Ông Vũ Quốc Hùng: "Thói xa dân, khinh dân là loại dịch bệnh vô cùng nguy hiểm"
Trên thực tế có những cán bộ bị đồng tiền làm cho lóa mắt nên bất chấp tất cả, làm sai đường lối của Đảng, vi phạm pháp luật.
Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về việc nói đi đôi với làm.
- Tuyên bố trên của Thủ tướng được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ. Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, ông ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, nhưng để làm được điều đó cần phải phát huy mạnh mẽ quyền giám sát của nhân dân. Ông có suy nghĩ gì khi Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật, kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt trong khu vực hành chính công?
- Ông Vũ Quốc Hùng: Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết ở phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những tuyên bố rất mạnh mẽ, rất rõ ràng.
Cụ thể là Thủ tướng yêu cầu xây dựng một Chính phủ liêm chính, nói không với tiêu cực, tham nhũng. Chính phủ phải gần dân, nghe dân, mọi việc làm, hành động đều vì lợi ích của nhân dân. Tôi thấy đó là những tín hiệu rất vui mừng, vì Chính phủ đã nhìn nhận thẳng thắn về những tồn tại, yếu kém.
Và trên thực tế, Thủ tướng cũng như các thành viên của Chính phủ đang nỗ lực để những tuyên bố này phải trở thành sự thực. Thủ tướng trực tiếp đối thoại với hàng nghìn công nhân. Các thành viên khác của Chính phủ cũng tới các địa phương, kiểm tra và chỉ đạo quyết liệt nhiều vấn đề xã hội đang quan tâm.
Như vậy, bước đầu thấy rằng Chính phủ đang thực hiện đúng như lời nói của người đứng đầu, đó là lắng nghe dân và tỏ thái độ rõ ràng.
- Cá nhân tôi tin tưởng và rất ủng hộ những suy nghĩ tốt đẹp ấy, nhất là khi Chính phủ đang có những chuyển biến mạnh mẽ, làm nhiệm vụ kiến tạo để tạo mọi thuận lợi cho từng người dân và Chấn chỉnh đạo đức cán bộ đã nhiều lần được đề cập trong các kỳ họp của Trung ương, tuy nhiên trên thực tế ở một vài nơi vẫn có tình trạng lạm quyền, vun vén cho lợi ích cá nhân. Theo ông thì vì sao vẫn xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy?
- Ông Vũ Quốc Hùng: Đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực, nhũng nhiễu là vấn đề Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, chúng ta thấy ở đâu đó vẫn có cán bộ làm sai đường lối chủ trương của Đảng, vẫn có cán bộ vi phạm pháp luật, bị đồng tiền làm cho lóa mắt. Đáng tiếc trong số những người mắc vi phạm lại có cả những cán bộ cấp cao.
Sự tham lam cộng với thói quan liêu của một bộ phận cán bộ đã khiến cho dư luận xã hội bức xúc, đòi hỏi phải siết chặt quản lý cán bộ.
Trong rất nhiều điều tốt đẹp để lại cho các thế hệ cháu con, Bác Hồ có tác phẩm sửa đổi lề lối làm việc vào năm 1948, trong đó chỉ rõ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình.
Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.
Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
Bác Hồ cũng dạy rằng, mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm.
Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét.
Trong những năm qua, Đảng ta luôn chú trọng tới công tác cán bộ, nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng còn nhiều tồn tại phải tháo gỡ. Trong tất cả mọi vấn đề thì yếu tố con người luôn quan trọng nhất.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cũng đã đi đến nhận định, có một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đó là đánh giá rất thẳng thắn, cần thiết, và trên thực tế thì Nghị quyết, luật pháp, quy chế… đều đã có cả rồi, vấn đề là bây giờ thực hiện thế nào cho thật hiệu quả.
- Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít… phải chăng vì kỷ cương chưa nghiêm?
- Ông Vũ Quốc Hùng: Kỷ cương không nghiêm là rất đúng, bởi vì chúng ta có nghị quyết, có luật pháp, có quy chế, có nội quy chế... nhưng sao vẫn xảy ra? Đấy là do chính cán bộ cố tìm cách lách luật làm sai, nhưng lại được bao che, hoặc có xử lý cũng xuê xoa cho nên mới nhờn.
Lâu nay Đảng, Chính phủ đều đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, vậy thì phải thực hiện cho được yêu cầu ấy.
Ngoài sự kiểm tra giám sát của Trung ương thì bản thân cán bộ các cấp cũng phải chủ động gương mẫu. Nếu năng lực điều hành yếu kém để xảy ra các sai phạm thì nên dũng cảm từ chức, để người có năng lực làm thay.
Tuy nhiên, văn hóa từ chức ở ta nói đã lâu nhưng thực hiện thì khó, cho nên cần sự quyết tâm của những người đứng đầu đất nước mới có thể làm được. Ở ta, hiếm khi nào cán bộ mắc sai phạm lại chủ động từ chức. Có phải lòng tự trọng của họ quá thấp không?
Có lẽ vậy, nhưng bên cạnh đó còn có những lý do khác, đó là vì sĩ diện, vì quyền lợi cá nhân nên họ không từ chức mà sẽ tìm cách đổ trách nhiệm sang cho người khác, thậm chí đổ sang cơ quan khác.
Lối suy nghĩ và cách hành xử nhập nhèm, không sòng phẳng của người lớn đang ảnh hưởng rất xấu tới con trẻ. Thậm chí có những cán bộ nuông chiều con vô lối khiến chúng bị méo mó về nhân cách. Khi nhân cách bị méo mó mà lại được nâng đỡ để làm lãnh đạo thì thật nguy hiểm cho xã hội, cho đất nước.
Các cụ ta xưa đã có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì vậy từ những sai phạm xây dựng ở số 8 Lê Trực, xây dựng trái phép ở đèo Hải Vân, Ba Vì… chính quyền các cấp sẽ rút ra bài học gì, trung ương rút ra bài học gì?
Chúng ta đã có quy định cụ thể, phân cấp, phân quyền rõ rồi, vậy mà những việc như vậy cũng đùn đẩy lên Thủ tướng thì bao giờ mới thực sự là nhà nước pháp quyền?
Suy cho cùng đó cũng là do kỷ cương không nghiêm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ không tốt. Họ không chỉ coi thường luật pháp, mà còn coi thường nhân dân là những người làm chủ đất nước, là những người bầu họ làm lãnh đạo. Mà ở thời nào cũng vậy, xa dân, khinh dân là một thứ bệnh dịch vô cùng nguy hiểm. Cứ gặp người bán hàng rong, người cắt tóc, người chạy xe ôm… xem họ nói gì?
Tuy nhiên, tôi cho rằng, chấn chỉnh những vấn đề ấy không khó đâu, chỉ cần lãnh đạo nhà nước quyết tâm là sẽ làm được. Quyết tâm ấy được thể hiện bằng những hành động hết sức cụ thể thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)GDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét