19 tháng 5, 2016

Việt - Mỹ: 'Mấu chốt là nhân quyền'

Image copyrightAFPImage captionPhó cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes gặp các tổ chức đấu tranh dân chủ của người Việt hôm 18/5
Đại diện một số nhóm đấu tranh cho dân chủ tại Hoa Kỳ gặp giới chức an ninh và ngoại giao nước này trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama.
Chiều ngày 17/5 (giờ Washington), một số đại diện các tổ chức đấu tranh dân chủ của người Việt ở Hoa Kỳ đã gặp Hội đồng An ninh Quốc gia tại Tòa Bạch ốc để chuyển thông điệp của họ tới ông Obama.
Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, thành lập từ năm 1947, là ủy ban tham mưu cao cấp cố vấn an ninh đứng đầu văn phòng được các đời tổng thống Hoa Kỳ tham vấn để xem xét các vấn đề trong nước, thế giới liên quan đến an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ là đề tài củaBàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, được phát từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam trên kênh Youtube của chúng tôi, mời quý vị đón theo dõi tại đây.
Đại diện người Việt tại cuộc gặp gồm có ông Hoàng Tứ Duy (đại diện tổ chức Việt Tân), blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải, Câu lạc bộ Nhà báo Tự do), bà Amy Nguyễn (đại diện tổ chức Voice), bác sĩ Nguyễn Quốc Quân (Tập hợp vì nền Dân chủ Việt Nam), ông Nguyễn Đình Thắng (Ủy ban Cứu trợ Thuyền nhân, Boat People SOS), bác sĩ Nguyễn Thể Bình...
Ngoài ra có đại diện từ Tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền), Amnesty International ( Ân xá Quốc tế) và một số tổ chức khác.
Tiếp đoàn là Phó cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes và đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
'Vấn đề mấu chốt'
Ngay sau cuộc gặp, trả lời BBC, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên của Việt Tân, cho hay: “Chúng tôi đã đề nghị ông Obama nên có thông điệp hướng về tương lai, vạch ra các yếu tố cần thiết để hai quốc gia thật sự đạt được một mối quan hệ ‘toàn diện’, trong đó vấn đề mấu chốt là nhân quyền”.
“Phía Hoa Kỳ cho hay trong chuyến thăm Việt Nam, ông Obama không chỉ gặp quan chức Hà Nội mà còn tiếp xúc các nhà hoạt động xã hội dân sự, tuy vậy, họ chưa tiết lộ danh tính những người này”.
“Đồng thời, họ cũng nói là Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có bài diễn văn đề cập đến thảm họa cá chết và quyền biểu tình của người dân Việt Nam”.
“Việt Tân cũng như những người có mặt tại cuộc gặp gửi thông điệp yêu cầu đảng Cộng sản Việt Nam phải đạt những bước tiến trong vấn đề nhân quyền, cụ thể là thả tù nhân lương tâm, bảo đảm tính minh bạch trong việc giải quyết vụ cá chết, trước khi gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam”Image copyrightOTHERImage captionĐến sáng 18/5, có thông tin một số người bị bắt sau cuộc biểu tình hôm 15/5 vẫn chưa được thả
“Điều chúng tôi quan tâm là phía Hoa Kỳ thật sự muốn tham khảo ý kiến của đại diện cộng đồng cũng như tiếng nói của những cử tri người Mỹ gốc Việt trước chuyến thăm của ông Obama. Họ cũng nói là sẽ có phản hồi cho chúng tôi sau chuyến thăm”.
Ông Nguyễn Văn Hải, blogger Điếu Cày, nói với BBC: "Trong cuộc gặp với ông Rhodes, tôi bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam thực thi Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh nhiều tù nhân bị đánh trong trại giam, gần đây nhất là nhiều người biểu tình ổn hòa bị đàn áp và sau đó bị hành hung tại Trung tâm Hỗ trợ Xã hội tại Quận Bình Thạnh".
"Bên cạnh đó, phía Hoa Kỳ cũng cho hay họ rất quan tâm đến quyền biểu đạt và biểu tình của người dân cần được chính quyền Hà Nội tôn trọng".
'Khiến mọi việc căng thẳng hơn'
Trong một diễn biến khác, hôm 18/5, 20 dân biểu Hoa Kỳ trong đó có bà Loretta Sanchez, đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Barack Obama ưu tiên vấn đề nhân quyền trong các cuộc hội đàm với Hà Nội.
20 nhà lập pháp Hoa Kỳ “kêu gọi ông Obama yêu cầu trả tự do cho các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù gồm: Linh mục Nguyễn Văn Lý (8 năm tù), Nguyễn Đặng Minh Mẫn (8 năm), Hồ Đức Hòa (13 năm), Đặng Xuân Diệu (13 năm), và Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm)”.
Đính kèm thư là danh sách hơn 100 tù nhân lương tâm.
“Chúng tôi kêu gọi ông công khai điều kiện cho việc hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia: một Việt Nam đặt nền tảng trên các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Chúng tôi tin rằng đây không chỉ là mong muốn của người dân Việt Nam mà còn là đánh giá của lịch sử về thành công của chính quyền ông trong quan hệ với Việt Nam”, thư viết.
Hôm 18/5, từ New York, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát đi thông cáo yêu cầu "chính quyền Việt Nam lập tức chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu, đe dọa và trả đũa các nhà hoạt động vì môi trường. Chính quyền cần tôn trọng quyền biểu tình của người dân và phóng thích tất cả những người đang bị giữ trái luật".
“Lẽ ra cần để cho những người biểu tình ôn hòa thể hiện ý kiến, nhưng hình như chính quyền đã khiến cho mọi việc căng thẳng hơn khi sử dụng vũ lực,” thông cáo dẫn lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. “Chính quyền Hà Nội cần có biện pháp cải thiện tình hình tồi tệ này.”

Không có nhận xét nào:

Trang