22 tháng 1, 2016

Tin đồn làm chao đảo Đại hội Đảng 12?

Tác giả: Anh Vũ (RFA)
.KD: Bài viết đưa thông tin về dư luận XH quan tâm đến ĐH Đảng 12, theo mình khá khách quan. Các nhà quản lý XH nên đọc để thấy mọi điều bàn luận cũng là điều bình thường, nhưng nhất là với một XH thiếu công khai minh bạch thì phải chấp nhận điều này, dù có thể các vị … nghi ngờ dân và cảnh giác :
Các tin đồn đoán liên quan đến việc tranh giành quyền lực trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 đã khiến cho ban lãnh đạo VN hết sức lo ngại. Những tin đồn đoán đó xuất phát từ đâu, nhằm mục đích gì và có tác động đến dư luận XH và Đại hội 12 thế nào?
Ngày 16/01/2016, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, cứ vào dịp diễn ra các sự kiện lớn của đất nước thì nhiều đối tượng chống phá lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, sai sự thật, để bôi nhọ lãnh đạo Đảng hòng làm nhiễu loạn thông tin.
Trên thực tế, các tin đồn nói trên được phát tán và chia sẻ rất nhiều trên mạng internet, với các bằng chứng là: hình ảnh, các tài liệu nội bộ, đơn thư tố cáo của các đảng viên và cán bộ cao cấp thuộc loại tuyệt mật… Mà bức thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Chủ tịch Nước Lê Đức Anh gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban CHTW liên quan đến vấn đề lựa chọn nhân sự lãnh đạo đảng trong HNTW13. Hoặc các kết quả bầu chọn 4 nhân vật chủ chốt – “tứ trụ” sau HNTW14 kết thúc, là những ví dụ.
Các thông tin đó được người dân hết sức quan tâm và phần nào có tác động đến lòng tin của dân chúng đối với chế độ.
Trao đổi với RFA, bà Lan Hương, một người dân ở TP. Hồ Chí Minh cho biết:
Những tin đồn đoán đó có rất nhiều trên mạng hiện nay, tôi nghĩ rằng các tin đó là có cơ sở chứ không phải là ngẫu nhiên mà họ nói ra, vì không có lửa thì làm sao có khói? Nhưng thông tin này có ảnh hưởng đến lòng tin của tôi về sự lãnh đạo của đảng và tôi thực sự thất vọng, nếu các tin này hoàn toàn là có cơ sở.”
Ông Lê Hùng, một người dân ở Hà nội bày tỏ:
“Tôi nhận thấy đa phần các tin đó không có nguồn gốc rõ ràng và không thể kiểm chứng, vì thế nó không đáng tin cậy. Tôi đọc vì để thỏa mãn sự tò mò, mang tính chất tham khảo thôi. Chứ những thông tin đó không ảnh hưởng đến việc quyết định chính kiến của tôi.”
Các lãnh đạo nhà nước VN luôn cho rằng, các tin đồn nói trên là các thông tin “xấu và độc hại”, do các thế lực thù định xuyên tạc và phát tán nhằm chống phá nhà nước.
Đánh giá về các tin đồn nói trên, từ Sài Gòn Nhà báo Nguyễn An Dân, một nhà quan sát thời sự chính trị VN nhận định:
“Các tin đồn có 2 luồng, một luồng từ các nguồn ngoài hệ thống đảng đưa ra và một luồng từ hệ thống đảng đưa ra. Để ý sẽ thấy các thông tin đó có lớp lang, có hình ảnh và những cái chúng ta có thể kiểm chứng được. Thí dụ như lá thư kiến nghị của Trung tướng Lưu Phước Lượng (Nguyên Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ gửi TBT và Ủy ban Kiểm tra TƯ đề nghị xử lý ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã vu khống khi tố cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), đó là bằng chứng cho thấy rằng đó là thông tin có từ hệ thống. Còn về mặt giá trị thông tin bài viết thì tôi nghĩ nó chỉ có giá trị tham khảo.”
Tình trạng này đã kéo dài và là việc có hệ thống, tuy vậy điều này không hề gây bất lợi cho đảng cầm quyền, mà còn gợi mở ra khả năng “đổi mới chính trị từ tổ chức của mình”. Ông Phạm Hùng Vĩ, một nhà đầu tư tại Sài gòn nói với chúng tôi:
“Khi đưa các thông tin đó ra thì họ nhằm các mục đích rất cụ thể, vậy ai là người có lợi ích liên quan trực tiếp nhất? Cho là các thế lực thù địch hay người dân, nhưng khi đo lường lợi ích thì thấy rất là mơ hồ. Tôi đã quan sát một quá trình 5 năm nay rồi, thì thấy cái chuyện thông tin nọ kia không phải nó mới xuất hiện ngày hôm qua, mà là nhiều năm nay rồi. Điều đó đã khiến người dân chán nản và cho rằng đó là thông tin đấu đá nội bộ.”
Thể chế chính trị độc đảng hiện nay không chỉ làm tê liệt cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước và vấn đề thiếu minh bạch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhà báo Nguyễn An Dân nhấn mạnh:
“Trong các cuộc bầu bán, bầu cử các chức danh lãnh đạo trong hệ thống “quan lại”của đất nước hiện nay, vì không có cuộc bầu cử công khai, dân chủ, pháp trị thì luôn có chuyện dùng các thủ đoạn mờ ám để triệt hạ nhau và cái đó là chuyện bình thường. Và chúng ta sẽ thấy, bất cứ cái gì mà thiếu minh bạch thì nó sẽ sinh ra mờ ám. ”
Đồn đoán đúng tới đâu
Các tin đồn đoán có tác động không ít đến tâm lý xã hội, đã khiến người dân nghi ngờ. Ông Phạm Hùng Vĩ cho biết:
“Theo tôi, những thông tin đó không phải hoàn toàn bịa đặt, nó cũng có yếu tố đúng và phải có từ nguồn nào đó. Và đương nhiên là những thông tin đó có những tác động nhất định đến nhận thức, hành vi của các giới trong XH. Việc tâm lý của xã hội giao động là có, vì các quyết định của lãnh đạo cao cấp nhất sẽ có tác động rất lớn đến các chính sách, hành vi thị trường và sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều người.”
Theo báo VNN online mới đây cho biết, ông Nguyễn Thế Kỷ – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đã phải lên tiếng trấn an rằng: Trong Ban lãnh đạo Đảng có sự đoàn kết rất lớn, không hề có sự phân tán, không hề có sự lo lắng như những thông tin xấu, độc đưa ra.
Tuy vậy, theo báo QĐND, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương đã thừa nhận: Tôi không loại trừ nguyên nhân do những phần tử xấu, thậm chí do “lợi ích nhóm”. Họ muốn bảo vệ ông này thì nói xấu ông kia. Ngay như cá nhân tôi cũng bị có người đến gửi văn bản đề nghị ký ủng hộ nhóm này, nhóm kia nhưng tôi trả lời là “không”.
Bình luận về phát biểu của ông Nguyễn Thế Kỷ, Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định:
“Trong đảng bây giờ có nhiều người có những, quan điểm, tư duy khác nhau thì chuyện nội bộ đảng có đoàn kết hay không thì tôi không nói. Nhưng sự phân tán là điều chắc chắn và chuyện ông Nguyễn Thế Kỷ nói rằng, không có sự lo lắng trước những thông tin xấu độc thì là không đúng, có lo lắng nhưng nó ở mức độ nào mà thôi.”
Trả lời câu hỏi, các thông tin đó có tác động trực tiếp đến tư tưởng của các đại biểu dự ĐH Đảng 12 và sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu bầu của họ hay không?
Ông Phạm Hùng Vĩ cho biết:
“Đối với các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi như VN, thì lực lượng (đại biểu) trung dung họ sẽ quan sát các tín hiệu chính thức từ đảng, như từ HNTW14. Ngoài ra họ còn căn cứ vào các kênh thông tin khác để quan sát, như thông tin đồn thổi hay các tín hiệu từ thị trường tài chính – tiền tệ để họ ra các quyết đinh chọn lựa.”
Nhà báo Nguyễn An Dân chia sẻ:
“Các Ủy viên TƯ chịu áp lực từ các đảng bộ, chi bộ của họ sinh hoạt, đó là vấn đề của các Ủy viên TƯ phải đối mặt, nếu có nhiều đảng viên cấp dưới mà họ phản đối quá thì sẽ là áp lực không nhỏ đối với họ. Thành ra nếu hỏi cái (tin đồn) đó có tác động đến các Ủy viên TƯ hay không thì tôi nói có và có thể sẽ tác động đến quyết định của Ủy viên TƯ tại ĐH12.”
Khi được hỏi, để xóa bỏ vấn đề tin đồn đoán, chính quyền cần phải có các giải pháp gì?
Trong cái cơ chế lãnh đạo độc đảng của VN, thì nó công khai minh bạch theo tư duy cá nhân của hệ thống lãnh đạo. Như vậy họ sẽ tùy hứng, hôm nay công khai cái nọ, ngày mai không thông tin những cái kia. Nhà báo Nguyễn An Dân tiếp lời:
“Vì vậy muốn xóa bỏ tình trạng này thì VN phải có cạnh tranh chính trị và cần có một nền dân chủ đúng nghĩa và lành mạnh, vận hành theo luật pháp. Và luật pháp đó phải được nhân dân thông qua. Có như thế, nó mới xóa bỏ được tình trạng này. ”
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã kêu gọi cộng đồng tẩy chay những loại thông tin bịa đặt, xuyên tạc nói trên. Theo ông, mỗi người cần tỉnh táo, bình tĩnh xem xét để không mắc phải âm mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Tuy vậy, người ta không thấy vị lãnh đạo này nhắc đến vấn đề minh bạch thông tin từ phía nhà nước đối với dân chúng.



Không có nhận xét nào:

Trang