Qua theo dõi các phiên chất vấn của đại biểu quốc hội tại nghị trường trong suốt kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIII, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng tính chiến đấu của nhiều đại biểu quốc hội chưa cao.
- Ông đánh giá thế nào về bản lĩnh chất vấn của đại biểu quốc hội hiện nay?
- Dù ở bất cứ cương vị nào, thuộc Nhà nước hay đoàn thể, khi đã được dân tin tưởng bầu là đại biểu quốc hội thì phải có trách nhiệm và phải có hành động cụ thể để thể hiện mình là đại biểu của dân. Không việc gì phải do dự trước các vấn đề mà đại biểu nhận thấy cần phải nêu ra trước quốc hội.
Tôi thấy hiện nay có nhiều đại biểu biết là đúng mà không dám nói. Rõ ràng điều đó cho thấy nhận thức hoặc bản lĩnh của họ chưa tốt. Trước một vấn đề nhức nhối, đại biểu quốc hội cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó và nên có ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, góp phần khắc phục các điểm còn hạn chế.
Qua theo dõi các buổi thảo luận ở nghị trường vừa qua, tôi thấy đại biểu quốc hội cần có tính chiến đấu cao hơn nữa, cũng phải mở rộng tầm hiểu biết, có nhận thức đúng, dám nói, dám làm. Tôi biết nhiều đại biểu có nhận thức đúng, nhưng lại hiểu không đúng về vị trí của đại biểu quốc hội, nể nang, sợ đụng chạm nên chưa dám nói trong khi giờ Đảng, nhân dân đều tôn trọng sự thật.
- Với những đại biểu chưa thể hiện hết tinh thần là đại biểu của dân, theo ông nên đánh giá, nhìn nhận họ thế nào cho đúng?
- Thấy đúng mà không nói rõ ràng là chuyện không thể chấp nhận được. Đành rằng có những vấn đề không thể nói công khai ngay được, nhưng đại biểu cũng phải tỏ chính kiến bằng nhiều hình thức. Tuyệt đối không nên im lặng trước các vấn đề gây tranh cãi bởi như thế đại biểu không xứng đáng là đại diện của dân.
Khi đại biểu không làm tròn trách nhiệm của mình sẽ là thiệt thòi cho cơ quan quyền lực của nhà nước và dân sẽ tự có đánh giá thích đáng với họ.
- Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi) kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam có quyền đề nghị bãi nhiệm đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc không còn được cử tri, nhân dân tín nhiệm. Ý nghĩa của đề xuất này ra sao thưa ông?
- Mặt trận Tổ quốc là tổ chức đứng ra thay mặt cho Đảng, Nhà nước, toàn dân để thực hiện quyền dân chủ của dân đó là giới thiệu các cán bộ ở mọi vị trí, ngành, cấp độ, cương vị…vào danh sách bầu cử đại biểu quốc hội. Do vậy, khi đại biểu vi phạm pháp luật hoặc không còn được cử tri, nhân dân tín nhiệm thì Mặt trận có quyền và có trách nhiệm đề nghị bãi nhiệm với họ.
Kiến nghị trên góp phần nêu rõ vị trí của Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị. Điều này không chỉ hợp tình hợp lý mà còn góp phần động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình trong việc bầu cử, lựa chọn cán bộ vào vị trí đại biểu quốc hội. Không chỉ thế, làm vậy còn là cách thể hiện sự tôn trọng quyền của người dân trong việc tỏ chính kiến với quốc hội về quá trình công tác của một đại biểu nào đó.
Tuy vậy, đây không phải đề xuất mới. Ngày còn là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, tôi từng kiến nghị đưa 2 vị lãnh đạo cấp cao ra khỏi danh sách Quốc hội và 2 cá nhân đó đã bị loại ra khỏi danh sách bầu cử. Tôi nghĩ làm như vậy là đúng nguyên tắc và tôn trọng quyền làm chủ của dân mà Mặt trận Tổ quốc chính là tổ chức đại diện.
- Tại những kỳ họp gần đây, có thể thấy công tác phòng chống tham nhũng luôn được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, thậm chí có những phát biểu khá gay gắt. Có đại biểu cho rằng phải có quy định cấm cán bộ lãnh đạo quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án. Ông có đồng tình với quan điểm trên không?
- Những chữ ký ở phút 89 với tôi không thể là chuyện thường. Nếu đã không bình thường thì không thể đúng được. Việc đề bạt cán bộ cần có quá trình chứ không phải đến lúc sắp nghỉ hưu mới bổ nhiệm ồ ạt.
Không ai cấm đoán trách nhiệm đề bạt cán bộ khi vị lãnh đạo đó còn đương chức đương quyền, nhưng lương tâm của họ phải tự cấm đoán mình, tự họ phải tự vấn lương tâm trước những việc sai trái.
Xét về mặt pháp lý, nhiều khi họ đưa ra lý lẽ đều đúng cả, nhưng rõ ràng ai cũng thấy việc làm của họ không minh bạch. Muốn cấm những chữ ký ở phút 89, theo tôi luật nên bổ sung quy định: Những người sắp về hưu không được tùy tiện bổ sung, đề bạt cán bộ.
- Xin cảm ơn ông!
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét