30 tháng 10, 2014

Sao người ta lại có thể say danh vọng đến mức ấy?

Phạm Kinh Bắc/ VOV.VN/ Một thế giới
Ảnh bên:Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Hỗ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế
Sự trơ tráo của vị cán bộ cao cấp này khiến tôi cứ thắc mắc: Sao người ta lại có thể say danh vọng đến mức ấy? 
Ngày hôm qua (24.10), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2721/QĐ-CTN về việc hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Hỗ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế.
Lý do là ông Hồ Xuân Mãn kê khai không đúng thành tích để được phong tặng danh hiệu, nói khác đi là khai man, dối trá với tổ chức và nhân dân.
Quyết định này đã trả lại công bằng cho lịch sử, cho những đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng thật, hy sinh thật. Đặc biệt là cho những đồng chí đồng đội từng ở cùng ông Mãn, biết rõ con người thật của ông, sau này, cực chẳng đã, họ lại phải tiến hành một cuộc đấu tranh khác, cũng khó khăn phức tạp không kém thời chiến sinh tử, để cho xã hội biết được sự thật: ông Hồ Xuân Mãn là một anh hùng rởm. 
Việc Hồ Xuân Mãn khai man để được phong anh hùng là một bê bối thi đua khen thưởng. Không cần phân tích nhiều, ai cũng hiểu những tác động rất tiêu cực của vụ bê bối này. Làm sao mà ông Mãn lại có được danh hiệu cao quí đó, và thực ra là còn nhiều danh hiệu khác nữa?
Theo tinh thần thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những người liên quan trong qui trình xét tặng danh hiệu cho ông Mãn phải chịu trách nhiệm.
Quan trọng hơn là sau đây những sơ hở của qui trình này phải được khắc phục triệt để, nhằm đảm bảo không có một anh hùng rởm thứ hai nữa.
Sự trơ tráo của vị cán bộ cao cấp này khiến tôi cứ thắc mắc: Sao người ta lại có thể say danh vọng đến mức ấy? Hình như lâu nay, danh-vọng-có-chứng-nhận được nhiều người dùng như một công cụ để thăng tiến và tư lợi.
Có lẽ, nếu đi kèm danh hiệu được tôn vinh, không có các khuyến khích vật chất hay các điều kiện mang lại lợi lộc khác (ví như kéo dài tuổi công tác, thời gian tại vị…) thì chưa chắc người ta đã bất chấp liêm sỉ như vậy?
Cho nên, với những người thuộc diện quan chức có thành tích đáng được tôn vinh, liệu có nên hướng tới một sự “tôn vinh thuần khiết” để tránh tiêu cực hay không?
Điều đáng nói là thời nay, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được khen chiếm tỷ lệ cao quá, nhiều nơi là áp đảo. Ít thấy bóng dáng của những người lao động bình thường.
Khen thế thực tế có thể cũng không sai, tuy vậy có khi cũng chưa được thuyết phục cho lắm. Nói cách khác là nghe sao sao ấy!
Có ai đó đã nói nhân dân tinh tường lắm, những người một lòng vì nước vì dân thì dù không có huân chương đỏ ngực nhưng vẫn được dân tin yêu, quí trọng, tôn thờ. Ngược lại, thì chỉ làm bia miệng để người đời khinh bỉ .

Không có nhận xét nào:

Trang