22 tháng 1, 2016

CHỬI NHƯ...HÁT HAY

Gia Quan
Một trong những biểu hiện hay gặp trong nghi lễ đời thường của người Việt là… tiếng chửi. Không phải chửi vì bực bội nhất thời,mà chửi vì thói quen. Chửi có câu có cú, chửi có vần có vè. Sự chửi như hát hay ấy nói lên điều gì trong nếp sống chúng ta?
Tiếng chửi thể hiện sự cáu giận, sự tục tằn và cả sự thô bạo. Thế nhưng, chính những âm thanh không lấy gì làm tao nhã ấy cũng ít nhiều nằm trong dấu ấn văn hóa, hay nói cách khác là một bộ phận cấu thành nền tảng văn hóa dân tộc. Và đề tiếp cận một con người, một vùng đất hay một xã hội, không thể bỏ qua lời chửi, cách chửi, lối chửi!
Tiếng chửi cũng có nặng có nhẹ, có xéo có thẳng. Bên cạnh những chữ thô bỉ làm vẩn đục đời sống, tiếng chửi thông dụng nhất là "đồ" như "mèo mả gà đồng", "đồ không ra gì", "đồ ác nhân thất đức" hoặc "đồ chuột sa hũ nếp". Tuy nhiên, tất cả những thứ chửi mát hay chửi khéo không làm ô nhiễm môi trường sinh hoạt cộng đồng bằng chửi thành bài.
Hiện nay, ở không ít khu phố hay làng quê của chúng ta vẫn có những người chửi thiên hạ từ sáng đến tối rồi hôm sau lại chửi tiếp. Kiểu chửi này thường gắn liền với "khúc ca" bổng trầm. Ví dụ, chỉ một chuyện mất gà, mà hai ông Thân Trọng Tuấn và Thân Trọng Sỹ đã ghi chép được hai "áng văn chương tuyệt tác" khác nhau.
Bài thứ nhất:
"Ngày hôm qua tao bị mất một con gà mái đầu khoang cổ, sáng hôm nay tao mất một con gà mái nổ khoang bông, đứa mô mà bắt con gà của tao đó, nếu như là đứa con gái thì đúng giống trốn chúa lộn chồng, nếu là thằng đàn ông thì đúng thứ ba dòng đi ở đợ. Tao mắng cho mà chừa, tao la cho mà nhớ, nhưng tụi bây tưởng tao mắng tao la cho là dễ lắm hay răng. Tụi bây phải lắng tai mà nghe cho rõ nì. Muốn được nghe tao mắng, tao la thì tụi bây phải về nhà chống cửa lên cho cao, chặt hàng rào cho thấp, ăn chay nằm đất ho đúng ba tháng mười ngày, xong kéo hết họ hàng thông tộc chúng bây, họ nội họ ngoại, họ vợ họ chồng, cả gái lẫn trai nhánh trên nhánh dưới, kẻ sống kẻ chết, kết đoàn đông đủ, kẻ dưới âm phủ phải đội mũ mà đi lên, kẻ trên thiên đàng thì xếp hàng mà đi xuống. Đói thì tao cho ăn, khát thì tao cho uống. Tụi bây đừng có hòng giở trò đá cá lăn dưa, ăn chưa bưa,bừa chưa đã, mà qua mặt được với tao. Phải liệu mau mau, kéo bày kéo lũ, phủ phục tại đây mà nghe tao dậy biểu!"
Bài thứ hai:
"Cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông, cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội họ ngoại, xa gần ân ái, đằng gái đằng trai, hãy vén cái tai, hãy gài cái tóc nghe tao chửi đây nì. Tam canh mụ đội, xóm hội xóm phường, xóm trước xóm sau xóm trên xóm dưới, lư hương bát nước, chiếu trải giường thờ, tao bới mả cha bây rung rinh như thuyền mành gặp sóng. Tao chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi, đã ăn của tao bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bây ăn chi mà ác nhân ác nghiệp.Bây ăn bằng nồi đồng, bây ăn bằng nồi đất, bây ăn lật đật, bây ăn nửa đêm, bây ăn mờ sáng. Bây ăn cho chồng bây sợ, bây ăn cho vợ bây kinh, bây ăn cho ngã miếu sập đình, cho tổ tiên bây chết hết để mình bây ngồi đó bây ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt. Đồ cái quân không sợ Phật đánh Thánh đâm, đồ cái quân không sợ trời tru đất diệt. Bây ăn mần răng mà hết một chục rưỡi con gà?"
Chính vì có nhiều dị bản cho một "màn biểu diễn", nên rõ ràng tiếng chửi đã ngấm vào máu thịt một bộ phận không nhỏ người Việt ta như những tế bào ung thư nguy hại giữa xã hội văn minh. Chửi tận mặt, chửi hỗn hào, chửi trịnh thượng, chửi bóng gió hay chửi xỏ chửi xiên đều phơi bày một cố tật của ý thức hệ. Vì sao phải dùng đến tiếng chửi? Vì bất lực trước bản thân và bế tắc trước ứng xử. Thử đặt câu hỏi, mang tính phản biện, nếu mọi mâu thuẫn đều được giải quyết thỏa đáng bằng luật lệ thì những kiểu chửi như hát hay có còn cơ hội tồn tại và nảy nở không? Mất gà hay mất những tài sản khác, tại sao không báo cơ quan công quyền để truy tìm thủ phạm? Ở đây rõ ràng cần xem lại niềm tin, niềm tin với chức sắc, niềm tin với hàng xóm, niềm tin vào lẽ phải. Khi và chỉ khi những niềm tin ấy lung lay thì phản ứng tiêu cực nhất để tự vệ là tiếng chửi!
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã dành không ít thời gian và tâm sức để nghiên cứu về tiếng chửi. Giáo sư Bùi Minh Đức trong cuốn "Dấu ấn văn hóa Huế" đã phân tích tiếng chửi miền Núi Ngự Sông Hương và cho rằng: Chửi là một hình thức phản kháng, phản kháng tích cực là vung câu vung chữ quyết liệt vào mặt nhau, còn phản ứng tiêu cực là dùng tiếng khóc để biểu lộ tâm tình. Đúng, nước mắt cũng là một thứ vũ khí, tiếng thở dài cũng là một thứ vũ khí, thậm chí sự im lặng cũng là một thứ vũ khí để bày tỏ sự đối lập. Và nói gì thì nói, tiếng chửi vẫn là thứ vũ khí tai hại nhất, tai hại với cả người, người bị chửi và môi trường dân cư.
Trong bối cảnh hội nhập hôm nay, khái niệm chửi như hát hay liệu có nên tồn tại nữa hay không? Có lẽ, đã đến lúc người Việt phải tiết chế bớt hành vi nguyền rủa nhau, miệt thị nhau, mắng nhiếc nhau. Có lẽ đã đến lúc phải hình thành suy nghĩ mới, những vướng mắc hay mâu thuẫn trong đời sống cộng đồng, nếu cảm thấy không nhường nhịn được nhau nữa, thì hãy dắt nhau ra tòa trong tinh thần thượng tôn pháp luật. Tiếng chửi không giải quyết được điều gì, chỉ khiến phẩm cách con người bị hạ giá mà thôi! Không thể cứ tiếp tục hoàn cảnh, một nhà trong xóm mất gà thì cả xóm phải nghe những lời tru tréo "gà ở nhà bà là công phượng, sang nhà mày thành ó thành quạ".
Theo giadinh.com

Không có nhận xét nào:

Trang