6 tháng 10, 2015

Phe nào sẽ thắng sau hội nghị trung ương 12?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc.Hội nghị Trung ương lần thứ 12 ngày 05-10-2015, tại Thủ đô Hà Nội. Courtesy Vietq.vn
* KÍNH HÒA
Hôm qua, ngày 5/10/2015, đảng cộng sản Việt Nam nhóm họp Hội nghị Trung ương lần thứ 12, bàn về nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới. Sau đây là nhận định của một số nhà quan sát trong và ngoài nước về sự cạnh tranh quyền lực trong nội bộ đảng.
Thay đổi quan điểm?
Ông Nguyễn Vũ Bình, một người bất đồng chính kiến ở Hà nội, từng làm biên tập cho tạp chí Cộng sản nói rằng kỳ họp trung ương đảng lần này và đại hội đảng sắp tới đây rất là quan trọng vì ngoài chuyện nhân sự phe phái, còn có chuyện quan điểm, vì đảng cộng sản đang đối mặt với nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, đối ngoại cùng một lúc. Ông giải thích chữ quan điểm ở đây có nghĩa là có cải cách hay không.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, từng là đảng viên cộng sản nhận xét về bài diễn văn khai mạc hội nghị trung ương đảng ngày 5/10:
“Có một điều hơi lạ lùng là trong diễn văn khai mạc hội nghị trung ương 12 lần này của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi không thấy một cụm danh từ Chủ nghĩa xã hội hay tính từ Xã hội chủ nghĩa nào. Cũng không có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài diễn văn khá dài nhưng không có những từ đó.
Nói về các phe nhóm, ông Nguyễn Vũ Bình nói thêm là có vẻ như hai phe nhóm chủ yếu là nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và phe của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang giằng co nhau về cách đặt luật bầu người đứng đầu đảng sao cho có lợi cho phe của mình. Nhóm ông Trọng thì muốn rằng người đứng đầu đảng sẽ do Bộ Chính Trị bầu, còn nhóm ông Dũng thì muốn rằng chức danh đó nên được Trung ương đảng bầu ra.
Quan niệm là đảng cộng sản Việt nam có hai nhóm như ông Bình đề cập cũng là cách nhìn khá phổ biến trong giới quan sát chính trị Việt nam hiện nay. Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc ở trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương, cũng cho rằng cạnh tranh giữa phe chính phủ và phe đảng, mặc dù tất cả đều là đảng viên cộng sản, sẽ tiếp tục hoặc để lại dấu ấn quan trọng cho kỳ đại hội đảng sắp tới.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh là sự phân chia như thế rất tương đối, vì có rất nhiều viên chức đảng cao cấp không thuộc nhóm nào, hoặc quan hệ với tất cả các nhóm. Ông Lâm cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu phân chia thành các xu hướng, gọi là trục lợi và hiện đại hóa. Những người trục lợi là những người chỉ biết có quyền lợi, và họ sẽ gia nhập bất cứ phe nào miễn là có lợi.
Thủ tướng Dũng?
Trong lần trao đổi với chúng tôi vào tháng bảy năm 2015, ông Vũ Hồng Lâm có đưa ra dư luận lúc ấy là quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang rất mạnh, và đưa ra lời bình luận: “Có thể nói là đa số đều khẳng định là ván đã đóng thuyền rồi, bây giờ khả năng lớn là ông Dũng sẽ làm Tổng Bí Thư, vấn đề chỉ là ông có kiêm chức Chủ tịch nước hay không thôi. Cá nhân tôi thì không đồng ý với ý kiến này. Tôi nghĩ là đến bây giờ vẫn chưa nói được gì một cách chắc chắn. Cái mà có thể nói được là những cái xu hướng rất là lớn về lâu dài. Về ngắn hạn phái trục lợi vẫn là vẫn là xu hướng mạnh nhất trong đảng. Nhưng về lâu dài xu hướng hiện đại hóa sẽ ngày càng mạnh lên. Thế còn cụ thể hơn, tương lai của ông A, ông B, ông C, thì tôi nghĩ rất là khó nói. Và nó hoàn toàn có thể thay đổi chỉ trong vòng 1 tuần.”
Trong ngày đảng cộng sản khai mạc đại hội Trung ương để bàn về chuyện nhân sự, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết: “Từ đầu năm 2015 đến nay có hai đợt điều chuyển nhân sự rất quan trọng. Từ khoảng tháng 2 đến tháng tư năm 2015, gần 60 nhân sự cấp chủ tịch tỉnh hay bí thư tỉnh, thành được điều ra trung ương để giữ cương vị các phó ban đảng. Đợt điều động nhân sự thứ hai diễn ra trong hai tuần qua, một cách cấp tập, ngay trước hội nghị trung ương 12. Nếu tôi nhớ không lầm thì cũng 10 hay 15 người là chủ tịch hay bí thư tỉnh ra là phó ban hay thứ trưởng các bộ. Vấn đề là việc điều động như vậy là do bên đảng chứ không phải bên chính phủ làm. Mà bên đảng là do ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Huy Rứa. Như vậy nếu tính về việc điều động và số lượng nhân sự được điều động trong 2015 thì không biết là ông Nguyễn Tấn Dũng có còn phong độ như trước đây hay không!”
Liên quan đến vấn đề bầu và ứng cử vào vị trí ủy viên trung ương đảng, cách đây vài tháng đã có đồn đoán rằng qui chế bầu cử sắp tới sẽ hạn chế quyền lực của các ủy viên trung ương, vì họ không được tự ứng cử hoặc nhận đề cử.
Một viên chức cao cấp của đảng xin không được nêu danh tánh có xác nhận điều này, song ông giải thích thêm là những ủy viên trung ương ấy thuộc về khóa trung ương đảng đã mãn nhiệm kỳ, và họ phải tuân theo quyết định của khóa ấy. Ông nói thêm là những người không phải là ủy viên trung ương đảng tham gia đại hội đảng có quyền tự ứng cử hay nhận đề cử.
Như vậy lời đồn đoán rằng Thủ tướng Dũng không còn có lợi thế là có cơ sở, vì so với thời gian cách đây hơn một năm nhiều người nói rằng có rất nhiều ủy viên trung ương đảng ủng hộ ông, những người này sẽ có thể bị hạn chế quyền lực khi cất tiếng trong đại hội đảng sắp tới.
Cùng tắc biến?
Nhìn từ góc độ phong trào đấu tranh cho dân chủ và đa nguyên ở Việt nam ông Nguyễn Vũ Bình nói rằng việc đấu tranh quyền lực và tư tưởng của đảng cộng sản hiện nay là điều tốt:“Điều đó là tốt vì nếu như mà nó thay đổi theo cái hướng xấu nhất thì nó cũng đẩy sự việc đến giới hạn cuối cùng. Nếu không thì nó là sự giằng co dẫn đến vỡ ra, tốt cho tình hình chung”.
Nhưng có nhiều nhà quan sát khác cho rằng nếu như sau các kỳ họp của đảng mà ý thức hệ cộng sản vẫn được giữ thì cũng sẽ không có thay đổi gì đáng kể. Nếu nhận xét này đúng thì có thể là thành phần nhân sự sẽ thay đổi, nhưng đường hướng lãnh đạo của đảng vẫn như cũ.

Không có nhận xét nào:

Trang