Theo khảo sát của PV báo Người Đưa Tin tại khu liên hợp thể thao quốc gia (KLHTTQG) Mỹ Đình, rất nhiều công trình, hạng mục được xây dựng công phu, "dày vốn" sau một lần "tỏa sáng" rồi xuống cấp trầm trọng hoặc nâng cấp thành nơi kinh doanh với các dịch vụ tổ chức cưới hỏi, rạp chiếu phim, massage... hoành tráng.
Mới đây, lối vào khán đài sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình với số vốn trên nghìn tỷ đã bắt đầu lộ ra nhiều vết nứt toác, nham nhở.
Nuôi ngỗng ở công trình nghìn tỷ
Sở dĩ bạn đọc quan tâm nhiều đến KLHTTQG Mỹ Đình, đặc biệt là SVĐ Mỹ Đình bởi cách đây 11 năm, SVĐ này được đánh giá là hoành tráng và hiện đại nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư hơn 50 triệu USD, tương đương với trên 1.000 tỷ đồng.
Được biết, KLHTTQG Mỹ Đình được khởi công xây dựng ngày 6/12/2001 để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội với tổng diện tích 247 ha.
Một phần bên trong SVĐ Mỹ Đình trở thành nơi chăn thả gia cầm.
SVĐ có sức chứa 40.192 chỗ ngồi với bốn khán đài: Khán đài phía Tây và phía Đông có 2 tầng, cao 25,8m; khán đài phía Bắc và phía Nam có 1 tầng, cao 8,4m. Xung quanh sân vận động có 419 phòng chức năng. Hệ thống chiếu sáng của sân gồm 355 bóng, được bố trí ở 4 cột, cao 54m. Mái SVĐ nặng 2.300 tấn, khẩu độ 156m, đường kính 1,1m.
Sau những trận cầu kinh điển khiến người hâm mộ bóng đá nghẹt thở thì giờ đây, SVĐ Mỹ Đình rơi vào cảnh đìu hiu khi mỗi năm chỉ tổ chức gần chục sự kiện thể thao.
Nhiều người khi đi qua đường Lê Đức Thọ, phía mặt tiền của SVĐ không khỏi xót xa khi chứng kiến ánh sáng lấp lánh của biển quảng cáo rạp chiếu phim, khu massage, trung tâm tổ chức tiệc cưới chứ không phải là nơi dành cho người yêu thích thể thao. Phía sau khán đài D, nơi sát khu dân cư giờ cũng trở thành sân golf và quán nhậu.
Đi sâu vào bên trong SVĐ Mỹ Đình, theo ghi nhận của PV, tại các cửa ra vào của khán đài C và D, những bức tường đã bị nứt toác nhiều vệt dài, chiều rộng 5 - 7cm. Tại cửa số 1, 3, 4, 5, 7 của khán đài C, xuất hiện các vết lún nứt khá dài, ước chừng khoảng 7 - 10m ngang dọc hai bên tường khán đài ngay lối ra vào ở các cửa, bề ngang vết nứt rộng gần 5-7 cm.
Ngoài ra, tại một số cửa như cửa số 4 khán đài D cũng bị nứt toác, những vết nứt và độ dài tương đương với các cửa ở khán đài C. Một số vết nứt tại khán đài C đã được trám xi măng, nhưng vẫn lộ rất rõ.
Phía bên hông SVĐ Mỹ Đình, tại những khu đất bỏ trống, gà, ngan, ngỗng được nuôi thả tự do. Tiếng gia cầm kêu inh ỏi, mùi khó chịu bốc lên khiến không khí bên trong SVĐ ngày thường trở nên ảm đạm. Quan sát toàn cảnh KLHTTQG Mỹ Đình có thể thấy nhiều khu đất được bao bọc kín cổng cao tường nhưng vẫn để hoang khiến cỏ dại mọc cao hơn dáng người đứng.
Cảnh quan bên ngoài tráng lệ của khu LHTTQG Mỹ Đình với diện tích 247ha. ảnh: T.L
Nằm ngay sát sân Mỹ Đình là tổ hợp cung thể thao dưới nước, có 3 bể bơi với tổng vốn xây dựng khoảng 240 tỷ đồng. Nhưng cung này hầu như đóng cửa bởi mỗi năm tại đây chỉ tổ chức vài giải bơi quốc gia, thậm chí phong trào.
Ngoài ra, nhà thi đấu Gia Lâm cũng từng được báo chí lên tiếng về sự xuống cấp rất đáng lo ngại. Từ sau SEA Games 22 (tổ chức môn karate), nhà thi đấu này chủ yếu là nơi tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cấp huyện, cấp xã, thậm chí còn cho thuê là nơi biểu diễn văn nghệ, đám cưới…
Tương tự là nhà thi đấu Quần Ngựa và nhà thi đấu Hoàng Mai, giờ đây chỉ được biết đến là nơi tổ chức các sự kiện giải trí, hay thậm chí chỉ là địa điểm… trông giữ xe.
Và nhiều hạng mục "núp bóng" sự kiện
Như vậy, có thể thấy, SVĐ Mỹ Đình với chi phí xây dựng nghìn tỷ tưởng chừng như là nơi hiệu quả nhưng sau SEA Games 22 thì hàng năm cũng chỉ diễn ra vài trận đấu bóng đá quốc tế... Buổi tối, SVĐ Mỹ Đình trở nên nhộn nhịp bởi ánh sáng của khung quảng cáo chuyên tổ chức tiệc cưới rực rỡ lan tỏa đường phố.
Phía bên trong, rạp chiếu phim và khu cà phê, nghe nhạc cũng tấp nập người ra vào. Hiện có hàng chục đơn vị liên doanh, liên kết hoặc thuê địa điểm tại KLHTTQG Mỹ Đình để làm kinh tế.
Đáng nói nhất là phía cổng sau của SVĐ Mỹ Đình nơi đối diện với bệnh viện Thể thao Việt Nam hầu như không mở cửa. Bên cạnh đó là trụ sở của siêu thị nội thất Đông Phương được xây dựng cao tầng, hoành tráng ngay trong khu vực của khu liên hợp.
Riêng cung thể thao dưới nước đối diện sân Mỹ Đình, những khoảng đất tạo tiểu cảnh xung quanh cung đã bị tận dụng để cho doanh nghiệp thuê làm nhà hàng mang tên Landscape, trung tâm vui chơi trẻ em, CLB patin Ben10, xưởng dịch vụ ôtô... Trong tòa nhà của cung, nhiều năm nay KLHTTQG Mỹ Đình đã cho trường Quốc tế Newton thuê làm địa điểm dạy học cho hàng trăm học sinh từ cấp I-III. Cung thể thao dưới nước từ đó kiêm luôn chức năng trường học cho học sinh.
Một bức tường lối vào khán đài SVĐ Mỹ Đình đã bắt đầu lộ ra nhiều vết nứt kéo dài.
Toàn bộ khu đất hàng ngàn mét vuông ngay cạnh quảng trường Mỹ Đình hiện nay được dùng làm chỗ bán cây cảnh, đá cảnh… cùng rất nhiều dịch vụ khác, không liên quan gì đến thể thao. Còn cung điền kinh 546 tỷ đồng sau một lần tổ chức Asian Indoor Games 2009 đến nay sau khi giao cho sở VH,TT&DL Hà Nội quản lý thì nó đã thành nơi cho thuê đấu quần vợt, nơi tập luyện một số môn võ, tổ chức cưới, show ca nhạc.
Chuyện "dùng một lần rồi bỏ" của nhiều hạng mục thể thao đã được nhiều các cơ quan chức năng bàn tới. Tuy nhiên, oái oăm ở chỗ, nhiều hạng mục ấy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng lại chuyển đổi sang mục đích kinh doanh, tổ chức sự kiện chứ không dành cho phục vụ thể thao. Được biết, cách đây 3 năm, KLHTTQG Mỹ Đình đã xin trực thuộc bộ VH,TT&DL thay vì tổng cục TDTT, đồng thời xin cơ chế "tự hạch toán thu - chi" chứ không sống dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước nữa và đã được Bộ chủ quản đồng ý.
Một thực trạng hết sức nghịch lý hiện nay là trong khi ngành thể thao luôn kêu ca chuyện thiếu hụt kinh phí thì những câu chuyện với bao công trình đầu tư lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lại trở nên hoang vắng, đìu hiu. Tuy nhiên nếu ASIAD 18 được tổ chức tại Việt Nam thì vấn đề này lại "nóng" hơn bao giờ hết. Theo dự kiến, để phục vụ cho ASIAD 18 năm 2019, Nhà nước sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều tiền để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục đang được "đắp chiếu" nói trên.
Không phải tận thu kiếm tiền là xã hội hóa
Theo ông Nguyễn Hữu Thu (nguyên Giám đốc khu LHTTQG Mỹ Đình): "Trước đây các văn bản của Nhà nước không cho phép việc liên doanh, liên kết như vậy. Nếu theo đúng Luật Đất đai, đối với đất sử dụng tiền của Nhà nước để giải phóng mặt bằng thì không được đem ra góp vốn, liên kết kiếm tiền. ở đây, tôi chỉ cho rằng khi tiến hành cần thiết phải chú ý để tránh không ảnh hưởng đến quy hoạch cảnh quan của khu LHTTQG".
Còn ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ Trưởng vụ Thể thao thành tích cao) cho rằng: "Xã hội hóa là huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm phát triển một mục tiêu, lĩnh vực nào đó. Ví dụ các doanh nghiệp vào liên kết với khu LHTTQG làm lợi cho thể thao như làm sân quần vợt, sân đua xe đạp lòng chảo, hồ bơi... theo đề án đã có thì quá tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng các công trình được đầu tư xây dựng từ tiền của Nhà nước để phục vụ mục đích thu tiền qua việc cho thuê loạn xạ quán cà phê, bãi đỗ xe, siêu thị nội thất... mà Mỹ Đình đang làm là cách tận dụng công trình Nhà nước để kiếm tiền chứ không phải bản chất của xã hội hóa".
Cao Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét