8 tháng 1, 2016

Cốt lõi là quốc gia, dân tộc

Sự tồn vong, phát triển của đất nước đang trông chờ vào sự sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương cần sáng suốt và kiên định,
lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm yếu tố cốt lõi để chọn lựa các vị trí chủ chốt
Ban biên tập nhận được bài phân tích, nhận định sâu sắc của ông Nguyễn Phúc Thanh, cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu về tình hình Đảng ta sau Hội nghị Trung ương 13. Nội dung nhấn mạnh về vai trò của Ban Chấp hành Trung ương và vấn đề tập trung dân chủ trong Đảng, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm yếu tố cốt lõi để chọn lựa các vị trí chủ chốt cho Khóa XII.
Hội nghị Trung ương13 (HNTW 13) đã khép lại và được đánh giá là thành công, nói như thế cũng có khía cạnh đúng, trước hết cần so sánh ý kiến của Bộ Chính trị với Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nhân sự:
1. Điểm thống nhất giữa Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương: Danh sách giới thiệu nhân sự mới, nhân sự còn độ tuổi tái cử và nhân sự quá tuổi tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII giữa Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương cơ bản là giống nhau.
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh
2. Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn độ tuổi tái cử: Ban Chấp hành Trung ương thống nhất giới thiệu của Bộ Chính trị nhưng đối với nhân sự mới giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khoá XII dù cơ bản thống nhất nhưng cũng có sự khác biệt: 
Danh sách Bộ Chính trị giới thiệu đã không được Ban Chấp hành Trung ương chấp nhận gồm 03 trường hợp: Hồ Mẫu Ngoạt, Đào Ngọc Dung, Thuận Hữu. Có 07 trường hợp Bộ Chính trị giới thiệu không quá bán hoặc không giới thiệu nhưng tại HNTW 13 được Trung ương giới thiệu thêm. Trong đó, có 04 trường hợp được Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm gồm: Phạm Bình Minh, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình và Lương Cường; 03 trường hợp còn lại không được quá bán là: Đinh La Thăng, Nguyễn Chí Vịnh và Võ Trọng Việt.
Điều này chứng tỏ có những trường hợp Bộ Chính trị giới thiệu nhưng Ban Chấp hành Trung ương không chấp nhận, đồng thời Trung ương giới thiệu nhiều trường hợp nằm ngoài giới thiệu của Bộ Chính trị. Kết quả này phản ánh không phải mọi trường hợp Ban Chấp hành Trung ương đều phải theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trái lại Ban Chấp hành Trung ương có quyền không chấp nhận những trường hợp Bộ Chính trị giới thiệu mà vẫn giành quyền quyết định.
3. Sơ bộ xem xét danh sách nhân sự cho Khoá XII: Có thể thấy những nhân sự Bộ Chính trị giới thiệu nhưng Trung ương không chấp nhận là xác đáng. Về phần này giữa Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất, đảm bảo dân chủ. 
4. Kết quả Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn ở độ tuổi tái cử: Có thể thấy Ban Chấp hành Trung ương đã khách quan, những người phiếu tín nhiệm thấp hơn đều đúng vào những trường hợp có vấn đề dư luận đã nêu.
5. Riêng đối với trường hợp đặc biệt Ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi tái cử vào khoá XII: HNTW 13 vẫn chưa đưa ra bàn cụ thể về những trường hợp này, mặc dù tại HNTW 12 đã đưa ra 03 phương án: tái cử 01 người, tái cử 02 người và tái cử 03 người. Nguyên nhân do Bộ Chính trị đã không đưa vấn đề này ra thảo luận để lấy ý kiến Ban Chấp hành Trung ương nên đến nay vẫn chưa biết nhân sự chủ chốt Khoá XII sẽ là những ai. Điều này phản ánh sự mâu thuẫn trong Bộ Chính trị còn rất gay gắt hoặc có thể là do tính toán cá nhân của người đứng đầu vì chưa tạo được ưu thế cho mình nên mới treo lại để chờ thời. Sở dĩ có nhận định đó là xuất phát từ ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã không đưa ra HNTW 13 bàn về những trường hợp đặc biệt của Bộ Chính trị thuộc diện quá tuổi tái cử. Thay vào đó ông Trọng lại viết thư gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư ý kiến của riêng ông (không thông qua Bộ Chính trị) rằng: Nếu tái cử một người thì Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận. Nếu tái cử hai người sẽ là Tổng bí Thư và Chủ tịch nước, nếu tái cử 3 người thì là Tổng bí Thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Có thể coi đây là sự áp đặt của ông Trọng lên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Liệu điều này có được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chấp nhận hay không thì phải đợi đến HNTW 14.Có thể nói phương án mà ông Trọng nêu ra có thể ông là đã nắm bắt được tín hiệu trong Bộ Chính trị và xu hướng của Ban Chấp hành Trung ương là chỉ nên tái cử 1 người vào chức Tổng Bí thư Khoá XII. Theo thông lệ của các kỳ đại hội, thì HNTW 13 sẽ thăm dò chức Tổng Bí thư và 3 chức vụ chủ chốt như dự kiến, nhưng sau này ông Trọng quyết định đến HNTW 14 mới bàn và quyết. Dư luận cho rằng trong thời gian HNTW 13 xu hướng ủng hộ Thủ tướng tăng lên, nếu đưa ra lấy ý kiến thăm dò Tổng Bí thư rất có thể ông Trọng sẽ thấp phiếu hơn ông Dũng. Vì vậy có thể hiểu việc để HNTW 14 mới bàn đến các trường hợp quá tuổi đặc biệt là để ông Nguyễn Phú Trọng có thời gian đánh giá lại tình hình và vận động người ủng hộ ông. Đây là một canh bạc nguy hiểm “5 ăn 5 thua” của ông Trọng.
* * *
Trước tình hình nội bộ phức tạp của Đảng ta hiện nay, tập thể Ban Chấp hành Trung ương cần sáng suốt và kiên định, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm yếu tố cốt lõi mà trọng tâm hiện nay là bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó mới có thể chọn ra các vị trí chủ chốt, không cần căn cứ vào tuổi tác mà phải căn cứ vào việc họ sẽ đóng góp được gì vào sự tồn vong, phát triển của đất nước nếu được tái cử.
Muốn làm được điều đó thì Trung ương phải kiên quyết yêu cầu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, đặc biệt trong công tác bầu cử, ứng cử các vị trí chủ chốt. Ngoài các nhân sự do Bộ Chính trị giới thiệu, Trung ương có quyền giới thiệu bổ sung thêm các nhân sự xứng đáng khác. Với mỗi chức danh chủ chốt cần ít nhất 02 ứng cử và tổ chức nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm tại Ban Chấp hành Trung ương để chọn người xứng đáng nhất cho từng vị trí.
Nhân dân đang chờ sự sáng suốt của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương tại HNTW 14 này và hi vọng họ sẽ chọn được người lãnh đạo có đủ tầm nhìn và bản lĩnh để lèo lái con thuyền đất nước vượt qua những cơn sóng dữ.
Nguyễn Phúc Thanh (Cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu)/ĐH 12

Không có nhận xét nào:

Trang