực, tiền bạc của quốc gia rơi vào tay của một số người. Bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo, suy thoái đạo đức, triệt tiêu nguồn lực kinh tế, hủy hoại tài nguyên con người từ lợi ích nhóm mà ra.
Và tất cả những sự nguy hiểm đó dẫn đến điều nguy hiểm nhất mà TS Vũ Ngọc Hoàng chỉ ra: “làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng cầm quyền và đối với nhà nước, tức là làm hỏng nền tảng chính trị, dẫn đến mất ổn định chính trị, mất sức mạnh của một quốc gia, và từ đó các thế lực xâm lăng từ bên ngoài có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép, dẫn đến nguy cơ mất độc lập, thậm chí là mất nước”.
Lời cảnh báo và hiện thực sờ sờ trước mắt, không dẹp được lợi ích nhóm này thì sẽ lâm nguy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét