Tác giả: Lan Thiệu
Lãnh đạo một số công ty, tập đoàn lập “công ty sân sau”, đầu tư ngoài ngành tràn lan gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng rồi rút vốn của Nhà nước để bù lỗ đang là một thực tế đáng báo động vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ mặt đặt tên..
Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, sai phạm lớn nhất tại công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô (thuộc sở hữu UBND tỉnh Phú Yên) là ông Nguyễn Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Cảng Vũng Rô, đã tuồn vốn của Nhà nước cho “công ty sân sau”. Trong quá trình điều hành công ty Cảng Vũng Rô, ông Minh đã thành lập công ty TNHH sản xuất Thương mại Đại Lộc (địa chỉ tại KCN Đồng An, thị xã Thuận An, Bình Dương).
Ông Minh nhờ một người cháu và chồng bà Nguyễn Vũ Thùy Trang (thủ quỹ công ty Cảng Vũng Rô – chi nhánh TP.HCM) đứng tên góp vốn thành lập công ty Đại Lộc, mỗi người góp 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, hai người này không hề góp vốn mà do Minh nhờ đứng tên. Sau khi thành lập “công ty sân sau”, với sự thông đồng, tiếp sức của Phó giám đốc, kế toán trưởng, phụ trách kế toán, thủ quỹ công ty Cảng Vũng Rô, ông Minh đã tuồn vốn của Nhà nước cho công ty Đại Lộc thông qua các hợp đồng mua bán vải sợi với nhiều điều khoản có lợi cho công ty Đại Lộc… Việc chuyển tiền từ công ty Cảng Vũng Rô sang cho công ty Đại Lộc gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 37,3 tỉ đồng.
Từ sự việc trên, một số chuyên gia kinh tế nhận định, các chiêu rút vốn dưới hình thức lập “công ty sân sau” của nhiều lãnh đạo công ty, tập đoàn ngày càng tinh vi và hệ luỵ khó lường. Cách đây không lâu, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên. Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền hơn 8.366 tỉ đồng.
Điều đáng chú ý, quá trình thanh tra còn phát hiện, một số lãnh đạo VRG tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Bên cạnh đó, một số công ty “con” của VRG cũng tham gia góp vốn vào DSEC khi chưa được tập đoàn đồng ý; cá biệt, có đơn vị dùng cả quỹ phúc lợi để đầu tư, góp vốn vào “công ty sân sau” của các vị quan chức ngành cao su. Đến nay, công ty này mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỉ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253 tỉ đồng…
Trước những thương vụ doanh nghiệp dùng “phép thuật” rút vốn của Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo “công ty sân sau” gây ra rất nhiều hệ lụy như: Tham nhũng, lũng đoạn thị trường, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, tại sao chỉ khi những công ty này làm ăn thua lỗ mới bị phát hiện? Phải chăng, chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng hay còn những nguyên nhân khác? Một ĐBQH từng thẳng thắn nêu quan điểm: “Một số đơn vị đổ lỗi cho việc đầu tư vào những hạng mục đảm bảo kinh tế, chính trị, Xã hội gì đấy chứ không đề cao hiệu quả Kinh doanh. Tuy nhiên, việc này phải làm thật rõ, phải nói rõ xem số tiền đấy có “chạy” vào trong túi các nhà đầu tư nước ngoài, những công ty đối tác, “công ty sân trước, sân sau, sân trên, sân dưới” của tập đoàn, tổng công ty hay không?”.
Cách xử lý vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho biết: “Đây là hậu quả không thể tránh khỏi khi chúng ta vẫn áp dụng cách quản lý tài chính như hiện nay. Tôi lấy ví dụ, khi một doanh nghiệp Nhà nước muốn xin vốn đầu tư thì phải trình kế hoạch lên bộ Tài chính và nếu có đủ căn cứ thì sẽ được cấp vốn. Tuy nhiên, việc cấp vốn chỉ được tiến hành theo một đợt duy nhất nên những khó khăn cũng từ đó mà phát sinh.
Bởi lẽ với số vốn được cấp thì doanh nghiệp không thể sử dụng ngay lập tức cho mục đích kinh doanh được trong khi áp lực phải trả lãi nguồn vốn vay đang đè nặng. Chính vì thế mới nảy sinh ra chuyện đầu tư ngoài ngành hay đầu tư ngắn hạn để kiếm lời. Cũng từ đó mà tiêu cực cũng như sự nhập nhèm trong quản lý vốn Nhà nước mới xảy ra. Chỉ đến khi những công ty con đó làm ăn thua lỗ, chúng ta mới phát hiện được. Tuy vậy, khi phát hiện ra sai phạm, tiền cũng đâu có thu hồi được. Vì thế, điều quan trọng là phải ngăn chặn ngay từ đầu, tức là phải thay đổi cách quản lý tài chính như hiện nay theo một hướng khác. Tôi lấy ví dụ ở Mỹ, có một ban chuyên trách về việc giải ngân ngân sách nên việc quản lý tài chính rất hiệu quả”.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Chúng ta đã có những quy định về việc các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao và vẫn có những sai phạm xảy ra. Sở dĩ còn tình trạng đầu tư ngoài ngành là do chúng ta thiếu cơ chế kiểm tra chặt chẽ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Việc xử lý những đơn vị tạo “sân sau” chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Thực tế là để tuồn được vốn xuống các “công ty sân sau” đòi hỏi cả một quy trình với đầy đủ các yếu tố và bộ phận từ trên xuống dưới. Vì thế, cá nhân giám đốc không thể thực hiện trót lọt được. Chúng ta đã bàn tới vấn đề này từ lâu rồi, kết quả thanh tra hàng năm cũng phát hiện ra rất nhiều sai phạm nhưng dường như vẫn chỉ là bắt cóc bỏ đĩa? Trong khi đó tín dụng dành cho các công ty con, “công ty sân sau” (kể cả doanh nghiệp cổ phần hóa) của nhiều tập đoàn và tổng công ty cũng không được thống kê đầy đủ. Vì thế, doanh nghiệp Nhà nước được hưởng nhiều lợi thế nhưng vẫn không thực sự phát huy được vai trò của mình”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét