4 tháng 6, 2015

QUY TRÌNH Ở VIỆT NAM RẤT LẠ (!?)

* TÔ VĂN TRƯỜNG
Báo chí gần đây bàn luận nhiều về công văn số 2159/BTNMT-TNN ngày 29/5 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra thực địa, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, rà soát các tài liệu, thủ tục pháp lý liên quan đến quá trình chuẩn bị và triển khai dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.
Tín hiệu tích cực
Công văn của Bộ Tài nguyên & Môi trường về nội dung chuyên môn đã tiếp thu nhiều ý kiến phản biện xã hội trong thời gian vừa qua của nhân dân và chuyên gia, đặc biệt về vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng sông, bờ sông vv...
Trong bối cảnh nhiều dự án được xã hội phản biện không có phản hồi chính thức từ những cơ quan có trách nhiệm thì việc công khai ý kiến của Bộ TNMT là việc đáng ghi nhận, trong đó nêu rõ quan điểm đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục dừng thực hiện dự án. Có thể nói đó là “Lẽ phải may mắn đã thắng”! 
Tôi sử dụng cụm từ “may mắn”, bởi vì thử phản biện sang các lĩnh vực “nhạy cảm” khác sẽ thấy, họ không nghe mà còn truy vấn... cả những điều không liên quan. Có vị trí thức ngao ngán nhận xét : "Một người đang đói, được người khác cho ăn. Ăn no xong quay sang truy vấn: Lấy ở đâu cho tôi ăn, phải chứng minh...". Minh chứng, ông Trần Đình Bá say sưa phản biện dự án sân bay Long Thành thì bị lãnh đạo Bộ giao thông vận tải đề nghị truy vấn thẩm tra bằng tiến sĩ? Thử hỏi đã có ai truy vấn ông Bộ trưởng Đinh La Thăng có bằng cấp về dầu khí hay giao thông không nhỉ?
Những điều còn lấn cấn chưa rõ ràng
Người dân chưa thấy thỏa mãn với công văn nói trên. Với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đúng ra phải có những luận điểm rõ ràng, thẳng thắn hơn để tham mưu, trình báo cáo Thủ tướng. Báo cáo chưa nói gì đến vấn đề trách nhiệm quản lý liên quan của các bên đến lưu vực sông Đồng Nai. Cần chỉ rõ về mặt quản lý Nhà nước các dự án đầu tư, xây dựng: Quy trình phê duyệt, thẩm tra, trình báo cáo ‘đánh giá tác động môi trường’ (ĐTM) .
Phần yếu tố pháp lý, Bộ TNMT cũng đã khẳng định là chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, những yếu tố pháp lý mà bộ đưa ra vẫn chung chung quá, chưa đầy đủ so với những gì mà dự án đã vi phạm.
Đối với bất cứ dự án nào, điều đầu tiên phải kể đến là tính pháp lý của nó, khi mà tính pháp lý không đảm bảo thì... làm sao có thể bàn đến những chuyện khác? Nên việc mà Bộ TNMT kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định lại ĐTM của dự án có cần thiết không? Bởi vì đã sai, vi phạm về mặt quản lý, pháp lý rồi thì còn thẩm định lại làm gì. Việc còn lại bây giờ là kiểm tra xem tỉnh bồi thường cho chủ đầu tư như thế nào? Xử lý hậu quả ra sao (đất đá đã thi công,...).
Còn nếu đặt vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ, lòng sông, về chuyên môn này thì Bộ Nông nghiệp & PTNT có nhiều chuyên gia chuyên sâu, có kinh nghiệm hơn là Bộ Tài nguyên môi trường. Báo cáo của Bộ trưởng cũng không nói rõ thời gian nào sẽ hoàn thành báo cáo thẩm định lại ĐTM?
Trong công văn Điểm b mục 1 phần II đánh giá: "Dự án đã tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đất đai , xây dựng, đầu tư, giao thông đường thủy và đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường", mâu thuẫn với đánh giá ở điểm d mục 1 phần II: Dự án thuộc loại phải lấy ý kiến của Bộ TNMT nhưng "trong quá trình triển khai, dự án chưa lấy ý kiến của Bộ TNMT". Như vậy không thể gọi là đã tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Báo cáo cũng không nêu việc chủ dự án không đầu tư di dời trạm thủy văn mà lại đầu tư bằng một dự án khác sử dụng vốn ngân sách nhà nước nghĩa là vẫn bao che cho sai phạm của Tỉnh.
Nếu như công luận, báo chí, trí thức Việt không phát hiện và lên tiếng sớm thì dự án còn thực hiện được đến đâu nữa, chi phí cho thi công, các chi phí thực hiện dự án lớn ra sao? Vấn đề đặt ra, phải chăng cứ làm sai, phát hiện ra là dừng lại? Vai trò, trách nhiệm của người phê duyệt, các đơn vị tư vấn và thẩm định dự án đến đâu? Qua đây cho thấy vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan liên quan, cơ quan quản lý vẫn còn những hạn chế. Việc thực thi pháp luật, các quy định, quy trình của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập gây ra những thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến xã hội và môi trường.
Chính quyền có những quyết định sai cũng đương nhiên phải trả giá. Nếu sòng phẳng thì những ai có trách nhiệm phê duyệt dự án này phải xin lỗi doanh nghiệp và công luận, phải có sự đền bù cho những tổn thất của cộng đồng, và cả của doanh nghiệp. Họ phải chịu trách nhiệm cá nhân và cần có hình thức kỷ luật thích đáng.
Quy trình ở Việt Nam rất lạ chính quyền là vua, dân chúng chỉ có quyền kiến nghị.
Dự án lấn sông Đồng Nai cái sai đã rõ từ vi phạm pháp luật đến không đủ tin cậy về cơ sở khoa học của dự án. Đây không phải là trường hợp cá biệt vì cuộc chiến giữa những người bảo vệ sự sống, bảo vệ sự phát triển bền vững với những người chạy theo lợi lộc trước mắt, nhắm mắt làm bừa còn cam go từng ngày, trên từng thước đất, dòng sông. Hoàng đế nước Pháp Napoleon đã nói : “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.
Báo Thanh niên ngày 3/6/2015 :”Các nhà khoa học cho rằng cần hủy ngay dự án lấn sông Đồng Nai, trả lại nguyên trạng ban đầu vv..” Vế đầu thì chuẩn không cần chỉnh nhưng vế sau đòi trả lại trạng thái ban đầu tức là múc hết đất đá đã đổ, không đơn giản như thế. Dòng sông có quy luật của nó, các mô hình toán thủy lực kể cả các mô hình thông dụng MIKE của Đan Mạch cũng chưa tính được độ lan truyền của độ đục (giả thiết tất cả các hạt trung bình D50) không đúng với thực tế vv... Dừng, hủy dự án là đúng nhưng việc xử lý hậu quả cần phải có luận chứng cơ sở khoa học thuyết phục để đừng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” .
Nhiều người dân có chung nhận xét qui trình ở Việt Nam rất lạ. Nếu đã có luật, qui định trên cơ sở luật thì ở các nước khác, người ta sẽ không kiến nghị các ông có quyền dừng lại hành động mà người ta làm 2 hành động khác thay thế:
1. Phản đối và đòi hỏi chính quyền dừng lại;
2. Ra tòa với tư cách người bị hại, hoặc có thể bị hại, yêu cầu tòa án ra lệnh dừng lại trên cơ sở phía hành pháp vi phạm luật và qui định.
Hiện nay xã hội Việt Nam chính quyền là vua, dân chúng chỉ có quyền kiến nghị!?

Không có nhận xét nào:

Trang