Anh cu Bờm trong truyền thuyết dân gian Việt Nam có nhiều tính cách. Nhưng tính cách nổi bật nhất của anh cu Bờm phải nói là khờ khạo, ngu ngốc, thiển cận, làm ăn thì theo kiểu “giở vai cho giời xem!”, theo kiểu vác tre trên đường làng thì vác ngang chứ không thèm vác dọc... Vì thế anh cu Bờm có mỗi cái quạt mo mà Phú ông gạ đổi ba bò chín trâu, một xâu cá mè, một bè gỗ lim...Bờm đều lắc. Đến khi Phú ông bảo đổi nắm xôi thì Bờm cười.
Cái nhìn thiển cận của anh cu Bờm chỉ thấy “miếng ăn chín”, nhét ngay vào mồm, giải tỏa cái “đói” tức thời, kể cả “no bụng đói con mắt”, còn ngày mai, ngày kia... thì mặc xác nó. Tục ngữ có câu: “Đời cua cua máy, đời cáy, cáy đào” quả không sai.
Người ta luôn giáo dục cho thế hệ trẻ tự hào về truyền thống văn hóa Việt Nam, rằng, “đoàn kết, cần cù, chịu khó”, rằng “anh dũng, quả cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”... để mà tự hào là cần thiết. Nhưng chưa bao giờ người ta muốn nói, muốn vạch ra những nét phản văn hóa như sự giả dối, ích kỷ, thói tham lam, đố kỵ, “trâu buộc ghét trâu ăn”, và đặc biệt là tư duy kiểu Bờm, kiểu Cuội.. của một số người trong giới quan chức, để giáo dục con người. Có lẽ cũng là vì cái truyền thống: “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”? Xét cho cùng, đó lại chính là thói giả dối, phản trung thực. Khi đã thiếu trung thực là dần dần đánh mất lòng tin, mất hết.
Chính vì vậy, cái tư duy “ăn xổi ở thì” kiểu anh cu Bờm tưởng chỉ là truyền thuyết, ai ngờ nó ám vào cuộc sống hiện đại đến xót xa. Từ khi phương thức làm ăn được mở ra theo cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, người ta tìm mọi cách kiếm chác với mọi giá để có những “miếng ăn chín”, bất chấp những dự án ấy sẽ đem lại hậu họa gì cho tương lai dân tộc. Cái thói “ăn xổi ở thì” đã kéo một thời gian khá dài cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, mặc dù các nhà lãnh đạo hình như cũng đã nhận ra “việc khai thác vô tội vạ tài nguyên của đất nước, nhất là rừng và khoáng sản”. Vì thế, nhiều nghị quyết, văn bản đã xuất hiện cụm từ “phát triển bền vững” để kêu gọi bọn phá hoại dừng tay...Rồi, nhà nước cũng có đủ luật này, lệ nọ, thông tư này, nghị định kia nhằm hạn chế máu tham, hạn chế sự gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết khoáng sản chỉ trong một thời gian ngắn, đã bị đào bới, sử dụng lãng phí quá nhiều, rồi xuất khẩu quặng thô (kiểu nông dân bán lúa non), chả mấy thí nữa mà cạn kiệt. Cấm thì cứ cấm, làm thì cứ làm. Chẳng nói đâu xa, ngay như mỏ than, sắt... ở những nơi gần biên giới phía Bắc mấy năm qua đã có nhiều đối tượng dấm dúi xuất lậu sang cho anh "bạn vàng”, để anh ta dành dụm khi nào Việt Nam hết quặng thì “làm phúc” bán lại. Không thể tính cụ thể được, chỉ biết rằng xe chở quặng đã băm nát những con quốc lộ trên địa bàn tỉnh, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Nhiều “dự án phát triển kinh tế - xã hội” ở các cấp mang nặng cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” mà các ông nghị đã từng nêu ra ở diễn đàn Quốc hội. Khi được giao quyền lực vào trong tay, những người có chức, có quyền này nghĩ ra dự án nọ, dự án kia, nói là để phục vụ đời sống nhân dân, có vẻ rất nhân văn, nhưng thực ra không ít dự án chẳng hiệu quả, chỉ là “cuội”. Sau này dân biết tỏng những dự án ấy chỉ giúp cho cái túi ba gang của các quan đã đầy càng đầy thêm mà thôi. Hết anh này nhiệm kỳ này, đến anh khác nhiệm kỳ khác, càng về sau càng phải tỏ ra “hơn người tiền nhiệm”. Từ đó mà phải gồng mình lên cấp trên nài nỉ, xin xỏ... Tiền ngân sách hết thì vay vốn nước ngoài. Nhưng nhân dân biết rõ, đã vay thì phải có trả, trả cả gốc lẫn lãi, chứ chả ai cho không ai bao giờ. Vì thế, đất nước ngày càng nợ chồng nợ chất... Cuối năm 2013, nhiều diễn đàn của các nhà kinh tế học lo ngại về con số nợ công “khủng” và tương lai còn tiếp tục tăng lên: “... Nợ công Việt Namhiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn là 65% GDP được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế”. ( xem ở đây). Trong số đó, các “ông lớn nhà nước”, nắm giữ 100% vốn điều lệ, mới tính đến cuối năm 2012 đã đóng góp vào nợ công tới 1 triệu 550 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP. Và cái thành tích bất hảo của những quan chức “tư duy nhiệm kỳ” cùng những “ông lớn nhà nước” đã đưa dân tộc ta trở thành Chúa Chổm! Khi phải trả nợ, thì những kẻ làm dự án đã no xôi chán chè và đã trở thành “bùn” rồi. Lúc ấy, các đời con, cháu, chút chít... phải è lưng ra gánh, khiến đất nước không cất mình lên được.
Tiếc là những nhân tố tích cực đấu tranh chống thói tham lam, lợi dụng “tư duy bờm” để đục nước béo cò thì quá ít. Có lẽ hiếm hoi có một người như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh. Từ khi làm bộ trưởng Bộ này, ông Bùi Quang Vinh đã tham mưu ngay cho Thủ tướng ra được Quyết định 1972 với nội dung cơ bản là khống chế phần nào cái cơ chế Xin – Cho mà chính Bộ Kế hoạch – đầu tư của ông có nhiều lợi lộc trong cơ chế đó. Vì thế một vụ trưởng của Bộ này chả đã “phê phán” ông rằng: “Bộ trưởng lấy đá ghè chân mình!”. Ông Bùi Quang Vinh vẫn tiếp tục dấn thêm một bước nữa trong việc gồng mình lên góp phần đổi mới cơ chế trong phạm vi, quyền hạn của mình là, đề xuất với Chính Phủ, Quốc hội thông qua Luật đầu tư trong thời gian gần nhất. Luật này có lẽ sẽ là “hòn đá ghè chân mình” to hơn? Nhưng với ý tứ ông Bùi Quang Vinh trả lời báo chí trong thời gian gần đây thì mình hiểu đại ý tư tưởng của ông là sẵn sàng chấp nhận “què chân” miễn là làm gì có lợi cho đất nước thì ông làm. Nếu trong bộ máy lãnh đạo ai cũng như thế thì chắc chắn đất nước sẽ phát triển. Nhưng tiếc là ông lại ngồi cùng chiếu với nhiều anh Bờm, anh Cuội, nên cũng rất khó khăn.
Có thể nói, về đại thể, cái tư duy bờm vẫn đang ngự trị. Một dẫn chứng sinh động gần đây nhất là những dự án xóa đói giảm nghèo. Nghe qua rất nhân văn. Nhưng căn cứ vào chính những số liệu của các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước công bố (Như Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Kề hoạch và Đầu tư) là: người nghèo nhận được một đồng để xóa đói giảm nghèo thì phải chi mất 10 đồng cho cái Bộ máy làm nhiệm vụ ấy! Bộ máy đó mỗi năm tiêu hết 3,5 tỷ usd, tương đương với 77 sân vận động Mỹ Đình! ( xem ở đây) . Hóa ra để đi tìm một cái kim, người ta đã đốt những đồng tiền giấy có mệnh giá lớn làm đuốc soi cái kim. Nhưng, đất nước chúng ta đâu chỉ có một bộ máy xóa đói giảm nghèo mà có đến hàng trăm, hàng nghìn bộ máy kiểu này đang vận hành.
Như vậy thì anh cu Bờm phải gọi kiểu tư duy đó bằng “Cụ”!
NND/Blog Phó nhòm Tây Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét