23 tháng 6, 2015

Kỳ vọng “quả đấm thép”!

Hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết thành lập lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu và bổ sung lực lượng này vào đầu mối cơ quan cảnh sát điều tra.
Khi thực lực đủ mạnh, được đảm bảo bởi cơ sở pháp lý, lực lượng này được kỳ vọng là “quả đấm thép” bóc gỡ, triệt phá các đường dây buôn lậu lớn, góp phần ổn định sản xuất, chống thất thu ngân sách, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư…
Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự bổ sung lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu vào cơ cấu tổ chức cơ quan điều tra. Việc bổ sung lực lượng này được các chuyên gia luật học, cơ quan quản lý, các đại biểu Quốc hội khẳng định sự cấp thiết, xuất phát từ thực tiễn tình hình buôn lậu đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên trách, được đầu tư cơ bản về nhân, vật lực, đủ mạnh để phát hiện, bóc gỡ, điều tra làm rõ các đường dây buôn lậu, đưa ra xử lý trước pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và các đại biểu.
Các đường dây buôn lậu lớn thường có có sự liên kết chặt chẽ với sự tham gia của rất nhiều đối tượng, móc nối giữa một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước với đối tượng ngoài xã hội, giữa đối tượng trong nước và ngoài nước, được tiến hành với thủ đoạn che dấu, “bọc lót” tinh vi.
Do lợi nhuận siêu khủng, các đầu nậu buôn lậu tìm mọi cách để can thiệp nếu bị phát hiện, từ dùng tiền bạc, lợi ích vật chất lớn để mua chuộc, dùng các quan hệ để nhờ vả, thậm chí sẵn sàng đe dọa, tấn công lại lực lượng chống buôn lậu. Nếu như tham nhũng là hành vi “rút ruột” tài sản, ngân sách Nhà nước thì buôn lậu lại là “ăn chặn” từ bên ngoài, làm thất thu ngân sách Nhà nước (tài sản thất thu ước tính hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm), đồng thời làm suy yếu nền kinh tế, đình trệ sản xuất trong nước, làm giảm niềm tin cho các nhà đầu tư…
Hiện, tình hình buôn lậu phức tạp cả trên tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển lẫn đường không, trong đó nổi lên những tuyến nóng bỏng như biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tuyến biên giới Việt – Lào với các mặt hàng như đường, than, thuốc lá, điện tử, điện lạnh, thực phẩm chức năng, gỗ…
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thực hiện Đề án về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an (đã được Bộ Chính trị phê duyệt), vừa qua, Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu.
“Việc thành lập Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu là chủ trương đúng đắn, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu nhằm tập trung nhân lực, vật lực, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm trọng điểm này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, chống thất thu thuế” – Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định.
Theo đó, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng, sắp xếp cán bộ phù hợp theo mô hình tổ chức mới; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy trình công tác; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện và các điều kiện đảm bảo khác để sớm ổn định, đi vào hoạt động. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu tập trung xác lập các kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án triệt xóa các tổ chức, tụ điểm buôn lậu, làm hàng giả, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn, là “quả đấm thép” trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm nói chung và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu nói riêng phải bám sát nhiệm vụ chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, khắc phục khó khăn, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ về mọi mặt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, kết hợp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước nhằm phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh những cán bộ có hành vi tiêu cực, tiếp tay, “bảo kê” cho các đối tượng buôn lậu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc:
Chúng tôi ủng hộ quyết định của Bộ Công an
Vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành giám sát và tổ chức phiên họp giải trình về công tác phòng, chống buôn lậu cho thấy, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương rất quan tâm và nỗ lực trong nhưng tình hình buôn lậu hiện nay vẫn đang rất phức tạp và gây nguy hại cho nền kinh tế, đang phá hoại hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước và làm méo mó thị trường, đang xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Vì thế, chúng ta cần phải có một cơ quan chuyên trách để điều tra loại tội phạm tinh vi, phức tạp này.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc.
Trong thời gian vừa rồi các cơ quan chức năng phát hiện nhiều đến 57.923 vụ nhưng chỉ khởi tố được 4.282 vụ, chiếm 7,3%, còn lại xử lý bằng biện pháp hành chính. Trong các vụ xử lý về hình sự thì mới xử lý được các đối tượng vận chuyển mà ít xử lý được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phải tăng cường xử lý, điều tra, phải bắt được các đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn lậu.
Chúng tôi ủng hộ quyết định của Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu. Tuy nhiên, chức năng điều tra của cơ quan này cần phải được bổ sung trong luật. Chúng tôi nghĩ việc bổ sung chức năng điều tra là rất cấp thiết, chỉ như vậy thì hy vọng tình hình chống buôn lậu sẽ có những chuyển biến.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):
Cần thiết bổ sung cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu
Tôi đồng ý bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, phòng cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc hệ thống cơ quan cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân như quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 18 của dự thảo luật.
Theo thống kê phạm pháp hình sự về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ năm 2010 đến nay, số lượng các vụ xử án hình sự chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 7,3%, còn lại xử lý vi phạm hành chính và chuyển các cơ quan khác để giải quyết. Trong các vụ xử lý hình sự, mới chỉ xử lý được đối tượng vận chuyển, chưa xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, nên không có tính chất để răn đe, hạn chế hiệu quả đấu tranh, không ngăn chặn, đẩy lùi được tình hình này.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh.
Nguyên nhân do ta có cơ quan tham gia đấu tranh chống buôn lậu nhưng các cơ quan này không có chức năng điều tra, xử lý hình sự nên phải chuyển về các cơ quan điều tra khác nơi xảy ra sự việc, thường là công an tỉnh, thành phố để tiếp tục điều tra làm rõ. Điều này làm mất tính liên tục trong đấu tranh, truy xét để xử lý đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong khi đối tượng buôn lậu thường móc nối với cơ quan chức năng của địa phương để bảo kê nên công tác điều tra, xử lý bằng hình sự, đôi khi không khách quan, kém hiệu quả.
Vừa qua, Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu với chức năng phòng, chống các loại tội phạm buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại. Nhưng ta chưa bổ sung chức năng điều tra theo tố tụng và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo cần nhanh chóng bổ sung chức năng điều tra tố tụng của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu vào Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và sửa đổi bổ sung Luật xử phạt hành chính.
Việc giao thẩm quyền điều tra cho cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu không làm tăng đầu mối của cơ quan điều tra trong Bộ Công an bởi Bộ Công an vẫn chỉ có 5 đầu mối có chức năng điều tra như trước đây (Kinh tế, tham nhũng; hình sự; ma túy; Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra; buôn lậu). Tôi cũng đề nghị thành lập phòng cảnh sát chống buôn lậu ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm, phức tạp về tình hình buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương):
Đây là lực lượng được đào tạo bài bản, chuyên sâu
Tôi đề nghị bổ sung cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu vào cơ cấu tổ chức cơ quan cảnh sát điều tra. Đây là lực lượng được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu, có bản lĩnh nghề nghiệp. Các đại biểu đã biết, trong tình hình hiện nay tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra khá phổ biến và gây nhức nhối trong toàn xã hội với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế của đất nước, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng. Hàng năm các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm ngàn vụ, thu giữ hàng ngàn tỷ đồng, trong thời gian gần đây đã khởi tố trên 4.000 vụ với 5.000 bị can.
Đại biểu Bùi Mậu Quân.
Tuy nhiên, tôi cho rằng các biện pháp chủ yếu để xử lý tình trạng vi phạm buôn lậu vẫn là xử lý hành chính, tỷ lệ xử lý hình sự rất thấp. Trong số vụ xử lý hành chính của các cơ quan như hải quan, thuế, thị trường chiếm tỷ lệ rất lớn, chưa xử lý được triệt để, tận gốc và đặc biệt chưa nhằm trúng vào số chủ mưu, cầm đầu, chưa bóc gỡ được các đường dây buôn lậu, chủ yếu là xử lý các đối tượng vận chuyển.
Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản là pháp luật của chúng ta chưa nghiêm, chưa có chế tài đủ mạnh và chưa có quy định để tổ chức lực lượng đấu tranh chuyên sâu với các biện pháp tấn công một cách quyết liệt, đủ sức răn đe, trấn áp tội phạm và hạn chế tội phạm. Nếu chỉ xử lý hành chính thì tính răn đe không cao, hiệu quả không cao và đối tượng sẽ “thua keo này bày keo khác”.
Chúng lại gia tăng các hoạt động buôn bán để gỡ lại số tiền chúng đã mất. Mặt khác, việc hành chính hóa các hoạt động vi phạm pháp luật hình sự sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, phát sinh tiêu cực như việc bảo kê, thông đồng, ăn hối lộ… của các lực lượng chức năng xử lý hành chính.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định):
Buôn lậu làm suy yếu nền kinh tế
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn.
Tôi không đồng tình với quan điểm được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc không thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu khi cơ quan này cho rằng đây là nhóm tội phạm về kinh tế thì nên đưa vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ. Tôi khẳng định, việc sáp nhập cục này vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ sẽ không đáp ứng được đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm buôn lậu đã và đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Chúng ta biết nhiều năm qua cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, sự hội nhập kinh tế, quốc tế thì hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục có chiểu hướng gia tăng gây hậu quả xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe của nhân dân… Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp.
Với thủ đoạn tinh vi, làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, thất thoát tài nguyên quốc gia tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập quốc tế. Buôn lậu làm suy yếu nền kinh tế, hàng giả, hàng kém chất lượng đặc biệt là thuốc lá nhập lậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân chưa được đẩy lùi…
(Theo CAND)

Không có nhận xét nào:

Trang