30 tháng 6, 2015

Lòng nhân từ và đức hạnh thu phục được lòng dân

Lịch sử đã ghi nhận nhiều danh nhân bằng lòng nhân từ và đức độ của mình mà thu phục được lòng dân.

Lỗ Cung, tự là Trọng Khang, là người ở Phù Phong Bình Lăng dưới thời Đông Hán. Khi còn thơ ấu ông đã đọc sách “Ngũ kinh”, “Lỗ thi”, tinh thông lễ nghi và nổi tiếng xa gần. Quan Huyện lệnh thương ông nhà nghèo, hàng năm đều sai người mang cho ông lương thực nhưng ông đều từ chối. Quan Huyện lệnh khâm phục phẩm hạnh của ông nên cho ông được đặc cách nhậm một chức quan khi còn chưa đủ tuổi, ông cũng từ chối không nhận.
Khi Lỗ Cung trưởng thành, ban đầu ông nhậm chức Huyện lệnh huyện Trung Mưu, liền thể hiện rõ tiết tháo cao thượng và trình độ tu dưỡng của mình. Ông dùng Đức để giáo hóa nhân dân, rất ít khi dùng hình phạt. Dưới sự cai trị của ông thì huyện Trung Mưu người dân sống rất thật thà lương thiện, trăm họ đều được an cư lạc nghiệp.
Có một lần, một người gửi đơn kiện cho Lỗ Cung, tố cáo người tên là Đình Trường mượn trâu của ông ta dùng đã lâu rồi nhưng không chịu trả lại. Lỗ Cung bèn phái người đi tìm Đình Trường bảo ông ta giao trả trâu và nói: “Ông mượn trâu nhà người ta, dùng xong rồi thì cần phải trả lại cho gia đình người ta chứ. Bây giờ người ta đã tố cáo ông lên công đường, ông cần phải trả trâu lại cho họ ngay và xin lỗi họ”.
Đình Trường nói: “Tôi là trong sạch, có mượn trâu lúc nào đâu, đó là trâu của nhà tôi nhé!”.
“Nói bậy”, người chủ trâu nói, “Rõ ràng là ông mượn nhà tôi con trâu, tại sao không chịu trả?”.
“Hắn là đồ nói láo”, Đình Trường nói, “Tôi làm sao lại mượn trâu của ông ta kia chứ?”.
Lỗ Cung nghe xong thở dài nói: “Không cần tranh cãi ồn ào nữa. Bất kể là các người ai đúng ai sai, tóm lại, tôi cũng có trách nhiệm. Tôi giáo hóa không có hiệu quả, cảm thấy thật hổ thẹn”. Nói xong ông cởi bỏ quan phục, chuẩn bị đi từ quan.
“Đại nhân không nên đi”. Các thuộc hạ khóc giữ ông lại.
“Đại nhân không nên đi”. Dân chúng khóc giữ ông lại.
“Đại nhân, trâu của tôi, tôi không cần nữa. Xin đại nhân ngàn vạn lần đừng vì việc này mà từ quan”, người chủ trâu nói.
Thấy cảnh này, Đình Trường xấu hổ vô cùng, nói: “Đại nhân, tôi đã sai rồi. Tôi nhất thời bị ma xui quỷ khiến thèm muốn con trâu của ông ấy. Tôi xin giao trả trâu lại cho người ta. Đại nhân xin hãy trách phạt tôi đi”. Đình Trường rốt cuộc đã nhận lỗi.
Lỗ Cung để cho Đình Trường trả trâu lại cho người ta, không trách phạt ông ta. Dân chúng vô cùng kính phục ông.
Một lần, các huyện xung quanh bị nạn châu chấu, chỉ riêng huyện Trung Mưu là không bị châu chấu xâm phạm. Vị quan lớn ở Hà Nam tên là Viên An nghe kể lại thì không tin, bèn phái một viên quan tên là Phì Thân đến đó thẩm tra xem xét. Lỗ Cung cùng Phì Thân ra ngoài đồng để thị sát. Ngồi phía dưới cây Dâu, Phì Thân trông thấy một con gà lôi rơi xuống đất và nằm ngay bên cạnh một đứa trẻ.
Phì Thân hỏi: “Tại sao cháu không bắt nó?”
Đứa trẻ nói: “Nó sắp sửa ấp gà con, đáng thương quá”.
Phì Thân cảm thấy nể phục, đứng dậy trở về báo cáo Viên An: “Trung Mưu có 3 điều kỳ lạ: châu chấu không xâm phạm vào địa giới, đây là điều lạ thứ nhất. Chim thú cũng chìm ngập trong sự từ bi là điều kỳ lạ thứ 2. Trẻ con đều có tâm nhân từ, đây là điều lạ thứ 3. Tôi ở nơi này lâu chỉ làm phiền người quân tử hiền đức ấy mà thôi”. Viên An thế là báo chuyện Lỗ Cung hiền lương lên triều đình.
Mãn hạn làm Huyện lệnh ở huyện Trung Mưu, ông được triều đình thăng làm quan Tư Đồ. Một lần, Hán Hòa Đế mới lên ngôi chưa được bao lâu đã muốn phái binh đi đánh Hung Nô. Nhiều quan lại cùng nhau dâng sớ can ngăn không nên Bắc phạt, nhưng Hòa Đế không nghe. Lỗ Cung dốc hết sức để khuyên can, dâng sớ tha thiết nói: “Mấy năm qua trăm họ khốn khổ, quốc khố trống rỗng. Nay vừa mới vào xuân, lại gây ra quân dịch làm náo động thiên hạ, thực sự không đem lại điều gì tốt đẹp cho đất nước cả. Muôn dân đều do trời sinh ra, mà trời thì thương dân như cha mẹ yêu con cái, cho nên ai biết thương người chắc chắn sẽ được Trời ban phúc báo. Người dùng Đức thu phục người ta thì được thịnh vượng, kẻ dùng vũ lực khuất phục người ta thì đều phải diệt vong! Giờ đây đang là lúc thiên tai hạn hán nghiêm trọng, lúa khô héo tàn, trâu chết ngày càng nhiều, đó cũng là hậu quả của việc Hoàng thượng làm nhiều điều không hợp Ý Trời! Quan lại và trăm họ đều nói rằng không thể chiến tranh, bệ hạ thực sự muốn độc đoán ý riêng, xem thường tính mạng của hàng vạn người, bất chấp lời khuyên can của họ hay sao? Mong bệ hạ hãy lắng nghe ý Trời và quan tâm đến dân tình, xin hãy thuận theo Thiên Ý!”
Lỗ Cung là một vị quan tốt, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức và phẩm hạnh. Nhân dân yêu quý ông bởi lòng nhân từ và khoan dung độ lượng của ông. Câu chuyện ông lấy Đức thu phục người được nhân dân truyền tụng qua nhiều thế hệ. 
Trí Chân

7 bài học làm Người

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.
Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
Thứ nhất, “học nhận lỗi“. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
Thứ hai, “học nhu hòa“. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
Thứ ba, “học nhẫn nhục“. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
Thứ tư, “học thấu hiểu“. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
Thứ năm, “học buông bỏ“. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
Thứ sáu, “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.
Theo Nghệ Thuật Sống

Ai nảy lửa? Nảy lửa cỡ nào?

Chủ tịch nước: 'Đã đàm phán nảy lửa về chủ quyền Biển Đông'


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 và 3. Ảnh: H.C
Trước ý kiến cử tri cho rằng Quốc hội "chưa phản ứng đủ liều" về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam không chỉ có phản đối mà còn đàm phán nảy lửa với Trung Quốc.
Ngày 29/6, tại buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri, ông Nguyễn Việt Hùng (quận 1) nêu, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định bằng mọi giá phải giữ được chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân đánh bắt hàng ngày trên vùng biển thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.
"Ngư dân phải vay ngân hàng để đóng tàu nhưng ra đó bị Trung Quốc làm hỏng tàu. Đảng và Nhà nước ta có chính sách hỗ trợ bà con ngư dân ra sao?", cử tri Hùng đặt câu hỏi.
Cùng quan tâm vấn đề biển đảo, cử tri Hoàng Xuân Dương (quận 3) cho rằng, hai năm qua Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền nước ta. "Những nước ít liên quan hoặc không liên quan đã lên tiếng phản đối, còn ra hẳn Nghị quyết. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của dân mà vẫn chần chừ. Tại sao như vậy?", ông Dương đặt câu hỏi.
Đồng tình, cử tri Nguyễn Hoài Nam (quận 1) cho rằng hành vi san lấp và xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc hết sức nguy hiểm, đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết về Biển Đông vào kỳ họp tới.
Trao đổi với các cử tri, Chủ tịch nước chia sẻ, bà con chưa hài lòng rằng Quốc hội phản ứng chưa đủ liều là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Việt Nam không phải chỉ phản đối mà còn đàm phán nảy lửa với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông. "Song phương, đa phương cũng làm rất dữ. Lãnh đạo cấp cao cũng tham gia, không phải đơn giản chỉ là anh phát ngôn hàm vụ trưởng phát biểu thôi đâu, mà cả hệ thống chính trị cùng làm việc", Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, việc hỗ trợ ngư dân Trung ương đã làm từ lâu, chăm lo đời sống cho ngư dân là một trong những trọng tâm lớn.
"Tôi đã đi thăm một số tỉnh ven biển, số tàu được đóng mới, được cải hóa tăng công suất mỗi năm mỗi tăng. Đây là điều đáng mừng. Chính phủ cũng bỏ ra mười mấy nghìn tỷ để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu với lãi suất ưu đãi", Chủ tịch nước nói và cho biết tàu bè của ngư dân bị thiệt hại đều được giúp đỡ rất kịp thời từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương.Không có trường hợp nào để ngư dân phải "tự bơi".
Một vấn đề khác trong buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Hữu Vạn đề nghị các đại biểu hãy "vi hành" đến các quán cà phê, chợ để nghe và hiểu đời sống dân vì khoảng cách giữa đại biểu và người dân quá xa nhau. "Tôi đến Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội gửi đơn thì không nhận trực tiếp mà bảo về gửi qua bưu điện. Tôi gửi 3 lần, 6 tháng nhưng không thấy hồi âm. Làm như thế thì xa dân chứ còn gì?", ông Vạn nói.
Nói về khoảng cách giữa cử tri với đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước chia sẻ: "Mình cũng là dân chứ có gì đâu. Bỏ áo mũ cân đai thì là dân thôi mà. Có gì đâu xa cách". Theo Chủ tịch nước, mỗi khi tiếp xúc cử tri, đa phần là các bí thư chi bộ, trưởng khu phố, không thể 100% là người dân nhưng tại sao những người đại diện tổ dân phố, chi bộ của mình lại không mạnh dạn công khai những bức xúc của dân.
"Ngày xưa chiến đấu, địch tra tấn dã man cỡ nào ta không sợ, sao giờ ta với ta lại sợ. Đó là điều hết sức vô lý. Hay chăng có lợi ích gì đó, rồi chỉ cho cử tri phản ảnh những vấn đề tốt, chung chung. Hay sợ bị trù dập, mất ghế mà ém những chuyện xấu, không tốt ở địa phương?", Chủ tịch nước nói.
Hữu Công/VnN

Sau 40 năm: Lịch sử đang lặp lại

* NGUYỄN QUANG DY
Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein” (Richard Nixon nói với William Safire (bình luận gia của New York Times) năm 1994, trước khi chết).
40 năm sau Chiến tranh Viêt Nam, cuối cùng người Mỹ và Việt Nam đang làm những gì mà họ đáng lẽ phải làm từ năm 1978 khi nước Việt Nam thống nhất rất cần hòa giải và hợp tác với Mỹ (là kẻ thù cũ) để tái thiết và đối phó với hiểm họa mới từ Trung Cộng (là anh em bạn thù); hoặc từ năm 1945 khi nước Việt Nam mới do Hồ Chí Minh đứng đầu đang cố giành sự ủng hộ của Mỹ để hóa giải sự thù nghịch của nước Pháp thực dân và Trung hoa Dân quốc; hoặc từ năm 1875 khi vua Tự Đức cử ông Bùi Viện sang Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ để chống lại ý đồ nước Pháp thực dân muốn biến Annam thành thuộc địa. Nhưng hai nước đã để tuột mất những cơ hội lịch sử, bây giờ phải “trở về tương lai”, sau khi bị bầm dập bởi cuộc chiến tranh sai lầm đẫm máu, và lãng phí quá nhiều thời gian, sức lực và mạng sống vào những trò chơi hậu chiến điên khùng, bao gồm cái gọi là “Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba” không kém khôc liệt giữa “anh em bạn thù” và những đồng minh mới của họ. 
Đấy là phác thảo nhanh bức chân dung đầy bi kịch của quan hệ Việt-Mỹ. Thật trớ trêu là tương lai quan hệ Việt-Mỹ lại gắn liền với tương lai của Biển Đông, mà tương lai của Biển Đông nay lại gắn liền với quan hệ Trung-Việt, cũng như quan hệ Trung-Mỹ. Để làm rõ những khía cạnh đầy uẩn khúc của những mối quan hệ này, hãy bình tâm xem lại một số bối cảnh lịch sử có liên quan và một số biến chuyển gần đây, như những dấu hiệu mới.
Ngăn chặn Trung Quốc: Trở về tương lai?
Ai quan tâm đến lịch sử chắc vẫn nhớ 60 năm về trước (sau chiến tranh Triều Tiên và Điện Biên Phủ), Mỹ đã triển khai chiến lược Ngăn chặn Trung Cộng bằng cách sử dụng SEATO (South East Asia Treaty Organization) làm cơ chế an ninh tập thể ở Đông nam Á. Chẳng có gì sai khi Mỹ ngăn chặn Trung Quốc lúc đó cũng như bây giờ khi họ hung hăng trỗi dậy và bành trướng ở khu vực, bằng cách “xoay trục sang Châu Á” để tái cân bằng lực lượng, và sử dụng TPP (Tran-Pacific Partnership) làm khuân khổ hợp tác mới ở khu vực. Nhưng mục đích kinh tế của TPP có lẽ không quan trọng bằng mục đích chiến lược.
Nói cách khác, đây là trò “rượu cũ bình mới”. “Rượu cũ” là mối đe dọa tiềm ẩn của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán (không hề thay đổi). “Bình mới” là Trung Quốc nay áp đặt “Đường Lưỡi bò” và dùng dàn khoan để lấn chiếm Biển Đông, và ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo và công trình quân sự tại các đảo san hô mà họ chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa, hòng kiểm soát Biển Đông (như “lợi ích cốt lõi”). “Rượu cũ” là Mỹ “Ngăn chặn” Trung Cộng, và “bình mới” là trò chơi TPP (thay cho “SEATO”). Quan hệ Trung-Việt đầy phức tạp vừa là đối tác chiến lược (cùng ý thức hệ), vừa là đối thủ chiến lược (do tranh chấp chủ quyền). Đó là mối quan hệ bất bình thường (vừa yêu vừa ghét) như “anh em thù địch”. Nhưng lúc này thật là dại dột và bất khả thi, nếu Việt Nam cố duy trì nguyên trạng mối quan hệ bất bình thường đó bằng cách đong đưa và đi trên dây để căn bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.
Cách đây 60 năm, Mỹ đã ngăn chặn một Trung Quốc nghèo nàn (như con “hổ giấy”), tuy ngoài mặt thách thức Mỹ nhưng trong bụng rất muốn bắt tay. Còn bây giờ, Mỹ đang ngăn chặn một Trung Quốc giàu có như một “quái vật kinh tế và quân sự”, vừa muốn giữ nguyên trạng (bên trong), lại vừa muốn thay đổi nguyên trạng (bên ngoài), thách thức vai trò cầm đầu của Mỹ. Trước đây, Mỹ ngăn chặn Trung Quốc bằng cách đánh Việt Nam (tưởng là kẻ thù ý thức hệ). Còn bây giờ Mỹ ngăn chặn Trung Quốc đang hung hăng trỗi dậy bằng hợp tác với Việt Nam(như đối tác chiến lược mới).
Đây là một sự chuyển đổi đầy kịch tính, để sửa chữa một sai lầm lớn mà cả hai nước đã mắc phải. Chiến lược Ngăn chặn và chiến tranh Việt Nam là hai chuyện khác nhau, không nên nhầm lẫn. Đáng lẽ Mỹ không nên can thiệp vào Việt Nam bằng “một cuôc chiến tranh sai lầm, tại một địa điểm sai, vào một thời điểm sai, với một kẻ thù sai” (Omar Bradley, 1951). Nhưng phải 20 năm sau cuộc chiến, ông Robert McNamara mới công khai thừa nhận sai lầm này (trong cuốn sách xuất bản năm 1995). Thực ra, ngay từ năm 1965, ông George Ball (trợ lý ngoại trưởng) đã nhìn thấy trước một cuộc chiến sai lầm, đã cảnh báo và khuyên can tổng thống John Kennedy đừng quyết định đưa quân sang Việt Nam để can thiệp trực tiếp.
Nhưng đáng tiếc là không ai muốn nghe George Ball, mà người ta còn cười nhạo ông ấy. Theo tôi, George Ball giỏi không kém gì George Kennan. Họ là những người Mỹ thông minh, dũng cảm, có tầm nhìn xa. Nếu Chính quyền biết lắng nghe họ, thì nước Mỹ đã tránh được bao tổn thất về xương máu và nguồn lực tại Việt Nam (và Iraq sau này). Việt Nam và Iraq là những bài học đẫm máu, còn tiếp tục ám ảnh người Mỹ. Thomas Vallely (cựu chiến binh, giám đốc chương trình Việt Nam tại Harvard) đã nói rất đúng (trong tư liệu TV, 1985), “chúng ta không nên làm cái việc sai lầm là đưa thanh niên đến chỗ chết, chỉ vì lòng tự hào của mấy ông già”.
Khi ông Archimedes Patti (cựu sĩ quan OSS) ký tặng tôi cuốn sách “Why Vietnam” (Bangkok, 1990), tôi có hỏi ông ấy, “lúc đó họ có đọc sách của ông không”. Ông Patti nói với ánh mắt buồn rầu, “chẳng ai đọc nó cả, chẳng ai nghe tao cả”. Trong một lần báo chí phỏng vấn (năm 1981), ông Patti đã nói rất rõ, “Theo tôi, chiến tranh Viêt Nam là một sự lãng phí khồng lồ. Trước hết, nó không cần phải xảy ra. Hoàn toàn không. Không đáng tí nào cả. Trong suốt những năm chiến tranh Việt Nam, không ai đến gặp tôi để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra năm 1945 hoặc 1944. Trong suốt những năm tôi làm việc ở Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại Giao, và Nhà Trắng, không một ai có quyền hành đến gặp tôi cả…”.
Điều đó làm tôi nhớ lại sự kiện “Blood Telegrams” (mà chắc nhiều người đã quên). Ông Archer Blood, tổng lãnh sự Mỹ tại Dacca (thủ phủ Đông Pakistan lúc đó) đã gửi điện khẩn vềWashington (ngày 6/4/1971, có 29 cán bộ ngoại giao Mỹ ký tên) cảnh báo về nạn “diệt chủng có chọn lọc” đang biến Dacca trở thành “thành phố ma” (3/4 dân số bị giết hoặc bỏ chạy). Họ công khai phản đối chính sách của Mỹ ủng hộ chính quyền quân sự (của tướng Yahya Khan) đàn áp dã man người Bengali đòi độc lập cho Bangladesh. Nhưng tổng thống Nixon và Tiến sĩ Henry Kissinger lúc đó đã lờ đi, vì muốn tướng Yahya Khan làm cầu nối với Trung Quốc để tổng thống Nixon đến Thượng Hải bắt tay Mao Chủ tịch, như một “bước ngoặt lịch sử”. Tôi xin trích một đoạn bức điện đó, “Chính phủ chúng ta đã không lên án việc đàn áp dân chủ. Chính phủ chúng ta đã không lên án tội ác. Chính phủ chúng ta đã không có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ công dân của mình, trong khi đó ra sức làm vừa lòng chính phủ do người Tây Pakistan nắm quyền và làm giảm bớt đi mọi sức ép tiêu cực của dư luận quốc tế đối với chính phủ Pakistan. Chính phủ chúng ta đã chứng tỏ một điều mà tất cả mọi người đều coi là phá sản về đạo đức…”.
Tham dự tích cực: Trò chơi kết thúc? 
Tôi không biết tổng thống Nixon thực sự nghĩ gì khi ông ta bắt tay Mao chủ tịch tạiShanghai năm 1972. Nhưng tôi tin ông Nixon đã một lần nói thật khi ông ấy nhận xét một cách chí lý (năm 1994, trước khi ông ấy chết), “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein”. Ông Nixon lúc sắp chết đã trở thành “thiên tài”! Thực tế là phải 42 năm sau, đến tận 2014, đa số người Mỹ mới nhận ra “hệ quả không định trước” này và bắt đầu lo ngại về sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung Quốc (tuy vẫn tranh cãi về nguy cơ xung đột Trung-Mỹ).
Công bằng mà nói, không nên đổ lỗi cho ông Nixon vì Dr Henry Kissinger mới chính là kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc, từ “Shanghai Communique” để cho Mỹ rút quân khỏi Việt Nam “trong danh dự” và chia sẻ quyền lực với Trung Quốc tại Đông Á, đến “Constructive Engagement” để thay thế “Containment” giúp Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình”, và “China Card” để biến Trung Quốc thành đồng minh “trên thực tế” chống Liên Xô, và cuối cùng “China Lobby” để vận động hành lang ủng hộ Trung Quốc trong mọi chuyện làm ăn khác. 
Trong nửa thế kỷ qua (nói chính xác là qua 8 đời tổng thống Mỹ, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ), Washington vẫn cho rằng chủ trương “Can dự tích cực” là cách duy nhất để khuyến khích Trung Quốc cởi mở dần trong quá trình mà ông Kissinger gọi là “co-evolution” (hay diễn biến hòa bình) theo các giá trị của Mỹ, và “trỗi dậy trong hòa bình”. Chỉ gần đây, người Mỹ mới bắt đầu thất vọng như bị bạn tình Trung Quốc phản bội. Các chuyên gia về Trung Quốc bắt đầu nói đến sự cần thiết phải “ngăn chặn” Trung Quốc, và hai bên bắt đầu coi nhau như đối thủ (thay cho đối tác). “Đồng thuận Washinton” về lợi ích của “Constructive Engagement” bắt đầu đổ vỡ. Điều này làm ta nhớ lại trận Trân Châu Cảng (7/12/1941) khi hạm đội Mỹ tại đây đã bị hải quân Nhật đánh đắm, nhưng đa số người Mỹ lúc đó vẫn không tin là Nhật Bản dám khởi chiến. Có lẽ “Đồng thuận Washington” giống như một con voi quá lớn và quá chậm để dễ dàng chuyển động. Không biết người Mỹ có thật ngây thơ về Trung Quốc không, hay là cái bóng của ông Kisinger quá lớn, nhưng gần nửa thế kỷ qua, chính sách của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương vẫn xoay quanh “cái trục Trung Quốc” mà ông Kissinger đã thiết kế.
Dù nguyên nhân Trung Quốc trỗi dậy ngày càng hung hăng (như đầu gấu tại khu vực) có phải do chính sách “Can dự tích cực” hay không, thì nhiều người cho rằng Mỹ và Trung Quốc khó tránh khỏi chiến tranh lạnh (thậm chí xung đột). Gần đây, tỷ phú George Soros lập luận rằng nếu không nhân nhượng Trung Quốc về vấn đề tài chính sống còn đối với họ, thì lãnh đạo Trung Quốc có thể phải dùng đến xung đột vũ trang để tồn tại, dễ gây ra chiến tranh thế giới mới. Điều này làm ta nhớ lại chính sách “Appeasement” của chính phủ Anh (Neville Chamberlain) đã thỏa hiệp quá nhiều với Hitler (tại Munich, năm 1938). “Constructive Engagement” nếu đi quá đà, mà không có điều kiện khắt khe ràng buộc, sẽ phản tác dụng hơn cả “Appeasement”.
Michael Pillsbury (một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc) nhận xét, “Trung Quốc không đạt được hầu hết những mong muốn màu hồng của chúng ta”. David Lampton (một học giả về Trung Quốc tại Johns Hopkins) kết luận, “Quan hệ Trung-Mỹ đã đi đến chỗ đổ vỡ”. Robert Blackwill (một chuyên gia về an ninh quốc tế tại Belfer Center, Harvard) cho rằng “Constructive Engement với Trung Quốc chỉ giúp cho đối thủ mạnh lên”. Kevin Rudd (cựu thủ tướng Australia, một chuyên gia về Trung Quốc) đã tóm tắt quan điểm của người Trung Quốc về mục tiêu của Mỹ là “nhằm cô lập, ngăn chặn, làm suy yếu, phân hóa Trung Quốc, và phá hoại lãnh đạo chính trị của Trung Quốc”. Ông ấy còn khuyến nghị “Constructive Realism” để thay cho “Constructive Engagement”.
Tôi cũng không rõ liệu cao kiến của ông Kevin Rudd, tuy có thực tế hơn, nhưng liệu có hiệu quả hơn không, khi điều chỉnh quan trọng gần đây của Washington vẫn tỏ ra “quá ít và quá muộn”. Thái độ cứng rắn hơn của Mỹ (điều máy bay quân sự đến Biển Đông) là một tín hiệu tích cực và lời cảnh báo rõ ràng đối với Trung Quốc, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ thuyết phục Bắc Kinh phải thực sự nghiêm túc, và chưa đủ thuyết phục các nước Asean đang bị Trung Quốc bắt nạt và phân hóa cần phải dựa vào Washington hơn là Bắc Kinh. Ít nhất đó là cách hiểu (không chính thức) về thái độ nhìn nhận của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La gần đây (May 29-31, 2015).
Biển Đông: Một thùng thuốc súng?
Hơn một năm nay, từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông và ráo riết xây dựng các công trình quân sự và đảo nhân tạo trên các đảo san hô họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa, để chuẩn bị thiết lập khu vực nhận diện phòng không, đe dọa tự do hàng hải, thì Biển Đông đã nóng lên như thùng thuốc súng. Quốc Hội Mỹ và giới nghiên cứu đã chuyển biến mạnh, buộc Chính quyền Obama phải có thái độ cứng rắn hơn, đưa máy bay quân sự và tàu chiến vào Biển Đông để răn đe, bất chất Trung Quốc phản đối. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã thực sự lo ngại. Một số nước đồng minh của Mỹ (như Japan và Australia) đã thay đổi hẳn thái độ, sẵn sàng tham gia tuần tra hải quân trên Biển Đông.
Trong khi bức tranh địa chính trị tại khu vực thay đổi nhanh và rõ nét hơn, thì tương lại Biển Đông vẫn mù mịt và bất định. Liệu đối đầu Trung-Mỹ tại Biển Đông có dẫn đến chiến tranh thật không, hay chỉ là chiến tranh lạnh? Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể thỏa thuận với nhau để chia sẻ quyền lực (như trước đây)? Liệu căng thẳng Trung-Việt có dẫn đến chiến tranh không, hay tiếp tục nhùng nhằng (không hòa không chiến) và Trung Quốc tiếp tục chiến thuật “cắt lát gặm dần” như “chuyện đã rồi”, không đánh vẫn thắng? Và cuối cùng, liệu sức ép của Mỹ và cộng đồng thế giới, cũng như quá trình dân chủ hóa tại Trung Quốc, có đủ sức xoay chuyển thái độ của Bắc Kinh, và hóa giải được xung đột lợi ích tại Biển Đông để biến thùng thuốc súng này thành khu vực hợp tác hòa bình và cùng khai thác?
Một số chuyên gia về Trung Quốc theo thuyết “cái bẫy Thucydides” (Graham Allison đặt tên) cho rằng xung đột Trung-Mỹ là khó tránh khỏi, và Biển Đông có thể là cái ngòi nổ cho thế chiến thứ ba. Một số khác theo thuyết phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế (phái Neo-liberalism) lập luận rằng chiến tranh Trung-Mỹ rất khó xảy ra vì hai nền kinh tế khổng lồ này đã quá phụ thuộc vào nhau, nên khả năng cùng bị hủy diệt do chiến tranh là một sự răn đe hiệu quả. Số còn lại đưa ra nhiều giả thuyết và kịch bản khác nhau, chủ yếu dựa trên phân tích học thuật, thường làm rắc rối hơn là làm sáng tỏ vấn đề, và góp phần làm cho Biển Đông nóng hơn (trên mặt báo và các diễn đàn nghiên cứu) như thêm gia vị vào các thực đơn nghiên cứu.
Graham Allison dựa vào thực tế lịch sử để rút ra quy luật, chủ yếu nhằm cảnh báo về một nguy cơ tiềm tàng khó tránh, để biết mà phòng tránh chứ không phải để kết luận như đinh đóng cột rằng chiến tranh nhất thiết sẽ xảy ra. Trong thế giới đầy biến động khôn lường và đầy biến số này, không ai có thể chắc chắn về một điều gì như hằng số.
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia trong thế giới phẳng là một thực tế hiển nhiên. Trong trường hợp quan hệ Trung-Mỹ thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng lớn hơn. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau càng lớn thì mâu thuận cũng càng lớn và rủi ro cũng càng cao, rất khó kiểm soát. Sự khác biệt về hệ thống giá trị cơ bản giữa hai quốc gia này như mặt trăng và mặt trời. Trong khi Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc phát triển phương tiện truyền thông xã hội, thì Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc kiểm soát nó. Trong khi Mỹ muốn Trung Quốc áp dụng hệ thống giá trị của mình, thì lãnh đạo Trung Quốc coi đó là lật đổ.
Nếu cả hai xu hướng chính là “cái bẫy Thucydides” và “phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế” cùng tồn tại trong quan hệ Trung-Mỹ thì nó có thể triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến nhùng nhằng (không hòa không chiến) như chiến tranh lạnh kiểu mới (như xu hướng thứ ba). Nếu tình huống này thắng thế, thì Trung Quốc càng có lợi, tiếp tục “cắt lát” để gặm nhấm, biến thành “chuyện đã rồi”, và cuối cùng đạt được mục tiêu kiểm soát Biển Đông mà không tốn một viên đạn.
Có lẽ cả Trung Quốc và Mỹ đều qúa bận tâm về các vấn đề chính trị nội bộ nên muốn hướng dư luận vào các vấn đề chính trị quốc tế. Họ cũng có thể gây căng thẳng tại vài nơi trên thế giới để thử gân nhau. Nhưng có lẽ lúc này cả hai đều không muốn và không sẵn sàng chiến tranh tổng lực. Kết quả có thể là chiến tranh lạnh kiểu mới, một dạng chiến tranh nửa dơi nửa chuột (hybrid warfare) hoặc mượn tay người khác (proxy warfare). Tuy nhiên, khi căng thẳng được đẩy lên thành kịch tính thì rủi ro càng lớn, và hai bên cần một cơ chế kiểm soát rủi ro để tránh sử dụng vũ lực. Dù sao, người ta cho rằng chiến tranh lạnh vẫn còn hơn là “Thế chiến thứ 3”.
Trong khi chưa biết là chiến tranh lạnh hay thế chiến thứ ba, thì các học giả về Trung Quốc cho rằng màn chót của chế độ Trung Cộng có lẽ đã bắt đầu. Bề ngoài, Trung Quốc có vẻ giàu có và hùng mạnh, nhưng nó che đậy một hệ thống đã đổ vỡ bên trong. Không phải chỉ có ông Gordon Chang lâu nay dự báo “Trung Quốc sắp sụp đổ”, mà cả giáo sư Paul Krugman (được giải Nobel kinh tế) cũng báo động rằng “Trung Quốc đã kịch đường” (tới điểm giới hạn). Đáng chú ý là cả giáo sư David Shambaugh (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại GeorgeWashington University) đã tuyên bố “màn chót của chế độ Trung Cộng đã bắt đầu”…
Chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập Cận Bình để cứu chế độ (hay củng cố địa vị) đang đẩy màn chót đến nhanh hơn. Việc tăng cường đàn áp càng bộc lộ sự rạn nứt của hệ thống và đẩy nhanh quá trình sụp đổ. Thay vì mở cửa, ông Tập Cận Bình đang tăng cường kiểm soát gấp đôi. Giới tinh hoa ở Trung Quốc sẵn sàng ra đi hàng loạt nếu hệ thống bắt đầu sụp đổ. Theo Elizabeth Economy (Council on Foreign Relations) 2/3 (hoặc 64%) người Trung Quốc có tài sản trên 1.6 triệu USD đang di cư hoặc định như vậy. 
Anh em bạn thù: Làm sao để thoát? 
Định mệnh về địa lý
Dù muốn hay không, Việt Nam vẫn phải sống cạnh người láng giềng khổng lồ, như một định mệnh về địa lý, không thể thay đổi được. Vì vậy về lâu về dài, Việt Nam phải tìm cách chung sống hòa bình tử tế với các nước láng giềng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Là một nước nhỏ hơn, muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình, Việt Nam phải thay đổi và mạnh lên để Trung Quốc phải tôn trọng. Nếu Việt Nam yếu đi trong khi Trung Quốc mạnh lên, thì chắc chắn Việt Nam sẽ mất độc lập, chủ quyền vì trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng bá quyền Trung Quốc. Đáng tiếc tình trạng hiện nay đúng là như vậy. Không phải Việt Nam chỉ mất đất biên giới và hải đảo tại Biển Đông, mà có thể sẽ mất tất cả, để “trở về tương lai” như thời kỳ Bắc thuộc.
Tương quan lực lượng
Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang thách thức vai trò số một của Mỹ, và muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc không chỉ là con quái vật kinh tế, mà còn là con quái vật quân sự và ý thức hệ, với tham vọng bành trướng bá quyền như đầu gấu trong khu vực. Họ đang lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hướng dân Trung Quốc vào “Giấc mộng Trung Hoa”, hòng che đậy những mâu thuẫn cơ bản đang đe dọa sự tồn tại của chế độ. Biển Đông chỉ là một mảnh trong ván cờ lớn của họ. Trung Quốc muốn giữ chặt ViệtNam trong cái bẫy ý thức hệ, như một nước chư hầu, không được thân với Mỹ và Phương Tây. Vì vậy, Việt Nam phải mạnh lên, để thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ đó. Nếu không mạnh được nhưIsrael, thì chung ta cũng phải đi theo hướng đó. Để khai thác được cái mỏ người hơn 90 triệu dân, chúng ta phải nâng cao dân trí, đổi mới thể chế kinh tế và chính trị. Việc này không thể một sớm một chiều mà cần vài thập kỷ. (Đáng tiếc là chúng ta đã đánh mất ít nhất bốn thập kỷ).
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Chủ nghĩa dân tộc luôn là động lực chính trong quan hệ quốc tế. Trong lịch sử, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh và sức sống tiềm tàng, như những đối thủ truyền kiếp. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng bá quyền là hiểm họa cho cả ViệtNam và Trung Quốc. Khi chủ nghĩa dân tộc trở thành cực đoan và bá quyền, nó như con quái vật, xô đẩy các nước vào lò lửa chiến tranh. Chủ nghĩa dân tộc thường bị các chế độ độc tài thao túng để kích động lòng yêu nước và huy động dân chúng ủng hộ các tham vọng cực đoan của họ, hoặc che đậy những mâu thuẫn xã hội và xung đột nội bộ.
Người Đức thông minh tài giỏi như vậy, nhưng cũng bị Hitler và đảng Quốc Xã cực đoan thao túng, dẫn đến thảm họa chiến tranh thế giới. Người Trung Hoa có bề dày lịch sử và văn hóa như vậy, nhưng cũng bị Mao và các phái cộng sản cực đoan thao túng, dẫn đến thảm họa Cách mạng Văn hóa. Người Khmer hiền lành như vậy, nhưng cũng bị Pol Pot và Khmer Đỏ thao túng, trở thành nạn nhân của họa diệt chủng. Nguy cơ xung đột tại Biển Đông là do chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Muốn tránh thảm họa chiến tranh và xung đột, cần phải nâng cao dân trí và dân chủ hóa.
Dân chủ hóa
Đối với các xã hội chuyển đổi (như Trung Quốc và Việt Nam), dân chủ hóa là quy luật tất yếu và quá trình cần thiết để xã hội phát triển. Quá trình này nhanh hay chậm tùy thuộc vào đặc điểm chính trị và xã hội của từng nước. Dân chủ hóa thường song hành với quá trình phát triển tầng lớp trung lưu và dân trí. Nó vừa là động lực để đổi mới và phát triển kinh tế, vừa là đối trọng để hạn chế chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín. Do đặc điểm lịch sử, văn hóa phức tạp nên quan hệ Việt-Trung vừa bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng bá quyền, vừa bị trói buộc bởi ý thức hệ cộng sản cực đoan. Chỉ có dân chủ hóa và nâng cao dân trí thì Việt Nam và Trung Quốc mới có thể thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và nguy cơ xung đột. Sự phát triển bùng nổ của internet và truyền thông xã hội dựa trên kỹ thuật số gần đây có vai trò rất lớn trong quá trình này, như một cuộc cách mạng truyền thông.
Cất cánh kinh tế 
Tuy Trung Quốc và Việt Nam có thể chế chính trị giống nhau (do Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), nhưng kinh tế hai nước phát triển không giống nhau, làm quan hệ trở thành bất bình đẳng và lệ thuộc. Trong khi kinh tế Trung Quốc cất cánh với tốc độ tăng trưởng 2 con số trong suốt 3 thập kỷ, thì kinh tế Việt Nam không cất cánh lên được, thậm chí còn tụt hậu. Mặc dù đều độc tài và tham nhũng, nhưng Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng theo kinh tế thị trường, trong khi Việt Nam vẫn duy trì “định hướng XHCN”, dựa vào các doanh nghiệp nhà nước tham nhũng và yếu kém làm chủ đạo, dẫn đến thua lỗ và phá sản (như Vinashin và Vinalines). Trong khi Trung Quốc vơ vét tài nguyên khoáng sản toàn cầu để nuôi con quái vật kinh tế khổng lồ, xuất khẩu hàng hóa ra khắp thế giới để tích lũy tư bản, thì Việt Nam không công nghiệp hóa và nội địa hóa sản xuất, chỉ bán rẻ tài nguyên khoáng sản lấy tiền nhập siêu hàng tiêu dùng. Đây cũng là một bi kịch quốc gia. Nếu không thay đổi cơ bản về thể chế kinh tế và chính trị, để hội nhập vào thị trường thế giới, thì Việt Nam khó tránh khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc và mất chủ quyền tại Biển Đông.
Đối tác chiến lược.
Muốn đối phó với một láng giềng lớn chuyên bắt nạt (như Trung Quốc), Việt Nam phải liên kết với đối tác chiến lược mạnh hơn (như Mỹ) làm đối trọng và răn đe. Đó là quy luật tất yếu ai cũng biết, nhưng vận dụng như thế nào là một chuyện khác. Có nhiều bài học lịch sử. Ví dụ, không nên dựa hẳn vào bên này để chống bên kia, gây thù chuốc oán, như trước đây ViệtNam đã dựa hẳn vào Trung Quốc để chống Mỹ, rồi sau này lại dựa hẳn vào Liên Xô để chống Trung Quốc. Nhưng cũng không nên có quan hệ đối tác chiến lược với quá nhiều nước, mà chẳng nước nào có khả năng đương đầu với Trung Quốc để bênh vực Việt Nam. Nó giống như câu thành ngữ “lắm mối tối nằm không”. Việc giữ cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ bằng cách đi trên dây không phải là một chiến lược lâu dài. Càng không phải là một cái cớ để trì hoãn quan hệ đối tác chiến lược sống còn với Mỹ khi Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt thật là mối đe dọa chung đối với khu vực. Không nên nhầm lẫn mục tiêu chiến lược với phương tiện chiến thuật. Nếu không có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và gia nhập TPP, Việt Nam dễ bị Trung Quốc bắt nạt và đô hộ. Muốn có quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả, trước hết người Việt Nam phải đoàn kết và tự cường mạnh lên, để các đối tác tôn trọng và tin cậy. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ trở thành vô nghĩa nếu không dựa trên tầm nhìn chiến lược và lòng tin chiến lược.

Góp phần giải ‘BÀI TOÁN NGUYỄN THIỆN NHÂN’

* Gs. NGUYỄN ĐÌNH CỐNG
Gần đây trong cuộc gặp mặt các chuyên gia, trí thức Việt nam ở nước ngoài , ông Nguyễn Thiện Nhân, UV BCT ĐCSVN, Chủ tịch BCH TW Mặt trận TQ VN, đã nêu ra 5 bài toán nhằm phát triển đất nước về kinh tế, xã hội đến năm 2030. Đó là làm sao để VN trở thành : 
1-Cường quốc về nông nghiệp; 
2-Trung tâm chế tạo mới của thế giới; 
3-Phát triển hệ thống đô thị thông minh; 
4-Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ; 
5- Phát triển về du lịch. . .
Tôi tạm gọi là 5 bài toán Nguyễn Thiện Nhân.
Tôi tin là những đề đạt của ông Nhân xuất phát từ tấm lòng yêu nước chân thành, đáng được trân trọng. Những bài toán của ông, nếu giải được sẽ làm cho VN cất cánh để có thể hóa rồng. Tôi không biết khi đặt các bài toán ông Nhân có bị vướng víu điều gì không, vì đầu bài chỉ muốn giới hạn trong lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội mà không phải là phát triển đất nước nói chung, trong đó có cả thể chế nhà nước, văn hóa giáo dục. Nếu ông Nhân chấp nhận điều kiện, như trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII ĐCSVN là vẫn kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML), vẫn theo con đường XHCN thì tôi tin chắc rằng sẽ không tìm được lời giải đúng, nếu có ai đưa ra lời giải thì chắc đó chỉ là kết quả của một sự ngụy biện nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ cả tin mà thôi, chứ không thể nào biến thành hiện thực được.
Khi ông Nhân đã đọc bài “ Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu-cảnh báo nguy cơ”của ông Vũ Ngọc Hoàng để biết rằng dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN theo CNML nhằm xây dựng CNXH thì đất nước VN đang bị mất ổn định xã hội đến mức báo động với những tệ nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, mua quan bán tước, suy đồi đạo đức, dối trá tràn lan…, làm phát sinh chủ nghĩa tư bản thân hữu , mà với nó thì đất nước không thể nào ngóc đầu lên được, lấy đâu mà cất cánh.
Một số người, trong đó có lãnh đạo cao cấp cho rằng tham nhũng và lợi ích nhóm là do lòng tham của con người đẻ ra, chỉ cần qua bầu cử, phát hiện ra bọn chúng và kiên quyết không bầu cho chúng thì sẽ làm trong sạch được Đảng. Đó là một nhầm lẫn lớn, rất lớn. Đúng là lòng tham góp phần tạo ra tham nhũng và lợi ích nhóm, nhưng riêng một mình lòng tham không thể tạo nên tình trạng bi thảm như hiện nay, ngoài lòng tham còn có một thế lực mạnh hơn, phối hợp, nuôi dưỡng, cộng hưởng với nó, mà đó mới là gốc rễ. 
Thử hỏi trong một đảng có điều lệ rất chặt chẽ, có vũ khí mạnh mẽ là phê và tự phê, cuộc bầu cử bất kỳ ở cấp nào cũng đều có tiêu chuẩn rõ ràng, các đại biểu đều “ sáng suốt lựa chọn…”, lại thêm 19 điều cấm, thì ở đâu ra các cán bộ tham lam, thoái hóa, biến chất trong các cấp ủy, cho đến tận trung ương. Nghiên cứu thật kỹ mới thấy, ngoài lòng tham vốn là tính sẵn có của con người thì chính CNML [chủ nghĩa Mác Lê], chuyên chính vô sản từng giờ từng phút sinh ra bọn tham nhũng, bọn lợi ích nhóm. Nếu vẫn kiên trì CNML , kiên trì chuyên chính vô sản thì có diệt được nhóm lợi ích này rồi nhóm khác sẽ sinh ra, mạnh hơn, thâm độc hơn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra 5 bài toán, yêu cầu nhiều người đóng góp lời giải. Trong 36 kế của Tôn Tử thì đó là kế “ phao bác dẫn ngọc” , theo dân gian là mẹo “ thả con săn sắt bắt con cá rô” còn theo ngôn ngữ khoa học là “phương pháp phát huy trí tuệ tập thể”. Về phương pháp này , ông Nhân từng học ở Mỹ chắc có biết “Brainstorming method” (phương pháp não công) do Alex Osborn, người Mỹ đề xướng từ năm 1938. Tôi xin mách, nếu ông thực tâm muốn giải các bài toán nêu ra thì nên dùng PP có hiệu quả này (ở VN có thể tìm hỏi GS Phan Dũng ở TP HCM).
Để giải các bài toán phát triển đất nước thì nhiều nhà khoa học, trí thức, hoạt động kinh tế xã hội ở trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến đề xuất mà không chờ bài toán Nguyễn Thiện Nhân, không chờ giải thưởng 1 tỷ đồng của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương (giải thưởng về hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước). 
Trong các ý kiến nói trên, tôi thấy tài liệu “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” của tập thể các nhà khoa học VN ở nước ngoài ( Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Giáp văn Dương, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sính, Nguyễn Minh Thọ, Trần văn Thọ, Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm- 14 người) là rất có giá trị. Các vị cho rằng trong mọi cải cách thì cải cách thể chế là quan trọng và cấp thiết nhất. Chắc rằng ông Nhân không những đã đọc mà còn nghiên cứu kỹ tài liệu này, nếu ông chưa đọc thì thật đáng tiếc. (Tài liệu được gửi đến cho mọi UV BCT, tôi mong ước Đảng cho công khai tài liệu này cho toàn thể đảng viên biết, nhất là những đại biểu dự ĐH XII ). Gần đây 12 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài trong nhóm “ Đối thoại Giáo dục VN” do GS Ngô Bảo Châu đại diện cũng đã có kiến nghị 5 điểm về cải cách giáo dục. Hình như trong những nhà khoa học người Việt ở nước ngoài mà ông Nhân đã gặp để nêu 5 bài toán không có người nào trong số 14 người và 12 người kể trên. Tôi chỉ thấy xuất hiện một số tên như Nguyễn Văn Thuận, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Đức Khương, Nguyễn Trí Hiếu.
Tóm lại, để giải được bài toán Nguyễn Thiện Nhân thì trước hết phải giải xong vấn đề cải cách thể chế mà mấu chốt là từ bỏ CNML và con đường XHCN, xây dựng chế độ dân chủ với tam quyền phân lập, thật sự hòa hợp dân tộc, bảo đảm mọi quyền tự do để phát huy năng lực sáng tạo. Đây là nhiệm vụ của ĐH XII ĐCSVN. Để góp ý cho ĐH đã có nhiều thư, ý kiến của tập thể hoặc cá nhân, ví dụ thư của 61 đảng viên do tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đại diện, các ý kiến của Tương Lai, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Thu Giang, Nguyễn Khắc Mai, Lê Công Giàu, Nguyễn Đình Cống và nhiều người khác. Không biết ông Nhân và các UV khác của BCT đã tham khảo được bao nhiêu những ý kiến đó và có tán thành được chút nào không.

An sinh xã hội - Việt Nam kiểu gì?

* ĐẶNG ĐÌNH CUNG
Thời phong kiến các vua chúa nước ta đã thực thi trách nhiệm an sinh xã hội với những nghĩa thương, bình chuẩn thương, chứa một phần lúa thuế hoặc lúa do tư nhân tự nguyện bỏ vào để đến thời cơ cận thì đem ra giúp dân nghèo, những dưỡng tế sở chăm sóc và phát thuốc cho những người cùng khổ tật nguyền, giúp tiền chôn cất những gia đình nghèo có người chết,...
An sinh xã hội là một nhân quyền theo điều 22, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, của Liên hiệp quốc(1):
"Mọi người, với tư cách thành viên của xã hội, có quyền hưởng thụ an sinh xã hội ; quyền này dựa trên việc thực thi các quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa cốt yếu về nhân phẩm và phát triển tự do của mỗi cá nhân, thông qua nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế, tùy theo tổ chức và nguồn lực của mỗi nước".
Ở nước ta, Hiến pháp năm 2013 quy định ở điều 34, "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội" và ở khoản 1, điều 38, "Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh".
Chế độ và chính sách an sinh xã hội được quy định trong Luật Bảo hiểm Xã hội và Luật Bảo hiểm Y tế(2). Nhưng nước ta chưa phê chuẩn Công ước về An sinh Xã hội (Tiêu chuẩn Tối thiểu--Social Security-Minimum Standards-Convention )(3) của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organisation, ILO) mà chúng ta là thành viên.
Người ta phân biệt hai chế độ an sinh xã hội : Chế độ kiểu Bismarck và chế độ kiểu Beveridge.
Để hạn chế ảnh hưởng trong giới công nhân của các chiến sĩ cách mạng vô sản thời đầu Cách mạng Công nghiệp thủ tướng Đức, Otto Bismarck, thành lập một chế độ "an sinh xã hội" (social security). Trước khổ đau của người dân trong Đệ nhị Thế chiến, William Beveridge, một công chức thuộc trường phái kinh tế Keynes, đưa ra khái niệm "Nhà Nước phúc lợi" (welfare state(4). Hiệu ứng Keynes(5) của chúng là một nhân tố của sự ổn định chính trị và xã hội như kinh nghiệm khủng hoảng tài chính 2008 gần đây ở các nước có chế độ an sinh tốt cho thấy.
Chế độ kiểu Bismarck dành cho người lao động và thân nhân của họ. Theo chế độ này thì nghĩa vụ đóng góp và quyền hưởng thụ dựa trên thu nhập từ lao động. Nó có tính cách bắt buộc. Giai cấp tư bản hay địa chủ không tham gia chế độ nhưng cũng phải đóng góp và cũng được hưởng thụ nếu một phần thu nhập của họ có nguồn lao động (6).
Nguyên tắc điều hành một quỹ an sinh kiểu Bismarck là bảo hiểm. Cụ thể là khi đang lao động thì trích một phần thu nhập để mức sống được bảo đảm cho trẻ em, con người lao động thành viên của quỹ an sinh, khi chúng chưa tới tuổi lao động, và cho mình khi tạm thời không thể lao động (bệnh hoạn, tai nạn, thai nghén, thất nghiệp, học tập bổ túc) và khi mất sức lao động (hưu trí). Nếu muốn mức an sinh nào thì chỉ cần (và phải) nhất trí trên phần thu nhập phải đóng góp cho thích ứng.
Theo chế độ kiểu Beveridge thì Nhà Nước quản lý chế độ, dùng một phần ngân sách để phân phát trợ cấp một cách đồng đều cho tất cả công dân. Nhiều người dành cụm từ "Nhà Nước phúc lợi" để chỉ chế độ an sinh kiểu này. Nó là hoạt động cứu tế của Nhà Nước tương tự như các hoạt động từ thiện của tư nhân hay của các hội cứu tế phi chính phủ. Tác động chính của nó là phân phát lại thu nhập cá nhân. Thuế thì Nhà Nước đánh theo giầu nghèo, nhà giầu đóng nhiều, nhà nghèo đóng ít. Nhưng mọi người, giầu hay nghèo, đều hưởng một lượng phúc lợi đồng đều như nhau.
Khi được thành lập ở bên Anh thì chế độ này được coi là hay nhất, bình đẳng nhất. Nhưng Nhà Nước không thể đánh thuế vô giới hạn nên mức phúc lợi mỗi người được hưởng tương đối thấp. Ngoài ra, người dân quên rằng mình đã phải tài trợ chế độ an sinh này qua thuế làm cho nhiều người tưởng rằng an sinh xã hội là của trời cho nên lãng phí phúc lợi của Nhà Nước và giảm hăng say lao động.
Khi mở rộng an sinh xã hội lên quy mô quốc gia thì các nước lúc đó có đa số nghị sĩ thân tả ở Quốc hội chọn chế độ kiểu Beveridge : Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan, Thụy Điển, Anh,... Các nước đã có truyền thống an sinh phi chính phủ thì chọn chế độ kiểu Bismarck Tây Ban Nha, Pháp, Đức,...
Ngược với nhiều người tưởng, chế độ an sinh kiểu Bismarck thích hợp với một Nhà Nước xã hội chủ nghĩa hơn là chế độ kiểu Beveridge :
(a) chế độ dành cho giai cấp lao động, do giai cấp lao động tổ chức và quản lý,
(b) các giai cấp tư bản và địa chủ phải và có quyền thành lập chế độ tự nguyện riêng của họ,
(c) việc người lao động tài trợ củng cố tinh thần tự lập, tự trọng và vinh quang của giai cấp.
Đó chỉ là những nhận xét chung. Ở Pháp và nhiều nước công nghiệp khác, người ta pha hai chế độ : kiểu Bismarck cho những người lao động hay nghỉ hưu sau khi đã lao động và kiểu Beveridge cho trẻ em chưa tới tuổi lao động và tất cả các công dân có thu nhập không đủ sống. Ngoài ra còn có chế độ bổ túc tự nguyện cho những người thấy chế độ do Nhà Nước thành lập chưa đủ bảo đảm cho họ và những người không được hay không muốn tham gia chế độ an sinh Nhà Nước.
Theo các văn bản pháp quy thì chế độ an sinh xã hội của nước ta theo kiểuBismarck.
Luật Bảo hiểm Xã hội đề cập đến đầy đủ các thành phần của an sinh xã hội : ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hưu trí và tử tuất. Nhưng luật chưa đầy đủ vì nó không biểu hiện tất cả các ưu điểm của một chế độ an sinh kiểu Bismarck trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa như nước ta. Do đó, chúng tôi xin nêu một số điểm mà chúng tôi xin Quốc hội quan tâm đến khi bàn về an sinh xã hội.
1. Các điều 8 đến 16 quy định trách nhiệm các cơ quan và tổ chức liên quan đến an sinh xã hội, việc quản lý và thanh tra quản lý quỹ an sinh xã hội. Nhưng chúng tôi không thấy có nghị định hướng dẫn áp dụng (rất có thể chúng tôi đã kiếm không kỹ trên mạng Internet(7). Tỷ dụ điều 8 (Cơ quan quản lý Nhà Nước về bảo hiểm xã hội) không nêu rõ ai được chỉ định tham gia vào việc quản lý và kiểm tra quản lý quỹ an sinh, quyền hành và trách nhiệm của những người đó để tiền đóng góp và tiền hưởng thụ của những đối tượng tham gia chế độ an sinh được sử dụng đúng quy định (8).
2. Là một trách nhiệm của Nhà Nước, an sinh xã hội phải có tính cách cưỡng bách và tất yếu :
(a) đã có thu nhập từ lao động là phải đóng góp cho quỹ an sinh theo quy định,
(b) đã thuộc thành viên của chế độ thì tất yếu được hưởng phúc lợi theo quy định.
3. Nguyên tắc của xã hội chủ nghĩa là quyền hành trong tay người lao động (9). Là một chế độ của giai cấp lao động thì Nhà Nước chỉ quy định quy tắc tổ chức và điều hành quỹ an sinh (xem phụ lục danh sách những văn bản pháp quy chúng tôi xin đề nghị), kiểm tra các pháp quy đã được thực thi ra sao và xử lý theo kết quả kiểm tra. Nhưng Nhà Nước không can thiệp vào quản trị quỹ. Đó là việc của những đối tượng tham gia (stakeholder), nghĩa là người lao động và người thuê lao động nếu bên thuê lao động cũng tham gia đóng góp cho quỹ.
4. Nhà Nước XHCH Việt Nam cũng có nhiều chương trình trợ cấp những gia đình gặp khó khăn, những gia đình có trẻ em khuyết tật vì chất độc da cam, nhân dân những vùng xa và nghèo kém,... Nhưng chúng tôi không thấy có văn bản pháp quy nào quy định chế độ kiểu Beveridge này. Đặc biệt, để tránh lạm dụng thì phải có định nghiã chặt chẽ đối tượng nào không có khả năng lao động phải đặt vào chế độ kiểu Beveridge, trong trường hợp nào thì một đối tượng được hưởng tạm thời hay cho tới mãn đời mỗi phúc lợi của Nhà Nước.
Các tổ chức phi chính phủ (NGO, Non Government Organization) cũng có những hoạt động từ thiện. Quốc hội cần quy định quy chế và điều hành các tổ chức này (10). Đặc biệt phải có quy định nghiêm cấm các tổ chức từ thiện đó phân biệt đối xử đối đãi các đối tượng hưởng lợi. Ngoài ra thì nên để cho họ tự do tham gia trút đỡ gánh nặng phúc lợi của Nhà Nước.
5. Dân tộc ta có truyền thống cha mẹ già thì có con cái nuôi. Nhưng truyền thống này đang mất dần đi. Nhiều cụ già bây giờ phải sống bơ vơ dựa vào lòng từ thiện của hàng xóm hay trợ cấp của Nhà Nước và các tổ chức từ thiện : cha mẹ liệt sĩ, con cái bất hiếu, con cái thu nhập không đủ để tự nuôi thân,… Những cảnh đau thương đó mỗi ngày mỗi nhiều vì kinh tế xã hội ở nước ta biến chuyển. Trả lương hưu tuần tự trong suốt thời gian còn sống là một chọn lựa đúng đắn để bảo đảm thu nhập cho người lao động nghỉ hưu. Nếu rút tiền hưu thì các cụ sẽ sống bằng gì sau khi tiêu hết tiền hưu lãnh được ?
Gần đây, một số công nhân đã đình công đòi được thanh toán tiền hưu ngay một lần. Tại sao họ lại đình công để chống một điều trên nguyên tắc hợp lý ? Dân trí không thấp đến nỗi người lao động không biết quyền lợi lâu dài của họ là ở đâu. Họ cũng không cần đến một thế lực thù nghịch nào kích thích để hành động. Họ đòi được trả tiền hưu một lần chỉ vì :
(a) quy tắc và quy trình quản lý quỹ hưu không thông thoáng,
(b) họ không có quyền quyết định gì trong việc quản lý quỹ,
(c) những tai tiếng về tham nhũng, tiền trợ cấp bị quan chức biến thủ, xí nghiệp quốc doanh làm ăn lỗ lã, đã làm cho họ sợ quỹ hưu sẽ không có tiền trả lương cho họ khi họ mất hẳn sức lao động.
Một số nghị sĩ ở Quốc hội đề nghị sửa lại điều 60 để cho phép mọi người được lãnh tiền hưu một lần vì lý do phải nghe lời dân. Nếu đề nghị được thông qua thì số đối tượng Nhà Nước phải trợ cấp theo chế độ Beveridge sẽ gia tăng làm mất cân bằng chi thu của ngân sách. Ngoài ra, tiền hưu chưa thanh toán cho các thành viên có hai công dụng :
(a) quỹ hưu dùng để đầu tư vào những công trình công ích tham gia vào công cuộc khuếch trương kinh tế quốc dân,
(b) lãi của các công trình đó sau này sẽ dùng để trả lương hưu.
Đây là phương cách quản lý của hầu hết các quỹ an sinh trên thế giới.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội giữ nguyên điều 60 cuả Luật Bảo hiểm Xã hội.
Để lấy lại lòng tin của người lao động, chúng tôi đề nghị Quốc hội sửa đổi để triển khai điều 8 (Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội) của Luật Bảo hiểm Xã hội với những quy định rõ ràng bảo đảm chất lượng quỹ an sinh như trình bầy ở trên.
* * *
Năm 2013, tổng sản lượng quốc nội của Pháp là 2.117 tỷ Euros (11), ngân sách Nhà Nước trung ương và địa phương là 390 tỷ Euros (12), các quỹ an sinh quyên được 457 tỷ và chi 470 tỷ (13), nghĩa là khoảng 22 phần trăm tổng sản lượng quốc nội và nhiều hơn là ngân sách Nhà Nước. Những tỷ số này tương tự với các nước công nghiệp khác. Với tỷ trọng lớn như vậy, an sinh xã hội là một tham số quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô của một quốc gia.
Chế độ an sinh xã hội kiểu Bismarck có thể nói là biểu hiện của một chính quyền xã hội chủ nghĩa và quản lý an sinh là tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không nên sai lầm làm khác với những nước đã lần mò tìm ra phương cách để cho chế độ an sinh của họ được hữu hiệu và tối ưu.
Đ.Đ.C /diendan
--------------
+ Phụ lục
+, Danh sách gợi ý về bảo đảm chất lượng và một số văn bản pháp quy
- Nguyên tắc viết một chỉ thị
Khi viết một chỉ thị thì phải trả lời bẩy câu hỏi, sáu câu thông thường gọi là W5H và câu cuối cùng về kiểm tra thích nghi :
(a) làm gì (what) ?
(b) tai sao làm (why) ?
(c) ai làm (who) ?
(d) khi nào làm (when) ?
(e) làm ở đâu (where) ?
(f) làm thế nào (how) ?
(g) thế nào là thích nghi với đòi hỏi ?
- Nguyên tắc quản lý bảo đảm chất lượng
Nguyên tắc bảo đảm chất lượng dựa trên vòng tròn PDCA của Deming :
(a) thành lập tổ kiểm định chất lượng hoàn toàn độc lập,
(b) kiểm định thi hành mỗi chỉ thị liên quan đến mỗi bộ phận của tổ chức,
(c) đánh giá kết quả kiểm định để, nếu cần thì điều chỉnh, cải thiện và cải tiến chỉ thị đã được kiểm định.
- Về điều hành quỹ an sinh
Chúng tôi xin gợi ý những văn bản pháp quy sau đây (danh sách không hạn chế) :
(a) thành phần và hoạt động của ban quản trị quỹ an sinh,
(b) tính cách người được phép tham gia và không được phép vào ban quản trị,
(c) quy tắc và quy trình chỉ định những cá nhân được ứng cử và được bầu vào ban quản trị,
(d) quy tắc và quy trình quyết định chọn lựa đầu tư sử dụng tài chính,
(e) quy tắc và quy trình quyết định mức đóng góp và mức hưởng thụ của đối tượng tham gia qũy.
- Về thanh tra điều hành quỹ an sinh
Chúng tôi xin đề nghị những văn bản pháp quy sau đây (danh sách không hạn chế) :
(a) thành phần và quyền hành của bộ phận thanh tra.
(b) tính cách người được bổ và không được bổ vào bộ phận thanh tra,
(c) quy tắc và quy trình chỉ định những cá nhân được ứng cử và được bổ vào ban bộ phận thanh tra,
(d) quy tắc và quy trình lập kế hoạch thanh tra,
(e) quy tắc và quy trình tiến hành một cuộc thanh tra.
(f) nội dung báo cáo thanh tra,
(g) quy tắc và quy trình phân tích và kết luận báo cáo thanh tra.
+ Chú thích:
1. The Universal Declaration of Human Rights
2. Luât Bảo hiểm Xã hội và Luật Bảo hiểm Y tế
3.Social Security (Minimum Standards) Convention Ratifications of C102 Social Security (Minimum Standards) Convention, 1952
4. Beveridge Report, Social Insurance and Allied Services
5. Maria Cristina MARCUZZO : "Keynes and the Welfare State"
6. Giai cấp lao động theo nghĩa rộng là toàn dân trừ những người không có thu nhập từ lao động ở Việt Nam (tư sản, địa chủ và những người có tất cả thu nhập từ ngoại quốc). Một tư sản không có thu nhập nào từ lao động thì không coi là người lao động. Nhưng nếu có một chút thu nhập, dù là rất nhỏ, thì được coi là người lao động, phải đóng góp vào quỹ an sinh xã hội và được hưởng phúc lợi của quỹ tương xứng với đóng góp của người ấy.
7. Chúng tôi đã tham khảo các văn bản pháp quy của Nhà Nước CHXHCN Việt Nam trên trạm của chính phủ ở địa chỉ http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban
8. Luật lệ Việt Nam thường thì rất đúng. Nhưng có cũng như không vì không đủ rõ ràng. Người thi hành tuân theo một cách tùy tiện. Chúng tôi xin nêu thí dụ điều 258 của Bộ Luật Hình sự (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). Hiến Pháp bảo đảm công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác. Trong một quốc gia văn minh nề nếp thi lợi dụng những quyền đó để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân đúng là một tội. Nhưng không có văn bản pháp quy cho biết một công dân đang vi phạm tội danh đó. Kết quả là công an có thể tùy tiện bắt giam và truy tố bất cứ ai trên bất cứ cơ sở nào. Các điều 8 đến 16 của Luật Bảo hiểm xã hội thì cũng không đủ rõ như vậy. Thình trạng này có khả năng dẫn tới tham ô và quản lý bừa bãi làm cho các đối tác tham gia nghi ngờ quỹ an sinh không có chất lượng.
9. "Quyền hành trong tay người lao động" không phải là một ý đồ chính trị mà một điều kiện để kinh tế được hữu hiệu và tối ưu. Chỉ có người trong cuộc (involved people) mới biết họ cần gì và sản xuất thế nào một cách hữu hiệu và tối ưu. Những người khác chỉ có thể mang kiến thức khoa học ‒ kỹ thuật để tư vấn thôi. Trước thời Đổi Mới, cán bộ do trung ương bổ nhiệm quản trị các hợp tác xã thay vì để cho xã viên quản trị. Sự vi phạm nguyên tắc "quyền hành trong tay người lao động" này đã làm cho kinh tế nước ta xa xút đến nạn thiếu ăn. Bạn đọc có thể tham khảo bài "Hợp tác xã và Việt Nam" của chúng tôi.
10. Hiện nay, bộ văn bản pháp quy của Nhà Nước CHXHCN Việt Nam thiếu trầm trọng một Luật Hiệp hội.
11. Le produit intérieur brut et ses composantes à prix courants
12. Comptes nationaux des administrations publiques
13. Les chiffres cles de la Securite Sociale

28 tháng 6, 2015

“Ngũ phúc lâm môn” là chỉ năm loại phúc gì?

Danh từ “Ngũ phúc” này, nguyên từ trong “Thư Kinh – Hồng Phạm”, rất nổi tiếng, nhưng lại ít người biết được “Ngũ phúc” gồm những phúc nào. Thậm chí nguyên lý làm sao để “phúc lâm môn” (phúc vào cửa), người hiểu được lại càng ít hơn.
Rốt cuộc “Ngũ phúc” là gì?
Thứ nhất là “Trường thọ”, hai là “Phú quý”, ba là “An khang”, bốn là “Hảo đức” (đạo đức tốt), năm là “Thiện chung” . “Thư Kinh” có ghi: Nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết an khang, tứ viết tu hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh.
“Trường thọ” là mệnh không chết non, hơn nữa tuổi thọ lâu dài.
“Phú quý” là tiền tài dư dật hơn nữa còn có địa vị tôn quý.
“An khang” là thân thể khỏe mạnh và tâm linh an bình.
“Hảo đức” là tấm lòng lương thiện và nhân hậu trầm tĩnh
“Thiện chung” là có thể dự đoán được ngày chết của mình. Lúc cuối cùng, không gặp phải tai họa bất ngờ, thân thể không ốm đau, trong nội tâm không lo lắng hay phiền não, an tường tự tại mà rời khỏi nhân gian.
“Ngũ phúc” hợp lại mới tạo thành một cuộc sống trọn vẹn hạnh phúc, một khi tách rời ra thì không còn ổn nữa. Ví dụ, có người trường thọ lại nghèo hèn qua ngày, có người phú quý nhưng thân thể lại không tốt, có người nghèo hèn mà thiện chung, có người phú quý lại gặp tai họa bất ngờ…
Trong “ngũ phúc”, quan trọng nhất là phúc thứ tư – “Hảo đức”. Chính là có được tấm lòng lương thiện, nhân hậu trầm tĩnh, đây là tướng có phúc nhất. Bởi vì đức là căn nguyên của phúc, phúc là kết quả của đức tạo thành. Chỉ có “Hảo đức” đôn hậu thuần khiết, mới có thể nuôi dưỡng bốn phúc khác, khiến chúng không ngừng lớn mạnh, mà phần này chúng ta có thể hoàn toàn khống chế, cho nên những người già thường nói phải tích đức làm việc thiện.
Biên dịch: Minh Quân

Cách phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân của người xưa

Ngụy Hi – người được xưng là “Thanh sơ tam đại gia” (một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của triều đại nhà Thanh) đã từng nói:
“Ta không hiểu biết như thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” trong mỗi sự việc của người ấy là sẽ biết. Ta không biết được như thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là sẽ biết.”
Suy ngẫm kỹ càng, thật đúng nó là quanh co như vậy. Có thể chịu thiệt quả là không phải một việc dễ dàng. Cần phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng lớn mới có thể chịu thiệt thòi một cách cam tâm tình nguyện. Tiêu biểu là phải khoan dung độ lượng, chịu nhẫn nhục, co được giãn được (tức là biết ứng phó thích hợp với tình hình cụ thể) thì chính là một quân tử. Chẳng trách mà người xưa dùng tiêu chuẩn “có hay không có khả năng chịu thiệt” là yếu tố đầu tiên để nhận biết người quân tử và kẻ tiểu nhân.
Ngày xưa, có một vị thượng thư tên Lâm Thoái Trai, ông ta phúc đức rất nhiều, con cháu đầy đàn. Lúc ông ta sắp lâm chung, con cháu quỳ gối trước mặt ông xin thỉnh cầu lời giáo huấn. Lâm Thoái Trai nói: “Ta không có lời nào khác, chỉ khuyên bảo các con học “chịu thiệt” là được rồi”.
Những người già Trung Quốc cũng thường hay nói “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà chịu thiệt lại có thể tích đức. Xưa nay, rất nhiều anh hùng, cũng đều do có thể chịu nhịn nhục, chịu thiệt mà làm nên đại sự. Nổi danh nhất chính là Hàn Tín có thể chịu nhục chui háng, có thể nói đó là “chịu thiệt” đến cực điểm, bởi vậy sau này Hàn Tín đăng đàn bái tướng, được Lưu Bang phong làm Tam Tề Vương.
Điển tích Hàn Tín chịu nhục chui háng (Ảnh: internet)
Trái lại, nếu như luôn luôn khiến cho người khác phải chịu hại chịu thiệt, như thế thì người này chẳng phải là mất đức rồi sao? Làm nhiều việc xấu còn bị trời trừng phạt, thật sự là cái được không bù nổi cái mất.
Biên dịch: Mai Trà

Giàn khoan Hải Dương 981 lại hướng về bờ biển Việt Nam

Giàn khoan HD 981 hoạt động tại vùng biển Việt Nam 5/2014 
Trung Quốc đưa giàn khoan tâm điểm cuộc tranh chấp chủ quyền với Việt Nam từ năm ngoái quay trở lại gần bờ biển Việt Nam, chỉ vài tuần trước khi Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng công du Hoa Kỳ.
Động thái được Cục An toàn Hải dương Trung Quốc loan báo diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh tỏ dấu đang tiến gần tới việc lập các tiền đồn mới ngay khu vực tâm điểm hàng hải của Đông Nam Á và đang gần hoàn tất công tác bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Năm ngoái, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Hà Nội nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, gây ra các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc trên cả nước và đẩy quan hệ Việt-Trung xuống mức thấp nhất kể từ chiến tranh biên giới 1979.
Reuters ngày 26/5 dẫn phát biểu của một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết giàn khoan này hiện nay dường như đang ở khu vực mà vùng đặc quyền kinh tế của hai nước Việt-Trung chồng chéo nhau nhưng xa hơn vị trí hồi năm ngoái.
Thông cáo đăng trên trang web của Cục An toàn Hải dương Trung Quốc nói giàn khoan Hải Dương sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò đại dương tại địa điểm cách thành phố nghỉ mát Tam Sa trên đảo Hải Nam chừng 75 hải lý.
Các chuyên gia ước tính vị trí Hải Dương 981 hiện cách bờ biển Việt Nam chừng 167 cây số về hướng Đông.
Giàn khoan trị giá 1 tỷ đô la sẽ lưu lại đây từ ngày 25/6 đến 20/8. Cục An toàn Hải dương Trung Quốc cũng yêu cầu tàu bè cách xa vị trí giàn khoan 2 ngàn mét.
Báo Tuổi Trẻ hôm nay dẫn các nguồn tin không nêu danh nói giới hữu trách hàng hải Việt Nam đang theo dõi sát vị trí của giàn khoan.
Vụ việc diễn ra vài tuần trước chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tới Mỹ.
Trọng tâm chuyến công du của ông Nguyễn Phú Trọng nhằm thúc đẩy Hà Nội và Washington xích lại gần nhau trong mối quan hệ mà Bắc Kinh hết sức đề phòng.
Giàn khoan 981 tái xuất hiện giữa các mối quan ngại gia tăng trước việc Trung Quốc đang gia tốc các hoạt động xây dựng ở Biển Đông mà cả hai nước Việt-Mỹ đều phản đối.
Theo nhận định của phân tích gia Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore được Reuters trích dẫn, Hà Nội lần này sẽ không phản đối mạnh như năm ngoái nếu Bắc Kinh nói giàn khoan 981 nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ đảo Hải Nam chứ không ở vị trí tranh chấp nóng như ở Hoàng Sa hồi năm ngoái.
Theo Reuters/ China’s Maritime Safety Administration website, VOA

VIỆT NAM CHẬM HƠN MAGNA CARTA 800 NĂM!

* Ls. NGUYỄN VĂN THÂN
Trong ngày 15 tháng 6 vừa qua, Nữ hoàng Elizabeth và Thủ tướng Anh David Cameron đã tham dự Lễ Kỷ Niệm 800 năm ngày ra đời của Đại Hiến chương Magana Carta (Great Charter) tại Runnymede. Tại đây vào đúng 800 năm về, trước vua John đã ban hành dấu ấn vào văn bản tạo ra nền tảng cho một thể chế dân chủ đại nghị và nhà nước pháp quyền. Thủ tướng Cameron phát biểu rằng Magna Carta là một bước ngoặt lịch sử của nhân loại vì nó đã thay đổi trong cốt lõi quan hệ giữa giai cấp thống trị và giới bị trị.
Vua John sinh ngày 24 tháng 12 năm 1166 và là con út trong năm người con trai của Vua Henry II. Các anh lớn của Jonh gồm có Willaim, Henry và Geoffrey đều chết yểu. Khi anh thứ là Richard I trở thành vua vào năm 1189, Richard quyết định phong cháu Arthur làm thái tử. Nhân lúc Richard đi vắng trên đường tham dự Thập Tự chinh III thì John làm đảo chính soán ngôi nhưng thất bại, kết quả là bị lưu đày. Đầu năm 1194, vua Richard trở về. Cuộc chiến với vua Phillip II tiếp diễn và Thái tử Arthur bị vua Pháp bắt giữ. Richard xuống lệnh ân xá và phong John làm thái tử. Khi Richard băng hà năm 1199 thì John nối ngôi vua Anh Quốc. Một năm sau, John ký Hòa ước Le Goulett với vua Phillip II của Pháp mà theo đó, John được công nhận chủ quyền một phần lãnh thổ ở miền tây bắc Pháp.
Nhưng chiến tranh với Pháp lại nổ ra trong năm 1202. Sau một vài trận thắng đầu, quân của John liên tục bị thất bại và mất tất cả đất ở Pháp. Tới năm 1208, Giáo hoàng Innocent III quyết định bổ nhiệm Stephen Langton làm Tổng Giám mục Canterbury. Vua John phản đối và kết quả ông trở thành vị hoàng thân Anh Quốc đầu tiên bị Giáo Hoàng rút phép thông công từ năm 1209 cho tới năm 1213.
John đích thân cầm quân đi đánh Pháp để lấy lại đất nhưng bị bại tại trận Bouvines vào năm 1214. Quay trở về Anh Quốc, John vẫn nuôi mộng tiếp tục chiến tranh. Để có kinh phí thì nhà vua phải đánh thuế nặng hơn. Đa số bá tước sau nhiều năm đóng thuế cho vua tham chiến đã quá mỏi mệt và quyết định làm phản. Tới năm 1215 thì số bá tước phản loạn nhiều hơn số trung thành với nhà vua. Nội chiến bùng nổ và nhóm phản loạn cầm đầu bởi Bá Tước Robert Fitzwater tiến chiếm London. John không còn cách nào khác là phải thương thuyết và chấp nhận điều kiện của họ.
Qua trung gian của Tổng Giám Mục Langton, vua John và nhóm phản loạn đã đồng ý gặp nhau tại Runnymede bên cạnh sông Thames là trung điểm giữa cung điện Windsor và London. Sau 10 ngày thương thuyết, vua John đồng ý chấp nhận các điều kiện của nhóm phản loạn và đóng dấu ấn vào Magna Carta và vào ngày 15 tháng 6 năm 1215.
Văn bản Magna Carta được viết tay bằng chữ La tinh trên mảnh da cừu có khoảng 4000 chữ và được dịch ngay sang tiếng Pháp - ngôn ngữ quốc tế của giới quý tộc vào thời đó. Bản dịch tiếng Anh đầu tiên được khám phá vào năm 1534, có nghĩa là hơn 300 trăm năm sau khi bản gốc ra đời. Văn bản bao gồm 63 điều khoản mà đa số là ấn định trách nhiệm của nhà vua trong việc đánh thuế, giam giữ thần dân và quyền hạn của bá tước trong chế độ phong kiến. Nhưng cũng có những điều khoản liên quan tới quyền hạn của Nhà Thờ, người Do Thái, góa phụ và giới thương gia ngoại quốc. Trên căn bản thì Magna Carta là một hòa ước giữa vua John và các bá tước, nhưng các điều khoản áp dụng cho mọi thần dân tự do. Anh Quốc lúc đó ước lượng có 4 triệu dân mà khoảng 3/4 thuộc dạng tá điền không được xem ngang hàng với thần dân tự do. Tuy nhiên, không thể phủ nhận văn bản này là nền tảng khởi đầu cho khái niệm nhân quyền phổ quát.
Trong 63 điều khoản thì chỉ có một vài điều được lưu giữ trong luật Anh Quốc và có tầm quan trọng mang tính lịch sử. Cụ thể là Điều 12 và 14 quy định nhà vua không được đánh thuế trừ khi có sự đồng thuận của một hội đồng đại diện gồm có các tổng giám mục, giám mục, tu sĩ, bá tước qua một cuộc họp được triệu tập bằng văn bản. Điều 21 quy định là bá tước chỉ bị xử phạt bởi những người ngang hàng và hình phạt phải tương xứng với tội phạm. Điều 39 quy định là không có một thần dân tự do nào có thể bị bắt giữ hoặc giam cầm, bị tịch thu tài sản, đặt ngoài vòng pháp luật hoặc bị dùng vũ lực ép buộc trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với họ. Điều 40 xác định là không ai có quyền bán, phủ nhận hoặc trì trệ quyền công lý của thần dân tự do. 
Đặc biệt là dưới Điều 61, một hội đồng quý tộc gồm có 25 bá tước sẽ được thành lập để giám sát và bảo đảm nhà vua tuân thủ các điều khoản của Magna Carta. Trong trường hợp nhà vua vi phạm thì hội đồng có thể chế tài bằng cách chiếm giữ đất đai và tài sản của vua. 
Điều 12 và 14 của Magna Carta mở đường cho sự thành lập Quốc hội Lưỡng viện Anh Quốc sau này gồm có Viện Quý tộc (House of Lords) và Viện Thường dân (House of Commons). Điều 21 và 39 dẫn đến nguyên tắc xét xử bởi Bồi thẩm đoàn và bản án phải tương xứng với tội trạng trong Luật hình sự. Điều 39 xác định quyền tư hữu của mọi người dân mà nhà vua hoặc bất cứ ai không thể nào tùy tiện chiếm giữ. Điều 39 và 40 cũng mở đường cho Luật Bảo thân (Writs of Habeas Corpus) sau này và nguyên tắc là không có ai bị tước đoạn quyền hạn mà không thông qua một tiến trình công lý đúng đắn (due process of law).
Tuy đã chấp thuận Hiến Chương nhưng vua John không thật lòng tuân thủ nên bí mật yêu cầu Giáo Hoàng can thiệp. Giáo Hoàng Innocent III tuyên bố Magna Carta không có giá trị vì nhà vua đã bị cưỡng bức. Quân của vua John quay lại tấn công nhóm bá tước phản loạn ở thôn quê. Tại London, nhóm phản loạn tuyên bố lật đổ nhà vua và hứa phò vua Louis của Pháp. Trong lúc cuộc nội chiến sắp diễn ra thì vua John thình lình qua đời vì bệnh kiết lỵ vào ngày 19 tháng 10 năm 1216. Con ông là Henry III lúc đó mới 9 tuổi nối ngôi dưới sự nhiếp chính của William Marshall. Quân bảo hoàng đánh bại nhóm phản loạn tại trận Lincoln và Dover vào năm 1217 nhưng để lấy lòng thần phục của các bá tước, quan nhiếp chính ban hành lại Magna Carta ngắn hơn với 41 điều khoản và loại bỏ Điều 61. Khi tới tuổi trưởng thành vào năm 1227, chính vua Henry III ban hành Magna Carta mới và ngắn hơn và văn bản này trở thành một phần của luật Anh Quốc.
Khi Magna Carta ra đời trong năm 2015 thì Việt Nam đang trải qua những ngày tháng cuối của thời Nhà Lý. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì Vua Lý Huệ Tông sinh năm 1194 và lên ngôi vào năm 1211. Đến năm 1224 thì Vua bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng lúc đó mới 6 tuổi. Qua năm sau thì Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh lập ra Nhà Trần và chấm dứt triều đại Nhà Lý.
Tục truyền là Vua Lý Huệ Tông phát điên nên truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng để đi tu. Nhưng Trần Thủ Độ vẫn sợ người dân nhớ vua cũ nên tìm cách giết ông. Một hôm khi thấy Huệ Tông nhổ cỏ sau vườn, Thủ Độ bèn nói "nhổ cỏ phải nhổ cả rễ". Huệ Tông đáp trả là "điều ngươi nói, ta hiểu rồi". Sau đó, nhà vua tự tử chết năm 1226 thọ 33 tuổi.
Có lẽ sự ảnh hưởng quan trọng nhất của Magna Carta không phải chỉ là ở một vài điều khoản mà là ở tinh thần thượng tôn luật pháp và hình thức cai trị pháp quyền. Khi văn bản này đời vào 800 năm về trước thì người Anh đã bắt đầu vượt ra khỏi thuyết thiên mệnh là không có một cá nhân, nhà vua, nhóm hay tập thể nào có thể đứng trên luật pháp. Vào lúc đó thì chế độ phong kiến tại Việt Nam vẫn còn áp dụng triệt để những hình thức cai trị độc đoán. Cho tới ngày nay trong năm 2015, tài sản, đất đai của hàng trăm ngàn ngàn dân oan Việt Nam vẫn bị tịch thu một cách tùy tiện. Gần đây hơn, công an tùy tiện tịch thu hộ chiếu của Gs Nguyễn Huệ Chi mà không một lời giải thích. Hộ chiếu đã trả lại nhưng không có một ai chịu trách nhiệm trước pháp lý.
Muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền thì trước hết phải có sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp và một hệ thống tư pháp thật sự độc lập. Nhưng Đảng Cộng sản ViệtNam hiện nay vẫn đứng trên pháp luật và cai trị một cách tùy tiện. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình là một thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản thì làm sao tòa án có thể độc lập? Không biết còn bao nhiêu năm nữa thì Việt Nam mới xây dựng được một hệ thống cai trị pháp quyền theo đúng tinh thần của Magna Carta 800 về trước?

Mỹ-Trung: Gió đảo chiều chỉ sau ‘một đêm’?

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc
Lưu Diên Đông tại hội đàm. Ảnh: Reuters
* HOÀNG ANH TUẤN
Xét trong bối cảnh hai nước có các tính toán lợi ích như trên thì kết quả của cuộc Đối thoại Trung-Mỹ vừa qua là hoàn toàn hiểu được và không đến nỗi quá “bất ngờ”.
Trái với dự đoán của báo giới và khá nhiều chuyên gia về kết quả “bế tắc” hoặc “thất bại” của Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 diễn ra trong hai ngày 23-24/6/2015 tại Washington DC, cả 4 trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc đều cười tươi, tay bắt chặt khi Đối thoại kết thúc và tuyên bố “kết quả vượt quá mong đợi” với 127 kết quả. Phải chăng quan hệ Trung-Mỹ đã thực sự “đảo chiều” chỉ sau “một đêm”?
Cuộc Đối thoại được mong chờ nhất
Kể từ khi được Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng cấp thành Đối thoại Chiến lược và Kinh tế năm 2009, các Đối thoại chiến lược Trung-Mỹ luôn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận lẫn các nhà phân tích thời cuộc bởi quy mô lớn nhất và tính chất cũng quan trọng nhất trong hơn 90 kênh đối thoại thường niên.
Đối thoại năm nay chủ nhà Mỹ có 8 thành viên nội các, trong đó có Ngoại trưởng Kerry, Bộ trưởng tài chính Jack Lew, và đông đảo quan chức cấp cao. Còn phía Trung Quốc có 400 quan khách do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì dẫn đầu. Đây cũng là kênh đối thoại song phương quy mô nhất thế giới. Điều này phản ảnh đúng thực trạng cũng như tầm vóc quan hệ giữa hai quốc gia lớn. 
Cuộc Đối thoại năm nay nhận được quan tâm đặc biệt hơn, bởi:
Một, quan hệ Trung-Mỹ đang trải qua thời kỳ sóng gió nhất trong hơn ¼ thế kỷ qua kể từ sau sự kiện Thiên An Môn 6/1989 liên quan đến việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên vùng biển chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, các “thách đố” 2 nước về vùng cấm bay trên đảo nhân tạo và “vùng cấm” 12 hải lý trên biển , và đặc biệt là việc chính quyền Mỹ “nghi” tin tặc Trung Quốc đột nhập, lấy cắp dữ liệu của khoảng 4 triệu người do Cơ quan quản lý nhân lực (OPM) đang cất giữ. Dư luận lo ngại, với hàng tá các bất đồng và khác biệt như vậy liệu hai nước có còn duy trì được quan hệ hợp tác nữa hay không?
Hai, khả năng đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu và Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Chẳng hạn, liên quan đến biến đổi khí hậu, các động thái của Trung Quốc - nước đang phát triển lớn nhất, và Mỹ-nước phát triển lớn nhất thế giới, đồng thời là cả hai nước có lượng khí thải Carbon lớn nhất thế giới, sẽ có tác động sâu sắc đến lập trường của hàng loạt nước tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12/2015.
Ba, việc chuẩn bị của hai nước cho chuyến thăm Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi hết sức quan trọng đối với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung. Nhiều khả năng ông Tập sẽ trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc lần đầu tiên được phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Do đó, Trung Quốc rất muốn mọi chuyện liên quan đến chuyến đi suôn sẻ.
Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là tạm dừng bồi đắp đảo và kết quả của đòn tấn công ngợi giao là “không ngờ”!
Kết quả “không ngờ”
Nội dung của Đối thoại chiến lược khá rộng, bao trùm hàng loạt các chủ đề, từ an ninh hàng hải, an ninh mạng đến biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thương mại, rồi hợp tác kinh tế. Quan trọng nhất, hai bên đã đạt được 127 kết quả cụ thể, giải tỏa các căng thẳng trong quan hệ hai nước để chuẩn bị cho chuyển đi Washington của ông Tập. Các thỏa thuận chính đạt được gồm:
Thứ nhất, hai bên cam kết hợp tác để đem lại kết quả thành công của Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu họp tại Paris vào tháng 12/2015. Riêng trong việc chống biến đổi khí hậu và môi trường, hai nước đã đạt được gần 40 kết quả. Các kết quả này là sự triển khai Tuyên bố chung Trung-Mỹ về thay đổi khí hậu trái đất được ông Obama và Tập ký năm 2014.
Thứ hai, bảo vệ và bảo tồn các đại dương, trong đó có việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, mở rộng các lực lượng cưỡng chế trên biển, thiết lập khu bảo vệ biển ở Nam cực.
Ba là, củng cố an ninh y tế toàn cầu, trong đó có việc Trung Quốc giúp các nước Tây Phi xây dựng lại hệ thống y tế, đối phó chống lại các bệnh dịch truyền nhiễm.
Thứ tư, các hợp tác khác bao gồm: hai nước Trung-Mỹ ủng hộ một quốc gia Afghanistan hòa bình, ổn định và thống nhất; ủng hộ việc phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và việc sớm đạt được thỏa thuận về Kế hoạch hành động chung toàn diện trên cơ sở thỏa thuận khung được nhóm P5+1, Iran và EU; hợp tác sâu rộng hơn trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Hai nội dung được trông chờ nhiều nhất là căng thẳng trên Biển Đông và an ninh mạng–vốn được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu khá thẳng thắn trong phiên khai mạc–lại hoàn toàn “biến mất” trong Tuyên bố chung sau đó. Chẳng hạn, thay vì nhắc đến vấn đề Biển Đông, thì vấn đề hợp tác dân sự ở các đại dương lại được đưa vào thông cáo chung. 
Phải chăng gió đã “đảo chiều”?
Những ai mong chờ các trận “khẩu chiến” kịch liệt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái cứng rắn từ phía Mỹ hẳn sẽ thất vọng. Các sắc thái đánh giá cũng khá khác nhau. Trước hết là việc cho rằng Trung Quốc đã “cao tay” khi tuyên bố dừng đắp đảo để đổi lấy “yên ổn” tạm thời, rồi sau đó “đâu lại đóng đấy” sau cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung được tổ chức vào tháng 9/2015. Có ý kiến khác lại cho rằng đã đến lúc Trung-Mỹ “bắt tay thỏa hiệp” và Biển Đông không phải là vấn đề lớn mà thực sự hai nước còn có các quan hệ lớn hơn. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng?
Trước hết, diễn đàn Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Mỹ không phải là nơi để giải quyết các khác biệt, các tranh chấp. Đây là nơi mà hai bên chủ yếu bày tỏ quan điểm của mình với mục đích tăng cường lòng tin, thu hẹp các bất đồng. Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều cố gắng gác lại các tranh chấp, các khác biệt, nhấn mạnh đến các điểm đồng làm nền tảng thúc đẩy hợp tác. Họ biết rằng các bất đồng, khác biệt hiện nay là quá lớn và càng tìm cách giải quyết thì lại càng đưa đến đến các tranh cãi không lối thoát. Thực chất đây là sự “thừa nhận các bất đồng, khác biệt” (agree to disagree).
Bên cạnh đó, xét trong bối cảnh hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải dồn sức đối phó cho hàng loạt các vấn đề đối nội, đối ngoại lớn và chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu toàn diện. Đặc biệt, đối với Trung Quốc, nếu đối đầu càng leo thang thì Trung Quốc sẽ càng ở thế bất lợi khi không có chỗ dựa là mạng lưới các đồng minh và hệ thống căn cứ quân sự hải ngoại liên hoàn như Mỹ. Chưa kể sức mạnh và kinh nghiệm tác chiến trên biển của Trung Quốc còn thua xa Mỹ hàng thập kỷ.
Cuối cùng, về phía mình, Trung Quốc thấy giai đoạn đầu “lấn hải” có thể tạm ổn, cần tập trung củng cố các “thành quả” vừa giành được để dồn sức cho các “trận chiến” dài hơi hơn phía sau. Hơn nữa, việc tiếp tục xây đảo nhân tạo có thể phá hỏng chuyến đi Mỹ vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa Trung Quốc vào “tầm ngắm” của tâm điểm chính trị nội bộ Mỹ trong mùa bầu cử Tổng thống năm 2016.
Còn bản thân Mỹ cũng cảm thấy “hài lòng” khi ít nhất các yêu cầu đòi phía Trung Quốc dừng hoạt động bồi đắp, cải tạo đã có kết quả và cần tiếp tục dùng các biện pháp, sức ép khác để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Sau cuộc Đối thoại này, hai nước Trung-Mỹ đã nhất trí sẽ có cuộc họp về an ninh biển vào tuần tới.
Xét trong bối cảnh hai nước có các tính toán lợi ích như trên thì kết quả của cuộc Đối thoại Trung-Mỹ vừa qua là hoàn toàn hiểu được và không đến nỗi quá “bất ngờ”.
H.A.T (Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao)/VnN

Trang