Một đất nước có hàng nghìn giáo sư, tiến sĩ; một xứ sở gắn với câu “tre xanh, xanh tự bao giờ”, nhưng chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu từng cái tăm tre đến con ốc vít, trong khi đó nợ xấu đang ở con số 500 nghìn tỷ đồng.
Tiếc nuối khi để vuột mất hợp đồng béo bở
Mới đây, tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện để Việt Nam có thể cung ứng cho Galaxy S4 và Tab, thì các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng kể cả những doanh nghiệp điện tử có 40 - 50 năm truyền thống vẫn chưa thể sản xuất được, trong đó có cả những linh kiện đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...
Điều này khiến rất nhiều doanh nghiệp phải tiếc nuối, đặc biệt là khi có thông tin, trong năm 2013, Samsung Việt Nam đã chi ra 19,8 tỷ USD mua các thiết bị linh kiện, nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được khoảng 10\% số đó sẽ thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Ngoài ra, theo Samsung Việt Nam, chỉ riêng dây sạc pin cho điện thoại di động mỗi năm doanh nghiệp này cần 400 triệu sản phẩm, mỗi sản phẩm trị giá 0,5 USD nhưng doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được nên họ vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Câu chuyện đáng buồn này làm dấy lên nhận định làm nóng mặt nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý: “Doanh nghiệp VN không thể đáp ứng được cái ốc vít cho các DN FDI”.
Bên cạnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi, Việt Nam sản sinh được rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng sao không sản xuất được sản phẩm, dù chỉ là con ốc vít? Trong khi đó hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn mất tới hơn 50 tỷ USD để nhập khẩu các linh, phụ kiện phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên có tầm nhìn xa hơn
Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã lên tiếng khẳng định, Việt Nam sản xuất được ốc vít! Ông cho hay, trên thực tế nhiều năm qua, Việt Nam đã làm được rồi và làm chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, việc đưa được sản phẩm đó vào trong chuỗi giá trị, vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn Samsung không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu là câu chuyện khác. Bởi nếu rõ ràng, chúng ta không đảm bảo được về chi phí, do năng suất thấp, giá thành cao thì khó có thể len chân được vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng là chuyện về con ốc vít, có một doanh nhân từng chia sẻ, sẽ hơi vội vàng nếu cho rằng sản xuất những linh phụ kiện như con ốc hay cái sạc điện thoại theo tiêu chuẩn của Samsung là việc đơn giản về mặt công nghệ. Bởi hiện nay Samsung đã trở thành một thương hiệu toàn cầu, tiêu chuẩn Samsung chính là tiêu chuẩn thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị di động, các hãng phải cạnh tranh nhau từng micromet trên mỗi sản phẩm, một con ốc sẽ phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe để giúp cho thiết bị hoạt động tốt. Tiêu chuẩn đó thậm chí còn cao hơn ngành sản xuất ôtô, vốn đã là thách thức với rất nhiều quốc gia phát triển.
Như vậy, để đáp ứng được một con ốc vít cho Samsung, không chỉ đòi hỏi phải có trình độ công nghệ cao, mà còn phải đảm bảo về chi phí và giá thành.
Để giúp các doanh nghiệp tham gia vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính Phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nhiều chính sách chưa đi vào được cuộc sống, đặc biệt là chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích việc đầu tư sản xuất. Có ý kiến cho rằng, chính sách thuế của ta nặng về tận thu. Chính vì vậy, giá thành một gói tăm, đôi đũa của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc, Đài Loan.
Bên cạnh đó, các doanh nhân Việt Nam bị nhận định là thiếu tầm nhìn xa, không đủ dũng cảm, khi làm ăn nặng về “bóc ngắn cắn dài”, quen lối “làm ngay, ăn ngay”, và bản thân các doanh nghiệp hỗ trợ còn đang yếu kém nên không thực hiện được. Tất cả những điều này đã khiến câu chuyện con ốc vít sẽ vẫn còn được đặt lên bàn nghị sự … dài dài.
Nhập tăm tre - Chở củi về rừng?!
Cùng với thực trạng này, nhiều cơ hội để tăng trưởng khác cũng đang bị Việt Nam bỏ qua vì thiếu công nghệ và vấn đề giá thành sản phẩm. Khi cuộc sống của người dân tăng lên, thế giới công nghệ ngày càng hiện đại, nhu cầu về các sản phẩm điện tử lại càng trở nên bức thiết. Nếu chúng ta chưa sản xuất được các linh kiện đơn giản này, thì vẫn phải chi cho nhập khẩu một số tiền khổng lồ.
Từ việc nhập khẩu ốc vít, lại nghĩ đến điều phi lý hơn, đó là việc nhập tăm khi chúng ta có nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ tre, trúc, mà vấn đề sản xuất cũng không phải đòi hỏi công nghệ cao siêu. Lâu nay, tăm tre bán trên thị trường hầu hết đều là sản phẩm của Hội người mù các địa phương với cách sản xuất hoàn toàn thủ công, không có tính cạnh tranh.
Phải chẳng vì thấy cái tăm bé nên nhiều doanh nghiệp nghĩ sẽ không có cơ hội để làm giàu, để sản xuất lớn từ mặt hàng này?
Ở một đất nước ở đâu cũng thấy tre, nhưng hàng năm vẫn phải nhập hàng ngàn tấn tăm tre về có chăng là một nghịch lý?. Trong khi chúng ta đang kêu gọi hạn chế nhập siêu thì việc tự sản xuất tăm tre sẽ tiết kiệm được một lượng không nhỏ ngoại tệ cho Nhà nước. Mặt khác, chúng ta có thể sẽ còn có thêm mặt hàng tăm tre để xuất khẩu ra nước ngoài.
Hai câu chuyện về ốc vít và tăm, hiểu đơn giản thì tưởng như không liên quan gì đến nhau, nhưng nó cùng nói lên một điều rằng, các doanh nghiệp vẫn tư duy theo lối mòn, kiểu nhỏ lẻ, chỉ chạy theo lợi ích trước mắt mà không hướng đến tầm nhìn lâu dài, bền vững. Và khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: “Tại sao người Việt Nam không dám lao vào cái khó? Đó là đầu tư cho công nghệ nguồn, công nghệ chế tạo, mà lại thích lao vào công nghiệp chế biến, lắp ráp, gia công?”
Để rồi, Việt Nam đã trở thành một nước nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất cho Trung Quốc với kim ngạch lên tới 23 tỉ USD/năm. Nếu như năm 2001, chúng ta nhập của Trung Quốc 210 triệu đôla thì đến năm 2013 đã là 23 tỉ. Như vậy là đã tăng tới 120 lần.
Việc tận dụng các cơ hội để phát triển nền kinh tế, hạn chế nhập khẩu sẽ tiết kiệm được nguồn chi phí lớn, góp phần hạn chế nợ xấu. Nhưng phải đến bao giờ, chúng ta mới thực hiện được điều này?.
Phan Thuỷ/Người đưa tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét