30 tháng 10, 2014

Phải làm rõ nguyên Bí thư Hồ Xuân Mãn có phải là đảng viên hay không?

Nguyễn Phương/ Một thế giới
Ảnh bên:Các cựu chiến binh cho rằng việc hủy quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVT đối với ông Hồ Xuân Mãn là việc làm đúng
NQL: Chỉ cần hỏi ông Mãn: Chi bộ đầu tiên mà ông sinh hoạt sau khi được kết nạp gồm những ai là ra ngay thôi.
"Chuyện ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế vào đảng là chuyện khó tin, không có thật nên Trung ương cần truy lại quá trình vào đảng của ông Mãn”, một cựu chiến binh nói.
Sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định hủy danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) đối với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế, nhiều cựu chiến binh dũng cảm tố giác về sự gian dối của ông Mãn hết sức vui mừng.
Tuy nhiên, họ vẫn chưa thỏa mãn, khi nội dung tố cáo ông Mãn không chỉ dừng tại đây.
“Ông mãn không phải là đảng viên”
Cựu chiến binh Hoàng Phước Sum, một trong 4 người đứng đơn tố giác nói: “Việc hủy quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVT đối với ông Hồ Xuân Mãn là việc làm đúng, mang lại niềm vui hết sức to lớn đối với các cựu chiến binh như chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn khi vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ”. 
Cựu chiến binh Hoàng Phước Sum: Chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn khi vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ
Cụ thể, như việc ông Hồ Xuân Mãn khai man ngày vào đảng là 11.01.1974, trong khi thời kỳ đó tôi là Đội trưởng đội an ninh huyện Phong Điền, và trong suốt khoảng thời gian này (1974-1975) tôi ở với ông Mãn. Trong thời điểm này, ông Mãn đang đi học quân sự tại khu ủy, không có chi bộ nào kết nạp đảng cho ông Mãn cả. Thời điểm đó, cả nước đang tập trung cho chiến dịch năm 1975, thời gian này ông Mãn chỉ là trợ lý ở Huyện đội Phong Điền.
“Ông Lê Văn Uyên (người đứng đơn tố giác), nguyên huyện ủy viên, Trưởng ban tổ chức huyện ủy (1968-1975) xác nhận không hề kí cho ông Mãn kết nạp Đảng. Cho nên chuyện ông Mãn vào đảng là chuyện khó tin, không có thật nên Trung ương cần truy lại quá trình vào đảng của ông Mãn”, ông Sum đề nghị.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Phận nói: “Tôi vừa nhận được tin hủy quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVT đối với ông Hồ Xuân Mãn hôm qua. Đây là một tin vui đối với các cựu chiến binh dám đứng lên đấu tranh cho sự thật.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Phận: Trong quá trình tố cáo, thì các cựu chiến binh bị xã hội đen đến đánh đập, dọa dẫm bằng tin nhắn.
Cuối đời rồi, mình tố cáo là vì mình là người lính cụ Hồ, mình là người chứng kiến lịch sử, nên phải có nhiệm vụ phản ánh với đảng để làm trong sạch bộ máy. Ông Mãn là một du kích bình thường nhưng đã gian dối làm nên chuyện động trời, gây chấn động cả nước.
Nhưng nếu chỉ hủy danh hiệu AHLLVT thôi là chưa đủ, mà phải xem xét lại chuyện ông Mãn khai khống là đã kết nạp đảng vào ngày 11.01.1974 và phải xem lại ông Hồ Xuân Mãn có xứng đáng là 1 trong 3 bí thư tiêu biểu được tuyên dương trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của Bác hay không”.
Theo ông Phận, ông Mãn đã có mưu đồ “chui sâu leo cao” từ trước. Lừa trên, dối dưới. Việc hủy quyết định danh hiệu AHLLVT với ông Mãn là chính đáng, dù có muộn. Có lúc làm cho các cựu chiến binh nản chí, đáng ra phải ra quyết định sớm vì chúng tôi đã tố cáo quá lâu (năm 2003), mạnh nhất là năm 2005.
Chính việc chậm trễ đã làm cho ông Mãn dám thách thức, trắng trợn, lộng hành tuyên bố với chúng tôi “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, làm gì được tao. Trong quá trình tố cáo, thì các cựu chiến binh bị xã hội đen đến đánh đập, dọa dẫm bằng tin nhắn. Ai cũng biết, ông Mãn không phải là đảng viên, chưa kết nạp đảng nhưng không ai trả lời cho cựu chiến binh biết”.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Phong thì tuyên bố khẳng khái: “Có những lúc bắt con chuột đừng đập vỡ bình, nhưng với ông Mãn thì cần thiết phải đập vỡ bình để bắt con chuột. Anh em chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn với việc chỉ hủy quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVT với ông Mãn, lẽ ra phải thu hồi và trả lại tiền thưởng cho nhà nước mà ông Mãn đã nhận từ năm 2010 đến nay.
Ông Mãn chỉ là con sâu đã làm rầu nồi canh. Mình không ghét bỏ gì ông Mãn, chúng tôi luôn là anh em, nhưng cướp công đồng đội để được anh hùng thì không được”.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Phong: Sao không thương đồng chí, đồng đội đã âm thầm ngã xuống, nhường cho ta sự sống/Lại đem lòng tráo trở cướp công nhau....
Vì tôi sống tình cảm với ông Mãn nên mới làm bài thơ tặng ông Mãn. Bài thơ có tựa đề: Ngậm ngùi.
“Vẫn còn đó bao người còn sống
Cùng một thời lăn lộn chiến trường xưa
Trang sử chép chiến công chưa ráo mực
Sao vội vàng để quá khứ thương đau
Sao không nhớ một thời thanh xuân hăm hở sống quên mình
Đêm từng đêm chân đất, đầu trần băng rừng lội suối
Cùng đồng đội chia nhau từng khói thuốc
Từng bát cơm, ngụm nước dưới hầm sâu
Sao không thương đồng chí, đồng đội đã âm thầm ngã xuống, nhường cho ta sự sống
Lại đem lòng tráo trở cướp công nhau/....
Thắp nén hương thơm vái tạ những linh hồn
Bao chiến sỹ đã anh dũng hy sinh quên mình vì dân vì nước
 Đất nước hết chiến tranh bao người đi không trở lại
Lặng lẽ âm thầm với những nhớ thương
Thương nhớ các anh trách kẻ láo lường
Trời cho sống sao đem lòng tham tranh công đồng đội
Xây lâu đài bằng tiền, của nhân dân
 Bằng cóp nhặt chiến công xương máu từng đồng chí
Từng một thời lặn lội sống bên nhau
Thôi đành vậy kiếp này xin tạm biệt
Hẹn kiếp sau làm bạn với anh hùng”-Trường Sơn (bút danh cựu chiến binh Nguyễn Văn Phong).
“Lâu đài” cửa đóng then cài
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên -Huế nói, tỉnh sẽ triển khai những phần việc thuộc về trách nhiệm của tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan tham mưu cho tỉnh trong việc xác nhận hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng của ông Mãn. Việc xem xét và xử lý cụ thể sẽ có thông báo sau. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông báo nào cho cựu chiến binh được biết. 
Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của ông Mãn do UBND tỉnh lập tờ trình. Hồ sơ đề nghị gồm có: Tờ trình của Chủ tịch UBND tỉnh, có ý kiến nhất trí đề nghị bằng văn bản của tỉnh ủy, báo cáo thành tích của ông Mãn có xác nhận của tỉnh ủy, biên bản đề nghị tặng danh hiệu anh hùng của hội đồng thi đua – khen thưởng tỉnh. 
Huyện ủy Phong Điền, UBND huyện Phong Điền (nơi hoạt động của ông Mãn thời kháng chiến) cũng có văn bản đề nghị. Hồ sơ này còn được xác nhận bởi hệ thống cơ quan quân sự gồm: Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng. Ban thi đua – khen thưởng trung ương thẩm định hồ sơ trên cơ sở đề nghị của tỉnh, ý kiến của các cơ quan quân sự và đề nghị của Hội đồng thi đua – khen thưởng trung ương. 
Các cựu chiến binh bức xúc về việc nguyên bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế khai man thành tích.
Chúng tôi đã có gắng liên lạc với ông Hồ Xuân Mãn, nhưng thuê bao không liên lạc được, ghé “lâu đài” nhà ở 66 Thạch Hãn, TP- Huế thì cửa đóng, then cài.

Không có nhận xét nào:

Trang