14 tháng 10, 2015

Cải cách, trước hết, phải từ Nhà nước

Tác giả: Tư Giang
KD: Một bài trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn của nhà kinh tế. Nhưng xét cho cùng, có hai tiêu chí cốt lõi: Một, cần thay đổi tư duy, hiểu biết và biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Hai, cần tiếp cận được những cung cách quản lý của nền quản trị quốc gia văn minh
————
Trong số báo tuần trước (ra ngày 1-10-2015), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã phân tích về cái “mệnh lệnh không thể chần chừ” là cải cách thể chế. Cuộc trao đổi kỳ này xoay quanh vấn đề cụ thể hơn là các “địa chỉ” mà cải cách phải nhắm tới.
TBKTSG: Trong suy nghĩ của ông, cải cách lần này tập trung vào đâu?
– Ông Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, cải cách lần này không giống cải cách năm 1986. Lúc đó, Nhà nước mở ra cho tư nhân phát triển. Còn cải cách hiện nay phải là cải cách nhà nước. Phải thay đổi chức năng, vai trò, vị trí, cơ cấu tổ chức của Nhà nước bao gồm cả bên hành pháp, tư pháp, lập pháp; cải cách trong nội bộ các nhánh quyền lực thì mới thay đổi được năng lực quản lý. Tức phải thay đổi toàn diện. 
TBKTSG: Ông có thể ví dụ?
– Nếu không có thay đổi thì chức năng nhà nước vẫn còn nguyên. Ví dụ, nếu không thay đổi về chức năng, thì Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ vẫn tiếp tục xây bảo tàng, nhà hát, tượng đài và nhiều thứ khác. Đấy là chức năng nhà nước của họ, họ không xây thì làm gì.
Từ đó xuất hiện nhiều chuyện vô lý. Đất nước đang thiếu vốn đầu tư thì lại xây bảo tàng 10.000 tỉ đồng, hay hệ thống nhà hát, sân bóng nhiều ngàn tỉ khắp địa phương ở Hà Nội. Đó là những ý tưởng điên rồ. Nhưng xét lại, với vai trò nhà nước như thế, nên họ mới đầu tư như thế.
Tiếp tục xu thế này thì ngân sách không thể giảm chi được, vậy là phải tăng thu. Thu không đủ thì phải huy động chỗ khác để bù chi. Rốt cuộc là cả chính sách tiền tệ và tài khóa phải luôn mở rộng. Đến một ngày nào đó, nếu có biến động bất chợt thì rất dễ rơi vào bất ổn vĩ mô, thậm chí khủng hoảng… Như vậy, trong tình hình này, lối ra duy nhất, con đường duy nhất là cải cách bộ máy nhà nước.
TBKTSG: Đâu là những nội hàm cần thay đổi khi cải cách lần này, cả phía Nhà nước và thị trường, thưa ông?
– Tôi cho rằng nội dung cải cách lần này phải cả thị trường và Nhà nước, nhưng trước tiên phải cải cách nhà nước để tạo nền tảng cho thị trường.
Lâu nay chúng ta ít thảo luận về việc thay đổi cơ cấu tổ chức nhà nước, dù vừa có Luật Tổ chức Chính phủ. Chúng ta không bàn về tính chuyên nghiệp của các bộ. Muốn trở nên chuyên nghiệp thì người ban hành chính sách phải tách riêng với người thực thi chính sách và dịch vụ công cũng phải tách riêng. Hệ thống công chức phải chuyên nghiệp. Công chức trong hệ thống nhà nước đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau mâu thuẫn về lợi ích.
Bên cạnh đó là phải đổi mới công cụ quản lý. Các cơ quan nhà nước có bệnh nghiện quản lý. Cách thức quản lý nhà nước là bề trên, bảo hộ, phân phát, chứ không phải là Nhà nước thúc đẩy, hỗ trợ.
Nếu còn tiếp tục giữ khái niệm sở hữu toàn dân, thì các thị trường, nhất là đất đai, không thể chuyển đổi được. Đất đai của nông dân không được bảo vệ. Ảnh: MINH KHUÊ
TBKTSG: Vậy Nhà nước nên thay đổi cách quản lý như thế nào?
– Quan trọng là Nhà nước làm thế nào thiết lập được thị trường có kỷ cương, cạnh tranh công bằng. Đây là điều rất quan trọng của Nhà nước.
Có rất nhiều mâu thuẫn trong việc can thiệp. Ví dụ, giá xăng giảm, mà cước taxi không giảm, là Nhà nước lập đoàn kiểm tra, ra lệnh phải giảm. Vì sao lại phải can thiệp? Tôi cho rằng, việc can thiệp chỉ có lợi cho những cán bộ thực hiện. Hay ví dụ như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đi tỉnh này, tỉnh khác hứa hỗ trợ tín dụng. Điều đó là sai với chức năng, nhiệm vụ và cả công cụ quản lý. Cách thức điều hành như vậy làm hại cho thị trường. Tôi cho rằng, phải thu hẹp quy mô nhà nước, mới làm cho thị trường vận hành tốt được. Đó là mới nói về nhánh hành pháp, chứ chưa đề cập đến tư pháp hay lập pháp.
TBKTSG: Để thúc đẩy kinh tế thị trường tới đây, theo ông cần phải thay đổi gì, và như thế nào?
– Đầu tiên là phải thay đổi về tư duy, xem luật pháp được ban hành dựa trên nền tảng tư tưởng nào. Nếu chúng ta còn giữ kinh tế nhà nước là chủ đạo, thì không thể cải cách, hay co hẹp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được. Ai muốn làm nhanh sẽ bị chặn ngay, và họ thấy rủi ro, không dám làm.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta còn tiếp tục giữ khái niệm sở hữu toàn dân, thì các thị trường, nhất là đất đai, không thể chuyển đổi được. Đất đai của nông dân không được bảo vệ. Rốt cuộc, chúng ta không thể chuyển đổi được về sở hữu, mà đó chính là trụ cột của kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường hiện nay là lưỡng thể, Nhà nước không ra Nhà nước, thị trường không ra thị trường. Vì vậy, xã hội ta gánh cả hai thứ, thất bại của cả Nhà nước và cả thị trường.
TBKTSG: Thưa ông, về tư duy làm luật được cho là ôm đồm, vì các cơ quan quản lý nhà nước, hơn là vì doanh nghiệp và thị trường. Ông suy nghĩ thế nào về thực tế này?
– Tôi cho rằng, trước hết các nhà lập pháp cần thay đổi tư duy. Tư duy làm luật hiện nay là Nhà nước phải quản lý, kiểm tra, kiểm soát… Chúng ta tiến tới một nhà nước kiến tạo phát triển thì hệ thống luật pháp phải tương thích với tinh thần đó. Luật pháp thiết kế để áp đặt ý chí quản lý thì không tương thích với nhà nước pháp quyền về kinh tế thị trường. Một khi luật pháp để quản lý thì khác xa với luật để giúp đỡ, bảo vệ người dân, thúc đẩy công bằng
Tôi cho rằng, luật pháp cần đưa tín hiệu thị trường lành mạnh, thúc đẩy ứng xử của người dân, doanh nghiệp theo hướng vì lợi ích của họ. Khi luật pháp vì lợi ích của người quản lý thì chẳng ai trên thị trường dám làm.
Quan hệ giữa Nhà nước và thị trường cũng phải thay đổi rất nhiều. Lâu nay, chúng ta có tư duy là Nhà nước có năng lực quản lý đến đâu thì cho người dân, doanh nghiệp làm đến đấy. Nhà nước như thế là kìm hãm sự phát triển, chứ không phải thúc đẩy xã hội. Công chức luôn có xu thế làm an toàn cho họ. Họ có công cụ như vậy thôi, nên cho người dân và doanh nghiệp làm đến đây thôi, còn lại không được.
TBKTSG: Ông cho rằng, Nhà nước không nên can thiệp thị trường, nhưng thực tế là có tới 70% người dân cần Nhà nước can thiệp về giá, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ông bảo vệ quan điểm của mình thế nào?
– Tôi cho rằng, tư duy quản lý để thị trường ổn định là sai. Thị trường luôn linh hoạt. Quỹ bình ổn giá là phản thị trường. Một nhà đầu tư giỏi tính toán, họ tích trữ để đến lúc đó bán có lời, nhưng đến lúc đó, Nhà nước lại can thiệp bình ổn thị trường. Vậy thì những người có sáng tạo ai dám làm; sao các quỹ hedging ở ta không có… Mà nếu làm, họ có thể bị tù, vì bị quy là cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Ổn định phải là từ lạm phát, chứ không phải là giá cả của từng mặt hàng một. Tiếc là dư luận xã hội hay hùa theo cách can thiệp như thế. Giá sữa lên thì bảo Nhà nước ở đâu. Giá sữa không phải đồng hạng. Ai thích gần nhà thì phải mua đắt hơn, muốn rẻ hơn thì mua chỗ khác.

Không có nhận xét nào:

Trang