(Thời sự) - Phong cách sinh hoạt giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng bào cả nước và nhân dân thế giới ngưỡng mộ. Một trong những yếu tố góp phần làm nên phong cách ấy bắt đầu từ điều vô cùng đơn giản của những người bình thường nhất, đó là những bữa ăn của vị Chủ tịch nước.
Một tác giả nước ngoài đã viết: Cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với nhân dân là đặc trưng cho tình yêu đối với đất nước của một Con Người đã trở thành huyền thoại ngay trong cả cuộc sống đời thường của mình. Một trong những yếu tố góp phần làm nên huyền thoại ấy bắt đầu từ điều vô cùng đơn giản của những người bình thường nhất, đó là những bữa ăn của vị Chủ tịch nước.
Miếng ngon san sẻ
Ngày mới giành chính quyền sau Cách mạng tháng 8/1945, Bác làm việc tại Bắc Bộ Phủ trong căn phòng nhỏ trên gác hai. Mỗi tháng, Người được cấp 200 đồng cho việc ăn uống.
Tới giờ ăn, Bác đến ăn tại bếp tập thể cùng mọi người. Bữa ăn của đạm bạc, thường chỉ có vài miếng cá nhỏ, bát canh, mấy quả cà, cọng dưa, dăm lát ớt, mỗi người miệng bát cơm…
Bữa cơm của Bác ở Chiến khu Việt Bắc.
Kháng chiến bùng nổ, Bác cùng các cơ quan Trung ương và Chính phủ trở lại Việt Bắc. Những năm đầu, đời sống kháng chiến vô cùng kham khổ, Bác vẫn ăn chung với anh em. Bát ăn chỉ là ống bương cưa ra, thức ăn chủ yếu là măng, rau, cao cấp nhất là thịt chim, sóc săn bắn hoặc đánh bẫy được đem kho mặn với muối để Bác ăn dần. Thi thoảng có con gà bồi dưỡng riêng cho Bác thì Người nói “lộc bất khả tận hưởng” rồi đem chia đều cho mọi người. Món ăn chủ lực của Bác và anh em vẫn là món được chế biến theo “công thức”: 1kg thịt + 1kg muối + 0,5kg ớt, được xào lên và cho vào ống, đi đến đâu dùng cũng tiện.
Có lần, đoàn công tác của Bác đi qua huyện Yên Sơn, ghé vào một cơ sở để ăn trưa. Nhưng khi đến nơi, vì nghe có tiếng máy bay địch nên Bác bảo anh em đưa cơm ra bãi cỏ ở bìa rừng ngồi ăn. Hai đồng chí bảo vệ vào xóm bưng cơm lại mượn thêm chiếc chiếu của gia đình đồng bào ra ngồi.
Lúc đặt mâm cơm xuống, Bác thấy có con gà luộc, đĩa cá và hai bát canh. Thấy thế, Bác không vui: “Các chú không nên mượn chiếu của bà con làm phiền đến dân”. Ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Trong khi nhân dân đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm “quan” đấy”.
Nói rồi, Bác chia đôi tất cả các món ăn trên mâm. Bác bảo anh em mang một nửa vào biếu các gia đình nghèo trong xóm. Phần còn lại Bác lại chia đôi: chỉ ăn một nửa, còn một nửa dành cho bữa sau.
Một lần khác đi công tác, mấy Bác cháu được bố trí ăn cơm ở nhà một cơ sở. Dạo đó thiếu thốn nên cơm phải độn nhiều sắn, khoai. Vì thương Bác nên gia đình đã nấu thêm nồi cơm gạo trắng và sắp một mâm riêng.
Khi vào bữa, Bác bưng bát cơm trắng, gắp thêm mấy miếng thức ăn ngon đến mời cụ cố đang ngồi bên bếp lửa gian trong, Bác nói rành rọt: “Cơm này là để dành cho người già nhất ăn”, rồi Bác lấy bát xới cho mình một bát cơm độn và ngồi cùng ăn với cả nhà.
Lãng phí là có tội với nhân dân
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Bác trở về thủ đô Hà Nội và Người ở tạm trong ngôi nhà của một thợ điện, gọi là nhà 54. Bữa ăn hằng ngày của Bác vẫn không cầu kỳ, không cao lương mỹ vị…
Mỗi khi xong bữa, Người tự tay xếp bát đĩa gọn ghẽ để bớt phần công việc cho các đồng chí phục vụ.
Có lần, đồng chí phục vụ đưa lên đĩa cá anh vũ, một loại cá quý thường chỉ có ở ngã ba sông Bạch Hạc, Việt Trì. Bác bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại đi vắng! Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức”. Thấy Bác khen, anh em gửi tiếp cá đến, nhưng khi vẫn thấy món cá hôm trước, Bác không hài lòng: “Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến”, rồi kiên quyết bắt mang đi, không ăn nữa.
Năm 1957, Bác sang thăm một số nước Đông Âu. Sau buổi tiệc do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức để Bác chiêu đãi các vị lãnh đạo Ba Lan, Bác hài lòng khen anh em tổ chức tiết kiệm và trang trọng, các món ăn không thừa, không thiếu, Người nói: “Ăn uống lãng phí, Bác xót xa lắm, vì đây là tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. Bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới có miếng mà ăn. Vì vậy để lãng phí, xa hoa là có tội với nhân dân”.
Từ tháng 5/1958, Bác chuyển sang ở nhà sàn, nhưng hằng ngày, đúng giờ quy định, Người trở về dùng bữa tại nhà ăn phía bên kia bờ ao, cơm nước xong, Người lại đi bộ trở về nhà sàn, dù hôm ấy mưa to, gió lớn.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người được vinh dự dùng cơm với Bác nhiều lần nhất. Ông từng kể lại rằng bữa ăn nào Bác cũng ăn tiết kiệm, vừa đủ, không bỏ món thừa, không vương vãi một hột cơm. Bác thích ăn những món dân dã như vó bò, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái ghém hoặc dọc mùng.
Những hôm mời khách ăn cơm, bao giờ Bác cũng báo trước cho đồng chí cấp dưỡng biết để chuẩn bị và số tiền đãi khách đó được trừ vào tiền lương của Bác, không bao giờ Người dùng tiền công quỹ. Bác thường mời cơm thân mật một số đồng chí trong Bộ Chính trị, đôi khi cả gia đình một số đồng chí trong Trung ương, cán bộ, các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra báo cáo công tác hoặc chữa bệnh. Những lần tiếp khách như vậy, bao giờ Người cũng nhắc các đồng chí phục vụ nấu những món ăn phù hợp khẩu vị của khách để anh em ngon miệng.
Chiều ngày 1/8/1969, Bác mời cơm vị khách cuối cùng là đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam ra Hà Nội báo cáo tình hình với Người.
Phong cách sinh hoạt đời thường của Bác Hồ tạo nên nét thanh cao trong nhân cách của Con người Việt Nam vĩ đại mà giải dị – Hồ Chí Minh. Với mỗi chúng ta, cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng, là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị.
(VGP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét