15 tháng 10, 2015

Làm ăn bất chính sinh ra những kẻ ngông đốt tiền tỉ

Tác giả: Huyền Biển (thực hiện)
KD: Không phải vô lý mà khái niệm của dân gian từ xa xưa về nghề kinh doanh chỉ hai từ: Buôn lậu. Buôn mà không lậu thì không thể lờ lãi nhanh. Đó là điều chắc chắn trong XH này, với muôn hình vạn trạng cả cách kiếm lãi lẫn cách để DN có thể tồn tại
————–
Ông Nguyễn Trần Bạt: Doanh nhân hơn ai hết biết rất rõ sự vất vả của việc kiếm tiền, biết rõ giá trị của đồng tiền, và không có một người kinh doanh chân chính nào có được tiền một cách dễ dàng và phung phí như thế-
“Chúng ta chưa có những đại gia thực sự, và nếu có những người tự nhận mình là đại gia thì họ không phải là doanh nhân. Bởi kinh doanh chân chính thì không thể có tiền nhiều như thế được trong điều kiện của xã hội chúng ta”.. -Ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư InvestConsult Group khẳng định với Phunutoday như vậy xung quanh lùm xùm việc tổ chức đám cưới siêu khủng của một số nữ đại gia.
Chỉ là những hư hỏng trong cuộc sống!
PV:- Hiện dư luận đang xôn xao về sự kiện các nữ đại gia ở vùng đất Tây Đô, Hà Tĩnh chơi ngông bằng việc mượn máy bay bầu Đức để rước dâu, tặng quà cho con bằng nhà trăm tỷ, tổ chức siêu đám cưới với chi phí đến 50 tỷ đồng. Là một doanh nhân thành đạt, ông có nhận xét gì về hiện tượng này?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Tôi không muốn phát biểu với tư cách là một doanh nhân thành đạt, tôi cũng không phải là một doanh nhân thành đạt theo bất kỳ một định nghĩa nào.
Bởi suy cho cùng thuật ngữ doanh nhân thành đạt là thuật ngữ của báo chí, không phải thuật ngữ của giới kinh doanh.
Báo chí đã vẽ ra một đội ngũ doanh nhân và một số tiêu chuẩn để hình thành ra họ, cho nên mới có một sự chú ý đến mức không tỉnh táo đến các hiện tượng giống như vừa đề cập tới.
Doanh nhân là doanh nhân, doanh nhân là một người lính ngoài mặt trận, có thể thành anh hùng và có thể thành liệt sĩ.
Khi chúng ta để ý đến họ với tư cách là một người có thể thành anh hùng thì đôi khi chúng ta nhìn thấy trước hình ảnh anh hùng của họ.
Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến họ với tư cách là một kẻ rất có thể trở thành liệt sĩ thì chúng ta sẽ thấy bao nhiêu rủi ro xung quanh họ.
Cho nên hiện tượng chơi ngông hoặc làm ầm ĩ của một vài người nó không phải và không thuộc về giới doanh nhân. Bởi kinh doanh trong điều kiện của nền kinh tế thế giới vào giai đoạn này để sống sót được đã khó. Báo chí đã đưa ra rất nhiều con số thống kê về mấy chục ngàn doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Ngay từ đầu năm đến giờ Hà Nội cũng có mấy trăm công ty phải đóng cửa.
Không nên gán cho giới doanh nhân những phẩm hạnh hoặc những hành vi thỉnh thoảng mới có mà xã hội cho là xấu. Kinh doanh là phương tiện để những người có những biểu hiện xấu thể hiện chứ không phải là phẩm chất. Doanh nhân hơn ai hết biết rất rõ sự vất vả của việc kiếm tiền, biết rõ giá trị của đồng tiền, và không có một người kinh doanh chân chính nào có được tiền một cách dễ dàng và phung phí như thế.
Tôi chưa bao giờ nhận tôi là một nhà kinh doanh. Tôi kinh doanh vì cuộc sống của cá nhân tôi, của vợ tôi, con tôi, và khi có tiền rồi thì tôi kinh doanh tiếp tục vì còn nhiều đồng nghiệp của tôi chưa có nhà cửa, chưa có xe pháo. Kinh doanh là phương tiện để cấu tạo ra các điều kiện để sống chứ không phải là cuộc sống. Tôi không xem kinh doanh là cuộc sống.
Và tôi là một con người, dù làm bất cứ điều gì, tiến hành bất cứ loại hành vi gì và trở thành một thứ gì trong những chặng khác nhau của cuộc đời thì tôi đều vì con người cả. Không phải vì con người với tư cách là phấn đấu vì một đối tượng bên ngoài tôi, mà là giữ gìn phẩm hạnh của tôi như một con người. Con người có nghĩa vụ trước hết với mình là giữ cho mình nguyên vẹn là một con người. Đấy là thẩm mỹ chính trị của tôi về cái gọi là kinh doanh hoặc bất kỳ cái gì.
PV:– Vậy có thể gọi đó là kiểu đốt tiền chơi ngông của một số đại gia?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Chúng ta chưa có những đại gia thực sự, và nếu có những người tự nhận mình là đại gia thì họ không phải là doanh nhân. Bởi kinh doanh chân chính thì không thể có tiền nhiều như thế được trong điều kiện của xã hội chúng ta. Tôi rất buồn về việc báo chí, dư luận ghép vào trong đội ngũ những người kinh doanh thông thường những trường hợp mà các bạn gọi là đại gia.
Rất khó để trở thành đại gia. Đại gia là những thiên tài, mà trong xã hội của chúng ta thì khó có thể tìm thấy thiên tài nào như vậy. Các “đại gia” mà dư luận và báo chí vẫn gọi hiện nay là kết quả của một phương pháp khác, một loại hình khác, không thể gọi là kinh doanh được.
Tôi nghĩ tất cả những chuyện ầm ĩ mà chúng ta vừa đề cập là những chuyện đau lòng của cuộc sống, đấy là những ví dụ hư hỏng mà cuộc sống của chúng ta có.
Đốt tiền chơi trội: Không phải hành vi của con người!
“Miền tây Nam Bộ như trường hợp thứ nhất và miền tây Hà Tĩnh như trường hợp thứ hai, nơi ấy đẻ ra những bằng chứng, những con người vĩ đại lắm, đừng làm nhục miền quê ấy bằng cách dùng nó để giải thích cho những hành vi như thế”…
PV:– Họ nói rằng việc tổ chức đám cưới khủng như vậy là vì thương miền quê nghèo quanh năm không có được một sự hưởng thụ nào…
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Miền quê nghèo ở Hà Tĩnh ấy đã đẻ ra Nguyễn Du vĩ đại, đẻ ra những anh hùng như Phan Đình Phùng, gần đây là Hà Huy Tập, Trần Phú. Miền quê ấy không tệ hại đến mức đẻ ra những trường hợp như vậy.
Đừng lấy bất kỳ cái gì để giải thích cho những hiện tượng như vậy. Miền tây Nam Bộ như trường hợp thứ nhất và miền tây Hà Tĩnh như trường hợp thứ hai, nơi ấy đẻ ra những bằng chứng, những con người vĩ đại lắm, đừng làm nhục miền quê ấy bằng cách dùng nó để giải thích cho những hành vi như thế.
PV:– Vậy với ông như thế nào được cho là một đại gia thực sự?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Đại gia thực sự là những người kinh doanh thành công, những người từng bước cùng với thời gian, cùng với xã hội xây dựng nên những nền công nghiệp, những đế chế kinh doanh khổng lồ, đem lại một lợi ích rất khó đo đếm cho xã hội.
Một đại gia thực sự là người không hề để ý đến mình, họ không có mục tiêu để trở thành đại gia. Còn một người thiết kế kích thước đại gia của mình trước khi trở thành đại gia thì đấy lại là chuyện khác.
Tức là anh muốn có kích thước. Nếu là một người thông thường, nếu là những thanh niên lành mạnh thì đều có bạn bè, có cộng đồng của mình. Kẻ bay lên trên đầu cộng đồng của mình, kẻ nhảy múa lên trên thân phận của bạn hữu của mình liệu có lành mạnh không? Chắc chắn là không.
Không ai tự nhận mình là người có đạo đức nếu sống trong những điều kiện vượt quá sức chịu đựng của xã hội xung quanh mình. Một món quà mà mình tiêu, một bữa ăn mà mình trả tiền nó lớn bằng mức sống hàng tháng của cả một gia đình hoặc thậm chí hàng năm chẳng hạn, những thứ đó được gọi là vô nhân đạo.
Chúng ta không nên mất thì giờ để bình luận về những trường hợp mà nó vượt ra khỏi ranh giới con người, khỏi khuôn khổ con người. Tôi không xem những hành vi chơi trội ghê gớm như vậy là hành vi của con người, đó là hành vi phi con người, thậm chí là hành vi chống lại con người.
Chống lại con người là làm cho con người xấu đi, làm cho con người nhỏ bé đi, trở nên quằn quại trước các chi tiêu của mình, khiếp nhược trước sự giàu có và hoang phí của mình.
Những cái đó làm cho con người bé tí đi, làm cho con người run sợ, không dám tự tin, không dám hành động, đặc biệt là không cố gắng được nữa, bởi cố mấy cũng không thể bằng nó.
Tất cả những ai sống trên con người, sống một cách đe nẹt, sống một cách đè bẹp những trạng thái yên ổn thông thường của con người là kẻ vi phạm nhân quyền. Người ta không bắt kẻ đó vào tù được, nhưng người ta có thể căm ghét kẻ đó. Tất cả những người lành mạnh đều phải cố gắng sống sao cho không tạo ra sự căm ghét như vậy của những người xung quanh mình.
Những bài báo của các bạn đang chiếu cho thiên hạ thấy thêm rằng họ sống đến mức gặt hái được sự căm ghét của toàn xã hội. Tôi rất ghê sợ những chuyện như thế này vì nó rất phi con người.
Tham nhũng, bất chính sinh ra những kẻ ngông nghênh như vậy
“Họ thay thế phông văn hóa như một phương tiện để tổ chức mối giao lưu, quan hệ sống giữa con người với nhau bằng những phương tiện có thể đe nẹt, có thể bắt nạt, có thể đè bẹp các giá trị tinh thần của con người”…
PV: – Vậy theo ông, hành động mượn máy bay rước dâu hoặc chi cho con những ngôi nhà hơn trăm tỷ đó có được gọi là hành động chơi trội ghê gớm, phi con người và đó có là thói chơi trội của những kẻ trưởng giả học làm sang hay những người mà dân ta quen gọi là trọc phú?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Chỉ có công an mới trả lời được câu hỏi như vậy. Câu hỏi bạn đề nghị tôi trả lời liên quan đến sự yên ổn cá nhân của hai trường hợp. Tôi rất không muốn trả lời về hai trường hợp cụ thể này, bởi tôi không thể dành cho những trường hợp này sự chú ý đặc biệt nào.
Vì không có sự chú ý nên trả lời về họ sẽ vô tình đem lại những sự thiệt thòi mà đáng ra không nên có. Tôi không thích chuyện ấy, và tôi cũng không thích báo chí quá chú ý đến những trường hợp như thế.
Chúng ta có rất nhiều tấm gương tốt, chúng ta có những doanh nhân rất vất vả, có những sự nghiệp rất chắc chắn, đã bắt đầu có những sản phẩm có giá trị phục vụ và có giá trị để tạo ra một nền kinh tế Việt Nam tử tế. Chúng ta nên chú ý đến những chuyện ấy. Còn những thứ như kia không đáng để ý.
Đừng để ý đến số tiền vì số tiền không phản ánh sự giàu có. Người ta có thể đi vay để tiêu. Tôi tin chắc là không có một thanh niên nào thấy hạnh phúc khi ở trong một căn nhà mà họ biết rõ nguồn gốc của nó là bất minh đối với tất cả các tiêu chuẩn đạo đức. Còn nếu họ cảm thấy hạnh phúc thì càng không nên để ý nữa.
Tôi khuyên báo chí không nên để ý đến những chuyện này. Chúng ta đừng tiếp tay cho những kẻ ngông nghênh như vậy để biểu dương trước dư luận xã hội về một sự ngông nghênh không nên có. Lên án cũng là một sự biểu dương, bởi người ta cần có tin đồn, cần có tiếng tăm và cần có huyền thoại.
PV:– Đâu là nguyên nhân xuất hiện của những kẻ ngông nghênh như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Nó ở nhiều chỗ, nhưng đại thể là tham nhũng và làm ăn bất chính. Hiện trạng xã hội chúng ta đang có không ai có thể làm ra quá nhiều tiền được bằng cách thức tương đối lương thiện.
PV: – Vậy ông nghĩ gì với ý kiến cho rằng: những kẻ không có tiền mới có thể chê bai họ là nhà giàu chơi ngông như thế?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Trong một buổi giao lưu với sinh viên của trường Đại học Kinh tế, khi trả lời câu hỏi của sinh viên tôi đã nói: Chúng ta phấn đấu sống và làm việc như thế nào để tiền là sản phẩm phụ của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải làm ăn như thế nào để tiền là một tất yếu phụ chứ không phải là một tất yếu chính.
Tôi nghĩ rằng con người nếu sống có lý tưởng, có phẩm hạnh thì nên cố gắng sống như thế. Người ta cho chất độc vào trong sữa, dùng những hóa chất độc hại để làm tươi thức ăn, để làm nạc hóa đàn lợn, tất cả những chuyện như thế đang diễn ra hàng ngày trên thế giới và nó bị lên án một cách toàn cầu.
Những sản phẩm độc hại ấy từ đâu ra? Từ chỗ anh làm tiền bằng mọi giá. Nếu con người có một đòi hỏi có tiền bằng mọi giá và có nhiều tiền bằng mọi giá, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền, tức là mua mọi thứ bằng mọi giá thì xã hội chúng ta có phải xã hội con người nữa không?
Và chúng ta còn hứng thú để sống một cách có lý tưởng, sống một cách có tâm hồn, sống một cách có giá trị tinh thần nữa không? Những kẻ chơi ngông như vậy đang đập chết cảm hứng sống của hàng chục triệu con người.
Những kẻ làm tiền bằng mọi giá đang đầu độc nhân loại và làm mất đi sự thanh thản khi uống khi ăn, bởi vì tiềm ẩn trong tất cả những cái có thể uống, có thể ăn là sự độc hại do động cơ làm tiền bằng mọi giá.
Chúng ta ngây thơ, chúng ta đơn giản, chúng ta không có thì giờ để để ý, để suy nghĩ, chúng ta không ngẫm nghĩ và vô tình chúng ta nuốt vào trong người mình, khoác lên cơ thể mình những thứ độc hại là sản phẩm của những kẻ làm tiền bằng mọi giá.
Chỉ có những kẻ như vậy mới kiếm ra tiền một cách dễ dãi trong điều kiện khó khăn hiện nay của nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế của đất nước mình. Những kẻ đó đang đầu độc không chỉ cả các điều kiện sống mà cả các điều kiện tinh thần của cuộc sống.
Những cô gái ngây thơ có thể lác mắt về xe pháo, về quần áo, về quà tặng của một kẻ lắm tiền, và điều đó đã bẻ gãy rất nhiều những tình yêu vốn dĩ đáng ra phải lành mạnh. Sự kích động những tâm lý không lành mạnh bẻ gãy một cách toàn diện các điều kiện sống.
Bạn bỗng nhiên thấy cậu bạn trai của mình, một người hiền lành lao động chân chính, bất lực trước việc có tiền để đánh đu với những kẻ đi bằng trực thăng. Nếu bạn là một người tốt thì bạn bỗng nhiên thấy thương hại người bạn trai nghèo khổ hoặc không giàu có của mình. Và như vậy chính là những kẻ chơi trội ấy đã nhét thuốc độc vào tình yêu của bạn.
Và tôi cũng không bàn đến phông văn hóa của họ. Bởi vì phông văn hóa của một con người chính là nhân tính của hành vi của họ, hay là tính nhân văn trong đời sống tinh thần của họ, mà sống như thế thì chắc chắn không có tính nhân văn của đời sống. Thế thì bàn đến phông văn hóa làm gì?
Có lẽ họ cũng không quan tâm đến phông văn hóa của họ. Họ thay thế phông văn hóa như một phương tiện để tổ chức mối giao lưu, quan hệ sống giữa con người với nhau bằng những phương tiện có thể đe nẹt, có thể bắt nạt, có thể đè bẹp các giá trị tinh thần của con người.
PV:– Hiện tượng này phản ánh điều gì trong xã hội, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Đấy là một thực tế mà Đảng ta đang phải dựng ra cả một nghị quyết vĩ đại để khắc phục hậu quả, đó là Nghị quyết Trung ương IV.
Tôi xem nghị quyết Trung ương IV là một cuộc chiến đấu rất gian khổ của những người lãnh đạo của chúng ta để giúp xã hội thoát ra khỏi tất cả các tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật, suy thoái, hư hỏng như thế này. Đấy là một cuộc chiến đấu đáng ca ngợi, đáng vỗ tay, và rất đáng khen về lòng dũng cảm và động cơ đạo đức đằng sau đó.
Tôi cảm động về chuyện ấy hơn là đánh giá nó. Tôi không xem cuộc chiến đấu này của những người lãnh đạo đất nước chúng ta như một trò chơi để đặt cọc hay kỳ vọng vào đó hay quan sát nó như là một trò chơi, một cuộc đấu để tin tưởng hay không tin tưởng.
Tôi phải xem tôi và xã hội được hưởng lợi gì từ cuộc đấu tranh ấy và tôi thấy rằng đấy là một cuộc chiến đấu rất đáng kính trọng, và với tư cách là một con người thì đáng cảm động.
Các nhà lãnh đạo của chúng ta buộc phải làm cái gì đấy và đây là việc làm kịp thời, lúc xã hội đã bắt đầu căng thẳng và bức xúc về những thói hư tật xấu mà nói cho cùng do sự quản lý yếu kém tạo ra, và lúc mà mầm mống của một số thói quen xấu bắt đầu hình thành, bắt đầu sừng sộ bắt nạt cuộc sống thông thường. Đây là sự ngăn chặn rất đúng lúc và đây là một cuộc chiến đấu dũng cảm.
Tôi cho rằng luôn luôn phải giúp con người, kể cả những người đã trót dại có những hành vi ngông nghênh. Họ cũng có những tội nghiệp riêng của họ.
Về phông văn hóa, đấy cũng là một cái tội nghiệp, bởi vì trong khi thừa cái này thì họ thiếu cái khác. Thừa cái này và thiếu cái kia sẽ tạo ra các hành vi ngông nghênh như vậy, bởi vì các hành vi xuất hiện một cách tổng hòa giữa cái thừa và cái thiếu trong những yếu tố cấu tạo ra giá trị tinh thần của một con người.
Tiêu tiền bừa bãi sẽ phá hoại các tiêu chuẩn sống
PV:– Liệu những kẻ kiếm nhiều tiền bằng mọi giá như vậy có tạo ra cho xã hội chúng ta một nền kinh tế vững chắc không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: – Những người nhiều tiền không có tội gì cả, chỉ có những người tiêu tiền một cách bừa bãi và những người kiếm được nhiều tiền bằng những cách không tử tế, không minh bạch thì gây khó khăn cho xã hội chúng ta.
Sự chơi bời, mua sắm một cách bừa bãi tạo ra hiện tượng phá giá, nhưng nghiêm trọng hơn cả là hiện tượng phá hoại các tiêu chuẩn sống.
Giá cả của cuộc sống phù hợp với năng lực để tạo ra sự yên ổn, khi anh làm quá lên thì anh làm nhiễu loạn hệ thống giá trị, và anh làm cho xã hội phân vân về những cái mình đang có và con người buộc phải phá vỡ sự yên tĩnh để đi tìm một giá trị mà chắc chắn 100% là năng lực của họ không thể tìm được.
Tội ác của những thứ chơi ngông ấy kinh khủng lắm, nó không đơn giản là chúng ta cười rồi chế giễu đâu. Nó buộc phải được lên án về mặt đạo đức một cách chuyên nghiệp chứ không phải bằng việc đưa các tin lá cải.
Tức là phải phân tích khoa học về thói xấu ấy, về tác động xấu ấy đối với xã hội. Những người đó có kiếm được bao nhiêu tiền, tiêu bao nhiêu tiền, đốt cháy bao nhiêu tiền đi nữa thì họ cũng không có thêm giá trị đối với bất kỳ người nào có giá trị.
Những người có tiêu chuẩn, những người biết rõ giá trị họ không bị lung lạc bởi những thứ chơi ngông ấy. Những người như vậy chỉ tập hợp xung quanh mình hai thứ: những thứ đố kỵ, tầm thường mà mỗi người có một chút, và sự trầm trồ của những kẻ hư hỏng và sẵn lòng hư hỏng như họ.

Không có nhận xét nào:

Trang