11 tháng 5, 2016

5 vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát biểu với các phóng viên tại Hà Nội. 
Trong chuyến thăm vào cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Obama mong muốn cùng lãnh đạo Việt Nam giải quyết 5 vấn đề trọng tâm giữa 2 bên.
Phát biểu với các phóng viên tại Hà Nội ngày 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến mối quan hệ trong quá khứ, hiện tại và tương lai với Việt Nam. 
Cũng trong chuyến thăm này, phía Mỹ mong muốn hợp tác với Việt Nam giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan đến quá khứ “đầy khó khăn” giữa hai bên, trong đó có chiến tranh Việt Nam. 
Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cùng giải quyết những thách thức hiện tại trong khu vực và trên thế giới. 
Hai bên cũng sẽ đặt ra những mục tiêu cho tương lai, trong đó Mỹ sẽ ưu tiên tập trung đầu tư vào tài sản quý giá nhất của Việt Nam- đó chính là nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua các chương trình đào tạo, trao đổi học thuật. 
Mỹ và Việt Nam cũng tập trung đầu tư vào một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 
Theo ông Russel trong chuyến thăm sắp tới vào cuối tháng 5 này, Tổng thống Mỹ Barack Obama rất mong đợi được tới Hà Nội để gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. 
Thứ trưởng Ngoại giao Russel đã trình bày 5 vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama: 
“Đầu tiên, chuyến thăm của ông Obama nhằm khẳng định về một Việt Nam giàu mạnh, an toàn, thịnh vượng và độc lập, một Việt Nam tôn trọng các vấn đề về nhân quyền và luật pháp quốc tế. 
Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam mà còn mang lại lợi ích cho người dân Mỹ. 
Việc tăng cường quan hệ Việt-Mỹ là một nhân tố quan trọng trong việc mở rộng chính sách tái cân bằng trong khu vực. 
Điều này cũng giúp thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế cho cả Mỹ và Việt Nam nhất là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập TPP. 
TPP mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực và Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện TPP. 
Tăng cường hợp tác quốc phòng cũng là một vấn đề quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ. Việc hợp tác này tập trung vào nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế, các vấn đề nhân đạo và đối phó với thảm họa. Quan trọng hơn, hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ còn nhằm tăng cường ý thức về an ninh hàng hải. 
Vấn đề trọng tâm thứ 2 trong mối quan hệ Việt-Mỹ là mối quan hệ giữa nhân dân hai nước chưa bao giờ gắn bó như hiện nay. Điều này đạt được là nhờ các chương trình trao đổi giữa giới trẻ hai nước thông qua việc trao đổi học thuật và việc thành lập Đại học Fulbright tại Việt Nam. 
Thông qua việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, Mỹ đã có điều kiện để đầu tư vào giới trẻ cũng như đầu tư vào tương lai của Việt Nam. 
Trọng tâm thứ 3 mà Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm là việc giải quyết những thách thức trong khu vực và trên toàn cầu. 
Chúng tôi đã hợp tác để đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình hạn hán khốc liệt mà chúng tôi đã chứng kiến tại các quốc gia Mekong. 
Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam cũng chung tay đối phó với các vấn đề toàn cầu khác như y tế và các bệnh truyền nhiễm cũng như khủng bố quốc tế. 
Trong khu vực, Mỹ đang nỗ lực để thúc đẩy một trật tự theo luật pháp quốc tế đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng nghiêm trọng ở Biển Đông. 
Điều này là nhằm đảm bảo rằng các quốc gia có tranh chấp trong khu vực tôn trọng và tuân thủ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế cũng như tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. 
Trọng tâm thứ 4 trong chuyến thăm của ông Obama là giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại. Mỹ và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trong việc việc rà phá, tháo dỡ bom mìn, tìm kiếm các binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh và tẩy rửa chất độc dioxin như Mỹ đã làm tại Đà Nẵng. 
Cuối cùng, Mỹ và Việt Nam sẽ trao đổi và hợp tác nhằm thúc đẩy vấn đề nhân quyền và cải cách pháp luật ở Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng trong mối quan hệ giữa hai bên. 
Chúng tôi đã tiến hành những cuộc trao đổi quan trọng với giới chức Việt Nam về vấn đề nhân quyền thông qua các cuộc đối thoại song phương hoặc thông qua các cuộc tiếp xúc giữa quan chức cấp cao hai nước. 
Mỹ cũng rất quan tâm đến tiến trình cải cách pháp luật của Việt Nam không chỉ phù hợp với Hiến pháp của nước này mà còn theo đúng chuẩn mực quốc tế”. 
(VOV)

Không có nhận xét nào:

Trang