11 tháng 11, 2014

Triều đại nào có nhiều vua bị giết hại nhất sử Việt?

Theo Dân Việt/ Kiến thức
Do tồn tại trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động nên triều Hậu Lê lại nắm giữ “kỷ lục” về số vua bị giết hại…
Trong chế độ phong kiến thì quần xử thần tử, vua muốn bắt ai chết, thì người đó phải giã từ cõi đời mà nhiều khi chẳng biết nguyên nhân hay vì những chuyện rất … lãng xẹt. Vậy mà, do tồn tại trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động nên triều Hậu Lê lại nắm giữ “kỷ lục” về số vua bị giết hại… Lần xem những trang sử Việt, chúng tôi xin lược ghi lại những trường hợp như vậy!
Nhà Hậu Lê (1428 – 1789) chia làm hai thời kỳ là Lê sơ (1428-1527) và Lê trung hưng (1533-1789). Với 27 triều vua và gần 4 thế kỷ tồn tại, đây là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam. 
1. Cái chết cay đắng của Lê Bang Cơ 
Lê Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Lê sơ tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi. 
Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm Nhiếp chính cho ông từ khi mới lên ngôi báu cho đến khi ông tự thân chấp chính vào năm 1452. Lên ngôi lúc còn nhỏ, Lê Nhân Tông tỏ ra là vị Hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều. 
Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng.
Dù sáng suốt và nhân từ, nhưng vua Nhân Tông vẫn bị anh cả là Lê Nghi Dân oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột. 
Một đêm cuối năm 1459, Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến cho quan lại "nuốt hận ngậm đau", và thần dân "như mất cha mất mẹ”.
2. Quả báo dành cho Lê Nghi Dân 
Lê Nghi Dân vốn được lập làm thái tử khi mới 3 tháng tuổi (năm 1440). Ông bị mất ngôi thái tử vào tay người em Bang Cơ của mình chỉ vì mẹ bị vua thất sủng. Sau khi giết Bang Cơ năm 1459, Lê Nghi Dân lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Hưng. 
Do bất mãn, tháng 5 năm 1460, các tể tướng đại thần là Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê đã bí mật bàn việc lật đổ vua Thiên Hưng. Vụ việc đó bị lộ, tất cả những người mưu phản đều bị bắt giết. 
Do vua thay đổi nhiều pháp chế của đời trước, dùng những người thân tín của mình vào triều nên các cựu thần ngày càng không bằng lòng. Tháng 6.1460, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm… lại bàn nhau làm binh biến. 
Sau một buổi chầu, Nguyễn Xí đã dẫn quân vào giữ chặt quân cấm binh, đóng các cửa thành và giết các bề tôi tin cẩn của vua Thiên Hưng. Hơn 100 người thuộc phe cánh của vua đã mất mạng. 
Bản thân Lê Thiên Hưng bị bắt, phế truất làm Lệ Đức hầu và bị thắt cổ chết khi mới 22 tuổi, ở ngôi được một năm. 
3. “Vua quỷ” Lê Uy Mục đền mạng 
Năm 1505, Lê Uy Mục lên ngôi sau khi vua Lê Túc Tông mất sớm ở tuổi 17. Trong thời gian trị vì, vị vua này đã bị gọi là “vua quỷ” vì ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp, tàn bạo giết hại nhiều người vô tội. Quyền hành trong triều rơi vào tay họ ngoại của vua. 

Điều này làm dấy lên sự phẫn nộ trong quan lại, dân chúng cũng như dòng dõi họ Lê. Giản Tu Công Lê Oanh (vua Lê Tương Dực sau này) đã được lập làm minh chủ nổi dậy chống lại Uy Mục. 
Tháng 11 năm 1509, Lê Oanh sai Cẩm Giang Vương Lê Sùng ở Tây Đô đưa quân về Đông Kinh (Hà Nội). Uy Mục có ưu thế hơn, đã bắt giết Lê Sùng và mẹ của Lê Oanh. Sau đó, Lê Oanh vào chiếm kinh thành bắt được và bức tử Lê Uy Mục. 
Hận Uy Mục giết hại gia đình mình, Lê Oanh còn sai người dùng súng lớn, nhét xác Uy Mục vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt, chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại quê mẹ tại làng Phù Chẩn. “Quỷ vương” Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm, thọ 21 tuổi. 
4. Đến lượt “vua lợn” Lê Tương Dực 
Lê Oanh sinh năm 1495, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông. Dưới thời Lê Hiến Tông, ông được phong làm Giản Tu công. Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập mình làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức là vua Tương Dực Đế. 
Đi theo vết xe đổ của Lê Uy Mục, Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ truỵ lạc, bỏ bê việc nước. Dân chúng oán ghét và khinh bỉ Tương Dực, nên gọi ông là vua lợn. Triều chính trở nên hết sức rối ren, bên ngoài khắp nơi loạn lạc. 
Dù tình hình căng thẳng nhưng Lê Tương Dực không đoái hoài. Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản là người có công trạng, nhiều lần can ngăn không được mà còn bị vua cho người đánh bằng trượng. Sản bất mãn, mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm lập vua khác. 
Mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng một ngày tháng 5 năm 1516 Trịnh Duy Sản đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua lợn. Lê Tương Dực ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 21 tuổi. 
5. Cuộc đời bão tố và cái chết của Lê Chiêu Tông 
Lê Chiêu Tông (1506 – 1526), có tên húy là Lê Y, chắt của vua Lê Thánh Tông, là vị vua thứ 10 của nhà Lê sơ. Lúc mới 11 tuổi, ông được đại thần Trịnh Duy Sản và Lê Quảng Độ lập làm vua khi dấy quân lật đổ Lê Tương Dực. 
Trong thời gian trị vì của Lê Chiêu Tông, triều đình bị thao túng bởi Trần Chân, con nuôi của Trịnh Duy Sản. Vua nghe lời gièm pha, sợ uy quyền của Trần Chân nên sai người dụ Chân vào triều rồi giết Chân cùng các thủ hạ thân tín. 
Nhóm thủ hạ còn lại của Trần Chân phục thù, mang quân từ Sơn Tây đánh kinh thành, khiến vua phải tháo chạy. Với sự lãnh đạo của Mạc Đăng Dung, quân triều đình đánh bại những kẻ nổi loạn. Dung lần lượt được phong làm Minh quận công, rồi thái phó, quyền thế dần dần át cả vua. 
Chiêu Tông không muốn bị Đăng Dung khống chế, bí mật bàn cùng các nội thần hạ bệ Đăng Dung. Nhưng kế hoạch bị đổ vỡ, Chiêu Tông phải trốn chạy. Sau đó Đăng Dung tuyên bố phế truất ông và lập em ông là Lê Xuân lên ngôi (Lê Cung Hoàng). Như vậy, trong nước lúc này có 2 vua là Chiêu Tông và Cung Hoàng. 
Các tướng thân cận của Chiêu Tông đem quân giúp vua, khôi phục lại được thanh thế và đẩy lùi quân của mạc Đăng Dung. Nhưng do nội bộ bất hoà, nhiều tướng lại bỏ theo phe của kẻ tiếm quyền. Từ đó quân của Mặc Đăng Dung làm chủ tình hình. 
Ngày 28 - 10 - 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long giam lỏng. Đến tháng 12 năm 1526, ông bị Đăng Dung sai người giết chết, thọ 24 tuổi, ở ngôi được 6 năm. 
6. Lê Cung Hoàng chết trong tủi nhục 
Vua Lê Cung Hoàng (1507 – 1427) có tên húy là Lê Xuân là vị vua cuối cùng của thời Lê sơ. Ông là em ruột Lê Chiêu Tông, chắt của Lê Thánh Tông, được Mạc Đăng Dung lập lên để giữ danh chính khi Chiêu Tông trốn thoát vào năm 1522. 
Sau khi Chiêu Tông bị giết, vai trò lá chắn của Cung Hoàng không còn. Đã đến lúc để Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. 
Ngày 15 tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung đem quân vào kinh, bắt vua nhường ngôi. Triều thần lúc đó hầu hết đã là người của Đăng Dung hoặc theo Đăng Dung, tự khởi thảo chiếu nhường ngôi cho vua. 
Mạc Đăng Dung xưng hoàng đế, tức là Mạc Thái Tổ, lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức.
Lê Cung Hoàng bị giáng xuống làm Cung Vương rồi giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, Đăng Dung ép mẹ con Cung Hoàng phải tự tử. Lê Cung Hoàng ở ngôi được 5 năm, thọ 21 tuổi. 
7. Cuộc trỗi dậy không thành của Lê Anh Tông 
Lê Anh Tông (1532 - 1573), tên thật là Lê Duy Bang, là vị vua thứ ba của thời Lê Trung Hưng.
Trong thời kỳ này, quyền hành của các chúa Trịnh tăng lên rất nhiều. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền bính. Trịnh Cối thất bại phải sang hàng nhà Mạc.
Năm 1572, thấy quyền hành Trịnh Tùng lớn quá, Lê Cập Đệ bàn mưu với Lê Anh Tông mưu trừ khử Tùng để lấy lại quyền bính cho nhà Lê. Kế hoạch bị lộ, Cập Đệ bị đao phủ của Trịnh Tùng giết chết. Lê Anh Tông bỏ hành cung chạy trốn cùng 4 người con trai lớn ra Nghệ An.
Năm 1573, Trịnh Tùng đưa con trai thứ năm còn nhỏ tuổi của ông là Lê Duy Đàm lên ngôi vua và sai quân về Nghệ An bắt Anh Tông. Vua bị đưa về triều giám sát ngày đêm và bức chết. Khi đó ông 42 tuổi, ở ngôi được 17 năm.
8. Bi kịch của Lê Anh Tông lặp lại với cháu nội Lê Kính Tông 
Lê Kính Tông (1588 – 1619), có tên húy là Lê Duy Tân, là vị vua thứ 5 của thời Lê Trung Hưng. Ông lên ngôi khi mới 11 tuổi. 
Vào lúc này, chính quyền nhà Lê đã trở thành bù nhìn, mọi quyền hành thực sự nằm trong tay chúa Trịnh. Ông nội của Kính Tông là Lê Anh Tông (Duy Bang) đã bị Trịnh Tùng sát hại vì chống lại Trịnh Tùng. 
Từ năm 1600, Trịnh Tùng đã cơ bản dẹp được nhà Mạc ở miền Bắc, mâu thuẫn mới nổi lên giữa họ Trịnh và họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng tự ý bỏ vào vùng Thuận - Quảng. Nhân cơ hội này, tàn dư nhà họ Mạc lại nổi lên. 
Trong tình hình đó, vào năm 1619, Lê Kính Tông cùng Trịnh Xuân mưu giết chết Trịnh Tùng để giành lại địa vị. Nhưng kế hoạch thất bại, Trịnh Xuân bị tống vào ngục, còn nhà vua bị bức thắt cổ chết. Lê Kính Tông thọ 31 tuổi, ở ngôi 20 năm. 
Di tích Lam Kinh của triều Hậu Lê. 
9. Lê Duy Phường sống oan khuất, chết cay đắng
Lê Duy Phường (1709 – 1735) là vị vua thứ 12 của thời Lê trung hưng. Là cháu ngoại chúa Trịnh Cương - người nắm thực quyền khi đó - ông đã có nhiều hậu thuẫn để lên ngôi vua năm 1729, khi 21 tuổi, với niên hiệu là Vĩnh Khánh. 
Tháng 10 năm 1729, Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên nối ngôi. Cũng như các đời trước, việc triều chính do Trịnh Giang định đoạt, vua Vĩnh Khánh không có thực quyền. Trịnh Giang còn muốn thay đổi ngôi vua do Trịnh Cương đã sắp đặt để ra oai với thần hạ. 
Năm 1732, vua Vĩnh Khánh bị ép ra ở cung riêng. Tháng 8 năm đó, Trịnh Giang vu cho vua Vĩnh Khánh tư thông với vợ Trịnh Cương, rồi phế bỏ, lập con trưởng của Dụ Tông (anh cả của Duy Phường) là Lê Duy Tường lên ngôi, tức Lê Thuần Tông. Tháng 4 năm 1735, Lê Thuần Tông mất, Trịnh Giang lập em Duy Phường là Lê Duy Thận làm vua, tức là Lê Ý Tông. 
Duy Phường bị dời đến ở một ngôi nhà ở bên ngoài. Tháng 9 năm 1735, Trịnh Giang sai người thắt cổ giết chết ông. Lê Duy Phường ở ngôi 3 năm, thọ 27 tuổi. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ quyển 11; 12; 13, 14.
2. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Trang