VIẾT TIẾP CHUYỆN TẾ NAM GIAO Ở FESTIVAL HUẾ 2014
Trần Đức Anh Sơn
Từ Huế trở về Đà Nẵng tối qua, sau 1 tuần tham dự Festival Huế và thực hiện các cuộc khảo sát, chụp ảnh, lấy tọa độ các di tích trong mạng lưới di tích tâm linh ở Thừa Thiên Huế cho đề tài nghiên cứu “Phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở Thừa Thiên Huế” đang thực hiện và sắp nghiệm thu.
Đó cũng là lý do mà tôi phải thức dậy lúc 2h sáng để kịp chứng kiến lễ tế Nam Giao vào giờ Dần ngày 18 tháng 3 năm Giáp Ngọ (17/4/2014). Trước đó, báo chí loan tin là năm nay lễ tế đàn Xã Tắc và lễ tế Giao năm nay sẽ không “sân khấu hóa” như trước mà sẽ trả lại chức năng xưa là chỉ để cầu cho “quốc thái dân an” và nhân dân sẽ là chủ thể của lễ hội. Khi đọc tin này tôi thấy mừng vì nghĩ rằng những “tiếng kêu” của tôi và của nhiều nhà nghiên cứu Huế trong các diễn đàn khoa học, trong các cuộc tiếp xúc với nhà chức trách và các chức sắc quản lý văn hóa ở Huế, cuối cùng cũng được lắng nghe. Thế nhưng…
Trước khi nói về lễ tế Giao năm nay, tôi xin sơ lược về lễ tế Giao thời Nguyễn:
1. Triều Nguyễn chia lễ hội cung đình thành 2 loại: LỄ TIẾT và LỄ TẾ TỰ.
- LỄ TIẾT: Là các dịp triều hội hàng tháng, gồm: Đại triều (vua ngự điện Thái Hòa để nhận chầu) và Thường triều (vua ngự điện Cần Chánh để nhận chầu); 3 cuộc lễ lớn hàng năm nhân các đại tiết: Nguyên đán (Tết âm lịch), Đoan dương (Tết Đoan ngọ), Vạn thọ (sinh nhật nhà vua); các lễ mừng nhân các dịp: Hưng quốc khánh niệm (quốc khánh của triều Nguyễn), Thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), Tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi); Thiên thu (sinh nhật hoàng hậu), Thiên xuân (sinh nhật hoàng thái tử), lễ đăng quang (lễ lên ngôi của nhà vua), lễ tấn tôn (lễ sách phong hoàng thái hậu, hoàng thái phi), lễ mừng nhà vua ngự cung mới, lễ mừng hoàng thái hậu ngự cung mới, lễ sách phong… Ngoài ra, vào các tiết: Lập xuân, Đông chí, Thượng nguyên (15 tháng 1), Trung nguyên (15 tháng 7), Hạ nguyên (15 tháng 10), Thất tịch (7 tháng 7), Trùng dương (9 tháng 9)… triều đình cũng tổ chức triều hội hay tế lễ tại các miếu. Những lễ hội này cũng được xếp vào mục lễ tiết.
- LỄ TẾ TỰ: Là các lễ tế tại các đàn, miếu do triều đình lập ra, thờ tự và tổ chức tế lễ hàng năm. Triều Nguyễn quy định các lễ tế tự theo 3 bậc:
+ Đại tự: Gồm các lễ tế tại: đàn Nam Giao; các miếu trong Hoàng Thành gồm: Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên; điện Hiếu Tư; điện Long An; miếu Triệu Tường và miếu Trừng Quốc công; các lăng tẩm của các vị chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn; đàn Xã Tắc.
+ Trung tự: Gồm các lễ tế tại: miếu Lịch đại đế vương; miếu Lê Thánh Tông; Văn miếu; đàn Tiên Nông.
* Quần tự: Gồm các lễ tế tại: đền Khải Thánh; Võ miếu; miếu Quan Công; miếu Quốc vương Chiêm Thành; miếu Quốc vương Chân Lạp; miếu Khai quốc công thần; miếu Trung hưng công thần; miếu Trung tiết công thần; miếu Đô Thành hoàng; miếu Hội đồng; miếu Thai Dương phu nhân; miếu Nam Hải long vương; miếu Hậu thổ; miếu Mộc thương, miếu Hỏa pháo thần; miếu Tiên Y; miếu Vũ sư; miếu Phong bá; miếu Thiên phi; miếu Hỏa thần; miếu Sơn thần; miếu Tiên nương; miếu thờ thần hồ; miếu thờ thần các đảo; đàn Ân tự; đàn Âm hồn; đàn Sơn xuyên; miếu thờ Thổ kỳ; từ đường thờ các thân huân, hoàng thân; từ đường thờ gia tiên các phi tần có công lao, đức hạnh lớn với triều đình, hoàng gia…
Như vậy, tế Nam Giao thuộc hàng “đại tự”, là lễ tế quan trọng nhất trong năm của triều Nguyễn. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” do Nội các triều Nguyễn biên soạn, thì lễ tế Giao diễn ra vào một ngày tốt trước ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ tế diễn ra tại đàn Nam Giao, ở làng Dương Xuân (nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế). Đàn này do vua Gia Long cho lập vào năm 1807. Đến triều Thành Thái (1889 - 1907), do đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ, nhà vua không có thực quyền, kinh tế lại khó khăn, nên nhà vua ban dụ quy định thay vì tổ chức tế Giao hàng năm thì từ năm 1890 trở đi, cứ 3 năm mới làm lễ tế Giao một lần.
Trước khi tế Giao, vua phải “nhập” Trai Cung (tòa hành cung xây ở góc tây nam của đàn Nam Giao), lưu lại đó 3 ngày để chay tịnh (ăn uống kiêng khem, không được gần gũi phụ nữ…) để “thanh trần”. Đến giờ Dần ngày thứ 3 vua và tùy tùng mới đi từ Trai Cung sang đàn Nam Giao, đi qua Nam Môn, thượng đàn để cử hành lễ tế. Lễ tế gồm 3 phần: sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, trong đó phần “thài” các nhạc chương là quan trọng nhất. Ngoài ra còn có phần trình diễn điệu múa Bát dật do 128 vũ sinh trình diễn.
2. Từ năm 2004, tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư kinh phí để phục dựng lễ tế Giao trong các kỳ Festival Huế nhằm tăng thêm hoạt động của Festival và thu hút du khách đến với Festival. Cụ thể: Festival Huế 2004 phục dựng trích đoạn “Ngự đạo hồi cung”; Festival Huế 2006 phục dựng cả 3 phần: Ngự đạo xuất cung, lễ tế tại đàn, Ngự đạo hồi cung, nhưng ưu tiên phần “hội” hơn phần “lễ”; Festival Huế 2008 phục dựng cả phần “lễ” và phần “hội” nhưng nhấn mạnh phần “lễ”, Festival Huế 2010 chỉ phục dựng trích đoạn lễ rước nhà vua từ Trai Cung lên đàn và phần tế tại đàn Nam Giao; Festival Huế 2012 phục dựng tương tự như Festival Huế 2010; Festival Huế 2014 chỉ phục dựng phần tế tại đàn Nam Giao.
Như vậy, lễ tế Giao đã xuất hiện trong 6 kỳ Festival Huế, trong đó có 5 kỳ là hình thức “sân khấu hóa” để phục vụ du lịch và 1 kỳ (2014) được xưng tụng là “phục dựng xác thực” nhằm phục vụ đời sống tâm linh của cộng đồng. Nhưng, cả 6 lần phục dựng tế Giao này đều bị dư luận chỉ trích vì những điều kỳ quặc và sự tùy tiện của ban tổ chức.
Tôi còn nhớ Festival Huế 2006, bài văn tế Trời - Đất đọc tại đàn Nam Giao có câu mở đầu như sau: “Việt Nam xã hội chủ nghĩa cộng hòa quốc, Thừa Thiên Huế tỉnh, Thuận Hóa thị, Trường An phường… Phụng thiên thừa vận, hoàng đế...”. Khi xem truyền hình trực tiếp lễ tế Giao năm đó, nhiều người Huế có học “bổ ngửa” bởi sự kỳ quặc này. Tại Hội thảo khoa học Sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch bền vững (do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật thành phố Huế tổ chức vào ngày 24.6.2006), nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã phát biểu về việc này như sau (đại ý): “Nếu những gì diễn ra trong lễ tế (phục dựng) này là đúng sự thật, thì lịch sử thế giới cần phải viết lại, vì sớ tế trời của ông vua thời Nguyễn mà lại xướng danh Cộng hòa XHCN Việt Nam. Như vậy, chế độ XHCN đã có ở Việt Nam trước khi Cách mạng Tháng Mười diễn ra ở Nga vào năm 1917”.
Trước đó, khi tham dự cuộc họp để phổ biến kế hoạch tổ chức lễ tế Giao trong Festival năm 2006, ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã đưa ra một văn bản do một vị Phó ban của Ban Tuyên giáo Trung ương ký, nội dung đồng ý cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phục dựng lễ tế Giao có vua, nhưng người đóng vai ông vua ấy phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:
“1. Là nghệ sĩ ưu tú trở lên;
2. Phải là Đảng viên Đảng CS Việt Nam;
3. Phải có lý lịch rõ ràng;
4. Không được là người của dòng họ Nguyễn Phước (tức là con cháu các vua Nguyễn)".
Khi nghe nội dung công văn này, tôi cười ngất và phát biểu: “Cha mẹ ơi, vua mà phải là Đảng viên Đảng CSVN, rồi phải có lý lịch rõ ràng. Rõ là đồ điên. Vì ai có lý lịch không rõ ràng thì làm sao mà vào Đảng CSVN và vua chúa phong kiến là đối tượng đánh đổ của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân do Đảng CSVN lãnh đạo thì làm sao là Đảng viên được. Tôi đề nghị bỏ bớt tiêu chuẩn “Có lý lịch rõ ràng” mà bổ sung tiêu chuẩn “Phải là người gầy ốm” để cho các phu kiệu còn khiêng được, chứ ông vua Đảng viên béo mập 90kg ngồi lên kiệu, bắt 8 người khiêng đi bộ 12 km từ Đại Nội lên đàn Nam Giao và trở về thì ai khiêng được”. Thế là tôi bị phê bình vì phát biểu thiếu nghiêm túc.
Hai ảnh trên: Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tế Giao, (Festival 2014. Ảnh: VNExpress)
Đến các kỳ Tế giao tiếp theo thì vua “giả” (do một diễn viên trẻ măng đóng) lên tế trên Viên đàn, nhưng các bô lão tham gia tế tại Phương đàn thì là những bô lão được chọn lựa rất gắt gao, phải có đủ “đạo cao đức trọng”.
Phản biện ý kiến của ông Phùng Phu (Phó ban Tổ chức Festival Huế) phát biểu với báo chí trong cuộc họp báo trước lễ bế mạc Festival Huế 2010 cho rằng “các lễ tế giao phục dựng đã thể hiện tính chân xác của các lễ hội cung đình Huế", báo Sài Gòn tiếp thị (số ra ngày 13.6.2010), đăng bài “Kết thúc lễ hội, những băn khoăn còn lại” của phóng viên Hồ Hương Giang có đoạn viết: “Tính chân xác ấy, lần nào diễn ra cũng như trêu đùa bỡn cợt.
Ở lễ tế Nam Giao, Ban tổ chức đã huy động tới 160 bô lão đến từ các làng văn hóa tiêu biểu trong tỉnh để tham gia lễ hội. Thế nhưng, linh hồn của lễ hội, nhân vật chính của lễ tế... lại là ông vua giả (do diễn viên đóng). Vậy là tính chân xác chỉ có trên lớp áo của người diễn viên. Đáng nói là khi tái hiện lại lễ rước nhà vua lên đàn tế và hồi cung, các bô lão “thật” đều phải quỳ mọp đầu trên sân để đón ông vua “giả” đi qua”.
Bản thân tôi liên tục có các ý kiến phản biện về vấn đề “vua giả” và việc đánh mất “tính chân xác” trong các lễ tế Giao và tế Xã Tắc phục dựng này kể từ năm 2006, nhưng ý kiến của tôi luôn bị cho là “dở hơi” hay “phá bỉnh”. Tại hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 4 năm tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2012, tôi trình bày tham luận LỄ HỘI CUNG ĐÌNH TRIỀU NGUYỄN VÀ VẤN ĐỀ KHAI THÁC CÁC LỄ HỘI NÀY ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - DU LỊCH Ở HUẾ. Tham luận này được các học giả trong và ngoài nước như GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, PGS.TS. Lê Hồng Lý, TS. Oscar Salemy… và cử tọa rất tán đồng, nhất là phần đề nghị: “Phải chấm dứt việc đóng giả vua và sân khấu hóa 1 cách thô thiển ở một không gian thiêng như đàn Nam Giao” và “nếu có tổ chức lễ tế Giao thì nên làm cho đúng ngày đúng giờ, chỉ với mục đích cầu cho quốc thái dân an và nên cử một vị bô lão có uy tín trong tỉnh đứng ra chủ tế (mà cũng chỉ tế ở Phương đàn), thay vì đóng giả vua và để cho các chức sắc hàng tỉnh mặc áo vàng như vua léo hánh lên Viên đàn hành lễ.
Xin lưu ý là thời Nguyễn chỉ có vua mới được cử hành lễ trên Viên đàn. Có hai lần tế Giao nhà vua không tham dự, xảy ra vào triều Tự Đức (do nhà vua bị ốm) và triều Duy Tân (do vua bị Pháp bắt đi đày). Một vị đại thần phải thay vua làm chủ tế nhưng chỉ được tế ở Phương đàn.
Vậy mà bây giờ, hết ông (cựu) bí thư tỉnh ủy HXM lại đến ông (đương kim) bí thư tỉnh ủy NNT mặc “hoàng bào” bước lên Viên đàn chủ tế. Sau lưng là một đội ngũ quan chức cấp tỉnh, cũng lên Viên đàn tham gia lễ tế. Thật là không nên.
Những lý thuyết về CNCS mà Việt Nam đang theo đuổi không thừa nhận thần linh, Trời - Đất, trong khi chế độ quân chủ lại tuân thủ Nho giáo, coi vua là Thiên tử (con Trời) và thừa nhận Trời là vị thần linh tối uy. Hai ý thức hệ này rất khác nhau. Vậy tại sao một ông bí thư tỉnh ủy vô thần lại làm chủ tế tế Trời - Đất. Như vậy không phải là vi phạm nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê Nin mà ông ấy đang phụng sự hay sao? Ông bí thư hay ông chủ tịch tỉnh phải là người vạch hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chỉ đạo quan chức cấp dưới và nhân dân trong tỉnh thực hiện các quyết sách kinh tế - xã hội ấy cho hiệu quả để tạo nguồn thu, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, làm cho dân thì giàu, quê hương thì phồn vinh, tươi đẹp. Còn việc “cầu Trời, khấn Phật” thì đâu phải nhiệm vụ của mấy ổng?
Quả thật, chứng kiến 2 lễ tế Giao phục dựng trong năm 2010 và 2012, thấy ông cựu bí thư HXM mặc áo vàng xúng xa xúng xính bước lên Viên đàn tế Trời, tôi thấy sôi máu trong người. Cứ tưởng đến kỳ tế Giao này sẽ khác. Ai ngờ cũng y như thế.
Làm lãnh đạo ở các tỉnh thành khác, có thể chỉ cần giỏi về chính trị, hiểu về kinh tế là ổn. Nhưng làm lãnh đạo ở Thừa Thiên Huế, ngoài những tiêu chuẩn đó, quý vị cần phải biết lịch sử - văn hóa xứ Huế để cư xử cho đúng mực. Đừng vì không hiểu biết mà bôi nhọ lịch sử và chà đạp văn hóa như quý vị đã làm. Nếu chưa bị Trời - Đất trừng phạt, thì quý vị cũng đã trở thành bia miệng cho người đời chê cười vì những “trò hề” của mình. Tôi nói thiệt đó.
T.Đ.A.S
____________
TB: Toàn văn bài viết về lễ hội cung đình triều Nguyễn và ý kiến của cá nhân tôi về việc phục dựng các lễ hội này được lưu giữ ở địa chỉ: http://voque.org/index.php/ngh-s-hu-mainmenu-28/vn-hc-mainmenu-47/1193-nha-nghien-cu-vn-hoa-trn-c-anh-sn
Sau đó tôi có bổ sung hoàn chỉnh thành tham luận tại hội thảo VNH lần thứ 4 (2012). Ai có nhu cầu tham khảo để biết thêm thông tin thì click vào đường dẫn trên để xem hoặc đọc ở tập 2, bộ kỷ yếu 5 tập của Hội thảo VNH lần thứ 4 vừa được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xuất bản.
Nguồn: FB Trần Đức Anh Sơn.
TS. Trần Đức Anh Sơn sinh 1967 tại Huế. Tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) năm năm 1989. Năm 2002, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn” (Đồ sứ men lam Huế). Từ 1990 – 1993, làm hướng dẫn viên du lịch. Từ 1993 – 1995, làm cán bộ nghiên cứu về lịch sử, bảo tồn tại Trung tâm BTDTCĐ Huế. Sau đó làm Phó giám đốc (1995 -2001), rồi giám đốc (2001 -2007) Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Từ tháng 1.2008, làm Trưởng khoa Việt Nam học của Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam). Tháng 1.2009 đến nay, làm việc tại Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng với các chức danh Trưởng phòng Nghiên cứu Xã hội Nhân văn và bây giờ là Phó viện trưởng phụ trách lĩnh vực Xã hội Nhân văn.
_____________
Một học giả của đất Cố Đô bình:
Bí thư mà tế thì sai nhòe đi rồi, vì cộng sản vô thần. Đã thế lại còn leo lên Viên đàn, mặc áo vàng như vua để tế.
Thời Nguyễn chỉ có 2 lần quan tế thay vua, xảy ra vào đời Tự Đức và đời Duy Tân. Những người tế thay sau đó phải chịu án tam ban triều điển. Mà họ cũng chỉ tế ở phương đàn thôi.
Còn bây giờ một ông Bí thư cộng sản lại tự cho mình là vua, khoác hoàng bào léo hánh lên Viên đàn để thế thiên hành đạo. Bố láo hết sức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét