Nguyễn Hoàng Phố
Nhớ thời xa lơ xa lắc, khi sách vở tuyên truyền cộng sản được xem như kinh sách chứa đựng chân lý, còn các nhân vật cộng sản trong tiểu thuyết được tuyên truyền khéo đến độ trở thành những tấm gương sống thật sự. Không nói về anh hùng hư cấu Lê Văn Tám vì cuộc đời anh ấy quá ngắn ngủi và thành tích của anh ấy cũng không nhiều lắm, chỉ tự châm mình bốc cháy rồi chạy một mạch từ cổng kho xăng đến tận bồn xăng, làm cho cả kho xăng bốc cháy. Anh ấy cũng không phát biểu gì trước khi hy sinh.
Những anh hùng tôi còn nhớ lỏm bỏm là những anh hùng của Liên xô trong các tiểu thuyết kiểu như thép đã tôi thế đấy. Hồi mới thấy tên quyển tiểu thuyết, tôi phải hỏi người này người kia một hồi mới hiểu, tất cả nằm trong chữ tôi, một động từ mà ở miền nam trước bảy lăm không ai dùng. Xúc động nhất là đoạn nhân vật anh hùng Pavel Korchagin, nói về sự nghiệp giải phóng giai cấp và loài người, như sau: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”
Với người trẻ, chưa có kinh nghiệm sống, lòng tràn trề nhiệt huyết thì đoạn văn giàu cảm xúc này đã đưa họ bay lên, bay lên thật cao để làm những việc chỉ có các đấng giáo chủ trong các tôn giáo mới dám làm: giải phóng giai cấp, giải phóng loài người. Trời ơi, con người, một sinh vật bất toàn mà lại đi làm công việc của một đấng toàn năng. Bất toàn từ lúc thiết kế, phần cứng (hardware) cũng như phần mềm (software), lại bị gói trọn trong không thời gian, vậy mà con người A có tham vọng đi giải phóng con người B. Điên rồ, vọng tưởng.
Nếu con người không bất toàn thì làm gì có tai nạn, có chiến tranh, có kiến giải khoa học không ngừng thay đổi và hoàn thiện, có thu hồi sửa chữa xe bị lỗi, có bác sĩ làm bệnh nhân chết… Thế giới lao đao cả thế kỷ chiến tranh lạnh là vì các ông tổ cộng sản không nghĩ con người là bất toàn, không tin rằng sản phẩm triết học của các ông cũng bất toàn như những sản phẩm khác của con người, cứ nhìn vào một sản phẩm có thể xem như là đỉnh cao về tri thức của nhân loại hiện nay là phi thuyền vũ trụ, một sản phẩm gần như tuyệt đối chính xác mà vẫn bất ngờ nổ tung. Ông tổ sư phán: các nhà triết học xưa nay chỉ lo giải thích thế giới, vấn đề là phải cải tạo thế giới. Một định đề nguy hiểm. Có muốn cải tạo thế giới đi nữa thì cũng phải hiểu thế giới trước, nếu không thì cải tạo như thế nào. Chưa nói đến chuyện con người, vốn bất toàn, lấy quyền năng gì để cải tạo thế giới.
Đau đớn là các môn đồ còn tin hơn cả tổ sư, rằng tôi, người cộng sản, tôi phải giải phóng giai cấp, giải phóng loài người. Đó là những người cộng sản thứ thiệt, thép đã tôi thật sự. Họ đi giải phóng bằng súng đạn, để giết người và để bị người giết. Kính trọng họ vì ý tốt của họ, nhưng xa lánh họ và đừng làm thế giới tốt hơn theo cách của họ.
Còn những người được gọi là cộng sản vào thời hậu chiến tranh lạnh thì chẳng qua chỉ là những con lật đật, trong lòng chất chứa đầy mưu ma chước quỉ, nghiêng ngửa trục lợi, không chút nhân tính. Khôi hài là những con lật đật này luôn lên mặt dạy đời, học đòi theo các tổ sư, tự cho là đệ tử chân truyền, và vì thế cũng hoàn hảo như các tổ sư, từ trên cao, họ dẫn dắt dạy dỗ quần chúng: ‘Phải giáo dục cho quần chúng hiểu … thực hiện…’. Họ giáo dục tất cả những ai không phải là đồng môn của họ bất kể tuổi tác, kinh nghiệm sống… Xin đọc tiêu đề của một bài báo: Ứng xử thiếu văn hóa của người Việt: Bao giờ cho hết xấu hổ?
Cứ như thể họ đang ở trong một không thời gian khác, cứ như thể họ là những người vượt trên người Việt về tư cách, siêu Việt, nên họ phải dạy người Việt khác ứng xử có văn hóa. Mà thế nào là văn hóa, có phải đó là thứ văn hóa mà họ có các chức vụ để quản lý? Quản lý văn hóa là một trong những từ ngữ ghê tởm nhất trong vốn từ tiếng Việt hiện đại. Nếu văn hóa là tinh túy của một dân tộc, thì quản lý văn hóa không khác gì một tên ma cô đi quản lý một vị chân tu, còn nếu văn hóa là lối ăn, nết ở, câu nói, giọng cười, là chén cơm, con cá, là câu hò, điệu múa, thì quản lý văn hóa chỉ là cách nói tu từ của các công an viên, của nhà văn người Anh George Orwell, coi chừng “Big Brother is watching you” (Anh Cả đang theo dõi bạn).
Xin chịu khó cùng với tôi lướt qua thêm một tiêu đề khác ‘Sếp công ty cấp thoát nước được thưởng lương khủng vì … nhầm’, và nghe lời nhìn nhận của bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, Tổng Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Bến Tre: “Do kế toán nhầm lẫn, tham mưu sai và tôi không lưu ý nên ký duyệt. Thực tế các thành viên lãnh đạo công ty nhận tiền lương, khung lương theo đúng Nghị định 51/2013. Riêng khoản tiền thưởng đã lên kế hoạch sai nhưng đến nay chưa ai nhận. Tuy vậy, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại”.
Nhẹ như không. Nhầm. Không lưu ý. Rút kinh nghiệm. Bạn đọc có thể dự đoán mức chênh lệch do ‘nhầm’ này là bao nhiêu không? Lúc đọc tiêu đề tôi đoán chắc là vài triệu, lầm to, bài báo cho biết:
Theo kế hoạch tiền lương của cán bộ, viên chức quản lý Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre (Btre Waco) năm 2016 vừa được công ty này duyệt cho thấy thu nhập của các lãnh đạo công ty này đều ở mức “khủng”. Cụ thể, ông Phạm Chí Vũ, Chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, Tổng Giám đốc công ty, có tổng thu nhập lần lượt là 67,5 triệu đồng/tháng và 65 triệu đồng/tháng. Hai phó tổng giám đốc cùng trưởng Ban Kiểm soát thì có thu nhập 57,5 triệu đồng/tháng. Kế toán trưởng công ty này có thu nhập 52,5 triệu đồng/tháng… Thực tế tiền lương hằng tháng của những người này chỉ ở mức 21-27 triệu đồng/tháng nhưng họ có thu nhập “khủng” là do mức tiền thưởng cao ngất, từ 31,5 triệu đến 40,5 triệu đồng/tháng.
Chuyện cũng bình thường thôi, lương phải tương xứng với ‘cống hiến’, phải lương cao như vậy mới đủ sức bay cao, nhìn xa, để mạnh dạn hy sinh đời mình trong công cuộc giải phóng giai cấp công nhân.
Giai cấp công nhân cần được giải phóng sống như thế nào? Xin đọc thêm… Đối chiếu với bảng lương và thu nhập của 208 công nhân, nhân viên của công ty này thì thấy sự chênh lệch rất lớn với thu nhập của các vị lãnh đạo trên. Theo đó, bình quân một lao động có mức thu nhập thấp tại công ty này hơn 4,2 triệu đồng/tháng…
Đất nước chỉ thịnh trị khi nào tầng lớp cai trị là tầng lớp tinh hoa, ưu tú của cộng đồng, là tấm gương cho cộng đồng. Một tầng lớp cai trị, không liêm sĩ, không có tư cách như thế thì làm sao mà đi rao giảng chuyện ứng xử văn hóa với người dân. Nhầm như các quan chức nói ở trên thì có khác gì người dân nhầm khi vứt nhầm rác xuống sông hay sang nhà người khác, khi vào siêu thị cầm nhầm hàng quên trả tiền, khi đái nhầm trên đường…
Văn hoá đồng hành với dân chủ. Không thể có văn hóa nếu không có dân chủ. Dân chủ là một tiến trình, theo cách nói của nhà văn Trung Hoa, Lỗ Tấn, thế giới làm gì có đường, chính những bước chân con người đã làm thành con đường, cho nên văn hóa cũng là một tiến trình. Hãy cùng nhau bước trên con đường văn hóa, con đường khai dân trí, để cho mỗi người dân biết được rằng một cái rác họ vứt xuống sông có nghĩa là một đồng thuế họ phải nộp thêm, để trả cho người đi nhặt, rằng cây cầu mới xây hôm qua đã làm vơi đi chén cơm của họ hôm nay, để họ trân quí cây cầu và để họ bắt buộc người làm cây cầu phải xứng đáng với hy sinh của họ, rằng họ có quyền được hít thở bầu không khí trong lành, được uống dòng nước dịu ngọt mà tạo hóa ban cho con người, rằng đồng tiền nằm trong túi của quan chức chính là đồng tiền từ họ, và từ con cháu họ, và rằng chính họ là chỗ dựa, là người cứu tinh khi đất nước lâm nguy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét