18 tháng 11, 2014

‘Sao tài sản của dân giao cán bộ cứ mất dần mất mòn?’

Tác giả: Lan Uyên
KD: Vì giao phải cái “túi không đáy”? 
————
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề tại sao bao nhiêu tài sản của dân giao cho cán bộ quản lý lại mất dần mất mòn?
Sáng nay (19/11), sau khi nghe báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường liên quan đến nội dung này.
Nhiều đại biểu đánh giá, thời gian qua, các vấn đề nóng như cải cách thủ tục hành chính, đấu tranh chống tham nhũng, phòng chống buôn lậu,… đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của cử tri, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá, dù cải cách thủ tục hành chính thu được một số kết quả, như giảm được được rất nhiều thủ tục, giảm được phiền hà cho dân. Tuy nhiên, vấn đề tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế thì vẫn chưa làm được.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền “Toàn là đảng viên giữ tài sản của dân sao mất nhiều thế“
“Rõ ràng bộ máy ngày càng phình ra, biên chế ngày càng tăng. Tất nhiên, liên quan đến con người là vấn đề khó nên thận trọng là đúng. Nhưng ưu điểm là thận trọng, khuyết điểm là thận trọng quá nên không dám làm mạnh, làm cương quyết”, ông Thuyền nói.
Theo phản ánh của đại biểu Thuyền, hiện nay ở nhiều cơ qua có quá nhiều cấp phó. “Một phòng có ba người có khi đã một trưởng, một phó, thế thì trưởng phòng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên còn gì. Rồi Thứ trưởng cũng thế – quá nhiều”.
Chúng ta bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ? Nếu bảo vệ lợi ích người dân thì phải sa thải cán bộ.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền
Đại biểu tỉnh Lâm Đồng kiến nghị chỉ nên có từ 1 đến 2 cấp phó thôi để quy trách nhiêm cho cấp trưởng, không thể để xảy ra tình trạng việc gì cấp trưởng cũng dồn hết cho cấp phó, rồi ngồi chơi hưởng lợi.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng kiến nghị, ngoài việc giảm thủ tục thì phải giảm tổ chức, giảm bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
“Bây giờ tuyển một ông viên chức, công chức vào mà cứ ngồi ì đấy không cách nào đuổi ông ra được thế thì làm sao? Chúng ta bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ? Nếu bảo vệ lợi ích người dân thì phải sa thải cán bộ. Cho nên tôi đề nghị vấn đề này phải làm kiên quyết trong cải cách hành chính phải tinh giản biên chế hiệu quả hơn”, ông Thuyền nói.
Đánh giá về vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, theo ông Thuyền, mặc dù quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi nhiều hơn nữa.
“Trong này tôi thấy có yếu tố con người, yếu tố niềm tin. Nói yếu tố con người là vì tôi nhớ có một dịp đi kiểm tra Dinh Bảo Đại sau giải phóng miền Nam, chúng tôi thấy từ 1949 đến 1975 chỉ có một ông quản gia nhưng kiểm kê tài sản của Dinh Bảo Đại không thiếu một cái gì.
Đến chúng ta, mỗi lần kiểm tra thì có bao nhiêu con dấu nhưng vẫn mất dần, mất mòn. Toàn là đảng viên giữ tài sản sao mất nhiều thế”, ông Thuyền nêu vấn đề.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đề nghị trong đấu tranh chống tham nhũng, ngoài việc xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm thì phải xây dựng lòng tin với dân.
“Nếu không xây dựng lòng tin với dân thì đi đến đâu người dân cũng đưa tiền. Đưa tiền không phải họ kính nể mà vì họ không có lòng tin vào cán bộ. Làm quan thời kỳ nào cũng có lộc nhưng cái lộc đó khác. Mình ăn chặn của dân thì nó khác. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau”, ông Thuyền chỉ rõ.
Cũng đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng và chống buôn lậu, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng cần phải có những cách làm, thể chế để thay đổi mạnh mẽ.
ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) “Đụng tới cán bộ càng cao thì càng cần phải làm công khai minh bạch
Theo đại biểu Lê Nam, vấn đề chạy chức chạy quyền là thực trạng tồn tại trong nhiều năm qua. Nếu không làm quyết liệt, không khui từ việc lớn nhất, cấp cao nhất thì khó giải quyết được.
Lấy ví dụ Thanh Hóa vừa rồi thi công chức làm rất quyết liệt, không có chuyện tiêu cực, đại biểu Lê Nam cho rằng “Trước đây dư luận phản ánh phải có hàng trăm triệu mới có một suất biên chế. Nhưng nếu làm nghiêm chỉnh thì ngăn chặn được ngay tiêu cực này. Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Quảng Ninh,… đã làm công khai minh bạch, thì vợ bé con rơi, bao nhiêu nhà đất ở đâu ra hết. Cách làm của các bộ là bài học rất hay, cần triển khai tổng kết lạị”.
Về công tác cán bộ, đại biểu Lê Nam cho rằng có những vấn đề tiêu cực liên quan đến cán bộ cao cấp cần được công bố công khai với dân. Càng quan chức cao cấp càng phải làm nghiêm thì dân mới tin.
Nếu đụng tới cán bộ càng cao thì càng cần phải công khai minh bạch. Nếu chỉ làm từ vai trở xuống thì nhân dân không tin đâu.
ĐBQH Lê Nam
“Lần trước chất vấn về trường hợp nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, đến giờ chưa thấy báo cáo với Quốc hội”, ông Nam nêu vấn đề
Theo đại biểu Lê Nam, “nếu đụng tới cán bộ càng cao thì càng cần phải công khai minh bạch. Nếu chỉ làm từ vai trở xuống thì nhân dân không tin đâu”.
Về vấn đề chống buôn lậu, đại biểu Lê Nam cho rằng hiện nay ở nhiều địa phương làm chưa tốt, làm kiểu đối phó.
Theo ông Nam, mặc dù Thủ tướng Chính phủ từng có chỉ đạo, ở đâu mà buôn lậu nghiêm trọng thì giám đốc công an ở đấy phải chịu trách nhiệm, xong cho đến giờ chưa thấy chỗ nào có chuyện chịu trách nhiệm.
“Tại sao biên giới buôn lậu khủng khiếp thế? Bộ Công an cứ phải trực tiếp làm thì được một số vụ, nhưng Bộ đi thì lại như ném đá ao bèo. Nếu cứ làm như thế này thì cũng không được. Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu’, đại biểu Nam kiến nghị.

Không có nhận xét nào:

Trang