5 tháng 11, 2014

“Đổi mới thể chế”, giã từ “đường ray cũ”…?

Bùi Hoàng Tám/ Dân trí
Minh họa: Ngọc Diệp
Những gì là trì trệ, là giáo điều, là khuôn mẫu… đang cản trở sự phát triển của chúng ta cần phải được loại bỏ. Phải chăng đã đến lúc cần “đổi mới thể chế”, giã từ “đường ray cũ" để đưa đất nước đi lên?
 Cụm từ “đổi mới thể chế” lại một lần nữa được cất lên ngay tại nghị trường Quốc hội.
Đây không phải lần đầu tiên bởi trước đó, trong Thông điệp đón năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết:
“Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.
Vừa qua, một lần nữa thông điệp về đẩy mạnh cải cách thể chế lại được cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10…
Ngày 31/10, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh tiếp tục đề nghị. “Chúng ta phải đổi mới thể chế, pháp luật, chứ không thể dùng lời khuyên, mong muốn để thay đổi”.
Lý giải cho yêu cầu này, Bộ trưởng Vinh nói: “Không đổi mới cán bộ không đổi mới được nền kinh tế, vì các chuyên gia quốc tế nói rằng, nếu ông đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới. Cho nên, đổi mới cán bộ cũng là một yếu tố phải tác động mới làm đổ mới được…”.
Nhìn lại gần 30 năm qua, tinh thần Đổi mới (1986) đã mang lại những thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, đường lối thời Đổi mới đã trải qua một thời gian khá dài trong khi sự phát triển của thế giới và trong nước hôm nay cần phải có những thay đổi theo từng tháng, từng năm, thậm chí từng ngày, từng giờ.
Nói các khác, 30 năm qua, tình hình cả trong nước và thế giới đã thay đổi rất nhiều nên mọi mô hình đều cần phải có sự thay đổi kịp thời, nhanh chóng và mạnh mẽ.
Nếu không có sự thay đổi quyết liệt, chúng ta sẽ tụt hậu và điều đó đã và đang là nguy cơ hiện hữu.
Xin mượn lời của ĐB. Trương Trọng Nghĩa khi ông có cách nói khá hình ảnh rằng đất nước chưa thoát được mô hình và công thức tăng trưởng cũ thì không thể có ngay sự thay đổi: "Ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ thì làm sao nhìn thấy chân trời mới".
Những gì là trì trệ, là giáo điều, là khuôn mẫu… đang cản trở sự phát triển của chúng ta cần phải được loại bỏ.
Vì vậy phải chăng cần “đổi mới thể chế”, giã từ “đường ray cũ” để đưa đất nước đi lên?

Không có nhận xét nào:

Trang