Sắp tới đây cả nước sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 14 để tìm ra những người xứng đáng đại diện nói lên tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nhưng bầu ai đây khi chính những đại biểu quốc hội khóa 13 vẫn còn day dứt với những món nợ nước, nợ dân?
Bảo vệ chủ quyền biển đảo, giải quyết khiếu nại tố cáo hay tham nhũng, luôn là các vấn đề nóng bỏng được cử tri cả nước quan tâm trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua. Khi Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) vẫn không khỏi tâm tư, trăn trở về các vấn đề này.
Lời hứa trước dân vẫn còn nợ?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, người hết sức tâm huyết, chỉ ra những bất cập vướng mắc trong việc thực thi công vụ; nói lên những bức xúc, tâm tư nguyện vọng của cử tri, được nhân dân cả nước đánh giá cao cũng phải thốt lên vẫn còn “nợ” cử tri nhiều điều.
Những bộ luật điều chỉnh các hành vi mà nhân dân đang đòi hỏi, đang bức xúc như Luật về hội, Luật Biểu tình, quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp 1946 vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ mà tới nay chưa có lời giải.
Theo phân tích của Chủ tịch Tổng liên Đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Đặng Ngọc Tùng thì người dân rất muốn có điều kiện để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và tình cảm, phản ứng của họ, nếu có Luật Biểu tình thì rất tốt.
“Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Do đó, ghi nhận quyền biểu tình trong hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận một quyền cơ bản tự nhiên của công dân, mà còn là cam kết của Đảng đối với dân. Chúng ta đã từng có nhiều cuộc biểu tình do các đoàn thể hay Nhà nước tổ chức. Nhưng mấy chục năm nay, kể từ Hiến pháp 1959, chúng ta chưa có một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân. Đấy là món nợ của Nhà nước với nhân dân, trả càng sớm càng tốt”
LS Trương Trọng Nghĩa
Theo Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị năm 2005 về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” thì thấy Nghị quyết này đã đề ra nhiệm vụ là xây dựng Luật Biểu tình. Tức là đã 10 năm rồi, và đây là nhiệm vụ của QH khóa XII, chứ không phải của khóa XIII, nhưng rồi khóa XIII, thậm chí đưa ra lấy ý kiến cũng chưa làm được chứ chưa nói gì đến việc thông qua.
Như chính ĐBQH Dương Trung Quốc đã cho rằng luật về quyền tự do hiện nay vẫn nhăm nhăm xây dựng trên tư duy quản lý là chính. Nhà nước xây dựng nên Luật để phục vụ cho mục đích quản lý, để phục vụ lợi ích của nhà nước là chính, chứ chưa quan tâm đến đảm bảo quyền tự do của người dân. Ông nhấn mạnh “dư luận xã hội thấy rất cần luật biểu tình. Thậm chí Chính phủ ủng hộ Luật Biểu tình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ủng hộ Luật Biểu tình nhưng mà vẫn chưa cho ra được luật này. Bởi vì nó chấp chới ở chỗ Luật Biểu tình và chống biểu tình là nó có ranh giới rất là mỏng manh. Cho nên đây nó là yếu tố mà cơ chế làm luật như hiện nay thì phải nói là đôi khi thà không có luật còn hơn“.
Bên cạnh đó, hiện nay mặc dù Quốc Hội là cơ quan lập pháp, nghĩa là xây dựng các bộ luật, nhưng nhiệm vụ này lại được giao cho các Bộ và ban ngành (hành pháp) xây dựng và soạn thảo. Thế thì, các bộ ngành này họ chỉ quan tâm làm sao để quản lý tốt cho bộ ngành đó. Chứ họ ít quan tâm làm sao để phục vụ quyền tự do của người dân
Trong khi đối với hầu hết các nước trên thế giới, việc xây dựng luật được thực hiện bởi ý kiến của nhân dân thông qua thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ (đại biểu quốc hội) trực tiếp soạn thảo các bộ luật. Điều này nhằm phát huy hết tinh thần dân chủ và chính kiến của mỗi cá nhân trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ chính mình.
Các bạn hãy xem, trong bao nhiêu năm qua, có một đại biểu quốc hội nào của Việt Nam chúng ta soạn thảo và trình ra Quốc hội một bộ luật không? Trình trạng để các bộ ngành soạn thảo và xây dựng luật là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Từ đó có thể thấy quyền lập pháp của nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, vừa chậm trễ lại vừa thiếu quyết tâm. Pháp luật không hoàn thiện, không đồng bộ đã cản trở, hạn chế việc giải quyết những yếu kém, tiêu cực của đất nước, trong đó có vấn đề tham nhũng, bộ máy hành chính tiêu cực…
Còn một nguyên nhân sâu xa hơn đó chính là đa phần ĐBQH đều thuộc cơ quan hành pháp, chính vì thế tư duy quản lý đã ăn sâu vào trong quá trình soạn thảo luật cũng như phát biểu ý kiến của họ. Chúng ta cần có cơ chế để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cần tăng số lượng những người ngoài Đảng tham gia ứng cử để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng vào QH. Đó mới gọi là dân chủ!
Thực tế trách nhiệm với lá phiếu của mỗi ĐBQH chưa được minh bạch. Với cách bỏ phiếu qua bấm nút điện tử hiện nay, trên bảng chỉ hiện lên những con số “vô hồn” như số người tham gia biểu quyết, số người đồng tình, số người phản đối, tỉ lệ… mà không biết rõ ai đồng tình, ai phản đối, ai bỏ phiếu trắng. Chính vì thế, mới có chuyện một số vị ĐBQH đã cảm thấy “xấu hổ” khi bấm nút thông qua Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội vừa qua.
Để làm tốt nhiệm vụ của một người ĐBQH, chính những vị ĐBQH khóa 14 này phải là người đứng ra để làm luật, tiếp thu ý kiến của nhân dân để xây dựng luật. Chứ không thể để tình trạng ăn lương từ tiền thuế của nhân dân, mang tiếng là người đại diện của dân mà không giúp ích gì cho nguyện vọng chính đáng của họ như suốt thời gian qua được.
Nhận thấy những nguyện vọng chính đáng của nhân dân chưa được giải quyết triệt để trong thời gian vừa qua. Tại buổi tiếp xúc với cử tri ở TP HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh “Nếu được làm ĐBQH, tôi sẽ chú trọng xây dựng các hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến và thực hiện quyền làm chủ của mình”.
Ứng viên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
5 năm nữa chủ quyền biển Đông sẽ như thế nào? Liệu Luật Biểu tình có được trình để quốc hội phê chuẩn không? Luật Lập Hội có được ra đời? Quyền làm chủ và bày tỏ chính kiến của người dân có được tôn trọng? Điều đó xin gửi gắm vào ĐBQH khóa 14.
Còn nhiệm vụ của chúng ta, phải cân nhắc trước mỗi lá phiếu để tìm đúng người có đủ tài đức giúp đất nước tốt đẹp hơn. Đừng bỏ phiếu “cho xong”, không cần biết gì về ứng cử viên ĐBQH!
Hạ Băng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét