Lê Thanh Phong/ Lao động
“Nếu sử dụng ngôn ngữ đời thường, thì hiện nay pháp luật phòng, chống tham nhũng có thể ví như “một con hổ không răng” do thiếu nội lực đủ mạnh để thực sự mang tính răn đe, và hiệu lực trong thực tiễn” - ông Jairo Acuna-Alfaro - Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển LHQ - phát biểu như vậy tại Hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng ở VN” diễn ra vào ngày 28.10 tại Hà Nội.
Ông Jairo Acuna-Alfaro đã đưa ra một hình ảnh ví von rất hay trong hoạt động chống tham nhũng. Về hình thức thì rất mạnh mẽ, nhưng thực chất là chuyện khác. Thử tìm chân dung con “hổ không răng” này xem.
Một vấn đề vừa được thảo luận tại diễn đàn Quốc hội về phòng, chống tham nhũng, đó là, thanh tra thì nhiều nhưng phát hiện thì ít. Có địa phương trong hai năm tổ chức trên 800 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 2 vụ nho nhỏ. Tiền thu được từ tham nhũng chắc không đủ để trả tiền xăng đi thanh tra. Đúng là không bắt được mồi to vì hổ không có răng.
Phát hiện tham nhũng ít, thu tiền tham nhũng về còn ít hơn. Năm 2014, kết quả thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỉ đồng/6.740 tỉ đồng thiệt hại trong các vụ án tham nhũng (đạt tỉ lệ 22,3%). Tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra từ ngày 1.10.2010 đến 30.4.2013, được phát hiện là khoảng 17.000 tỉ đồng, nhưng tổng số tiền thu hồi được chỉ khoảng gần 5.000 tỉ đồng (chưa được 1/3).
Gần 1 triệu người thực hiện kê khai tài sản, chỉ phát hiện một trường hợp không trung thực. Con số phi lý đến mức Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển phải khẳng định với báo giới rằng đó là “con số không trung thực”.
Đúng là “hổ không răng”, chẳng bắt được gì cả. Cho nên mới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội-Nguyễn Đình Quyền nói: “Chúng ta phải nghiên cứu kiểm soát tài sản toàn bộ xã hội chứ cứ loay hoay kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, người có chức vụ quyền hạn thì sẽ xảy ra trường hợp bố là bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh… không có tài sản nhưng con là giám đốc một ngân hàng có hàng ngàn tỉ. Trong trường hợp đó chúng ta không kiểm soát được”.
Quá đúng. Bố chẳng có gì ngoài chiếc ghế nho nhỏ và con dấu xinh xinh, nhưng con có cơ ngơi tài sản như tỉ phú ngoại quốc. Bắt ông bố kê khai tài sản mà không kiểm soát ông con thì vô ích. Cái cách kiểm tra cán bộ này đúng là “hổ không răng”. Nhưng coi chừng, nếu đụng phải “sư tử con” là rất nguy hiểm.
“Hổ không răng” đánh nhau sao lại “sư tử”. Không có vụ án tham nhũng nào có ông “sư tử” xuất hiện trước vành móng ngựa là vì vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét