Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen tuan
Hệ thống tuyên truyền ở các nước XHCN, kể cả Việt Nam -- dĩ nhiên, rất tài giỏi trong việc thần thánh hoá các lãnh tụ, và họ cũng rất giỏi trong việc xây dựng nên những ấn tượng đẹp về lãnh đạo như là những người tài ba siêu quần, có khả năng kinh bang tế thế mà dưới vòng trời này không ai bằng họ. Chắc chắn họ giỏi hơn hệ thống truyền thông của các nước tư bản, vốn suốt ngày đi tìm cách để "cởi truồng" các chính khách do chính họ bầu ra.
Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới XHCN, một khi những bức tường thông tin chung quanh các lãnh tụ và lãnh đạo (tôi sẽ nói "lãnh đạo" từ nay trở đi) bị sụp đổ, và khi trong môi trường mà chính họ phải thốt ra, thì họ cũng xuất hiện nguyên trạng là những người bình thường như chúng ta, thậm chí rất tầm thường. Họ cũng có nhiều điều muốn nói ("tâm tư") và có những ước vọng và so sánh thầm kín. Chẳng hạn như mới đây, Phùng đại tướng trên báo Lao Động, phàn nàn rằng trong hội nghị quân sự vùng ASEAN, tư lệnh quân chủng bộ binh, hải quân và không quân của các nước khác toàn mang 4 sao, còn tướng VN thì chỉ 2 sao. Rồi ông than "Mình đất nước lớn, vị thế lớn mà để anh em thế cũng là hơi thấp" (1). Đọc đi đọc lại câu phát biểu này tôi thấy sao mà quá phù hợp với phức cảm tự ti (complex inferiority).
Phức cảm tự ti thực ra là một hội chứng tâm lí, mà đặc điểm chính là tự cảm thấy mình không bằng người ta, thậm chí thấy mình vô dụng trước sự hào nhoáng hay thành công của người khác. Vì cảm thấy yếu đuối về nội tâm, nên cơ chế "phòng vệ" tiêu biểu của họ là tự tạo cho mình cái ngoại cảnh để bù đấp lại cái yếu kém bên trong. Đối với họ, bề ngoài rất quan trọng. Họ rất trọng danh xưng, bằng cấp, chức danh, vị trí xã hội. Một chứng rất phổ biến ở những người với chứng phức cảm tự ti là hay khoe khoang, phách lối, vì họ nghĩ ai cũng xem thường họ, nên họ phải khoe khoang cho thật kêu để lấp đi khoảng trống tinh thần. Cách khoe khoang của họ là trưng bày nhà cửa, bằng cấp, chức vụ, quân hàm, v.v. để nhằm cải tiến cái hình ảnh cá nhân của họ. Nhưng người mắc chứng phức cảm tự ti thường sống không yên tâm, bởi vì họ phải đóng kịch bề ngoài và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người khác biết cái yếu điểm của mình, nên họ cảm thấy rất bất an và khắc khoải trong lòng.
Những triệu chứng trên đây rất phù hợp với tâm tư của ngài đại tướng. Ông lí giải một cách buồn buồn rằng "[…] ngay tại các hội nghị quân sự ASEAN cũng đã thấy có sự khác biệt. Tư lệnh hải lục không quân các nước đều là tướng 4 sao. 'Tướng 4 sao đi xe gắn 4 sao ngay cánh cửa', trong khi bên mình tư lệnh hải lục không cũng chỉ có 2 sao. Mình đất nước lớn, vị thế lớn mà để anh em thế cũng là hơi thấp." Phát biểu đó cho thấy nó rất phù hợp với dấu hiệu về hội chứng phức cảm tự ti. Thấy người ta ai cũng có 4 sao, mình chỉ có 2 sao, đâm ra … buồn và … tâm tư. Vì thấy thấp kém (ít sao) hơn người ta, nên ông đòi phải thêm sao cho các tướng lãnh. Thấy người ta đi xe có gắn sao, ông có vẻ tủi thân. Thật khó tưởng tượng nổi một quan chức cao chót vót mà có thể thổ lộ trước công chúng những suy nghĩ rất riêng tư như thế.
Tôi chợt liên tưởng đến những bộ trưởng quốc phòng các nước phương Tây, mà cụ thể là Mĩ, không hề có sao nào cả (ông này xuất thân là lính nhảy dù, từng tham chiến ở VN). Chẳng hiểu ngài Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Chuck Hagel có mặc cảm tự ti không khi ông tham dự các hội nghị quân sự ở ASEAN vì ông chẳng có sao nào cả. Thế còn Donald Rumsfeld, Leon Panetta, Caspar Weinberger, v.v. cũng chẳng có sao nào, họ có mặc cảm khi đứng bên cạnh những tướng 4 sao của Tàu, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên? Tôi nghĩ họ không mặc cảm đâu. Rất có thể họ tự hào là đằng khác, vì dù chẳng có sao nào trên vai, nhưng họ là sếp của hàng trăm tướng 3-4 sao. Tôi nghĩ họ tự hào vì họ là "tư lệnh" của đội quân tinh nhuệ, thỉnh thoảng tự cho mình vai trò cảnh sát gìn giữ hoà bình thế giới. Họ tự hào vì quân đội các nước khác phải phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc, vào công nghệ của quân đội Mĩ. Tự hào, tôi nghĩ do đó, chẳng có liên quan gì đến số sao trên cầu vai của một cá nhân cả, mà nó liên quan đến thực lực hùng mạnh của đội quân mà họ chỉ huy.
Bộ áo cà sa không làm nên nổi một thầy tu. Tương tự, số sao trên vai chưa chắc làm cho lòng tự hào được nâng cao nếu không có thực lực. Chẳng hạn như tướng Tàu, cho dù là mang 3 sao hay 5 sao đi nữa, cũng khó mà có thể tự hào trước một ông tướng Nhật 1 sao, bởi vì trong quá khứ Tàu bị Nhật đánh tơi bời. Chợt nhớ ngày ông Võ Nguyên Giáp khi đánh trận Điện Biên Phủ, ông đâu có sao nào trên vai. Còn ngày nay, có tự hào được không khi 64 người lính bị kẻ thù Tàu cộng bắn chết ở Gạc Ma, và hòn đảo bị mất về tay của kẻ thù. Có tự hào được không khi mà Tàu cộng cho hàng trăm tàu hải quân, hải giám, hải cảnh đến tận vùng biển thuộc chủ quyền của VN mà phía quân đội VN im lặng. Thực tế là ngày nay quân đội VN chưa chắc mạnh hơn ai. Cái gì cũng mua từ ngoại quốc, từ tàu lặn, tàu chiến hải quân, tàu hải giám, đến máy bay, tất tần tật đều là mua từ ngoài. Phải đi qua nước người để học lái, học cách sử dụng, và thậm chí học cả bảo trì. Một quân đội như thế rất khác xa với quân đội như Mĩ, Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật. Cho dù một ông tướng có đeo 4 hay 5 sao trên cầu vai mà đội quân dưới quyền chỉ huy còn yếu thì ông tướng đó cũng chẳng bao giờ được kính nể.
Không biết các bạn khác thì sao, nhưng tôi thấy đi họp hội nghị mà mặc quân phục thì hơi kì kì. Trong khi người ta từ các nước văn minh, tiên tiến, quân đội hùng mạnh có mặt khắp thế giới, người sếp chỉ vận bộ "business suit", rất dân sự, rất dễ gần gũi. Bộ đồ veston đó chẳng những lịch sự mà còn sang trọng hơn bộ quân phục nhiều chứ. Có thể có người nghĩ rằng bộ quân phục làm cho cá nhân oai phong lên, nhưng cũng có thể xem bộ quân phục vừa nặng nề và vừa màu mè đó làm cho người mặc giống như là diễn viên đang đóng tuồng trên sân khấu. Bác sĩ và nhà khoa học chỉ mặc áo choàng khi tác nghiệp, chứ đâu có ai mặc thứ đồng phục đó trong hội nghị. Ở một nơi mà đa số đều mặc business suit, tự dưng có vài người vận quân phục thì quả là tự mình làm cho mình … không giống ai. Nổi lên thì có đấy, nhưng người ta nhìn vào thì chẳng giống ai.
Có lẽ nhiều người chú ý đến hiện tượng VN đã có quá nhiều tướng, nhưng ít ai chú ý đến một hiện tượng khác là tướng tá với bằng cấp cao. Con số tướng lãnh quân đội, theo báo chí, hiện nay đã lên đến 489 người (nhưng không biết bao nhiêu là tại chức). Nhưng điều thú vị hơn là rất nhiều tướng tá ngày nay học rất cao. Có lẽ chúng ta không quên Đại tá Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Thanh, với những phát biểu "sổ hưu" bất tử. Nhưng ông chỉ là 1 trong rất nhiều PGS TS trong quân đội. Chẳng hạn như năm 2012, có 47 người được phong chức danh PGS, và con số này trong năm 2013 là 65 người (2). Có lẽ trong lịch sử VN, chưa bao giờ nước ta có nhiều tướng tá với học vị tiến sĩ và mang hàm giáo sư như hiện nay.
Thấy người ta có nhiều sao hơn mình, rồi mình đâm ra "tâm tư" thì đúng là một triệu chứng của phức cảm tự ti. Tại sao phải quan tâm đến cái hào nhoáng bề ngoài. Cái uy danh của một ông tướng đâu phải đến từ số sao trên vai; nó đến từ sự danh tiếng của quốc gia và đẳng cấp quân đội. Một ông tướng của Campuchea cho dù là 5 sao chắc chắn không có uy danh bằng một ông chuẩn tướng Mĩ. Tương tự, một ông tướng 4 sao của VN đã chắc gì được đồng liêu quốc tế xem ngang hàng về uy thế của một ông tướng 3 sao của Mĩ. Trong khi các ngài "sư sĩ" VN tranh nhau để có những cái "râu ria" trước tên của họ đã làm tôi ngạc nhiên, nhưng nay nghe thấy sự xét nét về số sao trên cầu vai áo của mấy ông tướng lãnh càng làm tôi kinh ngạc. Phải cảm ơn internet và báo chí mà chúng ta có dịp thấu hiểu "tâm tư" của giới lãnh đạo. Hoá ra, họ cũng có những tham sân si như bất cứ thường dân nào khác, cũng mê vật chất, và cũng hám danh như các sư sĩ mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét