Nhà thơ Hải Như/ Tiền Phong
Nhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta có nên “báo động” với nhau về một lớp người đã không còn biết liêm sỉ, không còn biết xấu hổ?
Có một lần khi coi trên màn ảnh nhỏ, mấy em gái con nhà lành do ham chơi đua đòi và cả do đến tuổi không có công ăn việc làm, đã nghe kẻ xấu rủ rê đi làm nghề “bán mình dễ dãi”.
Mấy em gái đó bị công an truy quét bắt được trong lúc “hành nghề”. Tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy các em lấy hai tay che mặt trước ống kính máy ghi hình.
Thú thật, tôi thấy lòng đau nhói vì đọc thấy những bàn tay của các em đưa lên che mặt dấu hiệu của sự ăn năn hối lỗi. Các em biết hổ thẹn vì chót lầm lỡ làm nhục gia đình, dòng họ. Giận mà thương. Mừng thay các em còn biết xấu hổ!
Một lần khác, tôi coi lên màn ảnh nhỏ theo dõi một phiên tòa xử vụ án tham nhũng. Mấy bị can là quan chức phải ra đứng trước vành móng ngựa vẫn ngang nhiên đi đứng vẻ “quan dạng” khi tòa hỏi cung. Tôi quan sát thấy nét mặt họ không mảy may xao động ăn năn tội lỗi, mà lại nhơn nhơn như thường.
Nhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta có nên “báo động” với nhau về một lớp người đã không còn biết liêm sỉ, không còn biết xấu hổ nữa rồi. Khi báo chí đưa tin ở một vài địa phương có các quán “cơm tù” tự do hoành hành khách đi xe đò (xe khách) mà người đứng đầu địa phương đó cùng người đứng đầu ngành giao thông không biết xấu hổ thì thật hết chỗ nói!
Khi các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về một bến sông của địa phương nọ có người lái đò mù đã mấy chục năm chở người sáng mắt mà người đứng đầu địa phương đó cùng lãnh đạo ngành giao thông không thấy giật mình về việc thiếu đi sâu đi sát dân. Các vị “công bộc” trên không cảm thấy xấu hổ về bệnh quan liêu mãn tính thâm nhập cơ thể bộ máy công quyền thì ôi thôi?
Khóa họp Quốc hội kỳ này đánh dấu một dấu hiệu mới đáng hoan nghênh, khuyến khích tranh cãi và không để các vị Bộ trưởng chỉ có báo cáo thành quả là cơ bản mà còn đòi hỏi các người đứng đầu ngành phải trả lời thẳng vào các câu chất vấn của đại biểu.
Nhưng… cử tri cả nước theo dõi trên màn hình không thể không chép miệng buồn về thái độ nhận thiếu sót của vài vị. Những thiếu sót làm nên những “mảng tối” của đời sống người dân, kéo lùi bước đi lên của đất nước đổi mới.
Trên nét mặt các vị quan đầu ngành tuy có lúng túng trong việc trả lời nhưng không thấy lộ ra một nét nào bộc lộ sự hổ thẹn về năng lực quản lý yếu kém của mình.
Không thấy một vị nào đỏ mặt về việc quản lý ngành mình để xảy ra sai sót, thảm họa gây nên những thất thoát tiền hàng trăm nghìn tỷ của dân.
Tôi quan sát ngược lại, thấy người xấu hổ và đỏ mặt đến nổi giận lại là những cử tri ngồi trước màn hình khi họ liên hệ về sự phát triển chậm trễ đất nước mình so với các quốc gia láng giềng.
Chúng ta đều biết nước Nhật sau khi thua trận trong thế chiến thứ hai theo nhà báo Pháp Robert Guillain trong cuốn phóng sự: “Nước Nhật cường quốc thứ 3 thế giới” đã phát hiện cả nước Nhật có một khẩu hiệu duy nhất mà nhà báo tới đâu cũng gặp.
Khẩu hiệu “Phẫn Nộ Đồ Cường” dịch tạm là Hãy biết tức giận sao đất nước mình lại không “mạnh giàu?”. Tôi cứ nghĩ nên chăng Nhà nước ta hôm nay có nên nghiên cứu đưa ra một khẩu hiệu tương tự.
Khẩu hiệu “Hãy Cần Biết Xấu Hổ” thức tỉnh cả quan và dân để chóng đưa đất nước ra khỏi đói nghèo, sánh vai cùng các quốc gia bạn trong khu vực. Sự “im lặng đáng sợ” không còn biết xấu hổ đang là căn bệnh ác tính xâm nhập hủy hoại cơ thể tâm hồn lành mạnh của chúng ta. Có thể nào chúng ta lại không dám nhìn vào sự thật đáng xấu hổ này để “báo động” với nhau?
“Xấu hổ lại loại hình nổi giận hướng vào bên trong, nếu như cả một dân tộc biết xấu hổ thì nó sẽ mang sức mạnh của con sư tử thu mình lại để chuẩn bị phóng tới”. Câu nói trên đây là của Marx, tôi xin trích dẫn trong “Toàn tập Marx-Engels” do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành - tập 1 trang 487.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét