Tác giả: Kỳ Duyên (Bản gốc)
Nhân dân chính là nội lực tạo nên sức mạnh đất nước. Nhưng nhân dân cần sự định hướng đúng, mang tầm chiến lược nhìn xa, và hành động đúng phù hợp quy luật phát triển văn minh nhân loại. Đó mới là “lời thề” thực tiễn mà họ chờ đợi- với vận mệnh dân tộc đang đầy thách thức- của những người lãnh đạo.
Những ngày này, cả XH đang chăm chú, quan tâm đến một sự kiện lớn- Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành TW, nhưng vẫn không khỏi bàn luận ồn ào một vụ việc vừa bất ngờ vừa có phần hài hước.
“Thề cá trê chui ống”
Đó là cơ quan chức năng vừa bắt Nguyễn Tường Duy, cán bộ Hải quan t/p HCM, thu giữ nhiều phong bì chứa số lượng tiền rất lớn (tiền tỷ), nghi là của các doanh nghiệp buộc phải cống nạp cho Duy. Việc bắt ông này dựa trên những tố cáo của các DN trong lĩnh vực xuất- nhập khẩu, vì bị ép phải “chung chi” khi làm thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu cảng của t/p.
Bất ngờ, là Nguyễn Tường Duy mới chỉ là cán bộ “xoàng xoàng”, từng bị hải quan An Giang sa thải, chưa phải là quan chức của ngành hải quan t/p, mà đã có quyền sinh quyền sát và lộng hành đến vậy.
Còn hài hước là bởi mới đây thôi t/p HCM, một trong hai đô thị lớn (cùng với Hà Nội), vừa tuyên bố không phát hiện được hiện tượng tham nhũng nào, khiến dư luận XH người cười người chê. Các ĐBQH thì hỏi thẳng: Kết quả này có thực sự đáng tin cậy?
Ảnh: baohaiquan.vn
Người cười vì … nỏ tin vào kết luận đó. Người chê vì chả ai tâm phục khẩu phục những bản báo cáo đậm đặc tính hình thức và không kém phần “đùa dai” với sự hoài nghi của XH- từ lâu.
Hài hước nữa, là bởi trước đó, cuối tháng 11/2015, toàn bộ các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Tổng cục Hải quan vừa cam kết 100% cán bộ, đảng viên nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Nói theo cách nói dân gian, ngành hải quan vừa “thề” không tham nhũng.
Thì có ngay một… ‘cá trê chui ống”, cũng đúng theo cách nói của dân gian.
Tự lúc nào, dường như trong XH thời kim tiền, lời thề không còn có ý nghĩa lắm. Trong ca dao tục ngữ, thành ngữ VN từ xa xưa, lời thề cũng có hai mặt của nó. Có câu lời thề chắc như đinh đóng cột, thì cũng lại có câu lời nói gió bay.Người ta- thời kim tiền này- sống kiểu lời nói gió bay hơn.
Chả lẽ giờ đây lại có cả thành ngữ mới- “lời thề Hải quan”? Một lĩnh vực mà ranh giới giữa ban ngày và sự “đi đêm” cực kỳ mong manh.
Thế nhưng, ở một góc độ nào đó, phải… cảm ơn Nguyễn Tường Duy. Bằng hành vi ăn tiền trắng trợn, và khá tàn bạo, Duy đã “phản biện’ lại kết luận quá nhiều phần quan liêu, xa lạ với nỗi đau, sự bất bình của người dân ở t/p HCM.
Mặt khác, có điều rất đáng chú ý. Theo Tuổi trẻ, ngày 11/1, khi Nguyễn Tường Duy bị bắt, không ít người trong ngành này đã rất ngạc nhiên. Bởi ngành hải quan được Nhà nước đầu tư để cải cách thủ tục từ năm 2014, với quy trình hải quan điện tử được CP Nhật tài trợ, thực hiện thí điểm và áp dụng rộng rãi tại các cơ sở hải quan cả nước. Quy trình này, được coi là chặt chẽ hơn cả ở nước Nhật. Không chỉ tạo thông thoáng cho các DN trong quá trình làm thủ tục, mà còn kiểm tra giám sát việc thực hiện đúng quy định của công chức hải quan.
Thực chất, là thủ tục hải quan từ phương thức thủ công ở tất cả các khâu, tiếp nhận tờ khai, kiểm tra, giám sát đến thông quan hàng hóa, đã chuyển sang hải quan điện tử “công khai, minh bạch”, hạn chế công chức tiếp xúc với DN, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Thế nhưng trong thực tế, những chiếc phong bì tiền triệu, tiền tỷ vẫn vượt qua hàng rào điện tử, để đến…. điểm hẹn với Nguyễn Tường Duy.
Cũng không chỉ có một Nguyễn Tường Duy. Nếu biết rằng, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN mới đây cho biết, có 28% DN phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hải quan. Còn tại Cục Hải quan t/p.HCM có đến hơn 53% DN nói đã phải trả chi phí không chính thức kiểu này.
Thế là điện tử đi đằng điện tử, lòng tham vẫn có cách đi kiểu lòng tham.
Đủ biết tình yêu kim tiền, khiến con người có đủ mánh khóe vượt qua những hàng rào điện tử, công nghệ cao đến đâu. Bất chấp!
Canh…. toàn sâu
Dân gian cũng có câu một con sâu làm rầu nồi canh.
Thế nhưng trong thực tế, tới hơn 53% DN ở t/p HCM đã phải chung chi không chính thức kiểu này, thì liệu có phải chỉ có Nguyễn Tường Duy?
Trước đó, ngày 22/12/2015, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, Phó TT Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định Phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan còn yếu.
Yếu thế nào? Báo cáo của CP gửi tới QH, cơ quan giám sát, cho biết tham nhũng năm 2015 vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, khả năng kiểm soát và phòng chống thế nào? Theo báo cáo, năm qua hơn 98% số bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai, tăng 8,8% so với năm trước. Số trường hợp phải xác minh lại do nghi vấn không trung thực tăng mạnh với 1.225 bản kê khai (so với 5 trường hợp trong năm 2014). Nhưng, kết quả xác minh chỉ phát hiện 05 người kê khai không trung thực.(VnExpress, ngày 11/9/2015)
Phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan còn yếu.
Còn trả lời phỏng vấn của báo Người Lao động, ngày 24/12/2015, ông Tổng Thanh tra CP Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận: Cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng! Trong khi đó, được biết, đường dây nóng của Cục trưởng Cục chống tham nhũng- TTCP cho biết chỉ qua 25 ngày, đã nhận được 329 cuộc gọi tố cáo. Dĩ nhiên, con số này còn phải điều tra, thanh lọc, nhưng nó cũng cho thấy độ “nóng bỏng” của tệ nạn này và độ …. “mát mẻ” của công cuộc phòng chống, bởi những căn nguyên phức tạp và tế nhị khác.
Và yếu cả tinh thần trách nhiệm trong báo cáo về công cuộc này. Cũng theo ông Huỳnh Phong Tranh, tính đến ngày 20/12, chỉ có 36/57 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP, cơ quan tổ chức khác ở TU gửi dự thảo báo cáo tổng kết về ban chỉ đạo qua TTCP (đạt 63,1%). Có 35/63 tỉnh, thành phố gửi dự thảo báo cáo về ban chỉ đạo (đạt 55,5%).
Nếu vậy, người dân biết tin cậy và trông chờ vào đâu?
Bởi vậy, trước tình hình tham nhũng nghênh ngang đến mức, nhiều ĐBQH đã lên tiếng đề nghị phải thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập hoàn toàn và chỉ thuộc QH, nhưng người viết cho rằng, nếu có hẳn một công cụ hữu hiệu, mà các quốc gia văn minh, phát triển đều sử dụng để hạn chế, ngăn ngừa, còn nước Việt lại không tín nhiệm công cụ này, thì quả là … cùng đường. Đó là công cụ gì, nếu không phải là cơ chế quản lý công khai- minh bạch, là xóa bỏ cách giao thương tiền mặt. Có thế, nguồn gốc mọi tài sản, thu nhập của công chức, quan chức mới có thể kiểm soát được tận gốc.
Nếu không thì từ thành ngữ xưa con sâu bỏ rầu nồi canh, nay thành ngữ hiện đại của nước Việt phải là… canh toàn sâu.
Vận mệnh hưng vong của dân tộc
Nói gì thì nói, sự kiện quan trọng nhất của đất nước, liên quan đến thịnh suy, hưng vong của dân tộc đang diễn ra trong những ngày này và những ngày sắp tới, vẫn là điểm đỉnh của mối quan tâm của dư luận XH, nhất là trong thế giới phẳng.
Khỏi phải nói dư luận đa chiều và tính hai mặt của thời IT trước một sự kiện trọng đại ra sao, nhất là liên quan đến nhân sự- bầu cử những người lãnh đạo cao cấp, những người có bổn phận “chèo lái” đất nước trên hành trình hội nhập và phát triển. Cả cái danh, quyền lực và trách nhiệm đều… lớn như nhau.
Vận mệnh trường tồn của đất nước đang rất cần những người lãnh đạo có tâm, có tầm, có tài có đức, lại sống “sạch”, và là người bản lĩnh, can trường chớ có sóng cả mà ngã tay chèo.
Có lẽ vì thế, như một lẽ thường tình, giống như mọi quốc gia, chưa một sự kiện nào có thể nhận được những dư chấn loang rộng đến thế. Có xấu có tốt có hay có dở, có tử tế và có cả tồi tệ, có thiện ý và cả ác ý…
Nhưng khi mà thông tin về nhân sự tạm giải tỏa, thì nội dung quan trọng nhất cả đất nước đang hướng tới lại nổi lên. Đó cũng là một trong hai nội dung quan trọng nhất của sự kiện chính trị lần này- hội nhập để phát triển, là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mà theo VietNamNet ngày 13/1, đây làhiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, mức độ cam kết sâu hơn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) VN đã tham gia trước đây. Còn theo TS Nguyễn Mạnh Hùng (Ban Kinh tế T.Ư), việc tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là TPP sẽ giúp VN tăng trưởng thêm 1 – 2% năm; GDP tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025.
Cái lợi là thấy rõ.
Nhưng sau những say sưa về một cơ hội mở ra cho nước Việt, đất nước mà tạo hóa cũng thử thách- có vị trí địa- chính trị khá đặc biệt- hội nhập thế giới hiện đại, sẽ được ký kết vào tháng 2/2016 tới đây, thì sự còn lại, chính là những thách thức, và chỉ thách thức mà thôi.
Cũng không chỉ với nước Việt. Những quốc gia như Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản tham gia TPP đều phải sẵn sàng chuẩn bị năng lực và hành động vượt qua cửa “vũ môn” này.
Khác chăng, đa số các quốc gia trong số họ đều có nền kinh tế thị trường quá quen thuộc. Chỉ riêng nước Việt, là nước duy nhất tham gia buôn có bạn bán có phường, theo mô hình kinh tế thị trường có định hướng XHCN, vừa phải hòa hợp vừa giữ… đặc thù, bản sắc. Nói theo cách nói người Việt, phải vừa học vừa mần
Nội lực và câu hỏi của nhân dân
Nhưng làm sao để hài hòa được tinh thần định hướng XHCN, với nền kinh tế thị trường đang hội nhập quốc tế, quả không đơn giản.
Tại hội thảo “Kinh tế xã hội VN năm 2015, cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập”, do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế T.Ư tổ chức, PGS-TS Tô Trung Thành (Đại học KTQD) cho biết, GDP của nước Việt năm 2015 vượt chỉ tiêu nhưng mới tăng về lượng, chất không cao. Còn năng suất lao động đang ở mức tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực, chỉ hơn một nửa so với Philippines, bằng 1⁄4 so với Trung Quốc. TS Đinh Lê Hải Hà (ĐHKTQD) cho rằng, nếu không chủ động, DN nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ngày càng mạnh. Để đứng vững khi hội nhập, các DN phải xem lại mô hình kinh doanh, đồng thời chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực sẵn sàng cạnh tranh. (TN, ngày 14/1)
Trả lời báo Tuổi trẻ, ngày 14/1, Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, nếu không đổi mới, VN sẽ rất khó khăn. Vì theo Bộ trưởng, những tác động từ mấy chục năm đổi mới vừa qua đã dần cạn rồi. Thực tế trong môi trường kinh doanh, đang xuất hiện rất nhiều giấy phép con trở lại với các DN tư nhân, đang được coi là một động lực phát triển kinh tế. Thậm chí, các DN này vẫn bị “đòi phí” trắng trợn…
Trong khi, thông điệp của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế về kinh tế VN cho thấy một trong những vấn đề căn cơ là VN cần tiếp tục thay đổi, đổi mới thể chế, xây dựng các nhân tố thị trường đầy đủ hơn, bởi tư duy xin- cho đã “ăn rễ” trong đầu nhiều cán bộ, quan chức.
Tư duy xin- cho chính là vật cản khủng của sự phát triển theo quy luật thực tiễn của kinh tế thị trường. Chính tư duy này là chất xúc tác cho tham nhũng có đất phát triển. Và cũng chính vì thế, “nó”rất sợ cung cách quản lý công khai- minh bạch.
Đã thế mới đây, một thông tin rất đáng suy ngẫm. Kết quả khảo sát “mức độ công khai ngân sách” được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện trong 18 tháng (tháng 3/2014 đến tháng 9/2015) tại 102 quốc gia, trong đó có VN vừa đưa ra cho thấy, VN chỉ đạt 18/ 100 điểm (thang điểm) về minh bạch ngân sách. thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình khoảng 45 điểm ở hơn 100 quốc gia khác. Trong ba trụ cột cơ quan khảo sát đặt ra, đó là mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và sự giám sát của cơ quan lập pháp, thì “minh bạch” là yếu tố đầu tiên. Và”minh bạch” cũng là trụ cột mà VN được chấm điểm thấp nhất, chỉ 18/100 điểm. Với số điểm này, VN hiện thuộc nhóm thứ 05, tức là nhóm yếu nhất (Vietnam +, ngày 14/1)
Rõ ràng, nền quản trị quốc gia công khai- minh bạch, điều kiện thúc đẩy nền kinh tế, môi trường kinh tế phát triển lành mạnh cũng đang là một thử thách nước Việt trong hành trình hội nhập kinh tế, và xa hơn, là các giá trị văn minh văn hóa nhân loại
Chợt nhớ Thông điệp Liên bang cuối cùng của TT Mỹ Obama mới đây, ông khẳng định chính người dân đã tạo ra sự thay đổi, vực dậy nước Mỹ.
Đúng vậy, ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, nhân dân chính là nội lực tạo nên sức mạnh đất nước. Nhưng nhân dân cần sự định hướng đúng, mang tầm chiến lược nhìn xa, và hành động đúng phù hợp quy luật phát triển văn minh nhân loại. Đó mới là “lời thề” thực tiễn mà họ chờ đợi- với vận mệnh dân tộc đang đầy thách thức- của những người lãnh đạo.
Ở ĐH Đảng lần thứ 12 sắp diễn ra nay mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét