4 tháng 10, 2015

NGƯỜI VIẾT SỬ TÂM HỒN MỘT THẾ HỆ


Bùi Minh Quốc
Trong thế hệ chúng tôi, những người sinh trước và sau Cách mạng Tháng 8-1945, thơ Bùi Minh Quốc là một phần, nói đúng hơn là lịch sử của tâm hồn mình. Một lịch sử đi từ “Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt đến “cay đắng thay” ở gần cuối đời!
Bùi Minh Quốc sinh ngày 03.10.1940 ở Mỹ Đức, Hà Tây, nhưng từ nhỏ anh đã theo gia đình đến sống ở Hà Nội. Thơ anh nổi tiếng ngay từ lúc còn rất trẻ, ngoài 20 tuổi. Bài thơ “Lên miền Tây” của Quốc được đưa vào sách giáo khoa từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Có thể nói, thế hệ trẻ chúng tôi ở miền Bắc thời ấy, không mấy ai không thuộc bài thơ này:
Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên Miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ôi Miền Tây !
Ở dưới xuôi, sao nghe nói, ngại ngùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy
Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường
Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn.
Cái chất lý tưởng, lãng mạn đến cuồng nhiệt của Bùi Minh Quốc đã “chất chồng mơ ước lớn” cho biết bao chàng trai Hà Nội lúc đó. Nhiều bạn bè tôi, sau này là những nhà giáo nổi tiếng, nhà thơ nổi tiếng, đạo diễn nổi tiếng, bác sĩ nổi tiếng đã xung phong lên miền Tây công tác và mang trong tâm hồn mình những câu thơ ướp “lửa trong lòng” ngày ấy.
Năm 1967 Bùi Minh Quốc vào Nam công tác ở Tiểu ban Văn Nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5 lúc con gái đầu lòng của nhà thơ mới gần 6 tháng tuổi. Gần một năm sau, vợ anh là nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng vô Nam, gửi lại con nhỏ cho bà ngoại cháu nuôi. Trong một chuyến công tác ở vùng sâu Duy Xuyên (Quảng Nam), đêm 08.03.1969, chị bị lính Nam Triều Tiên sát hại ở tuổi 28.
Đau thương và căm giận tuôn trào trên ngọn bút, nhà thơ - dưới bút danh Dương Hương Ly - đã cho ra đời “Bài thơ về hạnh phúc” năm 1969. Với bút danh ấy, tập “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ” và nhiều sáng tác khác của Bùi Minh Quốc đã trở thành tài sản của văn học Việt Nam hiện đại:
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.
Đó là những lời ca bao lớp chiến sỹ lúc hành quân đã nghe.
Nhưng, khi đất nước đã thống nhất, non sông về một mối thì nhà thơ lại nhận ra:
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này.
(Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn)
Cái cỗ máy ấy đã để mất một dải biên cương mà nhà thơ đã phải lên tận nơi ôm lấy cột mốc mà khóc.
Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu
Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu
Một tấc giang sơn không được để hao mòn
(Tiếng máu biên cương)
Cái cỗ máy ấy đã vừa chặt cây xanh ở Hà Nội, đã lấp sông Đồng Nai, đã cố tâm xây tượng đài 1.400 tỷ đồng trong lúc trẻ em ở miền quê ấy phải ăn thịt chuột để đi học.
Cái cỗ máy ấy đã gây ra cảnh
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ tự lột truồng lăn mình giữ đất
(Vì Nhân Dân quên mình, 12.2014)
Cái cỗ máy ấy thoái hoá biến chất, tham nhũng đến độ “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” như chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận !
“Nghìn khát vọng” ban đầu không còn nữa, vì:
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.
Chỉ có nghệ sĩ lớn, tâm hồn lớn, trái tim lớn mới đủ độ đớn đau để dám viết những vần thơ như thế về đất nước mình.
SG đầu tháng 10.2015
Lê Phú Khải
Thư gởi Bùi Minh Quốc nhân sự kiện tổ chức mừng sinh nhật lần đầu lúc 75 tuổi.
Tiêu Dao Bảo Cự
Anh Quốc thân,
Anh báo tin sẽ tổ chức mừng sinh nhật lần đầu năm 75 tuổi (vì từ trước chưa bao giờ tổ chức mừng sinh nhật), lại muốn “gầy cuộc nhậu” trên đỉnh Langbian với các bạn thân vào ngày 3/10 năm nay, thật là một “sự kiện” cũng có thể xem là lạ lùng. Rất tiếc chúng tôi đang ở xa, không đến dự được, thật là thiếu sót và tiếc nuối.
Để bù lại, nhân dịp này, tôi muốn viết đôi điều gởi anh về mối quan hệ giữa chúng ta và chuyện tình bạn.
Chúng ta quen nhau từ thuở vận động thành lập Hội Văn Nghệ Lâm Đồng năm 1987, đã gần 30 năm. Thuở ấy anh từ Đà Nẵng vào, tôi từ Bảo Lộc lên Đà Lạt, theo yêu cầu của đảng để làm chi bộ hạt nhân lãnh đạo Hội (cùng với một Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được điều qua). Cũng thật hay là đảng muốn dựa vào chúng ta để lãnh đạo văn nghệ nhưng ngược lại chúng ta lại làm cho văn nghệ thoát ly sự lãnh đạo của đảng. Từ đó bao nhiêu sóng gió xảy ra mà đỉnh cao là việc tạp chí Langbian của Hội sau số 3 bị đình bản và “chuyến đi xuyên Việt” cuối năm 1988 (có mời nhà thơ Hữu Loan mới “tái xuất giang hồ” sau 30 năm chôn mình ở Nga Sơn, Thanh Hóa, cùng đi) để đòi tự do sáng tác, báo chí, xuất bản và đổi mới thực sự. Tôi đã ghi lại sự kiện này trong bút ký “Hành trình cuối đông” như một “chứng từ có tính lịch sử”. Hệ quả là anh và tôi đều bị khai trừ ra khỏi đảng (lúc đó anh 22 và tôi 15 tuổi đảng), bị cách chức lãnh đạo ở Hội Văn Nghệ (riêng tôi còn bị trục xuất ra khỏi Hội). Chúng ta trở thành nhà văn tự do. Đúng là “tái ông thất mã”.
Từ đó chúng ta, cùng với một số bạn thân khác ở Đà Lạt, đã đi chung con đường đấu tranh cho tự do dân chủ và cùng chịu khổ ách: công an thẩm vấn triền miên; gia đình bị bao vây cô lập, gây khó khăn cho việc mưu sinh; quản thúc tại gia một, hai “lệnh” hai năm. Riêng anh còn thêm vụ bị buộc lên phường hàng ngày liên tục 6 tháng trời để kiểm điểm vì làm mãi không đạt yêu cầu ?!. Câu thơ của anh ngày xưa lúc thúc giục “Lên Miền Tây”: 
Tuổi hai mươi khi nghĩa đời đã thấy
Dù gian nan biết mấy cũng lên đường
Được Hà Sĩ Phu sửa thành:
Tuổi sáu mươi khi nghĩa đời đã thấy
Dù gian nan biết mấy cũng lên phường
Tôi còn nhớ khi cả hai chúng ta cùng lúc bị quản chế, anh tổ chức giỗ vợ cũ, chị Dương Thị Xuân Quý, người đã hi sinh trong chiến đấu. Anh tìm cách nhắn mời tôi. Theo quy định quản chế, tôi phải làm đơn yêu cầu gởi công an. Sau đó tôi được trả lời “không đồng ý vì lý do không thực sự cần thiết”. Chả hiểu theo họ thế nào là cần thiết. Dĩ nhiên họ cốt không để chúng ta gặp nhau. Tính lại ở Đà Lạt, một thành phố nhỏ xíu, tới nhà nhau chỉ mất mươi phút, chúng ta có 4 bạn thân mà từ khi bị trù dập, chia cách, phải sau 10 năm mới có dịp gặp nhau đông đủ!
Một lần vào dịp Tết, không đi thăm nhau được, anh đã gởi tặng chúng tôi mấy câu thơ viết tay trên bìa một tấm giấy cứng nhỏ, không biết anh còn nhớ hay ghi lại không, tôi còn lưu giữ, vẫn tràn đầy tình cảm và “lạc quan cách mạng” dù trong hoàn cảnh bức bách: 
Thơ xuân Kỷ Mão tặng Tiêu Dao Bảo Cự - Bạch Yến ở Động hoa vàng: 
Thuở trước bom gầm thơ vẫn ngân
Nay thơ vượt ngục tới tri âm
Tiêu dao rúng động hoa vàng tỏa
Bốn mùa én liệng bốn mùa xuân 
Lại cũng “tái ông thất mã”. Nhờ thế mà anh có tập “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” và nhiều thơ, truyện khác; tôi có tiểu thuyết “Nửa đời nhìn lại”, tập truyện ngắn “Trên cả hận thù”, tác phẩm viết “Mảnh trời xanh trên thung lũng” và chúng ta đã viết bao nhiêu bài chính luận đầy chất lửa được Internet chắp cánh bay bốn phương trời. Đòi tự do bị mất tự do nhưng mất tự do lại càng nung nấu ý chí tự do. Đảng tự hào với sức mạnh “bách chiến bách thắng muôn năm” tưởng rằng thắng lớn nhưng có lẽ “lỗ to” trong việc đối xử như thế này với những người cầm bút bất đồng chính kiến.
Anh và tôi xuất thân hoàn toàn khác nhau. Anh là nhà văn Miền Bắc tình nguyện vào Nam chiến đấu, tôi là “sinh viên tranh đấu” và là người cầm bút đối kháng ở Miền Nam. Chúng ta khác nhau rất nhiều về gia đình, hoàn cảnh, quá trình, nền giáo dục, tâm trạng… Nhưng chúng ta gặp nhau ở chỗ cùng trải nghiệm chiến tranh (theo những cách khác nhau), cùng tha thiết với độc lập tự do và khát vọng hòa bình của dân tộc, cùng dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu bên cạnh ngợi ca tình yêu và cuộc sống. Phần khác quan trọng không kém, có lẽ chúng ta đều là những kẻ “lãng mạn cách mạng”, phóng khoáng và nhân văn trong cách nghĩ, lối sống.
Có thể nhờ thế mà hai chúng ta, cùng vài bạn thân khác, có thể duy trì được tình bạn sau bao nhiêu thử thách, có khi gay cấn, đến mức muốn chia tay hay “khai trừ” nhau, do thủ đoạn của bộ máy cai trị gây chia rẽ và một phần nào cũng do sự cực đoan, khác biệt trong quan điểm của từng người.
Tuy nhiên đến bây giờ tôi vẫn “bảo lưu” ý kiến cho rằng ngay trong chúng ta, ngay trong bất cứ ai dù có lý tưởng trong sáng, đấu tranh cho tự do dân chủ, là “ hãy cảnh giác với những hành vi cực đoan, thủ đoạn bẩn thỉu trong chính trị, nhất là với phương châm mục đích biện minh cho phương tiện”. Điều đó sẽ làm hoen ố những gì tưởng là cao đẹp nhất. Dĩ nhiên chúng ta đã quá biết chính trị là gì, chính trị là điều không tránh khỏi trong cuộc sống, phân biệt thái độ chính trị với hoạt động chính trị, chính trị chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, chính trị cầm quyền… Người cầm quyền sẽ vấy bẩn chúng ta và chúng ta cũng có thể tự làm vấy bẩn mình. Không cảnh giác điều này, tình bạn sẽ tan vỡ.
Tình bạn là gì? Đã có vô số định nghĩa về tình bạn nhưng nhất định trong tình bạn phải có sự đồng cảm và chia sẻ về số phận riêng và số phận chung của con người, ở một mức độ nào đó, mà người trong cuộc cảm thấy ấm lòng, được an ủi khi nghĩ đến nhau. Tình bạn không đắng – cay như rượu, không đắng – ngọt café, có thể đối với nhau như nước lã (Tàu xưa gọi là “nhược như đạm thủy”?) nhưng chính “nước lã” này mới uống mãi không chán và tưới mát tâm hồn khi có nhau và nghĩ về nhau trong cuộc đời.
Anh và tôi vẫn còn nhiều khác biệt về quan điểm và lối sống. Điều ấy tất nhiên. Đặc biệt về quan điểm chính trị. Tuy nhiên tôi vẫn quý anh ở chỗ anh vẫn luôn nói ý mình, bất cứ ở đâu, dù có khi bị công kích vì không lọt tai người này người khác. Chân lý nằm ở đâu trong thời đại hỗn mang này? Thật khó xác định và ai đủ tư cách, thẩm quyền làm quan tòa để phán xét mọi người, mọi chuyện. Dĩ nhiên cũng có những sự thật hiển nhiên mà mọi người đều thừa nhận. Đó là “Ung dung ta nói điều ta nghĩ/Cúi, ngửa theo người quyết chẳng theo”- Nguyễn Trãi. Đó không phải là nhân cách sao.
Mừng cho anh đến hôm nay vẫn còn sung sức và tiếp tục cuộc chiến đấu.
Thư này như một chén rượu và lời “mừng tuổi” anh (không phải mừng thọ) trên đỉnh Langbian cùng với các bạn khác. Chuyện của chúng ta là chuyện rất riêng nhưng cũng có cái gì rất chung của một thời... Cạn chén nhé!

(Nhắc đến Langbian, tôi lại nhớ thêm về cái tên chúng ta đã chọn cho tờ báo của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng. Tỉnh ủy muốn lấy tên “Tạp chí văn nghệ của Tỉnh Lâm Đồng”, thật là “phi văn nghệ”. Chúng ta phải nhờ một nhà nghiên cứu viết hẳn một bài về sự tích và ý nghĩa núi Langbian, ra sức thuyết phục cả ban thường vụ Tỉnh ủy trong hẳn một cuộc họp dành riêng bàn chuyện chọn tên tạp chí. Đúng là đảng lãnh đạo sát sườn, toàn diện và tuyệt đối!? Langbian, ngọn núi cao nhất của cao nguyên Lâm Viên, với sự tích tình yêu và đấu tranh của chàng Lang và nàng Bian, với hình tượng đôi bầu vú của “Núi Bà” là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ ở xứ sở ngàn thông này. Uống rượu ở đây đừng quên nhắc lại chuyện đó cho các bạn có mặt nhé.)
2/10/2015
Tiêu Dao Bảo Cự
TỪ DƯƠNG HƯƠNG LY ĐẾN BÙI MINH QUỐC
Lê Huy Mậu
Tại đại hội Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Lâm đồng lần thứ VII, là đại biểu khách mời nhưng tôi không ngồi hàng ghế đại biểu mà ngồi lẫn trong hàng ghế dành cho hội viên. Tôi đến có hơi muộn nên tiện đâu thì ngồi đấy. Chưa kịp quan sát xung quanh thì tôi nghe phía sau lưng có tiếng chào nho nhỏ:- Chào anh L H M. Tôi là Trung An đây! Quả thực đã lâu tôi không gặp anh Trung An, giá anh không xưng tên ngay chắc tôi không nhận ra. Đang họp, anh Trung An chỉ ghé tai nói nhỏ:- Xong đây, anh có tới thăm anh Bùi Minh Quốc tôi đưa đi! Tôi cám ơn anh, hẹn đại hội xong, tôi và anh sẽ đến thăm anh Quốc.
Lên Đà lạt tôi thường ghé thăm anh Quốc. Thực ra, nói chuyện với anh Quốc tôi cũng không biết nói chuyện gì. Nhưng không ghé thăm anh cứ cảm thấy như mình hèn hèn sao ấy. Không phải ngại mà vì chuyện của anh Quốc nghe rất mệt . Tôi không thấy anh Quốc có gì sai, tôi chỉ thấy anh Quốc thế nào ấy! Thử hỏi, cả ngàn nhà văn ai không yêu nước, ai không căm thù bọn tham nhũng, bọn cơ hội dưới mọi hình thức.? Nhưng, cũng tùy theo hoàn cảnh từng người, cũng tùy theo quan niệm từng người mà có nhiều cách ứng xử khác nhau. Tuy cũng có những phần tử cơ hội, nhưng loại ra, không tính, còn thì phần đông cũng trăn trở lắm chứ, đau xót lắm chứ. Nói ra điều này tôi sợ anh Quốc mắng, nhưng tôi thầm nghĩ: “Sao anh cứ phải ôm rơm chi cho nhặm bụng!”
Anh Quốc nổi tiếng với bài thơ Lên miền tây từ ngày anh còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Không ai trong lứa chúng tôi không thuộc bài thơ Lên miền tây của anh. Bây giờ nghĩ lại thì thấy thơ anh Quốc thời ấy cũng giống thơ Tố Hữu, cũng hừng hực khí thế cách mạng những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Vào chiến trường anh lấy bút danh là Dương Hương Ly. Không phải ai cũng biết Dương Hương Ly là Bùi Minh Quốc. Năm 1986, sau chuyến anh Quốc ghé thăm nhà thơ Xuân Sách vừa chuyển từ Đồng nai xuống Vũng tàu để lo việc thành lập Hội Văn Nghệ Đặc khu Vũng tàu- Côn Đảo, tôi đưa anh Bùi Minh Quốc lên Sài gòn, ở nhà đứa cháu họ làm việc trong nhà máy thủy tinh Khánh hội. Nhà máy tổ chức cho tôi và anh Quốc đi tham quan, buổi chiều họ mở tiệc chiêu đãi. Khi tôi giới thiệu anh Bùi Minh Quốc chính là nhà thơ Dương Hương Ly thì nhiều người hết sức sửng sốt. Thế rồi anh Quốc trở thành tâm điểm chúc tụng của mọi người. Hồi ấy bộ khung tiếp quản nhà máy thủy tinh Khánh hội toàn là cán bộ miền Bắc và bộ đội chuyển ngành. Nhiều bài thơ của Dương Hương Ly được họ thuộc lòng. Họ đọc thơ anh Quốc hết bài này đến bài khác. Người này quên thì người bên canh nhắc, họ thuộc thơ anh Quốc nhiều hơn cả tôi. Tôi thầm ghen với vinh quang của anh. Tất nhiên, anh xứng đáng được tôn vinh trước những gì mà anh đã đóng góp cho cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.. 
Khi tôi gặp anh Quốc lần đầu, tôi thấy anh Quốc điềm đạm, ít nói. Anh và nhà thơ Xuân Sách gật gù với nhau có vẻ tâm đắc lắm. Hai ông như quên có tôi bên cạnh. Sau này tôi mới biết, chính thời gian đó anh Quốc có lời mời của tỉnh Lâm đồng về thành lập Hội ở Lâm đồng. Anh Quốc bảo, anh cũng thích Vũng tàu, nhưng Vũng tàu mời Xuân Sách rồi. Tôi cứ tiếc mãi, bấy giờ anh Hưng Nam Ban Tuyên giáo có bảo tôi tìm người để thành lập nhà xuất bản. Giá có anh Quốc thì có khi Vũng tàu cũng có nhà xuất bản rồi. Thời kỳ anh Quốc làm chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm đồng tôi không được rõ lắm. Có nhiều sự cố đến với anh. Cái tên Bùi Minh Quốc thường được nhắc đến trong các cuộc giao ban ngành Tuyên Giáo. 
Anh Quốc có bài thơ viết về sư đoàn Sao vàng – là sư đoàn chủ lực tham gia giải phóng Bà rịa- Long khánh. Nguyển Đình Thống- trưởng phòng lịch sử đảng Ban Tuyên Giáo in bài thơ “ Ơi bãi bờ tìm kiếm suốt đời ta” của Bùi Minh Quốc vào tập san Lịch sử đảng. Thống nhờ tôi chuyển giúp báo biếu và nhuận bút cho anh Quốc.Tôi hỏi địa chỉ chị Thục vợ anh rồi gửi theo địa chỉ của chị Thục. Bấy giờ anh Quốc đang bị quản chế, không đâu dám in thơ của anh cả. Nhận được báo biếu và nhuận bút anh cảm động lắm. Vì việc này mà khi hết bị quản chế, anh có làm bài thơ tri ân bạn bè và gửi cho tôi một bản. Hôm anh Quốc và anh Hà Sĩ Phu xuống Vũng tàu, Trần Đức Tiến điện bảo tôi ra khách sạn Nghinh Phong, lại dặn đi một mình ông thôi nhé. Tôi không ngờ được gặp anh Hà sỹ Phu tại Vũng tàu. Trông anh Hà Sĩ Phu nhỏ thó, trắng trẻo, gương mặt toát lên vẻ tinh anh . Con người ăn nói nhỏ nhẹ này là người viết ra những điều ghê gớm đấy ư?. Bấy giờ tôi làm chánh văn phòng Ban Tuyên Giáo, ông trưởng ban giao tôi cất giữ một số bài viết đóng dấu tuyệt mật, trong đó có bài của Hà Sĩ Phu. . Tôi đọc bài anh Hà Sỹ Phu có đúng một lần rồi cất vào tủ, khóa kỹ! Trần Dức Tiến mời cơm trưa. Anh em chuyện trò vui vẻ. Tuyệt không nhắc gì đến bài viết của anh Hà Sỹ Phu cả. Anh Quốc và anh Hà Sỹ Phu đến Vũng tàu, gặp gỡ những ai công an đều biết cả. Tôi không sợ bị mang tiếng, bị phiền hà mà chỉ sợ trong cử chỉ, lời nói của mình khi tiếp xúc có gì không phải làm các anh ấy buồn. Bấy giờ, tôi đã nghĩ được rằng, chẳng có gì quan trọng cả. Các anh ấy cũng chỉ viết ra những suy nghĩ của mình. Khả năng để phổ biến rất hạn chế. Ngay trong Ban Tuyên Giáo của tôi, cũng chỉ tôi và trưởng ban đã đọc qua mà thôi. Tư duy chính trị trước đổi mới mà đưa ra những ý kiến như của anh Hà Sỹ Phu là hết sức táo bạo. Nó như một thách thức đối với ngành Tuyên Giáo. Trong đó có tôi. 
Trước ngày mất chừng một năm gì đó, nhà thơ Xuân Sách đi dự trại sáng tác tại Đà lạt, Ông khởi viết tập hồi ký xung quanh cuốn “Chân dung nhà văn” đang có nhiều dư luận khen chê khác nhau trong giới nhà văn. Tôi có chiếc xe máy do cậu em làm công an Lâm đồng đưa cho để đi lại trong thời gian dự trại. Anh Sách bảo chở anh ấy đến nhà anh Quốc. Biết anh Sách lên, anh Hà Sỹ Phu mời sang nhà chơi, vì anh bị thấp khớp năng không đi lại được. Cái quán nước của anh Hà Sỹ Phu chỉ khoảng mười lăm, hai mươi mét vuông mặt đường đường Bùi Thị Xuân. Không có bàn ghế hẳn hoi, chỉ có cái ghế băng cho khoảng hai người ngồi. Tôi nhường anh Quốc và anh Sách, còn mình kiếm cái gì đó ngồi tạm. Được một lúc thì anh Sách bảo tôi ra ngồi cái băng. Còn anh thì ngồi chỗ của tôi. Sau này tôi mới biết, quán anh Hà Sỹ Phu bé tẹo, cửa lại mở rộng. Tôi ngầm hiểu ra lý do anh Sách đổi chỗ. 
Nhiều lần anh Quốc biết tôi né tránh chuyện thế sự của anh, nhưng rồi, dù có lan man chuyện gì một lúc là anh lái về chuyện thế sự. Về điều này thì tôi thấy nhà thơ Xuân Sách cũng vậy. Giữa đám đông ông chỉ rỉ rả nói chuyện với người ngồi cạnh mà thôi. Có vẻ như bí mật lắm. Dù là chuyện gì, cuối cùng cũng là chuyện thế sự. Gặp được người nghe mình chăm chú, ông có thể ngồi cả buổi. Anh Quốc cũng vậy. Chuyện của anh chỉ xoay quanh chuyện thế sự. Nghe rất mệt. Hôm Chi hội nhà văn Miền Đông họp ở Vũng tàu, ăn cơm chiều xong, mấy nhà văn trẻ rỉ tai gật gù rủ nhau đi nhậu tiếp. Anh Quốc đang say chuyện nhưng rồi mọi người lần lượt bỏ đi hết. Tôi mãi mới rút lui được. Nhưng ra đến cửa thấy mình không phải với anh nên quay lại mua một chai rượu, nửa tây nửa ta, bảo anh đem về phòng tối anh em mình uống. Không biết anh Quốc có để ý thấy không, nhưng điều này cũng được lặp lại trong một vài lần gặp gỡ khác nữa….Cái gì làm các nhà văn đàn em ngại ngồi uống với anh Quốc thế? Vì sao anh Quốc lại luôn tự làm khổ mình như vậy? Câu hỏi ấy cứ day trở trong tôi mãi…
Theo từ điển bách khoa Wikypedia : Nhà thơ Bùi Minh Quốc - Còn có bút hiệu là Dương Hương Ly - sinh ngày 3/10/1940 tại Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. - Nổi tiếng từ thời trung học với bài thơ "Lên Miền Tây". Bài thơ này được đưa vào chương trình giáo khoa thời ấy. Vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Ông và vợ đã gửi con gái đầu lòng mới 16 tháng lại để vào Nam chiến đấu. Vợ ông hy sinh tại chiến trường miền Nam. Sau 30/4/1975, anh Quốc công tác tại Quảng Nam- Đà Nẵng, giữ chức phó chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh và Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Năm 1987, chuyển vào công tác tại Đà Lạt, làm chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh Lâm Đồng và Tổng biên tập tạp chí Langbian. Năm 1988, cùng nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự thực hiện một chuyến đi xuyên Việt từ Đà Lạt, qua các tỉnh miền Trung, ra Hà Nội, nhằm vận động trí thức văn nghệ sĩ đấu tranh đòi tự do dân chủ. Sau vụ này cả hai ông đều bị khai trừ khỏi đảng. Từ năm 1997 Bùi Minh Quốc và hai người khác tại Đà Lạt là Tiêu Dao Bảo Cự và Hà Sĩ Phu bị quản chế tại gia…
Từ Bùi Minh Quốc đến Dương Hương Ly- Rồi từ Dương Hương Ly trở lại Bùi Minh Quốc. Ba thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng luôn nhất quán, là một. Trong tự truyện của mình, anh kể: -“ Từ 1956 đến 1959, vào tuổi 16 - 19, cái tuổi tuyệt vời nhất của cuộc đời. Chính tại đây, một hôm nào đó, dưới bóng các cây cổ thụ trùm toả khắp sân trường, tôi đã có bài thơ “Thật kỳ diệu khi mười tám tuổi” gửi đăng báo Tiền Phong, nay chỉ còn nhớ mấy câu này :
Thật kỳ diệu khi mười tám tuổi 
Cháu Bác Hồ, đồng chí của Lê-nin…
Đối với cái tuổi 18 của tôi, và chắc của cả thế hệ tôi, làm cháu Bác Hồ, làm đồng chí của Lê-nin nghĩa là phải sống có lý tưởng, là hiến trọn đời mình cho lý tưởng cao cả : giải phóng dân tộc và giải phóng con người; đất nước Việt Nam phải độc lập thống nhất và trên đất nước độc lập ấy mỗi con người phải được tự do.”
Anh Quốc đã sống đúng như vậy. Cũng theo tự truyện, nhân vật Paven Coocsaghin là hình mẫu lý tưởng của anh thời trẻ. Vào chiến trường, cuộc sống chiến đấu gian khổ không làm anh phai nhạt lý tưởng, trái lại, anh còn viết thư cho vợ, khuyến khích, động viên vợ vào chiến trường để có thực tế sáng tác. Nhà thơ Lê Xuân Đố trước cùng công tác với Dương thị Xuân Quý ở Đài tiếng nói Việt nam kể lại, nhận được thư của anh Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý nhất quyết xung phong vào chiến trường cùng chồng, đứa con gái mới 16 tháng tuổi của họ gửi về cho bà ngoại trông. Khi kể lại chuyện này với chúng tôi, anh Đố bức xúc lắm, cổ anh nghẹn lại, nước mắt trào ra giàn giụa, anh nói trong nước mắt, trong uất nghẹn, là anh Quốc thần kinh, dở hơi, tàn nhẫn, mù quáng và vv... Tôi và Tùng Bách ngồi im lặng, tôn trọng cái cảm xúc nghẹn ngào của Lê Xuân Đố, không bình luận gì thêm. Cho đến nhiều năm sau ngày vợ mất, chưa có lúc nào anh Quốc có ý nghĩ là lẽ ra không nên khuyến khích vợ vào chiến trường cả. Bài thơ về hạnh phúc của anh là một bài ca bi tráng về sự hy sinh cao cả và đẹp đẽ vì lý tưởng của người nghệ sỹ, chiến sỹ trong chiến tranh cách mạng. Xét theo một nghĩa nào đó, đúng là anh Quốc không bình thường. Anh đúng là Paven, là Lôi Phong Việt nam. Anh Xuân Sách bảo, có bốn nhạc sỹ phổ thơ Bùi Minh Quốc đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, trong khi anh Quốc đang khốn khổ vì đi đâu vẫn có người theo dõi. Thật trớ trêu làm sao!
Wikypedia ghi: “[Trong kháng chiến chống Mỹ, Bùi Minh Quốc nổi tiếng với tập thơ "Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ" khi ông công tác tại Ban Văn nghệ Khu V. Năm 1968, vợ chồng Bùi Minh Quốc và Dương Thị Xuân Quý có tập thơ - truyện "Chỗ Đứng" được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in, vốn là tuyển tập các bài thơ và truyện ngắn của hai người đã được đăng rải rác trên các báo. Bài thơ nổi tiếng nhất của Bùi Minh Quốc chính là "Bài thơ về hạnh phúc" mà ông viết năm 1969 để tưởng nhớ người bạn đời Xuân Quý đã hy sinh trong chiến tranh. Thơ của Bùi Minh Quốc thường viết về "người mẹ già" Việt Nam nhiều năm cuốc đất đào hầm nuôi giấu cán bộ, như các bài "Đất quê ta mênh mông", "Mẹ ngẩn ngơ đi…", "Mẹ đi chọn mặt gửi vàng", "Không, mẹ ơi", "Một thoáng phố phường".]”
Anh Quốc đã từng tin rằng, là Đảng viên thì không có ai xấu. Ai cũng một lòng một dạ vì lý tưởng cộng sản cao đẹp. Tôi nghe nói, sau giải phóng trở lại Hà nội, khi nghe Nguyễn Đình Thi nói về những biểu hiện tiêu cực, quan liêu cửa quyền của một số cán bộ có chức, có quyền, Bùi Minh Quốc trố mắt ngạc nhiên, không tin! Khi anh Quốc và anh Tiêu Dao Bảo Cự đi vận động Văn Nghệ Sỹ ký tên đòi tự do dân chủ, trong anh Quốc không có ý nghĩ thay Đảng hay đa đảng, anh chỉ muốn đấu tranh chống mọi tiêu cực trong đảng, để đảng trở lại là đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh. Anh Quốc tin vào những lý lẽ đấu tranh của mình đến nỗi, bao nhiêu hệ kụy đời thường anh bất chấp hết. Mất đảng, không lương, bị quản chế, bị cô lập ... anh cũng không từ bỏ cuộc đấu tranh mà anh tự mình phát động, tự mình làm lực lượng vật chất. Trước đây, khi nhà thơ Xuân Sách còn sống, anh thường gửi bài cho anh Sách qua địa chỉ của tôi. Tôi đã đọc qua những bản kiến nghị mà anh gửi nơi này, nơi kia, tôi thấy thương anh. Anh tốt quá và ngây thơ về chính trị quá. Ông bạn tôi làm trưởng phòng PA 25 công an tỉnh bảo tôi: Cha này thích làm lãnh tụ. Tôi cười bảo: Anh Quốc ngây thơ về chính trị thế thì làm lãnh tụ cái nỗi gì? Anh Quốc không thể làm lãnh tụ. Anh Quốc mãi mãi là một thi sỹ, chiến sỹ hát ca trong các cuộc cách mạng. Tiếc rằng, mọi cuộc cách mạng dù lâu dài đến đâu rồi cũng phải kết thúc. Trong hòa bình, cái tốt, cái xấu không phân trận tuyến nữa mà nó đan xen vào nhau. Và anh Quốc thường vấp phải những sai lầm của lòng tốt. 
Sau đại hội Hội Văn Nghệ Lâm Đồng, tôi không đến thăm anh Quốc như đã hẹn với anh Trung An. Buổi chiều đi uống cà phê, tôi gọi điện cho anh, hẹn anh đi uống cà phê. Anh vui vẻ nhận lời ngay. Nhớ hôm qua Mỹ, qua email của Văn Công Hùng, anh cho tôi số di động của anh ở Mỹ, để nếu rảnh nói chuyện chơi. Tôi và anh ở cách xa nhau đến sáu ngàn cây số, vậy mà trong blogs Nguyễn Trọng Tạo có hình anh và tôi đang ở Mỹ. Không biết là hình ghép hay hình tôi và anh chụp ở đâu đó trong nước, tôi không còn nhớ. Anh Quốc bảo tôi phải lên tiếng ủng hộ bài viết của anh in trên blogs. Anh bảo anh rất ghét cái thái độ im lặng. Nhà văn, theo anh là phải tham gia vào cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ. Anh nói đúng quá, nhưng liệu nhà cầm quyền có nghe các nhà văn nói không? Anh bảo không cần biết hiệu quả đến đâu nhưng trách nhiệm nhà văn là phải cất lên tiếng nói của tự do, dân chủ... 
Đúng anh là Bùi Minh Quốc. Anh đem cái lý tưởng sống thời Paven Coocsaghin vào thế kỷ thứ 21. Ngọn lửa nhiệt tình của anh không hề vơi cạn, mặc dầu trông anh đã tiều tụy đi nhiều so với lần gặp trước. Tôi biết anh khổ tâm vì sự dày vò trước hiện thực đất nước. Làm sao khuyên anh hãy tin ở nhân dân, tin ở chân lý, lẽ phải cuối cùng sẽ thắng! Những khát vọng tự do, dân chủ rồi sẽ được thực thi trên đất nước ta. Không lẽ máu xương của bao nhiêu đồng đội, trong đó có nhà văn Dương Thị Xuân Quý, vợ anh đổ ra uổng phí hay sao? Không lẽ mục đích của cách mạng nước ta lại không phải là độc lập tự do hay sao?
Trong quán vắng buổi chiều ở thành phố Đà lạt mộng mơ có độ cao trên một nghìn năm trăm mét, anh Quốc với chiếc áo chàm thổ cẩm cũ kỹ, với mái tóc bạc phơ và bù rối, không ai nghĩ trong lòng anh vẫn hừng hực ngọn lửa nhiệt tình vì một Việt nam dân chủ, tự do. Tôi thầm mong các nhà chức trách hãy hiểu anh, thông cảm với lòng nhiệt tình có lúc thái quá của anh. Anh đã có quá nhiều mất mát, thiệt thòi rồi. Hãy để anh Quốc làm nhiệm vụ chiến sỹ, thi sỹ như cái thuở anh viết Lên Miền Tây. Hãy luôn nghĩ Bùi Minh Quốc là Dương Hương Ly của mảnh đất khu V máu lửa. Thơ của anh đã đi vào đời sống của chiến sỹ, đã theo các chiến sỹ liệt sỹ vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất khu V nói riêng và miền Nam nói chung. 
Anh Quốc ra về đã lâu rồi, tôi vẫn ngồi đinh ninh trong quán. Những dòng chữ đầu tiên của bài viết này cứ hiện ra mỗi lúc một rõ dần. 
Anh Quốc ơi! Tuy em không ủng hộ anh trong những việc anh làm, không thích nghe chuyện thế sự của anh, nhưng em hiểu anh, trân trọng công lao của anh đối với đất nước, và xót thương anh vì những mất mát, ly tán, thiệt thòi mà anh phải gánh chịu vì chiến tranh. Mong anh hiểu cho lòng em, anh Quốc nhé!

Không có nhận xét nào:

Trang