Nguyễn Hữu Vinh
Tại thằng cơ chế
Thông thường, trước những bế tắc và thất bại trong các chủ trương của đảng, những cách thực hiện gây ra những hậu quả tai hại cho đất nước, cho đời sống nhân dân, câu cửa miệng của các quan chức cộng sản là: Do cơ chế.
Nào là cuộc chống tham nhũng không thể tiến triển được, dù đảng đã hô hào gần ba chục năm nay, nhưng càng chống, tham nhũng càng nặng nề khủng khiếp. Từ chỗ là nguy cơ, tham nhũng đã anh dũng tiến lên đến vị trí “Quốc nạn”. Từ chuyện quan chức tham nhũng là thiểu số, là con sâu làm rầu nồi canh, sau hơn hai chục năm đảng “quyết liệt chống tham nhũng”, con số quan chức tham nhũng đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ để trở thành “một bầy sâu” như lời ông Chủ tịch nước đã nói.
Từ chuyện các “chủ trương lớn của đảng” đã nhanh chóng phát tác những tác hại khôn lường cho đất nước như các tập đoàn kinh tế nhà nước đã trở thành những “quả đấm thép” mà mặt người dân là đối tượng, làm suy kiệt đất nước cho đến những dự án như khai thác bauxite ở Tây Nguyên càng làm càng lỗ…
Kể cả những bộ luật không thể thông qua, những điều luật không thể sửa đổi, hệ thống tư pháp đẩy người dân đến chỗ oan khuất và bất công dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng vẫn cứ triền miên và không thể có cách khắc phục hữu hiệu.
Nhưng, cứ nói đến những vấn nạn đó, quan chức cộng sản liền phán một câu rất nhẹ nhàng: “Do cơ chế”.
Mới đây, tỉnh Sơn La, một tỉnh nghèo đến mức hàng năm xin trợ cấp ngân sách để cứu đói cho dân, số dân đói nghèo đang là con số báo động. Đời sống người dân khốn khổ, đói rách và bấp bênh. Nhưng Tỉnh vẫn quyết xin ngân sách để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với số tiền dự tính ban đầu là 1.400.000.000.000 đồng. Giải thích nguyên nhân, người ta cho là do “Cơ chế bao cấp ngân sách”.
Thành phố Sài Gòn, Thủ đô Hà Nội chỉ cần một trận mưa nhỏ đã nhấn chìm cả thành phố thành biển nước, người dân ngụp lặn trong bùn lầy, nước bẩn. Người dân với những câu ca ai oán mà không thể làm gì khi họ nộp thuế đường bộ nhưng lại phải đi đường thủy giữa thành phố, người ta cho rằng “Do cơ chế quản lý đô thị”.
Một loạt các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm được đưa vào xà lim bằng những bản án hết sức hài hước qua những phiên tòa “công khai xử kín” trái pháp luật. Nhưng, khi nói đến điều này, người ta cứ thì thầm “Do cơ chế đảng lãnh đạo tuyệt đối”.
Do lũ quy trình
Cũng thời gian qua, biết bao vụ việc trái khoáy đến mức khó tin xảy ra trong xã hội. Nhưng hầu như chẳng ai chịu trách nhiệm về nó. Tất cả chỉ bởi nó đã được làm “Đúng quy trình”.
Có thể kể ra vài trường hợp điển hình như sau:
Đám trẻ em đang yên lành khỏe mạnh, bỗng nhiên được đưa đến tiêm phòng xong thì lăn quay ra chết. Dư luận phản ứng ồn ào, người người căm phẫn thì quan chức ngành Y tế phát biểu nhẹ tênh: Tiêm phòng “đúng quy trình”.
Người dân đang sống yên lành, bỗng nhiên nước dội ào ào ngâm hết tài sản, nhà cửa và mồ mả, đưa người dân vào cảnh khốn cùng, nguyên nhân là do nhà nước xả đập thủy điện “đúng quy trình”.
Một hệ thống hải quan, công an đủ loại với đủ thiết bị sắm bằng tiền dân. Đến mức dăm ba chai rượu, mấy lọ nước hoa của bà con Việt Kiều hoặc người đi xuất khẩu lao động có mang về làm quà, nếu chưa biết điều với hải quan cửa khẩu cũng khó lọt qua cửa ải. Ấy vậy mà hàng trăm bánh Heroin lọt qua cửa khẩu dễ dàng rất “đúng quy trình”.
Mới đây, khi tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm một cậu ấm, con của nguyên bí thư Tỉnh ủy vào làm Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư với nhiều điều khuất tất từ việc học hành, trình độ và sai với quy định. Mọi người ngỡ ngàng vì chuyện lạ lùng, thì quan chức liền thanh minh: “Việc bổ nhiệm là đúng quy trình”.
Cũng như Huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cả họ làm quan, con cháu quan chức đua nhau vào làm ở các lĩnh vực, vị trí béo bở, bị phản ứng, TP Hà Nội đến kiểm tra thì mới té ngửa ra là việc bổ nhiệm, cất nhắc vẫn “đúng quy trình”.
Cả thành phố Hà Nội những ngày nóng nực nhất, bỗng thấy cây cối bị chặt hàng loạt. Những đường phố chỏng chơ, nắng đổ cháy đường. Người dân xót xa lên tiếng, rằng tại sao chặt cây?, tại sao đổ tiền dân ra để làm những việc thất đức đó? tại sao không hỏi ý kiến người dân?… Rồi người dân xuống đường biểu tình phản đối. Thế rồi đem cây gỗ mỡ đánh lừa dân là vàng tâm, trồng rồi lại nhổ trồng loại khác khi bị phát hiện. Quan chức Hà Nội vẫn phán rằng “chặt đúng quy trình”.
Rồi thì tòa nhà ở Phố Lê Trực, khi báo chí phanh phui ra là xây dựng sai phép, báo chí gào lên rằng nó đã quá cao so với lăng Hồ Chí Minh(!) (là điều húy kỵ mà không biết cái “cơ chế” nào sinh ra cái quy định quái gở nhưng được coi như một nguyên tắc này?) thì những người có trách nhiệm ở Hà Nội vẫn phán một câu xanh rờn: “Đúng quy trình”.
Mấy chục năm trước, ở xứ Nghệ, có một nhân vật Bùi Sĩ Lý đi hơn chục năm, cả hệ thống mới té ngửa ra là anh bị tù oan. Mới đây, nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, đi tù oan cũng chục năm, nhờ thủ phạm ra đầu thú mới được minh oan. Bộ máy nhà nước kết luận: “Việc bắt giữ, điều tra, truy tố, giam tù đều đúng quy trình”.
Và hôm nay, hàng loạt tù nhân lương tâm vẫn trong trại giam, người bị xét xử bất minh, người thì bị cầm cố quá thời gian luật định như anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh… Tất cả vẫn cứ diễn ra “đúng quy trình”. Thậm chí ngay cả những tử tù đang ngồi chờ những cái chết oan khuất như Nguyễn Vă Chưởng, Hồ Duy Hải… vẫn phải ngồi đợi cái chết đến dần theo “đúng quy trình”.
Theo một đại biểu Quốc hội tính toán, thì tỷ lệ án oan, sai hiện nay là 28%, nghĩa là vẫn có hàng chục ngàn người hưởng án oan sai trong các nhà tù một cách “đúng quy trình” và “do cơ chế”.
Tiên sư thằng quy chế, tổ cha lũ quy trình
Một câu chuyện tiếu lâm được lưu truyền trong dân gian rằng: Sau cuộc chiến Nam Bắc chưa lâu, chiến trường biên giới Tây Nam lại vang tiếng súng. Chưa dứt Tây Nam, ở phía Bắc, bọn bành trường Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược. Một đơn vị bộ đội tập trung để chuẩn bị ra Bắc. Chính trị viên đơn vị đứng trước hàng quân lên lớp như sau:
– Các đồng chí thân mến. Chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang qua mấy cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, hoàn thành sứ mệnh lịch sử là tiền đồn của phe XHCN chống thực dân, đế quốc. Ngày nay, một lần nữa, sứ mệnh lịch sử lại đặt lên vai chúng ta nhiệm vụ tiêu diệt bọn bành trướng Trung Quốc ở phía bắc. Vinh quang này thuộc về các đồng chí…
Bỗng cuối hàng quân vang lên một câu chửi thề:
– Tổ sư thằng lịch sử.
Chính trị viên ngơ ngác, cả hàng quân hoảng hốt quay đầu nhìn lại một chiến sĩ vừa nói câu đó. Chính trị viên sẵng giọng:
– Đồng chí vừa chửi ai đấy? Tại sao lại chửi lịch sử?
Anh chiến binh thủng thẳng:
– Thằng Lịch sử là thằng nào mà không chịu giao cái sứ mệnh đó cho ai, lại cứ giao cho chúng ta. Chết biết bao dân rồi, đói, khổ thì thằng ấy có cho dân ta cân gạo nào không mà cứ giao hoài vậy.
Đó là câu chuyện vui thời chiến tranh. Còn ngày nay, người dân Việt sau khi được quan chức nhà nước giải thích nhứng thất bại, những hậu quả bi đát dưới sự lãnh đạo tuyệt đối gây ra, rồi cùng phải bực mình mà phát khùng lên rằng: “Tiên sư thằng cơ chế, tổ cha lũ quy trình”.
Vì sao cơ chế?
Để lý giải vì sao người ta thích cái từ “do cơ chế” và “đúng quy trình” đến thế khi nói đến những việc sai lầm, những tội ác của mình gây ra thì chỉ có một lý do có thể đưa ra, đó là “Đã là do cơ chế, đã đúng quy trình”, thì không ai có thể làm gì được.
Vậy tại sao đã là cơ chế, đã là quy trình thì họ cứ bám vào đó và bình yên?
Bởi ai cũng biết rằng tất cả mọi cơ chế, sinh ra mọi quy trình, thì đều có nguồn gốc từ một cơ chế quái gở nhất: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý còn nhân dân thì làm chủ”.
Mà cái quái gở này sinh ra mọi thứ quái gở khác, nên nếu muốn truy, muốn diệt tận gốc là điều không dễ dàng. Vì thế quan chức cứ bám vào đó để dùng nó như tấm mộc đỡ đòn cho mình khi nguy hiểm.
Đến ngay cả ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nguy cơ bị kỷ luật và bị yêu cầu từ chức vì những sai lầm nghiêm trọng, ông cũng bám vào cơ chế mà rằng: “Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi nhận chức vụ gì… Đảng đã quyết định phân công tôi làm Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu làm Thủ tướng và tôi sẵn sàng chấp nhận. Gần cả cuộc đời theo Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không có xin, tôi cũng không có từ chối thoái thác nhiệm vụ gì mà Đảng và nhà nước phân công. Tôi sẽ thực hiện và tiếp tục thực hiện những gì Đảng phân công như trong suốt 51 năm qua”.
Như vậy, có nghĩa là cơ chế đảng cử, đảng lãnh đạo đã tạo nên ông ta, và ông ta cứ vậy mà làm. Đến đó thì Nguyễn Phú Trọng ngồi đó cũng chỉ tím mặt mà lặng im.
Thử hỏi, nếu cơ chế bầu cử tự do, người dân bầu lên ông ta thật sự, ông ta có dám nói thế không?
Vì thế, nên cái cơ chế, cái quy trình dù ai cũng biết là quái gở vẫn luôn được sử dụng để thoát hiểm cho mọi cá nhân, mọi tổ chức khi đã gây ra những trọng tội với đất nước với nhân dân.
Và chỉ khi nào cái cơ chế quái gở “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý còn nhân dân thì làm chủ” được gỡ bỏ tận gốc, thay thế bằng một cơ chế dân chủ thật sự, trao lại quyền tự do, dân chủ cho người dân, thì mọi căn nguyên của những sai lầm, tội ác và bất ổn trong xã hội mới có thể giải quyết.
Nhưng, đó là một con đường gian nan mà cả dân tộc buộc phải bước lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét